Hình ảnh cảm động về Tết Trung thu của những "chiến binh nhí" ở bệnh viện K |
“Em dậy sớm thế?”, Hoa vừa nhón chân đặt nhẹ xuống nền thì nghe Nam hỏi. Giọng anh khê khê.
“Em định kiểm lại một số thứ. Tưởng anh ngủ cơ, làm em giật mình”.
“Cả chiều nay đã kiểm tra đồ đạc rồi, có gì phải xem. Chịu khó chợp mắt tí đi, không ngủ được mệt lắm”.
“Vâng”, Hoa đáp nhưng vẫn đứng dậy sờ nắn các gói đã chằng buộc cẩn thận như người mộng du. Đây là ít bánh đặc sản miền Nam, món này trẻ con ở quê chắc sẽ thích. Đây là chai rượu cho bố, chiếc áo mua cho mẹ. Đây là gói quà của công đoàn với mấy túi kẹo, hộp bánh quy. Nó hơi cồng kềnh nhưng mình nhất định phải mang về. Ra bắc mua cũng được nhưng nó không có tình cảm trong đó…
Ảnh minh họa. |
Lẩn thẩn một hồi, Hoa bảo: “Em cứ sao ấy, cảm giác nôn nao. Không thể tin mai mình sẽ lên tàu”.
“Anh cũng thế”, Nam trở mình ngồi dậy: “Định ngủ mà người cứ lâng lâng…”.
Hoa lại mở mấy chiếc túi ra nhưng không chú tâm xem trong có gì. “Mình cứ như dở hơi”, chị thầm nghĩ. “Nhưng không xem lại cứ lo sẽ thiếu cái gì đó”.
“À này”, Nam gọi: “Tối muộn hôm qua em nói chuyện với ai lâu thế. Chị Hạnh chủ tịch công đoàn hay ai?”.
“Không, ông bà gọi vào. Ông bảo, năm nay thịt con lợn to. Nhà mình về ông bà mời cả xóm liên hoan”…
Có vẻ Hoa đã mệt, chị nằm và ngủ ngay. Nam thì không ngủ được nữa, anh mở cửa nhìn ra ngoài. Chân trời xa xa hắt lên quầng sáng ngùn ngụt như bốc hơi. Thành phố rộng lớn chừng không ngủ. Năm nay hầu hết các nhà máy tại khu công nghiệp đều có kế hoạch sản xuất xuyên tết. Đơn hàng khá dồi dào. Nhà máy của Nam cũng đã đủ đơn hàng đến nửa năm sau.
Chuyến xe do công đoàn bỏ kinh phí và huy động mạnh thường quân, đề nghị chủ doanh nghiệp hỗ trợ, thuê nhà xe uy tín đưa đón công nhân về quê ăn Tết miễn phí. Nhà xe cam kết bảo đảm an toàn, chạy đúng tốc độ, chở đúng người…
Xa quê, cảm giác sắp được đoàn tụ có cái gì thật khó tả. Năm ấy, học xong phổ thông, anh định theo bạn bè đi làm thợ xây. Học lên thì anh không mơ, phần vì nhà nghèo, chi phí học đại học ở thành phố lớn vượt quá khả năng của gia đình; phần vì sức học của anh cũng không vượt trội. Đi học liệu có nên cơm cháo gì không, hay tốt nghiệp ra vẫn đi làm xe ôm công nghệ như bao người…
“Con không cậy sức vác nặng mãi được. Phải học lấy một cái nghề”, bố anh càu nhàu.
“Con học trung cấp ba năm, bố có nuôi được không?”
“Mày thi đi, thi được thì tao nuôi được”.
Thế là anh thi vào trường trung cấp cơ điện. Được cái nó gần. Anh cũng chả ôn luyện gì. Kỳ quặc là lại đỗ.
Mấy năm học vất vả trôi qua nhanh. “Thì ra mình không đến nỗi dốt. Hay học phổ thông mình chểnh mảng nhỉ?”, Nam vẫn thường cật vấn mình mỗi lần được khen vì thành tích học ở trường.
Ảnh minh họa. |
Vừa học nghề thợ tiện, anh vừa tranh thủ làm thêm. Thành tích học của anh có lẽ xuất phát từ một sự cố ban đầu. Hôm ấy, chỉ lơ đãng một chút, phôi tiện anh kẹp không đúng kỹ thuật bắn ra đập vào chiếc tủ đồ nghề, làm một bầu cặp văng vào chân anh đau buốt. Anh đã thét lên.
Lớp điện mà chủ yếu là học viên nữ lúc đó đang đi thực tập ban tiện của anh. Trong khi các cô gái khác rú lên vì sợ thì một cô can đảm chạy đến đỡ anh dậy. Thấy vệt máu ở chân anh, cô nhanh chóng dìu anh ra bệnh xá.
“Ra nghề phải nắm chắc lý thuyết, thành thạo thực hành. Chỉ sơ suất, lơ là một chút là có thể gây ra tai nạn, có khi còn mất mạng”, anh tự nhủ, coi đó như kinh nghiệm xương máu của mình.
Sức học của anh từ đó cũng bắt đầu đi lên. Và như một lẽ tự nhiên, Hoa, cô gái lớp điện cũng trở thành người yêu của anh từ lúc nào không biết. Chuẩn bị ra trường, Hoa bảo: “Em có mấy anh chị em họ đang làm trong Bình Dương. Các khu công nghiệp trong ấy mở ra nhiều. Mọi người rủ em vào, anh thấy thế nào?”
“Em hỏi ý kiến hay muốn rủ anh đi?”, Nam “đọc vị” người yêu khiến Hoa đỏ mặt.
“Thì thế… Anh có đi với em không, hay có kế hoạch khác?”
Phải mất một thời gian suy nghĩ, xin ý kiến bố mẹ, tham khảo bạn bè, Nam mới quyết định cùng Hoa đi Bình Dương. “Các con cưới xong rồi đi cho tiện”, bố anh bảo. Gia đình Hoa cũng giục. Thế là một đám cưới ấm cúng diễn ra. Sau đó vợ chồng lên đường…
...
Mang tiếng con trai lớn đi làm ăn xa, cuối năm vẫn phải ngửa tay xin tiền bố. Nam thấy xấu hổ vô cùng. Nhưng năm nay khác, công việc đã khởi sắc hơn sau đại dịch, vợ chồng anh chịu khó làm lụng, tiết kiệm, cũng dành được một khoản kha khá để về quê ăn Tết.
Dù vậy, ký ức về chuyến về quê năm ngoái vẫn khiến anh rùng mình. Khi ấy, công việc vừa mới ổn định, vợ chồng anh bàn nhau vài năm nữa mới sinh con. Nhưng rồi đại dịch Covid ập đến. Nửa năm không có việc làm, giá cả tăng vọt, cuộc sống đảo lộn. Hai năm trôi qua, hai đứa trẻ lần lượt ra đời. Không có ông bà vào giúp, hai vợ chồng tự xoay xở giữa những ngày tháng chông chênh.
“Năm nay hết dịch, các con nhớ đưa cháu về nhé. Không có tiền thì bố bán con trâu gửi cho,” gần Tết năm ngoái, bố Nam gọi điện vào nói vậy.
Từ đầu tháng Chạp, công nhân quê miền Bắc đã rục rịch tìm cách về quê. Người đặt vé máy bay, người mua vé tàu, còn phần lớn chọn đi xe khách dù biết không thực sự an toàn.
Vợ chồng Nam cũng đặt xe. Nhưng vì lùng bùng con cái, hành lý lỉnh kỉnh, ra muộn vài phút, xe đã chạy mất. Họ đứng đợi từ sáng đến trưa vẫn không bắt được xe. Xe nào cũng chật ních người, hai đứa con anh mệt nhoài…
“Nhà xe tệ thật, không giữ lời hứa,” Nam bực bội.
“Cũng tại mình nữa… Mùa này ai cũng gấp rút,” Hoa nhẹ giọng.
Cho con ăn qua loa, anh lại ra đường vẫy xe. Đến tận chiều chiều mới có xe dừng lại. Nhưng đông đến nghẹt thở. “Có còn hơn không anh ạ”, Hoa bảo: “Không thì đến tết không về đến nhà”.
Hành trình cả nghìn cây số thật khủng khiếp. Hai đứa con anh nôn ra mật xanh mật vàng. Có lúc chúng mót đi vệ sinh, vợ chồng khẩn khoản nài nhà xe đỗ lại nhưng họ vẫn không dừng. Dường như nhà xe chạy hết tốc lực để tranh thủ quay vòng. Về đêm, mỗi khi xe tránh nhau, tiếng gió rít lên nghe ghê rợn. “Em mệt quá”, Hoa thều thào. Vợ anh vừa sợ xanh xám mặt mày, vừa kiệt sức vì ôm con, cố gắng giữ con trong khoảng cách an toàn, tránh bị va đập mỗi lúc xe phanh hoặc va chạm với người xung quanh.
“Cố lên em. Chỉ vài tiếng nữa thôi”, anh động viên vợ mà cảm thấy chính mình cũng sắp gục ngã. Trên hết, anh không dám nghĩ đến tình huống tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Mình có nên đánh cược tính mạng cả nhà chỉ vì để được về quê ăn tết thế này không?”, câu hỏi ấy ám ảnh anh hết cả chặng đường. Cuối cùng, ơn giời, xe cũng về đến bến. Cả nhà lảo đảo xuống xe. “Sống rồi”, Hoa reo khe khẽ. Hai đứa nhỏ thì mềm nhũn chỉ khóc được những tiếng oe oe…
* * *
Hoa đã trở dậy, trán chị đẫm mồ hôi, mặt đỏ gay. Trời vẫn chưa sáng. Còn hơn một tiếng nữa mới tới giờ xe đón. “Em vừa mơ cả nhà lại đi chuyến xe năm ngoái. Sợ đến không thở được…”. Và Hoa bật khóc. Nam ôm vợ vào lòng. Anh không nói gì, chỉ xiết nhẹ như để xẻ chia. Anh cũng vừa hồi tưởng chuyến xe năm trước…
“Năm nay ổn rồi, không phải lo em ạ”, anh nói khẽ. Từ tháng mười, bố mẹ anh, bố mẹ Hoa đã điện dặn dò năm nay tết không phải về nữa. Để vài năm về một lần. Xa xôi, đi lại vất vả, tốn kém.
“Ông bà sợ mình đi chuyến xe như năm ngoái thì nói vậy, chắc ông bà nhớ các cháu lắm”, Hoa rơm rớm nước mắt. Cả hai vợ chồng lặng đi. Quả thực, anh cũng không nghĩ chuyện về.
Nửa tháng trước, một hôm chị Hạnh, chủ tịch công đoàn nhà máy đến chơi. Thỉnh thoảng chị vẫn đến xóm trọ công nhân, nên sự xuất hiện của chị không làm vợ chồng anh ngạc nhiên. Chị ngồi nói chuyện, hỏi han đủ thứ, lại còn cho trẻ con túi kẹo.
Bỗng chị bảo: “Năm nay công đoàn tổ chức chuyến xe đưa đón công nhân người miền bắc làm việc ở đây về quê ăn tết. Ban chấp hành đã họp, rà soát các trường hợp. Nhà em là đối tượng được chọn. Ý em thế nào?”
Hoa ngạc nhiên: “Chuyến xe công đoàn là sao ạ?”
Chị Hạnh giải thích, đó là chuyến xe do công đoàn bỏ kinh phí và huy động mạnh thường quân, đề nghị chủ doanh nghiệp hỗ trợ, thuê nhà xe uy tín đưa đón công nhân về quê ăn tết miễn phí.
Nhà xe cam kết bảo đảm an toàn, chạy đúng tốc độ, chở đúng người, có dừng nghỉ cho mọi người ăn uống, vệ sinh… Đặc biệt là mỗi xe đều có cán bộ công đoàn đi cùng giám sát. “Thật hả chị?”, Nam ngỡ ngàng hỏi lại. “Thật mà em. Gia đình em đi thì đăng ký với chị”. “Vâng… Vâng…”, anh lắp bắp, tưởng như chị Hạnh nói đùa.
Thế là tất bật chuẩn bị rồi báo về nhà. Thế là lâng lâng đến tận hôm nay. Hoa lại đi sờ nắn một lượt các túi đồ, túi quà đã chằng buộc kỹ làm Nam bật cười. Có tiếng chuông điện thoại, Hoa mở máy.
Đầu dây bên kia là tiếng chị Hạnh: “Xe đang đến điểm đón. Nhà mình ra đi nhé”. Hoa dạ ran. Điện thoại của Nam cũng đổ chuông. Tiếng bố anh trầm đục mà vẫn reo vui: “Xe chuyển bánh chưa con?” “Dạ, bắt đầu bố ạ…” Anh quay sang nhìn Hoa, cả hai ngấn lệ.
Giá vé Tết ở bến xe Đà Nẵng tăng 20 - 60% nhưng không lo thiếu vé Giá vé xe Tết tăng từ 20 đến 60%, đại diện bến xe khẳng định, các đơn vị chuẩn bị đầy đủ phương tiện, không thiếu ... |
Phút chạnh lòng về Tết của nữ công nhân truyền tải điện Làm việc tại Công ty Truyền tải điện 1 đã 21 năm, chị Nguyễn Thị Liên – nhân viên trực phụ vận hành Trạm điện ... |
Chuyến tàu Xuân nghĩa tình đưa công nhân về Tết Sau 10 năm mưu sinh tại TP HCM, chị Tuyền Giang mới được về Quảng Ngãi ăn Tết cùng gia đình. |