"Bẫy nợ" thẻ ngân hàng - Bài cuối: Ngân hàng Nhà nước cần kịp thời thanh tra, chấn chỉnh
Pháp luật lao động - 02/10/2024 09:17 Ngô Khiêm - Phạm Huệ
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: “Tài khoản ngân hàng không đơn thuần tài sản thông thường”
GS.TS Hoàng Văn Cường. Ảnh: Ngô Khiêm |
Điều đầu tiên phải thừa nhận dịch vụ thẻ mà ngân hàng cung cấp đã mang lại sự tiện lợi cho người dân trong việc lựa chọn thanh toán, quản lý tiền của mình. Tất nhiên dịch vụ này phải có chi phí.
Bản thân người dùng phải nhận thức được việc sử dụng thẻ là không miễn phí. Thực tế hiện nay nhiều người chỉ ký vào tờ giấy đăng ký mở thẻ mà không cần biết điều khoản thế nào, trách nhiệm, nghĩa vụ ra sao và vô hình trung họ đã tự đặt mình vào tình thế bị ràng buộc mà không biết. Khách hàng phải luôn tỉnh táo, đọc rất kỹ, hiểu rất kỹ và một khi không hiểu thì phải nhờ người thực sự có khả năng để tìm hiểu, giải thích cặn kẽ cho mình.
Theo tôi, việc ngân hàng mở thẻ, đóng thẻ, thu tiền phí duy trì thẻ là quyền của họ và đây không phải quyền họ áp đặt mà là quan hệ thị trường, hai bên thỏa thuận một cách tự nguyện. Khi cung cấp dịch vụ, về nguyên tắc nhà cung cấp dịch vụ phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng, tránh tình trạng nhân viên ngân hàng đưa tờ giấy cho khách hàng và nói “chỉ cần ký vào tờ giấy vào là xong, không mất gì nữa đâu”. Theo tôi, đây là hành vi không trung thực, nếu nói nặng là lừa dối khách hàng. Nếu có bằng chứng thì khách hàng hoàn toàn có quyền kiện ngân hàng ra pháp luật còn không có bằng chứng thì ngân hàng đó đã mất uy tín, lòng tin trong lòng khách hàng. Tôi nghĩ với một ngân hàng thì uy tín, lòng tin là cực kỳ quan trọng và không một ngân hàng muốn đánh mất điều đó cả.
Để xảy ra việc người dùng nợ hàng triệu đồng trong nhiều năm, thậm chí có người dùng thẻ tín dụng nợ hàng tỷ đồng mà bản thân người dùng không hề biết mình là “con nợ”, theo tôi trách nhiệm thuộc về ngân hàng. Khi khách hàng không phát sinh giao dịch trong thời gian dài thì trách nhiệm của ngân hàng là phải liên hệ, trao đổi, thống nhất với khách hàng để dừng thẻ, rồi trong thời gian bao lâu phải khóa thẻ, chứ không thể để khách hàng bị nợ quá hạn.
Khi một khoản nợ mà khách hàng không trả được trong thời gian bao lâu ấy dù chỉ 1 đồng thì cũng trở thành nợ quá hạn mà khi ấy phải có một quy trình quản lý. Ngân hàng phải thực hiện thủ tục xử lý nợ quá hạn, còn nếu trong thời gian bao lâu mà nợ quá hạn không trả được thì phải xóa nợ. Bản thân các ngân hàng phải xem lại quy trình quản lý nợ xấu của các chi nhánh.
Chúng ta đều biết vừa qua khi phục hồi kinh tế, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông tư mới cho phép được giãn, được kéo dài thời gian trả nợ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thì các ngân hàng mới được phép làm, chứ ngân hàng để người lao động bị nợ quá hạn, dù chỉ nợ 1 đồng thì ngân hàng đã vi phạm vào quy định quản lý. Theo tôi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải kịp thời thanh tra, xử lý, chấn chỉnh ngay việc này.
Rõ ràng việc khách hàng mở thẻ xong không dùng là chuyện bình thường nhưng ngân hàng phải có cơ sở nào đó để trừ tiền phí duy trì thẻ. Để khách hàng nợ trong thời gian 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, ngân hàng phải đòi được nhưng họ không trả được mà để nợ xấu thì ngân hàng phải có biện pháp xử lý ngay.
Ngân hàng hoàn toàn có thể đưa quy định trong thời gian bao lâu không có tiền thì dừng thẻ và khi dừng bao lâu thì khóa thẻ. Khi dừng dịch vụ, khóa thẻ, ngân hàng cần thông báo trước cho khách hàng. Bản thân ngân hàng khi mở thẻ cho khách hàng thì phải biết khách hàng là ai. Không thể nói ngân hàng không tìm được thông tin của khách hàng. Một khi ngân hàng không tìm được khách hàng của mình thì tài khoản ấy phải đóng ngay, bởi vì khi đó tài khoản ấy có nguy cơ trở thành lừa đảo, nguy cơ để rửa tiền và có nguy cơ sinh ra các tệ nạn xã hội.
Tài khoản ngân hàng không đơn thuần tài sản thông thường mà nó còn là tài khoản số quốc gia có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội mà ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý.
Việc thu phí thẻ phụ thuộc vào năng lực, khả năng quản lý và mục tiêu của từng ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ việc này để người dân không bị thiệt, không thể để tình trạng nợ xấu lãi mẹ đẻ lãi con.
Công nhân tại Bình Dương tham gia cuộc khảo sát thực trạng dùng thẻ ngân hàng trong công nhân, người lao động mà Tạp chí Lao động và Công đoàn thực hiện năm 2024. Ảnh. T.C.C |
Còn về phía ngân hàng cũng không thể chạy theo thành tích để mở nhiều thẻ mà đi cùng với việc mở thẻ là tăng khả năng dịch vụ nhiều hơn. Hiện nay, chuyển đổi số trong ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, vì vậy khách hàng không nhất thiết phải dùng thẻ mà có thể qua mã quét mã QR code trên điện thoại thông minh. Việc người dân sở hữu bao nhiêu thẻ ATM là quyền của công nhân nhưng dưới con mắt của nhà kinh tế, tôi khuyến cáo mỗi người không nên sở hữu quá nhiều thẻ ngân hàng.
Quay trở về với trường hợp nữ công nhân ở Hải Dương mà Tạp chí Lao động và Công đoàn đề cập đến, tôi nghĩ cần xem xét lại xem trong 9 năm đó, ngân hàng có thường xuyên nhắc nhở khách hàng khoản phí duy trì hay không. Nếu người dùng phớt lờ thông báo của ngân hàng thì đó là lỗi của người dùng còn nếu ngân hàng không thông báo mà thu hơn 7,5 triệu đồng thì lỗi thuộc về ngân hàng.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: “Ngân hàng phải ứng xử hợp tình, hợp lý”
Trước khi làm thẻ, trách nhiệm của ngân hàng là phải thông báo đầy đủ cho khách hàng việc thu phí thường niên rồi khi thấy khách hàng không phát sinh giao dịch trong thời gian dài thì phải liên hệ ngay, tránh tình trạng để tài khoản “chết”, tức là khách hàng không dùng thẻ nhưng vẫn mất tiền duy trì thẻ.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Đình Toàn |
Trường hợp nữ công nhân ở Hải Dương mà Tạp chí Lao động và Công đoàn nêu, tôi nghĩ ngân hàng đã không minh bạch, đã không quan tâm, chăm sóc khách hàng một cách thường xuyên. Khách hàng và nhất là người lao động với nỗi lo cơm, áo, gạo tiền đè nặng thì không thể đòi hỏi họ có thời gian quan tâm đến việc phí duy trì thẻ vẫn âm thầm thu khi không dùng thẻ. Đa số công nhân, người lao động ở mức thu nhập thấp, chưa đủ để nuôi sống gia đình và bây giờ phải trả một khoán phí “trên trời” như vậy là bất cập.
Để xảy ra tình trạng này, theo tôi ngân hàng không phải cố tình lập bẫy mà cái chính là họ thiếu quan tâm, chăm sóc khách hàng. Khi khách hàng phải trả khoản nợ xấu không mong muốn thì ngân hàng phải có sự chia sẻ, phải ứng xử hợp lý, hài hòa, hợp tình, có tính nhân văn để lấy lại niềm tin của khách hàng.
Qua sự việc này, theo tôi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần rà soát các quy định, các hợp đồng, cách tổ chức của các ngân hàng để có hướng dẫn, chia sẻ với khách hàng, nhất là với người lao động. Ngân hàng phải ứng xử hợp tình, hợp lý để chung tay cùng xã hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
“Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 6: Ý kiến của cán bộ công đoàn Trước tình trạng nhiều công nhân, người lao động trở thành “con nợ” bất đắc dĩ của những chiếc thẻ ngân hàng, một số cán ... |
“Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 7: Mọi lợi ích thu được từ khách hàng phải hợp pháp và minh bạch “Trong một môi trường cạnh tranh như hiện nay, tôi cho rằng các ngân hàng cần phải nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn cao về ... |
“Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 10: Các ngân hàng cần rà soát vấn đề thẻ một cách tổng thể Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) và đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại ... |
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 21/11/2024 16:27
Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
Nữ lao động là trụ cột chính trong gia đình, việc bị nợ lương đã khiến cuộc sống của cô lâm vào cảnh túng quẫn.
Pháp luật lao động - 18/11/2024 06:07
7 trường hợp phải tổ chức đối thoại theo Bộ luật Lao động năm 2019
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định 7 trường hợp khi có vụ việc phải tổ chức đối thoại. Người sử dụng lao động, người lao động và cán bộ công đoàn cần biết những quy định này để thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động.
Sổ tay pháp luật - 16/11/2024 08:39
Những điều cần biết về đối thoại tại nơi làm việc theo pháp luật lao động
Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 đã có những quy định cụ thể về đối thoại tại nơi làm việc. Quy định này nhằm đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các bên và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Phóng sự điều tra - 15/11/2024 20:50
Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam
Sáng nay (15/11), đại diện Công ty TNHH Outcubator Việt Nam đã tới làm việc với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ (Hà Nội) về vụ tranh chấp lao động xảy ra tại công ty này.
Phóng sự điều tra - 13/11/2024 14:33
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định bác sĩ Lê Khắc Thu có đủ sức khỏe để làm việc. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại.
Phóng sự điều tra - 08/11/2024 14:32
Bị nợ lương thử việc, nam công nhân phải vay lãi ngày chăm con ốm
Kết thúc thời gian thử việc 1 tháng vào ngày 30/8, nhưng hơn 2 tháng sau, anh T. (Thanh Oai, Hà Nội) mới được thanh toán lương sau nhiều lần đòi quyền lợi.
- Chủ tịch Công đoàn luôn trăn trở cùng công nhân, người lao động
- Thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên tại Quảng Trị
- Chị Phùng Thị Thúy Hường: 30 năm sống như những đóa hoa
- Hướng dẫn mới nhất về thanh toán tiền khám bệnh bảo hiểm y tế
- Fan Việt bùng nổ cảm xúc sau lời chào chính thức từ Imagine Dragons