e magazine
12/02/2023 15:26
Công ty vi phạm quyền lợi BHXH, người lao động có thể khởi kiện

12/02/2023 15:26

Sau làn sóng mất việc, giảm giờ làm, tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và các chế độ khác của người lao động (NLĐ) có chiều hướng gia tăng.
Công ty vi phạm quyền lợi BHXH, người lao động có thể khởi kiện

Công ty vi phạm quyền lợi về bảo hiểm xã hội:

người lao động có thể khởi kiện

TS. LS. Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ) là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất của sự việc mà người quản lý doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH, NLĐ là nạn nhân

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều NLĐ bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.

Cụ thể, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.

Công ty vi phạm quyền lợi BHXH, người lao động có thể khởi kiện

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết hơn 200.000 NLĐ đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Sau làn sóng mất việc, giảm giờ làm, tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH và các chế độ khác của NLĐ; thậm chí nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, sa thải NLĐ từ trên 35 tuổi để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn. Hiện có hơn 200.000 NLĐ đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu.

Đã có rất nhiều trường hợp, NLĐ phải bỏ công việc để đi đòi quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình suốt thời gian dài vì bao nhiêu quyền lợi của bản thân bị ảnh hưởng do doanh nghiệp nợ BHXH; tiêu biểu như trường hợp NLĐ của Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội. Với số tiền nợ kéo dài hơn 13 tỷ đồng từ tháng 3 năm 2019 đến nay, nhiều NLĐ đã nghỉ việc tại Công ty vẫn chưa chốt được sổ BHXH, lao động ốm đau, thai sản cũng chưa được hưởng quyền lợi và cũng chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết quyền lợi.

Công ty vi phạm quyền lợi BHXH, người lao động có thể khởi kiện

NLĐ Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội mệt mỏi khi phải đi đòi quyền lợi do phía Công ty nợ lương, nợ BHXH. Ảnh: MINH ANH

Còn tại CTCP Khóa Minh Khai, nhiều NLĐ vẫn ở trong tình trạng nghỉ không được mà làm cũng không xong do vấn đề công ty nợ hơn chục tỷ đồng tiền BHXH, ít việc, lương thấp. Chị Lê Thị Liên – công nhân CTCP Khóa Minh Khai chia sẻ, phía Công ty vẫn thế, vẫn chưa giải quyết BHXH cho NLĐ. Bản thân chị Liên cũng vẫn phải tiếp tục công việc với mức lương ít ỏi 2 triệu đồng/tháng vì lo ngại nghỉ là chị sẽ mất hết quyền lợi. Và cũng không biết đến khi nào tình trạng này mới được giải quyết dứt điểm.

Công ty vi phạm quyền lợi BHXH, người lao động có thể khởi kiện

Chị Lê Thị Liên lo lắng mình sẽ "bơ vơ giữa đường" nếu nghỉ việc bởi Công ty CP Khóa Minh Khai vẫn nợ tiền BHXH của NLĐ. Ảnh: Ý YÊN.

Phân tích từ góc độ pháp luật, đồng chí Lê Đình Quảng, Phó ban Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ, khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, NLĐ sẽ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn bởi họ không chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Tất cả các quyền lợi về BHXH của NLĐ bị “đóng băng”. Nguy hại hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta. Bởi thực tế hiện nay không ít người đang tham gia BHXH, họ nhìn thấy rất nhiều người có tham gia BHXH nhưng bị ảnh hưởng quyền lợi. Không ít người nảy sinh tâm lý không yên tâm, chưa thực sự tin tưởng vào chính sách BHXH nên mới rút ra khỏi hệ thống.

Đồng chí Lê Đình Quảng cũng nhấn mạnh, những chế tài mạnh mẽ nhất là quy định trong Bộ luật Hình sự các tội về gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); gian lận BHYT (Điều 215) và đặc biệt là Điều 216 vê tội trốn đóng, BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn chứng tỏ nhiều vấn đề về cơ chế pháp luật phải tiếp tục được hoàn thiện.

Hành vi trốn đóng BHXH là hành vi vi phạm pháp luật

Trao đổi về vấn đề này, TS. LS. Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết hành vi trốn đóng BHXH cho NLĐ là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất của sự việc mà người quản lý doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ là nghĩa vụ của doanh nghiệp trong mối quan hệ lao động đã được xác lập đối với NLĐ. Đối với BHXH thì NLĐ phải đóng một phần, một phần do người sử dụng lao động (NSDLĐ) đóng. NSDLĐ sẽ trừ tiền đóng BHXH của NLĐ từ tiền lương và có nghĩa vụ thay mặt NLĐ nộp cho cơ quan bảo hiểm. Khi đóng bảo hiểm đầy đủ thì NLĐ sẽ được hưởng các quyền lợi về thai sản, ốm đau, tử tuất và các quyền lợi khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật BHXH. Hành vi trốn đóng BHXH cho NLĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, ảnh hưởng đến hoạt động bảo hiểm và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Công ty vi phạm quyền lợi BHXH, người lao động có thể khởi kiện

Theo TS. LS. Đặng Văn Cường, hành vi trốn đóng BHXH cho NLĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, ảnh hưởng đến hoạt động bảo hiểm và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Hành vi trốn đóng BHXH cho NLĐ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên, thời gian qua ít trường hợp bị xử lý hình sự, tình hình vi phạm có tính chất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ thì cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo, động viên doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với NLĐ. Theo đó, từ năm 2019 thì theo hướng dẫn của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, hành vi trốn đóng BHXH được quy định rõ ràng, làm căn cứ để xem xét xử lý hình sự trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số điều của bộ luật Hình sự về BHXH trong đó có Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau: Trốn đóng BHXH, BHYT,BHTN là hành vi của NSDLĐ có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Công ty vi phạm quyền lợi BHXH, người lao động có thể khởi kiện

TS. LS. Đặng Văn Cường cho biết hành vi trốn đóng BHXH cho NLĐ là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất của sự việc mà người quản lý doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh: PV

Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng BHXH, BHYT, BHTN với cơ quan có thẩm quyền.

Không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN là trường hợp NSDLĐ: Không gửi hồ sơ đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với NLĐ; hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho NLĐ, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH theo quy định.

Không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT,BHTN là việc NSDLĐ đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH theo quy định.

06 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên.

Như vậy, trong trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy doanh nghiệp này đã trốn đóng BHXH hoặc đóng BHXH không đầy đủ cho NLĐ thì sẽ xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp sẽ xử lý hình sự theo điều 216 Bộ luật Hình sự.

Cần phải xử lý nghiêm

Cũng theo TS. LS. Đặng Văn Cường, Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ được áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại khi vi phạm quy định của pháp luật về việc đóng bảo hiểm. Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Điều 216. Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ

1. Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 NLĐ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động;

d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 NLĐ trở lên;

c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ liên tục sáu tháng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự với chế tài là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Trường hợp trốn đóng bảo hiểm cho 200 NLĐ trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm có thể bị phạt ở mức cao nhất tới 07 năm tù.

Với pháp nhân thương mại thì cũng có thể bị xử lý hình sự với chế tài là phạt tiền tới 3.000.000.000 đồng.

Trong sự việc nêu trên thì NLĐ cần có đơn trình báo sự việc với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, với thanh tra hoặc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết. Trong trường hợp các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ doanh nghiệp này đã gian dối hoặc có thủ đoạn khác để trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và xử lý đối với doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc phải chịu chế tài của pháp luật là phạt tiền và có thể phạt tù thì doanh nghiệp này sẽ bị truy thu buộc phải đóng số tiền bảo hiểm đang trốn và bồi thường thiệt hại cho NLĐ do hành vi vi phạm của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy rằng thời gian gần đây hiện tượng trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp vì nhiều lý do khác nhau. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc xử lý các trường hợp vi phạm còn hạn chế, trong đó có thể kể đến như trước năm 2019 thì pháp luật quy định chưa đầy đủ, NLĐ ít khiếu kiện, cơ quan chức năng đôi khi cũng chưa quyết liệt đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, quy định pháp luật đã đầy đủ, hoàn thiện, những hành vi trốn đóng BHXH cần phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội và để đảm bảo quyền lợi của NLĐ theo quy định của pháp luật.

Bài viết: MINH ANH

Xem phiên bản di động