
Chăm lo, hỗ trợ để người lao động yên tâm làm việc "Tôi nấu bữa ăn dành cho thợ mỏ với tất cả tình cảm và trách nhiệm" |
![]() |
Sau khi TP. Hồ Chí Minh quyết định tháo dỡ các chốt kiểm soát, ngay từ chiều 30/9/2021 hàng nghìn người lao động miền Tây “tháo chạy” khỏi thành phố sau nhiều tháng bị phong tỏa, giãn cách. Ảnh: TRẦN ĐĂNG |
Những hình ảnh khó quên
Tôi chợt nhớ một câu nói của ai đó, rằng: Sài Gòn hoa lệ, nhưng hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo.
Hoa cho người giàu thì rõ rồi vì Sài Gòn không thiếu người giàu, thậm chí siêu giàu. Trong những khu dân cư cao cấp ven sông Sài Gòn thấp thoáng dưới tán cây xanh là những căn biệt thự sang trọng trị giá nhiều triệu đô, ven đường là những khóm hoa được chăm sóc kỹ lưỡng. Chủ nhân của nó là những quý ông có thú vui chơi xe hơi đắt tiền và những quý bà mải miết sưu tập hột xoàn, nhẫn kim cương và những cuộc vui trong các sòng bài…
Bên cạnh đó là Sài Gòn của những người lao động lam lũ, những xóm thợ, xóm nhà trọ chật chội dày đặc những “căn hộ” đủ kích cỡ, có cái 15m2; 10m2 thậm chí chỉ 8m2, mỗi “căn hộ” là nơi trú ngụ của một gia đình trẻ hoặc của những cặp độc thân, họ đều là lao động ngoại tỉnh vì mưu sinh mà phải về thành phố lập nghiệp. Tôi đã từng bắt gặp những xóm thợ như thế ở quận Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức… Công bằng mà nói, những người dân ở ngoại tỉnh, thoát ly khỏi đời sống nông nghiệp về đô thành có thể tìm được việc làm ở các khu công nghiệp hoặc tham gia làm dịch vụ đều có cuộc sống khá giả hơn chốn thôn quê dựa vào cây lúa. Nhưng với mức thu nhập vài chục triệu/tháng cho mỗi gia đình sẽ rất khó làm cho họ đổi đời.
Điều này giải thích vì sao khi dịch bệnh bùng phát lại có những cuộc “về quê” như vậy. Giãn cách xã hội khiến các cơ sở dịch vụ phải đóng cửa, một số cơ sở sản xuất phải giãn cách, nhiều người lao động mất việc, không có thu nhập, phải tiêu đến những đồng tiền dành dụm được trong nhiều năm. Những người có việc cũng gặp khó vì không thể tìm mua được nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hằng ngày.
Những người dân chạy xe máy “tháo chạy” khỏi thành phố từ chỗ đơn lẻ rồi đông dần thành “cơn lũ” khổng lồ bất chấp hiểm nguy, có cả đứa trẻ mới sinh được vài ngày cũng phải “hành quân” theo cha mẹ một cách đầy nghiệt ngã, những hình ảnh đó được đăng tải trên các báo chí và mạng xã hội vẫn còn đang ám ảnh trong mỗi chúng ta, những người may mắn hơn không phải tham gia cuộc “về quê” bất đắc dĩ.
Tư Thanh, một thanh niên quê Bến Tre hành nghề thợ xây tâm sự: "Giãn cách xã hội, các công trình trong thành phố phải tạm ngừng, em mất việc đành nằm nhà chờ bình thường hóa. Chờ riết không hết dịch, khu em ở lại có người dương tính phải cách ly, vậy là bọn em phải tự nhốt mình trong mấy mét vuông nhà trọ. Không việc làm, không tiền, thiếu đồ ăn, thiếu cả không gian sống, bức xúc vô cùng. Hết cách ly, chúng em tự chạy xe máy về quê. Ở nhà mình, không mất tiền trọ có rau ăn rau, cá ở dưới ao chẳng sợ đói…".
Những hoàn cảnh như Tư Thanh không hiếm gặp ở Sài Gòn. Thành phố có đến xấp xỉ 15 triệu dân, trong số đó, người dân cư trú chính thức có hộ khẩu chỉ chưa đầy 10 triệu, số còn lại là dân tạm trú từ các tỉnh đổ về. Phần lớn trong số đó là dân từ đồng bằng sông Cửu Long và một số dân ở các tỉnh khác.
![]() |
Điều kiện ăn ở của người lao động miền Tây tại TP. Hồ Chí Minh khá cơ cực. Trong ảnh: Điều kiện, không gian sinh hoạt trong căn phòng trọ (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh ) của công nhân (Khu công nghiệp Tân Tạo) quê Long An. Ảnh: DUY KHANG |
Tạo sinh kế, công ăn, việc làm cho người dân
Tôi đã có dịp đi về các tỉnh vùng đồng bằng châu thổ trù phú vẫn được coi là “vựa lúa” của cả nước rồi tự đặt câu hỏi: Xứ miền Tây mênh mang sông nước hấp dẫn là vậy, cớ sao người dân nơi đây vẫn phải đổ xô về Sài Gòn mưu sinh?
Công bằng mà nói, sau hơn 30 năm đổi mới, đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào: hằng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản, hải sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước… Nhưng rồi, trong cơn lốc công nghiệp hóa, không mấy ai giàu lên nhờ nông nghiệp. Những ông chủ miệt vườn từ chỗ xưng vương xưng đế cứ thế tụt dần trên bảng xếp hạng. Có phải do ỉ lại vào những ưu đãi của thiên nhiên, người miền Tây không ham học? Thống kê cho thấy, trình độ học vấn của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn mức bình quân của cả nước. Đời sống của người dân không chỉ kém về vật chất mà còn nghèo nàn về mặt văn hóa, tinh thần, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…
Tập quán sinh đẻ nhiều cùng với việc cơ giới hóa giải phóng sức lao động chân tay khiến tỷ lệ người không có và thiếu việc làm tăng cao qua các năm, số người nghèo vì thế mà đông hơn các vùng khác. Dẫu là vùng đất ít thiên tai nhưng dịch bệnh, đất đai nhiễm mặn, cơ sở hạ tầng thấp kém, nhiều tập quán lạc hậu (rượu chè, cá độ, cờ, bạc...) khiến hành trình thoát nghèo ở miền Tây trở nên chậm chạp hơn. Điều này giải thích vì sao lại có hàng triệu người từ khu vực này đổ xô về thành phố mưu sinh để rồi phải di tản ồ ạt như vừa qua.
Năm qua, dòng người lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê khi dịch bệnh diễn biến phức tạp không còn là hiện tượng đơn lẻ của một địa phương hay vùng miền, nó đã trở thành “hiện tượng” quốc gia và được nhiều phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đưa tin. Chưa hết, chuyện này còn được đặt lên nghị trường Quốc hội. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đặt câu hỏi về giải pháp, chính sách của Chính phủ có cơ chế nào để giúp người dân an cư lạc nghiệp trên mảnh đất quê hương? Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Dịch chuyển lao động là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều không bình thường ở đây là sự quản lý Nhà nước còn bất cập, cho nên, khi có sự dịch chuyển ồ ạt lao động tại các tỉnh phía Nam không những gây bất ổn xã hội mà còn gây áp lực cho các địa phương.
![]() |
Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh đã khiến hàng triệu lao động mất việc làm, hàng trăm hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Ảnh: GIANG HUY |
Vậy giải quyết áp lực này như thế nào? Thủ tướng nêu rõ, cùng với việc nâng cao năng lực y tế, tăng cường năng lực cung cấp vắc xin, giải pháp quan trọng nhất là bảo đảm an sinh xã hội… Thủ tướng cũng cho rằng, tạo sinh kế, công ăn việc làm mang tính quyết định. Muốn vậy, phải giải quyết nút thắt về hạ tầng, bao gồm: Đường bộ, giao thông thủy nội địa; hạ tầng chống biến đổi khí hậu và hạ tầng y tế, giáo dục. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống phải có các cơ chế, chính sách hiệu quả. Thủ tướng cho biết, các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội để giúp đồng bằng sông Cửu Long giải quyết vấn đề về 3 hạ tầng này, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân.
Đón năm mới với triển vọng mới
Người Việt đã có 30 năm kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước nhưng với cuộc chiến xóa đói giảm nghèo thì vẫn phải đối mặt với nhiều cam go, thách thức, đặc biệt là với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn từng là căn cứ địa của cuộc kháng chiến.
Sự hạn chế của học vấn khiến không nhiều người dân biết cách làm ăn và không phải người biết cách làm ăn lúc nào cũng thành đạt, sinh lợi. Thiên tai, dịch bệnh khiến nhiều người thua lỗ dẫn tới phá sản, trở thành người nghèo để rồi phải đổ về đô thị mưu sinh.
Cuộc “về quê” lịch sử trong đại dịch Covid-19 bùng phát vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh, thách thức sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo của nước nhà. Cùng với chính sách đồng bộ của Nhà nước là sự hưởng ứng của mỗi người dân, cần tư duy lại tương lai và chuẩn bị cho mình một hành trang tốt hơn để hội nhập với cả nước và thế giới.
![]() “Lang thang xe máy thì thua xe đạp”… Sài Gòn, đạp xe đi làm, đi học, đi chợ, hay nói kiểu Sài Gòn là “tui ... |
![]() Ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, 12 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, gồm: ... |
![]() Đó là câu nói đầy xúc động của bà Nguyễn Thị Mỹ gửi đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, người lao động Tổng công ... |