
Liên quan việc Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 3/2019 với số tiền 13,5 tỷ đồng, mới đây, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức cuộc họp với Ban Quản lý (BQL) các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hà Nam; các sở, ngành, công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc này, Công ty Dệt 19/5 Hà Nội báo cáo những khó khăn đang gặp phải. Đồng thời, đưa ra lộ trình trả lương và nộp BHXH theo nội dung văn bản từng công bố vào đầu tháng 3/2023. Cụ thể, lương tháng 9/2022 sẽ thanh toán chậm nhất đến ngày 15/3; lương các tháng 10, 11, 12/2022 sẽ thanh toán chậm nhất đến ngày 15/4. Về BHXH, Công ty cố gắng nộp đủ trong năm 2023, 2024.
![]() |
NLĐ Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội liên tục phải đi đòi quyền lợi. Ảnh: M.A |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn sáng 31/3, ông Đoàn Văn Thọ, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam cho biết, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các vấn đề liên quan đến Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội, đồng thời chỉ đạo Công ty tổ chức hội nghị đối thoại trao đổi lộ trình với NLĐ. Lộ trình này cũng phải được đưa ra bằng văn bản khẳng định từ phía Công ty.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Công ty đưa ra cam kết lộ trình trả quyền lợi cho NLĐ. Trước đó, hồi tháng 11/2022, Công ty cũng đưa ra cam kết nhưng không thực hiện. Công nhân gặp khó khăn khi tìm công việc mới, nhiều lao động phải làm công viêc thời vụ bấp bênh để có thu nhập lo cho gia đình. Hơn thế nữa, công nhân còn thiệt thòi về quyền lợi về y tế như khám chữa bệnh, thai sản...
Ông Đỗ Văn Minh – Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội tại buổi đối thoại với người lao động vào đầu tháng 11/2022, có sự tham gia của đại diện BQL các KCN tỉnh Hà Nam, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Hà Nam, tổ chức Công đoàn…, đưa ra lộ trình nộp số nợ BHXH từ năm 2019-2022 và giải quyết số nợ này đến thời gian hết quý 4 năm 2023.
Ông Minh khẳng định hết tháng 12/2022, phía công ty sẽ nộp hết BHXH năm 2019; quý 1 và 2 năm 2023 sẽ thanh toán của năm 2020, quý 3 và 4 sẽ nộp cho năm 2021 và 2022.
Thế nhưng, theo xác nhận từ cơ quan BHXH thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, tính đến 31/3/2023, Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội vẫn chưa nộp bất cứ khoản nợ BHXH. Và đến 21/3, NLĐ tại Nhà máy Dệt Hà Nam mới nhận được lương tháng 9/2022.
Bà Lê Thị Hiền - đại diện cho NLĐ Nhà máy Dệt Hà Nam cho biết, NLĐ mong chờ một giải pháp chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan chức năng, dứt điểm các quyền lợi cho NLĐ.
"Quá nhiều lần Công ty cam kết nhưng không thực hiện với NLĐ, chúng tôi đã mất niềm tin", bà Hiền nói thêm.
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam cũng đã nhận được đơn tố cáo của tập thể NLĐ Nhà máy Dệt Hà Nam, Nhà máy Sợi Hà Nam, bộ phận văn phòng tại khu vực Hà Nam (bảo vệ, y tá, nhân viên nhà ăn, nhân viên kho), bộ phận quản lý chất lượng về vấn đề NLĐ bị Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội nợ lương, nợ BHXH. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng mong muốn các cơ quan liên quan xem xét, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trên địa bàn tỉnh. |
![]() 4,5 tỷ đồng nợ lương người lao động (NLĐ) trong vòng 9 tháng; 13,5 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 3/2019 ... |
![]() Ngay sau khi nhận được thông báo của Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội ngày 4/3/2023 về phương án trả lương, nợ BHXH và ... |
![]() Bà Lê Thị Hiền - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Dệt Hà Nam thuộc Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội cho biết, Bảo ... |