Để quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Đảng với công nhân - 26/05/2023 09:38 Tạp chí Lao động và Công đoàn
Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Kính thưa Quốc hội,
Thưa các vị khách quý,
Thưa đồng bào và cử tri cả nước.
Hôm nay, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã tới tham dự phiên khai mạc Kỳ họp. Nhân dịp này, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu cùng toàn thể Nhân dân, cử tri, đồng bào, chiến sĩ cả nước lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc kỳ họp thành công như mong đợi.
Kính thưa Quốc hội,
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, Kỳ họp thứ 5 được chia làm 2 đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội: đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6; đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6 (dành một tuần giữa 2 đợt để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp). Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng sau đây:
Thứ nhất, về công tác lập pháp
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có 6 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự); có 2 dự án luật(Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp trên cơ sở quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị của Chính phủ, để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Quốc hội cũng xem xét, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác, bao gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, đối với 6 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình dự án, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 3 (được tổ chức vào tháng 4/2023); đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến nhân dân và ý kiến chuyên gia. Các dự thảo luật được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua đến nay cơ bản đã có sự thống nhất cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh:TL. |
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Dự án đã được tiếp thu, hoàn chỉnh trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và trên 12 triệu lượt góp ý của các tầng lớp Nhân dân. Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đối tượng được lấy ý kiến rất đa dạng, bao gồm: các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia, các nhà khoa học… Thông qua nhiều hình thức phong phú, các ý kiến đã tham gia sôi nổi vào việc hoàn chỉnh nhiều vấn đề của dự thảo Luật, trong đó tập trung vào 4 vấn đề quan trọng: (i) bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (ii) giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (iii) tài chính đất đai, giá đất; (iv) quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc lấy ý kiến Nhân dân thực sự đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy sâu sắc quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần tạo nên bước tiến quan trọng về chất lượng của dự thảo Luật. Quốc hội trân trọng cảm ơn sự quan tâm, những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của Nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nói chung. Trên cơ sở hồ sơ dự án Luật, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TWngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIIIvề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; hoàn thiện dự thảo Luật này thêm một bước, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và bảo đảm chất lượng, có điều kiện để có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này là những nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc xem xét, ban hành các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chất lượng quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực thi hành vào cuối năm 2023.
Với số lượng lên đến 20 dự án, dự thảo Luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp này, trong đó có nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của đa số người dân và doanh nghiệp, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá tính đồng bộ và sự phù hợp của các dự án, dự thảo với Hiến pháp và đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc thận trọng về tính hợp lý, khả thi, tác động của các chính sách mới được đề xuất; đặc biệt lưu ý bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong các quy định của từng dự án, dự thảo và sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, thúc đẩy, tạo động lực mới, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ hai, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng khác
Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; đồng thời, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng về: (1) Giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; (2) Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội;(3) Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội; (4) Chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; (5) Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài phát biểu khai mạc quan trọng tại phiên khai mạc. Ảnh: Lâm Hiển. |
Kính thưa Quốc hội!
Những tháng đầu năm 2023, mặc dù bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân cơ bản ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của nước ta giảm mạnh do lạm phát, căng thẳng địa chính trị, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ… đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; một số địa phương có mức tăng trưởng âm hoặc thấp hơn so với cùng kỳ; kim ngạch xuất, nhập khẩu, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc chỉ tăng ở mức thấp; một số điểm nghẽn của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả; nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực tỷ giá, lãi suất tăng cao; nguy cơ nợ xấu gia tăng; tình hình dịch bệnh, thiên tai dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp… Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá một cách khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; việc giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội…; làm rõ trách nhiệm, phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới, từ đó hiến kế, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025.
Đối với việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, quán triệt yêu cầu đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, đánh giá kỹ tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập, hạn chế chưa được khắc phục hiệu quả qua nhiều năm như: ước thu khác xa so với thực tế, lập dự toán thu thấp; phân bổ, giao dự toán chậm; chi chuyển nguồn ngân sách còn lớn; việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều sai phạm, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, cơ quan chức năng về tài chính, ngân sách còn chưa nghiêm, còn chưa kịp thời…; từ đó, đóng góp giải pháp, đề xuất cách làm để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức, công vụ, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng công tác xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội.
Thứ ba, về hoạt động giám sát tối cao
Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề:“Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đặc biệt là báo cáo về kết quả giám sát, đề nghị Quốc hội phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện và quy định của pháp luật, các nguyên nhân khách quan, chủ quan; kiến nghị các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quản lý và sử dụng các nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng trong thời gian tới. Căn cứ kết quả giám sát, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua nghị quyết về vấn đề này.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc. Ảnh: TL. |
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét toàn diện, cân đối giữa các lĩnh vực và bám sát tình hình thực tiễn, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến, lựa chọn nội dung cụ thể để bảo đảm giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề mấu chốt còn vướng mắc, bất cập nhằm tạo được chuyển biến tích cực đối với các nội dung được giám sát, nhất là trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, về đầu tư công, về các dự án trọng điểm quốc gia, những vấn đề lớn, quan trọng, những vấn đề bức xúc, nổi lên được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm; qua đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực chất của hoạt động giám sát của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét một số báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước… Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, xem xét toàn diện, thống nhất và cẩn trọng, dự báo những vấn đề lớn, mới có thể phát sinh, đề xuất giải pháp phù hợp để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thứ tư, về công tác nhân sự
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp, cụ thể là: (1) Xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; (2) Xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.
Kính thưa Quốc hội,
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung rất quan trọng, thu hút sự chú ý, quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri và Nhân dân trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc và có chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, tôi tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đề ra, tiếp tục thu được kết quả toàn diện và tốt đẹp.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trân trọng cảm ơn Quốc hội!
Tin cùng chuyên mục
Đảng với công nhân - 18/11/2024 16:52
6 trọng tâm tạo phát triển đột phá trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
Trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập vấn đề “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Để làm rõ một số vấn đề lý luận, thực tiễn cơ bản về vấn đề này, một cuộc hội thảo khoa học quốc gia vừa được tổ chức hôm 15/11, với chủ đề: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, tập hợp 51 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và nhà lãnh đạo.
Đảng với công nhân - 18/11/2024 14:45
Thống nhất nhận thức về Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Sáng ngày 15/11/2024, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các ban Đảng Trung ương và Tạp chí Cộng sản đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn". Tạp chí Lao động và Công đoàn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu Kết luận Hội thảo của đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.
Đảng với công nhân - 16/11/2024 18:55
Nữ đảng viên gần 30 năm... cầm chổi
“Trong giây phút tuyên thệ dưới lá cờ Đảng, tôi đã không cầm được nước mắt bởi sự xúc động. Vậy là cùng với chồng, tôi đã là đảng viên để làm tấm gương cho con tôi sau này phấn đấu noi theo”, chị Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Đảng với công nhân - 10/11/2024 20:00
Kỷ nguyên mới và định hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Những ngày gần đây nhiều trí thức, đảng viên quan tâm đến một loạt bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm cả về nội dung và cách diễn giải vấn đề. Chẳng hạn, vấn đề lãng phí không phải là mới, nhưng cách đặt vấn đề, cách phân tích và diễn giải về lãng phí làm cho người ta đặc biệt chú ý.
Đảng với công nhân - 04/11/2024 10:09
Để công nhân xa quê, nhưng không rời xa Đảng
Việc lựa chọn đi làm ăn xa của đảng viên là chính đáng nên hầu hết các chi ủy, chi bộ đều quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên có việc làm, ổn định cuộc sống. Từ đây, nhiều cách làm hay trong quản lý đảng viên đi lao động, làm công nhân, làm việc xa nơi cư trú đã được ra đời…
Đảng với công nhân - 18/10/2024 19:32
“Nắng gió công trường đã rèn giũa nên con người tôi hôm nay”
Vẻ bề ngoài là người đàn ông rắn rỏi, dạn dày với nắng gió công trường, vậy nhưng khi chia sẻ về công việc của mình, anh Ngô Văn Nghị - Tổ trưởng tổ kỹ thuật, Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại COMA 25 lại như trở thành một người khác - một thanh niên sôi nổi và tràn đầy nhiệt huyết. Đặc biệt khi nói về hành trình của người đảng viên, chúng tôi đã thấy rõ niềm tự hào lấp lánh trong đôi mắt anh.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng