e magazine
08/09/2021 19:01
Phụ huynh loay hoay dạy học khi con kẹt lại Sài Gòn

08/09/2021 19:01

Sau bữa cơm trưa, anh Đoàn Đình Hiệp (37 tuổi) vội vã ngồi viết tiếp bài Tiếng Việt lớp 2 để “kịp chương trình” buổi chiều cho cậu con trai.
Phụ huynh loay hoay khi con kẹt lại Sài Gòn

Phụ huynh loay hoay dạy học khi con kẹt lại Sài Gòn

Sau bữa cơm trưa, anh Đoàn Đình Hiệp (37 tuổi) vội vã ngồi viết tiếp bài Tiếng Việt lớp 2 để “kịp chương trình” học buổi chiều cho cậu con trai.

Trong căn phòng trọ 18 mét vuông kê lỉnh kỉnh đồ đạc ở phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, người đàn ông khom lưng bên chiếc kệ, vừa nhìn màn hình điện thoại, vừa nắn nót chép lại từng chữ trên cuốn vở ô li.

“Phải khắc phục vậy chứ không có cách nào khác. Cũng may là cô chị năm nay lên lớp 4 vẫn đang học theo chương trình của NXB Giáo dục, vợ mình vừa rồi lên mạng xin được một số sách cũ của một người trong khu phố nên phải chép lại ít hơn”, anh nói và cho biết, dịp nghỉ hè vừa rồi hai đứa con từ Hà Tĩnh vào chơi với bố mẹ, bây giờ kẹt lại chưa thể về quê.

Ngành Giáo dục Hà Tĩnh hiện đang tạm lùi thời gian học đối với học sinh tiểu học, các nhà trường yêu cầu giáo viên và phụ huynh thường xuyên trao đổi, hỗ trợ kèm cặp các cháu ôn tập kiến thức trước khi có thông báo mới.

Trong tình cảnh không có việc làm, bất đắc dĩ phải “ở yên một chỗ”, 2 đứa con thì chưa biết khi nào được về quê đi học, vợ chồng anh Hiệp cũng phân công nhau kèm cặp các con học hành, vừa củng cố kiến thức cũ, vừa học chương trình mới.

undefined

Anh Hiệp nhận kèm đứa con trai năm nay lên lớp 2 bởi “tuổi cháu đang nghịch, khó nói nhưng sợ bố hơn sợ mẹ”.

Người đàn ông nói rằng năm học này ở Hà Tĩnh, học sinh lớp 2 học bộ sách Cánh Diều còn trong TP HCM sử dụng bộ Chân trời sáng tạo. Điều này khiến bố con anh không thể tiếp cận được sách giáo khoa, nhất là khi thành phố đang phong toả, giãn cách.

Một tuần nay, đều đặn mỗi ngày, cô giáo chủ nhiệm của con trai anh từ huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh gửi ảnh chụp bài học lớp 2 trên sách giáo khoa qua tin nhắn Zalo. Anh tỉ mỉ chép lại rồi dạy con trai học, bài nào khó quá đành để lại hỏi cô vào buổi học tối.

Phụ huynh loay hoay khi con kẹt lại Sài Gòn

Bài học cho con trai được anh Hiệp chép lại cẩn thận

Việc chép lại bài học cho con trai thì không hề dễ dàng bởi 20 năm nay anh Hiệp mới lại phải viết nhiều chữ thế này, mà còn phải viết thật cẩn thận để con dễ đọc.

Công việc tỉ mỉ này diễn ra trên chiếc bàn được anh “chế” lại từ kệ bán hàng vừa thấp vừa hẹp khiến lưng và các khớp ngón tay của anh mỏi nhừ. Có khi các con ngồi học trên bàn, vợ chồng anh phải luân phiên lấy ghế nhựa làm bàn để chép bài.

“Chép toán thì nhanh, chép Tiếng Việt có khi hết cả tiếng đồng hồ”, anh nói rồi rướn thẳng người, vặn lưng răng rắc, nắm tay đấm bồm bộp vào lưng. Trên trang vở đang viết có vài chữ sai chính tả được anh tẩy xóa, có chỗ phải gạch đi viết lại.

Anh Hiệp rời quê vào Sài Gòn làm thợ mộc từ tháng 8 năm ngoái. Lăn lộn qua vài xưởng mộc mà thu nhập bấp bênh, giáp Tết vừa rồi anh quyết định bỏ nghề, vay chút vốn liếng để đi bán rau.

Hằng ngày, người đàn ông dậy từ 3 giờ sáng, chạy xe máy xuống chợ đầu mối Thủ Đức nhập rau, củ, quả về bán đến tối. Căn phòng trọ anh thuê được chia thành hai ngăn, ngăn phía ngoài giáp đường đi làm chỗ bày bán rau, còn phía trong là nơi sinh hoạt. Dù bữa đắt, bữa ế hàng nhưng thu nhập hằng tháng đủ cho anh trang trải sinh hoạt, thuê nhà trọ và gửi tiền về quê đỡ đần vợ nuôi con.

Tháng 4 vừa rồi, vợ anh gửi con cho ông bà nội, vào phụ giúp chồng bán rau. Nghỉ hè, hai đứa con lần đầu tiên vào Sài Gòn với hy vọng được bố mẹ đưa đi tham quan các di tích lịch sử nhưng chưa được đi đâu thì dịch bệnh ập đến, thành phố thực hiện “ai ở đâu ở đấy”.

Mất việc 3 tháng nay, gia đình anh Hiệp lâm cảnh khó khăn. “Kẹt tiền, vợ chồng mình ăn bớt đi nhưng cố lo cho các cháu không đứt bữa. Thỉnh thoảng gia đình được địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ nên cũng đủ ăn. Bây giờ chỉ mong dịch bệnh chóng qua để các cháu được sớm về quê theo học với các bạn”, anh nói.

Phụ huynh loay hoay khi con kẹt lại Sài Gòn

Hai con anh Hiệp đang học bài tại phòng trọ

Vợ chồng anh cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất: “Khi Sài Gòn giãn cách kéo dài không thể đưa con về quê, trong khi học sinh ở quê trở lại trường học thì chúng tôi buộc phải liên hệ với các trường trong này để cho các cháu tạm vào học. Dù vất vả nhưng vẫn phải chấp nhận”.

Nhưng hai đứa con anh thì rất sợ điều này. Hôm 5/9, chúng háo hức chờ theo dõi lễ khai giảng trực tuyến ở quê nhưng bố mẹ không kết nối được đường truyền.

Qua tin nhắn Zalo của cô giáo, hình ảnh các bạn tươi cười trên màn hình điện thoại khiến cả hai lại nằng nặc đòi bố mẹ cho về quê. Vợ chồng anh Hiệp phải làm đủ mọi cách để dỗ dành.

Cậu con trai Đoàn Trần Gia Huy với vẻ mặt phụng phịu, nói: “Từ giờ trở đi con sẽ không bao giờ vào Sài Gòn nữa”.

Cô con gái lớn Đoàn Trần Huyền Trang nói thêm: “Bố mẹ cho chúng con về đi, rồi con đập heo lấy tiền mừng tuổi hồi Tết để trả cho bố mẹ. Con không muốn ở đây nữa, con muốn về đi học”.

Trang học lớp 4A, Trường Tiểu học Kim Hoa, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm học trước cháu được giấy khen học sinh giỏi. Cháu nói rằng rất nhớ trường, nhớ các bạn và muốn được về quê với ông bà, hiện tại cháu đang thiếu một vài cuốn sách giáo khoa.

“Ở đây cháu buồn và chán, ở quê có bạn bè và nhiều trò vui, với lại cháu lo học ở đây thỉnh thoảng không nghe rõ lời cô giảng vì mạng chập chờn, sẽ học kém đi. Có lúc bố mẹ dạy cháu cũng không hiểu”, Trang cho biết cô giáo thường động viên cháu cố gắng, chỗ nào khó thì hỏi cô.

Phụ huynh loay hoay khi con kẹt lại Sài Gòn

Anh Hiệp chia sẻ: “Các cháu đều hụt hẫng, buồn bực vì ở trong phòng trọ 3 tháng nay không được ra ngoài. Đồ chơi, tivi thì không có, các cháu cứ muốn về quê để gặp bạn bè, thầy cô, được chạy nhảy thoải mái. Nhiều lúc mình phải nịnh nọt, chiều con rồi nhờ cô giáo nói chuyện để nó nguôi ngoai chứ cũng không biết làm sao”.

Anh cũng thú thực: “Chúng tôi trình độ cũng hạn chế nên có nhiều bài không giảng nổi, phải nhờ cô hướng dẫn. Đường truyền thì kém, lúc được lúc mất nên việc học hành của các cháu gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp thu bị hạn chế”.

Thời gian này, vợ chồng anh cố gắng dành 2 tiếng mỗi buổi sáng, chiều để dạy học cho các con. Ngoài giờ học, thỉnh thoảng anh cho con giải trí bằng cách xem chương trình thiếu nhi trên điện thoại.

Cô giáo Trần Thị Thanh Huyền, chủ nhiệm lớp 4A, Trường Tiểu học Kim Hoa cho biết, lớp có 39 học sinh và duy nhất cháu Huyền Trang bị “kẹt” tại miền Nam.

Cô nói thêm, hiện chưa công bố thời gian đi học trở lại nhưng mỗi tuần 3 buổi tối, các cháu được ôn tập kiến thức lớp 3 và giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, phòng chống dịch bệnh qua phần mềm Zoom.

“Em Trang sáng dạ, ham học, bố mẹ lại quan tâm. Tôi có kết bạn với bố mẹ Trang qua Zalo và thường xuyên trao đổi kiến thức, cách dạy. Tuy nhiên, em cũng gặp một số khó khăn về sách vở, một số buổi trục trặc đường truyền nên không vào học được”, cô Huyền nói và cho biết luôn động viên học trò giữ gìn sức khỏe, tuân thủ phòng dịch và có tinh thần lạc quan.

Được biết, ngoài Trang và em trai, Trường Tiểu học Kim Hoa còn có 4 học sinh cũng trong hoàn cảnh tương tự.

“Chúng tôi rất mong các em được trở về quê học tập. Trường hợp các em vẫn phải ở lại lâu dài thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm dạy online, đảm bảo các cháu không bị đứt gãy kiến thức”, cô Huyền nói.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch COVID-19 năm học 2021-2022.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương tạo điều kiện để tất cả học sinh có nguyện vọng vào học tập tại trường học nơi học sinh cư trú trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường.

Ý YÊN

Xem phiên bản di động