|
PV: Xin ông cho biết lý do vì sao phải sửa đổi Luật Công đoàn? ThS. Lê Đình Quảng: Luật Công đoàn hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi phải sửa đổi với 3 lý do chính sau đây. Một là, xuất phát từ yêu cầu cần phải khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn để đáp ứng hoạt động công đoàn trong thời kỳ mới. Hai là, xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công nhân, công đoàn và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ba là, xuất phát từ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta đã đặt ra yêu cầu phải rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn” như Nghị quyết số 06 ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu. PV: Được biết đây là Dự án Luật có tính chính trị - pháp lý cao, vậy quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật như thế nào, thưa ông? ThS. Lê Đình Quảng: Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được xác định là dự án luật khó và phức tạp, có tính chính trị - pháp lý cao, đặt trong bối cảnh hội nhập, phải giải quyết hợp lý, hài hòa nhiều vấn đề có mối quan hệ mật thiết với nhau. Như mối quan hệ giữa Công đoàn với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị của Việt Nam và công đoàn với chức năng, nhiệm vụ cốt lõi là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động. Rồi vấn đề phải đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với điều kiện và bối cảnh hội nhập này càng sâu rộng của nước ta nhưng phải đảm bảo tính chất và vai trò riêng có của Công đoàn Việt Nam trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Vì vậy, việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này phải đảm bảo các nguyên tắc: Thứ nhất, quán triệt và thể chế hóa sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng, phát triển đất nước, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Thứ hai, Luật phải được xây dựng phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành. Thứ ba, việc sửa đổi phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động. Thứ tư, kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành của Luật Công đoàn hiện hành. Thứ năm, tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; bảo đảm các quy định của Luật Công đoàn phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước phù hợp, tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. PV: Xin ông cho biết quá trình xây dựng cũng như lộ trình hoàn thiện dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)? ThS. Lê Đình Quảng: Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã khẩn trương tiến hành xây dựng dự án Luật, tổ chức lấy ý kiến của Chính phủ, các bộ, ban, ngành có liên quan, các cấp công đoàn, các chuyên gia và đăng trên website để lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, của đông đảo người lao động và các tầng lớp nhân dân, hoàn thiện và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vào ngày 3/6/2024. Tại kỳ họp thứ 7, đã có 110 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, trong đó 78 ý kiến phát biểu tại tổ (ngày 8/6), 32 ý kiến phát biểu tại Hội trường (ngày 18/6). Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 27/8/2024, dự án Luật tiếp tục được thảo luận và đã có 8 lượt ý kiến đại biểu phát biểu của hơn 21 vấn đề. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 (ngày 24/10) trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã có 25 lượt ý kiến phát biểu của hơn 80 vấn đề. Hiện nay Tổng LĐLĐ Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan có liên quan dưới sự chủ trì của Ủy ban Xã hội của Quốc hội rà soát, chỉnh lý, tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua, dự kiến vào cuối kỳ họp thứ 8. Nếu được thông qua, Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. PV: Vậy đâu là điểm mới của quy trình xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi lần này, thưa ông? ThS. Lê Đình Quảng: Luật Công đoàn sửa đổi là đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của nước ta, tác động đến hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Chính vì vậy Luật được xây dựng hết sức thận trọng, khoa học, chặt chẽ; thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho sự phát triển đất nước, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ những người lao động mới - nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển. Quá trình xây dựng luật thể hiện rõ sự đổi mới, cải tiến trong quy trình xây dựng pháp luật; thể hiện trách nhiệm, hiệu quả của hoạt động Quốc hội nói chung, của đại biểu Quốc hội nói riêng. Luật được sửa đổi trên tinh thần chặt chẽ, chọn lọc các ý kiến đóng góp qua nhiều vòng khảo sát từ cấp địa phương đến Trung ương, từ các bộ, ban, ngành có liên quan với nhiều cuộc thảo luận, hội nghị góp ý kiến. Đặc biệt, đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội với cử tri là cán bộ công đoàn, công nhân lao động - đối tượng chịu sự điều chỉnh chủ yếu của luật - để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị xác đáng của cử tri, từ đó chắt lọc, đưa vào dự thảo luật. Bảo đảm luật được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn, mang hơi thở của cuộc sống, có tính khả thi cao. PV: Xin ông cho biết những nội dung sửa đổi cơ bản trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)? ThS. Lê Đình Quảng: Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 37 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 32 điều, thêm mới 6 điều, bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012, với những sửa đổi cơ bản sau: Một là, mở rộng quyền gia nhập, hoạt động công đoàn đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động và người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hai là, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, đoàn viên công đoàn đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Ba là, hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. PV: Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu, doanh nghiệp, người lao động và tổ chức Công đoàn quan tâm đó là kinh phí công đoàn. Vấn đề này được xác định trong dự thảo Luật như thế nào, thưa ông? ThS. Lê Đình Quảng: Xuất phát từ vị trí pháp lý và chức năng, nhiệm vụ đặc thù của tổ chức Công đoàn Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp, Đảng và Nhà nước đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật liên quan đến cơ chế bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công đoàn hoạt động, trong đó có bảo đảm độc lập về tài chính công đoàn. Luật Công đoàn năm 1957 và Luật Công đoàn năm 1990 đều đã quy định về nguồn thu tài chính công đoàn. Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định:“Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài, bền chặt giữa người lao động với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp. Qua tổng kết việc thực hiện Luật Công đoàn 2012 cho thấy, thu kinh phí công đoàn chiếm từ 57% - 64% và chi tài chính công đoàn được tập trung cho công đoàn cơ sở (chiếm gần 75%) để chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động. Nghị quyết Trung ương 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định phải “tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” thì việc tiếp tục bảo đảm nguồn kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn là hết sức cần thiết. Nghị quyết số 02 - NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã xác định “Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn” và nhấn mạnh: “Duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Quán triệt quan điểm như vậy, dự thảo Luật giữ nguyên quy định về kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn 2012: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động”. PV: Khi Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì những công việc tiếp theo của tổ chức Công đoàn là gì, thưa ông? ThS. Lê Đình Quảng: Luật Công đoàn (sửa đổi) chỉ có có 4 nội dung giao Chính phủ quy định, 11 nội dung giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn, trong đó có nhiều nội dung khó, phức tạp, chưa có tiền lệ như trình tự thủ tục việc gia nhập công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Để các quy định của Luật đi vào cuộc sống, tổ chức Công đoàn phải khẩn trương trực tiếp cũng như tham gia tích cực với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Bên cạnh đó, để thực thi các quyền và trách nhiệm đã được quy định trong Luật, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động, tận dụng tối đa lợi thế đã được pháp luật cho phép, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ chăm lo, đại diện bảo vệ người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ, phát huy sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! |