Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) - Trách nhiệm với đất nước và người lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) - Trách nhiệm với đất nước và người lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) - Trách nhiệm với đất nước và người lao động

Trong phiên họp ngày 24/10/2024, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội thông tin, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội. Đã có 110 ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường, 5 ý kiến tranh luận và một ý kiến góp ý bằng văn bản.

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Đây là dự án luật khó, có tính phức tạp, tính chất chính trị cao, đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng. Chúng ta vừa phải giải quyết hợp lý, hài hòa nhiều vấn đề có mối quan hệ mật thiết”.

Đúng vậy, Luật Công đoàn (sửa đổi) là điều luật khó, mang tính chính trị pháp lý rất cao, có ảnh hưởng trực tiếp đến mọi tầng lớp trong xã hội hay nói cách khác là ảnh hưởng sát sườn đến “túi tiền” của mọi gia đình. Những ngày qua từ quán trà đá vỉa hè đến nghị trường Quốc hội, đâu đâu cũng thấy nhắc đến Luật Công đoàn (sửa đổi), nhất là phần kinh phí công đoàn 2%.

Do sự quan trọng như vậy nên Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến từ các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và đặc biệt trong các buổi tiếp xúc cử tri có riêng buổi tiếp xúc chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động.

Nhiều ý kiến của cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động đã được các đại biểu Quốc hội giải đáp, tiếp thu một cách nghiêm túc. Điều quan trọng hơn cả mà ai cũng nhận thấy là cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động được trực tiếp xây dựng luật, trực tiếp đóng góp vào những vấn đề lớn lao của đất nước. Họ đã thực sự phát huy được kiến thức, kinh nghiệm, sự sáng tạo của mình hay nói rộng ra là họ đã thực sự phát huy được vai trò làm chủ của mình. Nhu cầu được lắng nghe là một trong những nhu cầu mà đoàn viên, công nhân, lao động mong muốn đáp ứng.

Từ sự lắng nghe đó, những vướng mắc có cơ hội được tháo gỡ, những chính sách có cơ hội được hoàn thiện và bản thân công nhân, lao động được khẳng định vị thế của mình. Ở chiều ngược lại, luật đã thực sự đi vào đời sống, bám rễ vào đời sống, tránh được tình trạng “ngồi máy lạnh làm luật” mà lâu nay chúng ta vẫn nói.

Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) - Trách nhiệm với đất nước và người lao động

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác lập pháp của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn, ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được các cơ quan, bộ, ngành, viện nghiên cứu tham gia thực hiện, phản biện qua nhiều vòng.

Các dự thảo sau khi xây dựng, được đăng tải rộng rãi để đón nhận ý kiến người lao động nói riêng và nhân dân nói chung. Từ đây cho thấy, có thể phát huy mối quan tâm sâu rộng hơn trong xã hội bằng việc thông tin rộng rãi về những kết quả trao đổi, thảo luận trong mỗi kỳ họp trên nghị trường Quốc hội.

Qua đó đón nhận thêm nhiều góp ý, gợi mở trong các tầng lớp nhân dân, cũng như ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Rộng hơn, cũng chính từ thực tiễn ngày càng sinh động mà vấn đề xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật ngày càng trở nên cấp bách.

Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) - Trách nhiệm với đất nước và người lao động

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần khẳng định qua các bài viết, bài phát biểu rằng, phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. “Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư, không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ”.

Tinh thần này một lần nữa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: “Chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc”.

Điều đó đã được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tiếp thu một cách nghiêm túc trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Từ khi Luật Công đoàn ra đời năm 1957, một điều chưa có trong tiền lệ đó là việc bổ sung quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã ký và tham gia nhiều hiệp định đa phương, song phương quan trọng.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay có trên 136.000 người nước ngoài lao động tại Việt Nam. Nguồn lao động này góp phần nâng cao năng lực, năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Tổ chức Công đoàn cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi họ làm việc trên đất nước Việt Nam, tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) - Trách nhiệm với đất nước và người lao động

Chúng ta biết là khi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập hợp pháp thì sẽ có 2 tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, đó là Công đoàn Việt Nam với tư cách là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, không chỉ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn thực hiện chức năng chính trị, xã hội và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi mối quan hệ lao động, trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.

Để tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật, ngoài việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thì việc quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp là cần thiết.

Trước yêu cầu mới, nhiệm vụ ngày càng phức tạp, đòi hỏi thời gian tới Công đoàn Việt Nam cùng hệ thống chính trị cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp, biện pháp căn cơ, lâu dài để bảo đảm hoạt động và phát huy bản chất, vai trò, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn trong kỷ nguyên mới.

Tinh thần đổi mới tư duy làm luật đã được thể hiện rất rõ qua dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này. Cụ thể là việc quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng, đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh.

Điều ấy thể hiện việc xây dựng luật không cứng nhắc, có nghĩa là tổ chức Công đoàn sẵn sàng chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp khi gặp những trường hợp khó khăn - đó cũng là biểu hiện sinh động của việc vừa chăm lo cho người lao động nhưng đồng thời cũng đồng hành với doanh nghiệp.

Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) - Trách nhiệm với đất nước và người lao động

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có 3 chính sách mới, đó là hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và nâng cao vai trò của công đoàn trong bối cảnh mới; hoàn thiện các quy định pháp luật về tài chính công đoàn để đảm bảo công khai, minh bạch và chia sẻ nguồn tài chính cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, khi pháp luật cho phép ra đời tổ chức này; hoàn thiện các quy định để đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và nâng cao vai trò của công đoàn trong bối cảnh mới đã đề xuất trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ theo hướng Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở theo từng giai đoạn, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, số lượng đoàn viên công đoàn, người lao động và khả năng tài chính của tổ chức Công đoàn.

Hiện nay, ở các cấp công đoàn, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở liên tục tăng, trong khi tổ chức Công đoàn phải tuân thủ quy định chung về giảm biên chế, đặc biệt là tại các công đoàn cơ sở. Luật Công đoàn đã quy định những nguyên tắc chung nhằm đảm bảo tổ chức bộ máy và cán bộ cho tổ chức Công đoàn, bao gồm cả công đoàn cơ sở.

Trước hết, cán bộ công đoàn phải đảm bảo về số lượng để có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng công đoàn cơ sở, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nơi rất cần sự bảo vệ của tổ chức Công đoàn. Số lượng biên chế hiện tại của công đoàn tương đối thấp so với các đoàn thể khác. Cùng với đó, xu hướng phát triển liên tục của đoàn viên, việc thành lập công đoàn cơ sở mới cũng như sự cạnh tranh giữa các tổ chức Công đoàn đòi hỏi phải đề xuất tăng biên chế, đảm bảo phân chia biên chế phù hợp với từng địa phương.

Biên chế ít, lại thêm việc phân công về các Tỉnh, Thành ủy theo nguyên tắc số lượng đảng viên và dân số - tức là nơi nào đông dân, đông đảng viên thì nơi đó sẽ có nhiều biên chế. Nhưng nơi đông dân không có nghĩa là nơi ấy đông công nhân. Dẫn đến việc nơi có rất nhiều công nhân nhưng biên chế lại ít.

Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) - Trách nhiệm với đất nước và người lao động

Có hai quan điểm chính liên quan đến vấn đề phân phối tài chính công đoàn. Quan điểm thứ nhất cho rằng cần phải phân phối tài chính rõ ràng giữa các cấp công đoàn trong luật. Phương án này, do giới chủ sử dụng lao động đề xuất phân chia 75% cho cơ sở và 25% cho các cấp còn lại.

Quan điểm thứ hai cho rằng không nên quy định trong luật để tạo sự linh hoạt, nhất là khi tình hình nhiệm vụ có thể thay đổi, công đoàn có thể tự quyết định việc phân phối. Dự thảo Luật lần này lựa chọn phương án không quy định trong luật, nhằm đảm bảo tính linh hoạt và hài hòa, đặc biệt trong bối cảnh có sự ra đời của tổ chức của người lao động tại các doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Điều này cho thấy, Ban soạn thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã xây dựng luật theo hướng “mở”.

Đất nước ta đang có sự thay đổi mạnh mẽ, đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì thế vai trò của công đoàn trong việc sát cánh, đồng hành, phụng sự Đảng, Nhà nước và dân tộc ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo tiền đề, động lực cho công đoàn ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn, có vai trò, tầm ảnh hưởng quan trọng trong đời sống xã hội, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hy vọng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV này, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua.

Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) - Trách nhiệm với đất nước và người lao động

Bài viết: Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Trần Duy Phương - Dương Quốc Hải

Thiết kế: Dũng Choai