
![]() |
Lễ tưởng niệm vua Gia Long. |
Đây là một sự kiện diễn ra ở một địa phương nhưng tạo sức lan tỏa đáng kể từ góc nhìn lịch sử. Bởi trước đây, trong hầu hết các tài liệu chính thống, vua Gia Long bị quy tội là kẻ không thức thời, phản tiến bộ vì chống lại phong trào Tây Sơn, rồi “cõng rắn cắn gà nhà” vì dựa vào nước Pháp... Tóm lại là không đáng tôn vinh. Tuy nhiên, dưới góc nhìn lịch sử toàn diện và đổi mới thì cách nhìn thông thoáng hơn và tiệm cận với sự thật khách quan, dù có thể còn những tranh luận, nhưng đó cũng là điều bình thường trong khoa học, bởi đó cũng góp phần làm sáng tỏ chân lý.
Có ít nhất hai điều đánh giá công lao to lớn của vua Gia Long không thể nào phủ nhận: Thứ nhất, đây là vị hoàng đế có công thống nhất đất nước sau hơn 260 năm chia cắt (1533-1802) và thứ hai là người đặt nền móng để tạo nên kinh thành Huế, ngày nay được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, để lại cho hậu thế một di sản văn hóa đồ sộ cả về vật thể và phi vật thể. Tiến sĩ Sử học Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Mặc dù về hoàng đế Gia Long vẫn còn những ý kiến khác nhau, cả những tranh cãi nhưng vẫn cần phải công nhận ông có ba đóng góp rất quan trọng: một là thống nhất đất nước, hai là mở mang bờ cõi và ba là có công xây dựng kinh thành Huế”.
Cần nhớ lại cách đây 5 năm trong buổi thông tin khoa học “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội (ngày 22/2/2017), có nhiều nhà khoa học đầu ngành tham dự.
GS. Phan Huy Lê, lúc ấy là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nhấn mạnh: “Một trong những công lao rất lớn của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn là mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, khai phá đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1757, chúa Nguyễn đã định hình được lãnh thổ về cơ bản gần giống như lãnh thổ Việt Nam hiện nay từ phía Bắc vào Cà Mau, từ Tây Nguyên ra biển, bao gồm cả vùng biển, các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Nhà Nguyễn có công rất lớn trong việc hình thành và định hình một Nhà nước thống nhất, xác lập lãnh thổ - không gian sinh tồn của nước Việt Nam. Công lao nhà Nguyễn về phương diện này không thể chối cãi. Đã đến lúc cần nhìn rõ công, tội của nhà Nguyễn”. Còn GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc nêu lên câu hỏi rất đáng quan tâm: “Nói về Việt Nam mà lại không có các vương triều phía Nam thì không đảm bảo tính toàn vẹn. Không thể nói vấn đề các vương quốc phía Nam là vấn đề “nhạy cảm”, không nên nói. Vua Gia Long với sự cố gắng hết sức của mình đã đem lại sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta như hôm nay thì sao không đưa ông ấy vào lịch sử?”.
![]() |
Lễ tưởng niệm vua Gia Long được tổ chức tại Thế Miếu, Đại Nội (Huế). |
Đánh giá sự kiện và nhân vật lịch sử là công việc quan trọng, trong nhiều trường hợp lại rất phức tạp bởi các khó khăn về tư liệu, nhân chứng, chưa kể từ sự khác biệt bởi quan điểm, góc tiếp cận... dẫn đến nhiều nhận định dù đã được chính thống hóa không phải là nhất thành bất biến. Hơn nữa thao tác khoa học khi có độ lùi về thời gian, được bổ sung tư liệu nhiều chiều, quan niệm cởi mở... thì việc nhìn nhận lại là hoàn toàn cần thiết. Việc nhìn nhận lại những sự kiện và nhân vật lịch sử dưới ánh sáng khoa học thực sự sẽ tránh được lối mòn độc tôn và những thiên kiến thường chỉ làm méo mó chân dung lịch sử, thậm chí dẫn đến oan sai.
Cũng như mới đây, Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) của triều Nguyễn cũng chịu hàm oan cả một thế kỷ, bị quy chụp là kẻ ăn ở hai lòng, cam tâm bán nước, phản trắc và nham hiểm... Hình dung con người chính trị Nguyễn Văn Tường là một phức hợp hết sức rối rắm, mù mờ lại bị bao bọc bởi quá nhiều thông tin giả trá, hư ngụy được tạo dựng nên bởi những ý đồ độc ác và nham hiểm.
Bởi vậy cả trăm năm qua, chân dung đích thực của ông như là một câu đố của nhân sư trong nền sử học nước nhà. Nhờ công lao của các nhà khoa học, đặc biệt là công trình sử học đồ sộ mới xuất bản năm 2020 của GS. Nguyễn Quốc Trị: “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn” đã phục dựng chính xác và cụ thể chân dung nhân vật lịch sử này. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị kính tặng bia Lịch sử cho quê hương và gia tộc. Thành phố Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị đã có đường phố mang tên Nguyễn Văn Tường.
Chúng ta vui mừng khi khoa học lịch sử đã có những đổi mới, nhìn nhận lại quá khứ, trong đó đặc biệt có nhà Nguyễn. Việc đánh giá lại vua Gia Long và nhà Nguyễn vẫn tiếp diễn để học thuật làm sáng tỏ thêm nhiều giá trị lịch sử.
![]() Hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” năm 2022, chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) tiểu thương và cán bộ, nhân viên ... |
![]() Những ngày qua, nhiều người lao động (NLĐ) tại tỉnh Thừa Thiên Huế là F0 điều trị tại nhà, sau khi khỏi bệnh, họ đến ... |
![]() Thừa Thiên Huế sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động, phấn đấu ... |