Để công nhân xa quê, nhưng không rời xa Đảng
Đảng với công nhân - 04/11/2024 10:09 TRẦN LƯU
“Nắng gió công trường đã rèn giũa nên con người tôi hôm nay” |
Nỗi niềm rời xa “mái nhà chung”
“Đau lòng lắm, nhưng không còn cách nào khác” – đó là lời chia sẻ của anh S.T.N. khi nhớ về thời điểm anh nộp đơn xin ra khỏi Đảng.
N. sinh năm 2000, quê ở xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, từng tham gia nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 330, Quân khu 9. Với anh, đây là khoảng thời gian sôi nổi và hạnh phúc nhất của tuổi trẻ khi anh được giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, rồi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có hơn 1.500 đảng viên đi làm ăn xa. Ảnh: Tr.L. |
Sau khi xuất ngũ, N. sinh hoạt Đảng tại chi bộ nơi cư trú và tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Được chi bộ tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện, N. không ngừng tiến bộ, trưởng thành hơn về nhận thức và hành động.
Tuy nhiên, áp lực cuộc sống đã khiến N. phải rẽ sang một hướng khác. Gia đình có 5 anh em cùng với cha mẹ già, trong khi chỉ có hơn một công đất trồng màu, nên cuộc sống họ rất bấp bênh. Đặc biệt, từ khi N. cưới vợ, lập gia đình, áp lực kinh tế càng trở nên nặng nề hơn.
Khoảng năm 2019, N. cùng vợ quyết định rời quê lên TP. HCM làm công nhân tại một khu công nghiệp. Một năm sau, dịch Covid-19 bùng phát, N. cũng như nhiều công nhân khác bị “mắc kẹt” ở TP. HCM do giãn cách xã hội.
“Thời điểm này ở địa phương thường hay gọi điện lên hỏi tôi: “Có về sinh hoạt đảng hay không?”, dù rất muốn tôi không thể về được. Hơn nữa, công ty tôi làm việc chưa có tổ chức Đảng; họ quản lý thời gian của công nhân rất nghiêm ngặt, lại đang trong giai đoạn thực hiện "3 tại chỗ" để thích ứng với dịch Covid-19 nên tôi buộc phải bỏ sinh hoạt đảng.
Sau nhiều lần như vậy tôi đã trăn trở rất nhiều và đi đến quyết định: “Làm đơn xin ra khỏi Đảng”. Đây là quyết định mà cả đời tôi cũng không mong muốn bao giờ, nhưng để không làm ảnh hưởng đến tổ chức tôi phải làm như vậy”.
N. tâm sự và cho biết thêm: Đến nay, anh vẫn tiếc nuối và rất đau lòng khi không còn được đứng trong hàng ngũ của Đảng, áp lực cuộc sống mưu sinh đã không cho anh lựa chọn nào khác.
Hơn 1 năm qua, do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên anh phải chuyển qua Bình Dương xin làm công nhân tại một công ty may mặc ở thành phố Bến Cát. “Mỗi tháng thu nhập của tôi hơn 6 triệu đồng, nếu chi tiêu tằn tiện cũng đủ sống. Dù sao vẫn đỡ hơn ở dưới quê không có việc làm ổn định”.
Toàn tỉnh Trà Vinh có khoảng hơn 1.500 đảng viên đi làm ăn xa (trong đó có hơn 1.200 đảng viên được miễn công tác, miễn sinh hoạt Đảng; 405 đảng viên thuộc diện gia đình nghèo, khó khăn; 113 đảng viên cho ra khỏi Đảng, 39 đảng viên bỏ công tác và bỏ sinh hoạt Đảng...).
Không chỉ riêng Trà Vinh, hiện nay, số lượng đảng viên đi làm ăn xa, nhất là khu vực nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng. Và N. là một trong số rất nhiều trường hợp phải rời xa tổ chức Đảng vì áp lực duy trì cuộc sống.
Ghi nhận tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, Đảng bộ huyện này có 392 đảng viên đi làm ăn xa, hầu hết đều viết đơn xin miễn sinh hoạt đảng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng xin phép cấp ủy đảng. Trong đó, có nhiều đảng viên không giữ mối liên hệ với Ban Chi ủy Chi bộ, không trở về kiểm điểm xếp loại đảng viên hằng năm, hết thời hạn miễn sinh hoạt không làm đơn tiếp tục xin miễn sinh hoạt, không đóng đảng phí theo quy định...
Chính vì thế, trong 4 năm qua Ban Thường vụ Huyện ủy Thới Lai đã quyết định xóa tên khỏi danh sách đảng viên 64 trường hợp. Hiện nay, còn 84 trường hợp đang xem xét để xóa tên khỏi danh sách đảng viên.
Ông Lê Thanh Sơn – Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ theo dõi Sổ quản lý Đảng viên trên địa bàn. Ảnh: Tr.L. |
Tại ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ hiện có 35 đảng viên, dù chưa có trường hợp xin ra khỏi Đảng nhưng tại đây đã xảy ra tình trạng đảng viên tìm cách “lách luật” để ứng phó với quy định sinh hoạt đảng.
Ông Lê Thanh Sơn – Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 1, cho biết: Ở ấp này đa số bà con làm nghề nông với nguồn thu nhập bấp bênh. Trước áp lực cuộc sống, không ít người là đảng viên đã rời quê lên các thành phố lớn làm công nhân, hoặc tìm công việc khác tốt hơn.
Theo ông Sơn, các doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư, nên họ chỉ muốn tập trung vào sản xuất kinh doanh để kiếm lợi nhuận. Ở chiều ngược lại, do điều kiện xa xôi, mỗi lần đi về tốn kém đủ thứ, công nhân lao động vì áp lực mưu sinh, nên dù muốn, họ vẫn không thể quay về địa phương để sinh hoạt đảng theo quy định. Chính vì vậy, đến nay đã có 3 trường hợp làm đơn xin miễn xin hoạt đảng do phải đi làm ăn xa.
“Theo quy định, mỗi đảng viên được nộp đơn xin miễn sinh hoạt đảng 3 lần với tổng thời gian 30 tháng (lần đầu 6 tháng, 2 lần sau mỗi lần 12 tháng). Có người nộp đơn xin miễn sinh hoạt đảng 1 năm, khi gần hết hạn, họ quay về địa phương sinh hoạt đảng trong vài tháng; sau đó lại tiếp tục rời quê đi làm ăn, rồi họ lại tiếp tục có đơn xin miễn sinh hoạt đảng.
Lúc này, thời gian xin miễn sinh hoạt đảng sẽ tính lại từ đầu, chứ không cộng dồn, và đây là một cách “đối phó”. Những người này trên danh nghĩa vẫn là đảng viên, nhưng thực tế không có đóng góp gì trong chi bộ”, ông Sơn nêu thực trạng.
Để đảng viên an tâm, gắn bó với tổ chức Đảng
Việc đảng viên đi làm ăn xa, về nguyên tắc không trái với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có một số đảng viên đi làm ăn xa, chủ yếu là lao động tự do, làm việc không ổn định, ở nơi làm việc chưa có tổ chức Đảng và ở quá xa so với nơi sinh hoạt Đảng, nên không có điều kiện trở về tham gia sinh hoạt chi bộ, không thường xuyên báo cáo với chi bộ, không đóng đảng phí và thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên…
Đảng viên huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đi làm việc ở Cụm công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long tham gia họp chi bộ với hình thức trực tuyến. Ảnh: P.V. |
Do vậy, cần phải có giải pháp để khắc phục hiệu quả tình trạng này nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Từ đây, nhiều cách làm hay trong quản lý đảng viên đi lao động, làm việc xa nơi cư trú đã được ra đời.
Tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, hiện có hơn 580 đảng viên được miễn sinh hoạt Đảng, trong đó nhiều trường hợp đảng viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nên chọn cách đi làm ăn xa để cải thiện kinh tế gia đình.
Theo Đảng bộ huyện Châu Thành, địa phương có 33 tổ chức cơ sở đảng, 212 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với tổng số hơn 4.500 đảng viên. Để quản lý chặt chẽ đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú và thực hiện thủ tục chuyển sinh hoạt, miễn sinh hoạt Đảng đúng theo quy trình, hướng dẫn của tỉnh, Trung ương, từ tháng 4/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành đã triển khai mô hình “Tổ quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú”, và chọn Đảng ủy xã An Phú Thuận làm thí điểm. Đồng thời giao Đảng ủy các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương hỗ trợ vốn cho đảng viên thoát nghèo, giúp họ an tâm gắn bó với địa phương. Ảnh: Tr.L |
Trước khi thực hiện mô hình, Đảng ủy xã An Phú Thuận có 32 đảng viên xin miễn sinh hoạt Đảng để đi làm ăn xa nơi cư trú. Đảng ủy xã An Phú Thuận đã lãnh đạo, chỉ đạo Tổ quản lý phân công các thành viên trong tổ phụ trách tiến hành rà soát, khảo sát lại từng trường hợp đảng viên xin miễn sinh hoạt Đảng để đi làm ăn xa nơi cư trú, tìm hiểu điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình của đảng viên, hướng dẫn đảng viên hoàn chỉnh lại hồ sơ thủ tục, quy trình, thẩm quyền miễn sinh hoạt Đảng theo đúng mẫu biểu hướng dẫn.
Đồng thời Tổ quản lý tham mưu Đảng ủy xã cho ý kiến thống nhất miễn sinh hoạt Đảng các trường hợp đủ điều kiện miễn sinh hoạt Đảng theo quy định; đối với các trường hợp chưa đảm bảo điều kiện thì vận động, yêu cầu đảng viên trở về tiếp tục sinh hoạt chi bộ. Kết quả, có 13 đồng chí trở về tiếp tục sinh hoạt chi bộ và có 19 đảng viên đủ điều kiện tiếp tục được miễn sinh hoạt Đảng do đi làm ăn xa nơi cư trú.
Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành, đến nay, có 10/12 Đảng ủy xã, thị trấn trong toàn huyện đã thành lập “Tổ quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú” với 150 thành viên. Định kỳ 6 tháng, các tổ đều tổ chức gặp mặt đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú thông qua nhiều hình thức như: họp online qua Google Meet, Zalo, hoặc gặp mặt trực tiếp.
Qua các buổi gặp mặt, “Tổ quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú” đã kịp thời thông tin tình hình hoạt động của địa phương đến đảng viên; tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; hướng dẫn đảng viên thực hiện những quy định của Trung ương về công tác quản lý đảng viên. Bên cạnh đó, nắm rõ hoàn cảnh gia đình, điều kiện nơi lao động và tâm tư, nguyện vọng của đảng viên; phát hiện những biểu hiện lệch lạc để uốn nắn kịp thời; thăm hỏi, động viên tinh thần khi đảng viên gặp khó khăn trong cuộc sống…
Còn tỉnh Trà Vinh cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ vốn cho đảng viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn sinh hoạt ở ấp, khóm vượt khó vươn lên. Ban thường vụ cấp ủy có thể xem xét cho gia hạn thêm thời gian, trên cơ sở nguồn vốn đã thu hồi xem xét hỗ trợ cho đảng viên thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, đồng thời tranh thủ thêm các nguồn vốn khác, nhất là vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội... để hỗ trợ đảng viên phát triển kinh tế. Phân công đảng viên có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, cán bộ khoa học - kỹ thuật, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi theo dõi, giúp đỡ đảng viên được hỗ trợ vốn, giúp đảng viên sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả…
Bình Phước: Thành lập chi bộ có 20 đảng viên tại doanh nghiệp FDI Ngày 12/9, Chi bộ Công ty TNHH Long Fa tại Khu công nghiệp Minh Hưng III, thị xã Chơn Thành được thành lập với 20 ... |
Người đảng viên khơi dậy khát khao sáng tạo trong công nhân Gặp anh Nguyễn Thế Chuyền – công nhân tổ chế tạo, Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, ... |
Ngọc trong lũ Hình như khi đó và chắc không chỉ khi đó, họ đã tạm quên đi thời gian, tạm quên đi gia đình riêng, thậm chí ... |
Tin cùng chuyên mục
Đảng với công nhân - 18/11/2024 16:52
6 trọng tâm tạo phát triển đột phá trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
Trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập vấn đề “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Để làm rõ một số vấn đề lý luận, thực tiễn cơ bản về vấn đề này, một cuộc hội thảo khoa học quốc gia vừa được tổ chức hôm 15/11, với chủ đề: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, tập hợp 51 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và nhà lãnh đạo.
Đảng với công nhân - 18/11/2024 14:45
Thống nhất nhận thức về Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Sáng ngày 15/11/2024, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các ban Đảng Trung ương và Tạp chí Cộng sản đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn". Tạp chí Lao động và Công đoàn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu Kết luận Hội thảo của đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.
Đảng với công nhân - 16/11/2024 18:55
Nữ đảng viên gần 30 năm... cầm chổi
“Trong giây phút tuyên thệ dưới lá cờ Đảng, tôi đã không cầm được nước mắt bởi sự xúc động. Vậy là cùng với chồng, tôi đã là đảng viên để làm tấm gương cho con tôi sau này phấn đấu noi theo”, chị Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Đảng với công nhân - 10/11/2024 20:00
Kỷ nguyên mới và định hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Những ngày gần đây nhiều trí thức, đảng viên quan tâm đến một loạt bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm cả về nội dung và cách diễn giải vấn đề. Chẳng hạn, vấn đề lãng phí không phải là mới, nhưng cách đặt vấn đề, cách phân tích và diễn giải về lãng phí làm cho người ta đặc biệt chú ý.
- Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
- Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
- Nghĩa tình keo sơn ở Công đoàn Chi nhánh Xăng dầu Hà Nội
- Những trường hợp người lao động được từ chối việc phân công
- Doanh nghiệp “khát” nhân lực dịp cuối năm, người lao động cố chờ thưởng Tết