Tự vệ bằng smartphone
Cà phê tối - 03/02/2025 16:29 Mỹ Anh
Cụ thể, ngày mồng 1 tháng 2 (tức mùng 4 Tết) anh Thuận (quê Quảng Ninh) cùng Tuân (quê Nam Định) có xích mích khi tham gia giao thông. Tuân gọi em mình là Tuyên cùng đồng bọn tới nói chuyện phải quấy. Khi đến bến phà Cồn Nhất, nhóm Tuân, Tuyên cùng đồng bọn gõ cửa xe yêu cầu anh Thuận xuống xe.
Anh Thuận không xuống và buông lời thách thức. Nhóm Tuyên luồn tay qua khe hở của cửa lái, lắc kính chắn gió thì kính xe mở hoàn toàn. Tuyên lập tức đấm nhiều lần về phía anh Thuận. Anh Thuận không tỏ ra sợ hãi hay đau đớn mà liên tiếp nói: Rồi, cứ để nó đánh, đánh tiếp đi.
Trên tay anh Thuận là smartphone ghi hình lại các hành động của nhóm Tuyên. Sau xe, người nhà anh Thuận cũng quay lại vụ việc. Nhóm Tuyên tiếp tục tấn công anh Thuận. Cao điểm, Tuyên đã dùng cả hai chân định luồn vào xe anh Thuận qua cửa kính nhưng được người bên ngoài kéo ra…
Có thể nói, hành vi hành hung, có dấu hiệu phá hoại tài sản của nhóm Tuân- Tuyên là tương đối rõ ràng. Thái độ côn đồ, nói chuyện bằng nắm đấm chắc chắn sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật cũng như những lên án từ xã hội. Những vụ việc như trên, chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều trong thời gian gần đây. Và kết thúc luôn là những lệnh tạm giữ dành cho những kẻ quá khích.
Vụ việc này đặc biệt hơn ở chỗ, bị hại- anh Thuận- có phần chủ động hơn trong việc tự vệ khi bị nhóm côn đồ bủa vây. Anh Thuận tự tin với những chiếc smartphone được bật chế độ ghi hình trong xe và hiểu hệ lụy của nhóm Tuyên nếu nhóm Tuyên manh động.
Anh Thuận cùng người nhà không những không tỏ ra sợ hãi khi “bị quây” mà còn bình tĩnh, có phần thách thức để nhóm Tuyên kích động. Theo clip, đã có lúc nhóm Tuyên rời đi, song anh Thuận vẫn mở cửa kính nói với cợt nhả và Tuyên lại lao về phía xe anh Thuận.
Cũng trong dịp Tết này, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một thanh niên xuống xe định hành hung người đi đằng sau vì bức xúc trên đường. Tuy nhiên, khi người đi đường cầm điện thoại quay phim và hô to lời cảnh cáo, thanh niên này lập tức quay đầu và bước lên xe. Các hành vi bạo lực không diễn ra.
Không còn gì để tranh cãi, những chiếc smartphone bây giờ là công cụ đắc lực để những người không muốn “động thủ” có thể tự vệ. Câu chuyện của anh Thuận và nhóm Tuân- Tuyên là minh chứng rõ nhất. Anh Thuận dù có lời lẽ như nào, thì kẻ sai là kẻ bước qua lằn ranh đỏ, kẻ đã tung cú đấm vào người khác.
Tương tự trường hợp của thanh niên kịp thời dừng hành vi bạo lực khi thấy ống kính điện thoại, cậu ấy đã kịp “dừng chân trước vực” để không đánh người và cũng là bảo toàn bản thân.
Những tranh cãi về sự vụ ở Cồn Nhất chắc chắn sẽ được lực lượng chức năng cân nhắc đôi bên và đưa ra kết luận chính trực. Nó cũng là bài học rất lớn cho những kẻ thích nói chuyện bằng nắm đấm cũng như những người hiền lành hiểu cách để tự vệ với thiết bị điện thoại có sẵn trong người.
Chiếc điện thoại có thể ghi lại bằng chứng, tạo điều kiện để đưa mọi tranh cãi, gây gổ, hành hung ra ánh sáng của pháp luật. Đó cũng là cách vận hành trật tự của một xã hội văn minh, khi người ta giải quyết bức xúc, xung đột bằng bằng chứng chứ không phải nắm đấm.
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết "Tự vệ bằng smartphone", bạn có thể mời tác giả Mỹ Anh một “ly cà phê” thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR “Buy me a coffee” Hoặc bạn cũng có thể tặng “ly cà phê” cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: “Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh”. Đọc cà phê tối, tặng “cà phê” là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một “ly cà phê”. Mỗi “ly cà phê” trị giá 23.000 đồng (1 USD). |