Sài Gòn vơ vẩn đạp xe…
Câu chuyện quanh tôi - 03/02/2022 09:38 Ghi chép của TUYỀN LINH
Cuối tuần, cả nhà xuống phố, thuê xe đạp dạo chơi. |
Ngồi dưới vòm cây
Thường tuần - thứ hai của tôi - bến đỗ dễ chịu thưởng thức món ngon - bữa sáng “xanh um bổ dưỡng”, luôn là cái ghế gang xanh lá hoa văn điệu đà trong mảng vườn hoa - một trong bốn thớt cây xanh um quanh Dinh Thống Nhất, nhìn ngay qua Nhà thờ Đức Bà, nằm phía bên lề phải đường Hàn Thuyên, nếu đi từ đường Phạm Ngọc Thạch lên.
Mãi tới giữa tháng tư rồi, trong lúc hưởng thụ những khoảnh khắc sớm thứ hai yên lành “mùa Cô vít thứ II”, ngay giữa trung tâm Sài Gòn, trước khi xe đạp tới sở, tôi mới gặp ông Nam - là sau đó ông cho biết tên mình như thế.
Ông Nam thong thả dựng xe gần ghế tôi ngồi, sột soạt mở bọc ni lông, lấy ra túi trái cây vàng ươm.
“Xoài hả ông?”
“Không, hôm nay đu đủ”
Từng miếng, từng miếng, ông găm lên móc nhỏ gắn vào thân cây đánh số 13. Móc quanh cây chừng 4-5 miếng.
“Thế này nhé, mấy cái đinh này là tôi xin cây, à, xin cây là khi đóng đinh vào cây, tôi lễ phép nói, cây ơi, cho tôi đóng đinh vào để móc mấy cái móc găm thức ăn cho sóc. Với cây xanh ta muôn đời phải luôn lễ phép. Đinh găm thức ăn trên cây khi đóng, không quá cao, mình không với tới, không quá thấp để sóc không sợ người mà không dám xuống. Nhưng cũng nên đóng mấy cái sát gốc, sóc có con, thấy mình đi xa xa, nó xuống sát đất, nghiêng ngó, lao tận gốc cây, quắp miếng ăn lên”.
“Ông ơi, mỗi ngày ông bỏ bao tiền mua trái cây?”
“Những người bán trái cây cho cả. Tôi như người vận chuyển. Thì cũng như những ông những bà, nhờ đồng bào đóng góp, có tiền của, mang đi làm từ thiện. Trái hơi dập nát, mình rửa sạch, cắt miếng. Có 15 loại trái cây cho sóc. Sóc thích ăn trái chín, loại chua như chanh, khế, có lần thử bỏ, nó không ăn, hình như đói lắm, thấy cũng đành ăn…”.
Xe đạp của ông Nam. |
“Ông chỉ cho sóc quanh mấy cây này ăn?”
“Cây trong mảng này với thêm mấy cây gần tiểu học Hòa Bình là 11 cây. Mảng này ít người cho sóc ăn. Tôi cho sóc ăn nay cũng gần hai chục năm. Tôi 80 rồi nhé. Trước, tuổi 70 còn khỏe, đi bộ từ chợ Ông Tạ dưới Tân Bình lên, giờ già yếu hơn nên đạp xe. Đi về thong thả hết chừng hơn tiếng. Cho sóc ăn nữa là hai tiếng. Cứ thế, mỗi sáng, đời thế là vui”.
“Sóc nói được tiếng người, thế nào chúng nó cũng bảo, chúng con cảm ơn bố Nam!”.
“Ha... ha... ha..., tôi thì cảm ơn sóc vì nhờ sóc, tôi biết được nhiều người. Nhiều người hỏi thăm rồi, đâu chỉ mình cô? Thôi, chào cô nhé”.
“Ông ơi, nghe giọng, ông là người Bắc?” “Tôi Bắc 54. Cô cũng người ngoài đó vào nhỉ?”
Rồi ông Nam thong thả dắt xe qua đường, về phía hàng cây trước Trường tiểu học Hòa Bình.
Một con sóc từ trên cao lao xuống, rất nhanh, quắp miếng đu đủ sát gốc cây, lao biến mất dạng.
Tháng 5 cho tới tận cuối tháng 9 năm rồi, Sài Gòn trong cảnh “ai ở đâu yên đó”. Những ngày được tiêm vắc xin, “ở đâu yên đó”, có tuần được bộ đội, cán bộ phường đi chợ hộ, thấy bao nỗi vất vả hy sinh của những người tuyến đầu chống dịch, góp tay giúp những người khổ đau vì dịch bệnh, tôi, hầu như mỗi ngày vân vi nghĩ, ai cho sóc ăn? Rồi tự ngại, dịch bệnh, đồng bào ngay thành phố mình nhiều nơi cần những cây ATM gạo, lại lo mấy con sóc đói… Biết làm sao. Rồi lại nghĩ, ông Nam tầm tuổi má mình, chẳng biết đã tiêm chưa… Một ngày hè, giữa lúc dịch căng thẳng nhất, chợt thấy trên mạng tấm hình ông cụ đạp xe giữa trung tâm Sài Gòn vắng ngắt ngơ trong nắng sớm, nhìn mãi, cứ mong rằng đó, ông Nam…
Cuối tháng 9, sáng sớm ngày đầu tiên, “thành phố tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến dịch bệnh”, tôi vội guồng xe, chút hân hoan khi thấy cây móc găm có dăm miếng trái cây. Hy vọng là ông Nam ra cho sóc ăn! Bố Nam, chúc bố mạnh khỏe!
Rồi những ngày sau đó, có những sớm cuối tuần rảnh rỗi, tôi đạp xe qua vài con phố quen, ngóng gặp lại “những người bạn đường phố” của mình. Dịch giã, ai còn trụ lại Sài Gòn? Công việc của họ bị ảnh hưởng nhiều không. Ngóng nhiều nhất, nhưng vẫn không thấy tăm hơi “Nghệ sĩ khâu giày”. Tôi gọi em thế, vì em sửa giày rất đẹp, vì tóc em xoăn bồng và rất thích chụp ảnh. Em bảo em chụp hầu hết những ai tới sửa giày ở “miểng” vỉa hè của em. Mỗi lần tôi đi qua, dừng lại, chào nhau, em lại bảo, em nắm tay chị chút. Ngón tay em đẹp, thon dài. Nhiều lần đi qua, ngóng mãi không thấy em, tôi đành hỏi chị bán cà phê. “Thằng đó dzìa quê miền Tây rồi. Biết còn sống không. Nó coi vậy, yếu lắm…”.
Bác sĩ trẻ chụp ảnh kỷ yếu. |
“Nghệ sĩ khâu giày”, chúc em mạnh khỏe. Bây giờ chị em mình nếu có nắm tay, thoạt tiên sẽ phải khử trùng bằng cồn, rồi cười chào nhau qua lớp khẩu trang. Đôi mắt em cười luôn rất tươi.
Đạp xe sớm ngày đầu tháng Chạp Tân Sửu, nắng vàng tươi mịn màng, từ quận nhà Bình Thạnh lên trung tâm, đường Nguyễn Huệ, trước tượng đài Bác Hồ chợt thấy nhóm bác sĩ trẻ khoác blouse trắng tươi vui chụp ảnh. Dừng xe, hỏi thăm. À, tụi con chụp hình làm kỷ yếu. Họ cho biết. Bác sĩ… Bác sĩ… Tôi đọc tên bác sĩ trên những tấm áo blouse. Những ngày tháng qua, các bác sĩ đã vất vả chừng nào! Nước Nga mấy tháng trước đã dựng tượng đồng vinh danh các bác sĩ chống Covid-19. Đầu tháng 1/2022, Tổng thống V.Putin tặng thưởng các bác sĩ trên tuyền đầu chống dịch. Xứ Việt mình cũng có nhiều hoạt động tôn vinh, tri ân bác sĩ, như chương trình đặc biệt “Việt Nam - Khát vọng bình yên” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp Bộ Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 31/10 trên VTV1. Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng hoa, tri ân cán bộ, nhân viên y tế tiêu biểu đã hết lòng phục vụ, chăm sóc, cứu chữa các bệnh nhân Covid-19; tôn vinh cán bộ công đoàn tiêu biểu, hết mình vì đoàn viên, người lao động.
Tôi chọn ngồi dưới vòm cây xanh, lặng nhớ bốn tháng qua khó quên với kinh tế với cả phận người. Sài Gòn của tôi những tháng cuối năm chậm chậm “trở lại mình”…
Vẫn quay đều những vòng xe
Tim Doling là một nhà sử học gốc Ireland, có nhiều công trình nghiên cứu Đông Nam Á giá trị, rất gắn bó, yêu quý Việt Nam. Trong vô số bức ảnh lưu trữ của Tim về Sài Gòn, tôi thích bức chụp năm 1991 trước cửa chợ Bến Thành bãi giữ xe bạt ngàn xe đạp. Bao lời bình luận cả Tây lẫn ta về bức ảnh - thương nhớ một thời xe đạp Sài Gòn…
Thế hệ 6X chúng tôi thuộc bài hát của Phương Thảo - Ngọc Lễ “Xe đạp ơi” với “Quay đều,… Thương hoài những vòng xe…”. Nhạc sĩ Thanh Tùng có “Lời tỏ tình của mùa xuân” với “Mùa xuân đến đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm…”. Bao năm, cận Tết năm nào, đều nghe ca sĩ Ngọc Bích vừa hát vừa nhún nhảy...
Nhưng tôi thích nhất một câu thơ của Hoàng Hưng, “lang thang xe máy thì thua xe đạp”. Thích đến độ… chẳng nhớ câu thơ ở bài nào. Câu thơ, với tôi - kẻ ưa đạp xe “không thể đúng hơn được nữa”. Mỗi lần ngồi lên yên xe, guồng chân đạp, ngay cả đi làm, tôi lại nhớ tới câu thơ. Đạp xe, thấy được vô vàn thứ hay ho, và cả những đổi thay mà xe máy ào ào phóng không kịp thấy… Đạp xe đi làm, vơ vẩn nghĩ, sao các công sở không vận động những người làm ở vị trí “cả ngày ngồi lì một chỗ” đi làm bằng xe đạp? Ông bà nhân viên nào thực hiện tốt, sếp cuối năm tăng điểm KPI. Tại sao không?
Từ 16/12/2021, TP. Hồ Chí Minh thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng. Có người lo ngại, mô hình này “sớm nở tối tàn”. Sao lại lo chứ, tôi nghĩ, ngày cuối tuần, xuống phố đạp xe, thấy nhiều anh chị trung niên, cả gia đình, và hẳn nhiên nam thanh nữ tú thuê xe đạp dzòng dzòng khu trung tâm, các quận… Rất thơ thới. Đầu tiên là cứ lượn phố đi, lâu dần dần sẽ thích, từ từ tính chuyện đạp xe đi làm - cho nhu cầu công việc… Từ cái xe đạp, từ việc đạp xe, thoạt tiên là “đạp chơi cho vui” này, sẽ tìm ra lối giải quyết hay ho rốt ráo cho vấn đề giao thông Sài Gòn? Rồi sẽ có văn hóa xe đạp và văn hóa đạp xe…
Thanh bình trên đường Nguyễn Huệ ngày cuối tuần. |
Tôi guồng xe khi theo khi song song những tốp bạn trẻ - nam thanh nữ tú thuê xe đạp dạo chơi, chợt nghĩ, trong số họ, chẳng có đâu những công nhân từ các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Đọc hàng trăm, hàng ngàn bài báo, xem hàng trăm, hàng ngàn bức ảnh về đời sống công nhân, người lao động bao năm qua, nhất là trong hai năm Covid-19 hoành hành, tôi luôn nhìn kỹ những bức ảnh đặc tả khu nhà trọ, những căn phòng trọ chật chội, và có cả tồi tàn của họ. Vài mét vuông với những món đồ thô sơ, bữa cơm công nhân luyễnh loãng thức ăn, giải trí nhiều người có khi chỉ online xem các “u túp bơ” diễn hài, tố khổ,… Nhưng cái chính, họ còn phải lo làm “bục mặt”, phút thảnh thơi có được bao nhiêu. Căn phòng trọ tý hin chỗ nào cho chiếc xe đạp luyện sức khỏe, dạo chơi? Rồi những ngày thực hiện “Một cung đường hai điểm đến...”. Vơ vẩn suy nghĩ của mình thật không thực tế!
Lắng nghe, bao công nhân, người lao động, nhất là những tháng cuối năm sau hai mùa Covid, nhiều người chỉ mong được công ty xí nghiệp nhà máy cho làm thêm để có tiền lo miếng ăn hằng ngày và sắm tết Nhâm Dần chút đỉnh cho tươm tất…
Báo chí đăng tải ý kiến bạn đọc: “Thiết chế công đoàn là một tổ hợp công trình phục vụ cho người lao động, trong đó có nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi Công đoàn như siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng, công trình văn hóa, thể thao... việc xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ công nhân, người lao động là rất quan trọng, một nhu cầu cấp thiết cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị…”
Và thông tin chính thống: “Chuỗi 12 dự án các thiết chế công đoàn sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai tại các địa phương trên cả nước từ năm 2020 đến năm 2023 theo Quyết định số 655/ QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Trong cụm từ “chuỗi 12 dự án các thiết chế công đoàn sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai tại các địa phương trên cả nước”, chắc có cả TP. Hồ Chí Minh mà tôi thương yêu gọi Sài Gòn.
Tôi hy vọng và tin như thế.
Và cũng tin thêm một niềm nho nhỏ, rằng ba ngày Xuân đầu năm mới, những ai ở lại ăn Tết Nhâm Dần với Sài Gòn, thế nào cũng xuống phố, dù đạp xe hay không, thì cũng chia sẻ và nhận một chút vui từ một khởi đầu năm mới cho những hy vọng mới về đời sống, việc làm…
Một nét tươi vui của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh ngày cuối tuần. |
“Tết này mẹ có thêm các con ở Tân Cảng Sài Gòn nên ấm lòng lắm!” Ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, 12 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, gồm: ... |
”Tôi đã có ngôi nhà vững chắc để đón Tết cùng con cháu, cảm ơn Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn" Đó là câu nói đầy xúc động của bà Nguyễn Thị Mỹ gửi đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, người lao động Tổng công ... |
Phụ huynh loay hoay dạy học khi con kẹt lại Sài Gòn Sau bữa cơm trưa, anh Đoàn Đình Hiệp (37 tuổi) vội vã ngồi viết tiếp bài Tiếng Việt lớp 2 để “kịp chương trình” buổi ... |
Tin cùng chuyên mục
Emagazine - 17/11/2022 17:32
Niềm vui của nữ điều dưỡng viên - cán bộ công đoàn cơ sở Bệnh viện Mắt Quảng Trị
Hình ảnh điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hiền chải và tết tóc gọn gàng giúp một cụ bà đang chờ đến lượt vào phòng phẫu thuật thay thủy tinh thể ở hành lang Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã đi thẳng vào trái tim của nhiều người.
Câu chuyện quanh tôi - 03/07/2022 08:59
“Hồi sinh” du lịch trên EWEC
Cung đường EWEC là tài nguyên vô giá để liên kết phát triển du lịch giữa Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nhiều tour xuyên á trên cung đường này đang dần nối lại, thắp tín hiệu “hồi sinh” sau đại dịch…
Đời sống - 26/06/2022 19:12
Ngày đầu tiên “cách ly toàn xã hội”: Nhớ lại và suy ngẫm
“01/4/2020 - ngày đầu tiên “cách ly toàn xã hội” ở TP. Hồ Chí Minh, tôi cứ ngỡ ra đường sẽ khó gặp ai nhưng xuống phố vẫn tấp nập người qua lại, quá đông so với “chỉ có việc cần thiết mới nên ra đường”... đọc lại những dòng nhật ký cách đây hơn hai năm mà như mới hôm qua, tôi thấy có không ít điều đáng suy ngẫm…
Câu chuyện quanh tôi - 14/05/2022 16:28
Người chị, người bạn của nữ công nhân
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh... là minh chứng rõ nhất cho những đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Tây Ninh vào hoạt động công đoàn. Với đồng chí Liên, niềm hạnh phúc của cán bộ công đoàn là được chăm lo cho đoàn viên, công nhân, lao động của mình.
Câu chuyện quanh tôi - 29/04/2022 14:07
Loại bỏ các mối nguy hiểm
Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là công tác vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ là hết sức cần thiết.
Câu chuyện quanh tôi - 21/04/2022 09:39
Chuyên nghiệp, gương mẫu ở tuổi “cổ lai hy”
Đồng chí Phan Sỹ Quyền, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty CP TTH Group (viết tắt Tổng công ty) từng là cán bộ công đoàn của LĐLĐ tỉnh Nghệ An. Sau khi về hưu, với tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, đồng chí tiếp tục sử dụng kinh nghiệm của mình để đóng góp cho tổ chức Công đoàn nơi đây.
- Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
- Mang những phúc lợi thiết thực cho đoàn viên, người lao động
- Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
- Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
- Cơ hội hiếm có từ dự án Top 1 khu Đông TP HCM khi căn hộ dưới 3 tỷ đồng dần biến mất