Phát huy vai trò của công đoàn trong công tác ATVSLĐ
An toàn, vệ sinh lao động - 06/08/2022 12:38 NGUYỄN QUỐC THẮNG
Trong 2,34 triệu người chết mỗi năm liên quan tới lao động, có khoảng 2,02 triệu trường hợp có nguyên nhân từ BNN. Ở Việt Nam, trong khu vực có quan hệ lao động (QHLĐ), theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 5.797 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 5.910 người bị nạn; trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 574 vụ; 602 người chết; 1.226 người bị thương nặng. Những con số từ khảo sát thực tế này cho thấy tình trạng an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) rất đáng báo động.
Trong nhiều năm qua, không ít đơn vị và NLĐ đã để xảy ra TNLĐ, nhận lấy nhiều căn BNN do không quan tâm đúng mức về công tác ATVSLĐ hoặc chỉ xem đó là hình thức đối phó với cơ quan chức năng. Với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của NLĐ, Công đoàn đã đóng vai trò quan trọng trong công tác ATVSLĐ. Nhưng phải làm gì để phát huy vai trò đó, nhằm mang lại nhiều kết quả khả hơn nữa trong lĩnh vực này?
Hội thảo “Các giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác ATVSLĐ” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, tháng 5/2020. Ảnh: CĐVN. |
Nhìn vào thực tế
Hình thành nếp nghĩ, môi trường văn hóa an toàn là vấn đề cốt lõi của công tác ATVSLĐ. Khi nói đến vai trò của công đoàn trong vấn đề này, chúng ta thường đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong hoạt động của công đoàn các cấp. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy chế, quy định của pháp luật về ATVSLĐ phải được công đoàn thực hiện thường xuyên. Các giải pháp đó có thể được cụ thể hóa bằng các phương thức như: thương lượng, ký kết các bản TƯLĐTT, các điều khoản về ATVSLĐ; tổ chức các chuyên đề, các cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) với NLĐ về các vấn đề ATVSLĐ;…Trong hầu hết các hội thảo về ATVSLĐ, nhiều tham luận tập trung phân tích giải pháp để tạo ra môi trường lao động an toàn, vệ sinh.
Nhưng báo cáo về ATVSLĐ trong những năm qua đối với khu vực có QHLĐ cho thấy, tình hình vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Đó là chưa bao gồm khu vực lao động phi chính thức. Mặt khác, số vụ TNLĐ năm sau có thể giảm hơn so với năm trước nhưng chưa hẳn là một tín hiệu tốt khi tính chất của các vụ tai nạn nghiêm trọng hơn.
Nhìn sang một số nước châu Âu, nơi được cho là đã hình thành được nếp nghĩ và môi trường ATVSLĐ khá tốt thì tình hình cũng không mấy khả quan. Ở Pháp, trong năm 2021, có gần 1.800 người là nạn nhân của TNLĐ, 14 người chết hàng tuần vì TNLĐ. Mới đây, Công đoàn châu Âu (Confédération européenne des syndicats - CES) cho rằng, tình trạng TNLĐ các nước châu Âu không được cải thiện nhiều.
Bằng phương pháp quan sát dựa trên lịch sử và tính chất của các vụ TNLĐ cũng như xu hướng lao động, công tác ATVSLĐ, CES ước tính đến năm 2030, Pháp sẽ có khoảng 8.000 người chết vì TNLĐ, đứng trên Luxembourg, với khoảng 6.000. Con số này chỉ khoảng 500 ở Ba Lan, 3.000 ở Đức. Ước tính này có tính chất cảnh báo và để tạo động lực quyết tâm cho kế hoạch mà CES đưa ra: sẽ không có người nào chết vì TNLĐ vào năm 2030 ở châu Âu. Vậy, nhờ đâu mà Ba Lan có số vụ TNLĐ ít nhất trong số các nước nêu trên? Đó là nhờ ở sự phát huy mạnh mẽ vai trò của công đoàn các cấp trong xây dựng nếp nghĩ, tư tưởng về văn hóa an toàn; phân định trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ.
Kiểm tra ATVSLĐ tại xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Giấy Trường Xuân chi nhánh Thái Nguyên. Ảnh: Báo Thái Nguyên. |
Nếp nghĩ, tư tưởng về văn hóa an toàn
Ở Hà Lan, công đoàn viên chủ yếu thuộc 2 tổ chức liên hiệp: NSZZ Solidarnosc (Niezalezny Samorzadny Zwiazek Zawodowy Solidarnosc - Công đoàn độc lập và tự chủ Solidarnosc) và OPZZ (Ogólnopolskie Porozumienie Związków Zawodowych - Liên minh Công đoàn Quốc gia). Công tác thường trực của công đoàn các cấp là xuất bản và phổ biến các cẩm nang ngắn, dễ hiểu cho đoàn viên, NLĐ ý thức và tạo nếp nghĩ về ATVSLĐ. Giáo dục ý thức trách nhiệm đối với bản thân, đồng nghiệp, tôn trọng mạng sống của mình và của người khác. Giáo dục ý thức cho mỗi đoàn viên, NLĐ đều phải hiểu rõ nguyên nhân của tai nạn, xác định các khía cạnh của nguyên nhân này, sau đó đảm bảo các tình huống khi làm việc đối diện với rủi ro.
Hằng tuần, công đoàn các cấp đều tuyên truyền ngăn ngừa môi trường phơi nhiễm ở các xí nghiệp. Đây là cơ sở của các bước tiếp cận sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc cho tất cả các đơn vị. Các tổ chức công đoàn ở Hà Lan xem việc hình thành nếp nghĩ, môi trường văn hóa an toàn phải bắt đầu từ gia đình và nhà trường. Cán bộ công đoàn đảm trách việc huấn luyện ý thức cho học sinh về bảo vệ an toàn từ cấp tiểu học. Đối với gia đình, công đoàn tổ chức nhiều hình thức giáo dục sinh động, hấp dẫn như các cuộc thi về kiến thức an toàn, các kiến thức an toàn lồng ghép trong các chương trình về gia đình, các cẩm nang an toàn cho gia đình. Đây là phương pháp đi từ gốc của vấn đề. Bởi vì, hình thành nếp nghĩ, tư tưởng văn hóa an toàn chỉ hiệu quả khi đi từ gia đình và nhà trường.
Nhiều NLĐ bị rủi ro do không được giáo dục từ nhỏ và không được sống trong môi trường có ý thức về văn hóa an toàn. Nền văn hóa an toàn tích cực sẽ tạo ra cho NLĐ thói quen ưu tiên công tác an toàn ở tất cả hoạt động công việc. Thói quen đó giúp hành động một cách bản năng. Chính vì thế, các tiêu chuẩn về lao động luôn gắn liền với thói quen an toàn trong mọi thao tác. Nếu không có văn hóa an toàn, các thao tác lao động sẽ lấn át thói quen về bảo đảm an toàn, nếu chỉ được học tập khi lao động, chủ thể sẽ quên hoặc nhớ đến sau thao tác lao động.
Ở nước ta, công đoàn các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức về ATVSLĐ. Nếu không có các chiến lược về giáo dục an toàn được thực hiện bởi công đoàn, vấn đề ATVSLĐ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn so với hiện tại. Công tác đó không chỉ được thể hiện qua việc tổ chức các chương trình bổ túc kiến thức an toàn cho NLĐ, các đợt tuyên truyền cao điểm, Tháng Hành động về ATVSLĐ,…mà còn ở công tác đào tạo người làm công tác ATVSLĐ, kiểm tra, bám sát hoạt động của doanh nghiệp, phân tích rõ nguyên nhân sau mỗi vụ TNLĐ để NLĐ và NSDLĐ rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, công đoàn cần triển khai chiến lược hình thành nếp nghĩ, tư tưởng về văn hóa an toàn từ gia đình và nhà trường. Đây là việc làm không mang lại kết quả ngay như chúng ta vẫn đang thực hiện chương trình giáo dục, tuyên truyền nhắm vào NLĐ và NSDLĐ, nhưng nền văn hóa an toàn của một quốc gia chỉ hình thành từ các chiến lược lâu dài, có tính bền vững.
Tập huấn kỹ năng về sơ cấp cứu cơ bản cho công nhân lao động Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn (Bình Phước). Ảnh: Báo Bình Phước. |
Phân định trách nhiệm
Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác ATVSLĐ” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với tổ chức Better Work Việt Nam tổ chức vào năm 2020, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh cho biết đa số các vụ TNLĐ là do lỗi của NSDLĐ (chiếm 76,9% tổng số vụ), về lỗi của NLĐ (chiếm tỷ lệ 7,8%), số còn lại 15,3% do các nguyên nhân khác. Khi có TNLĐ, chúng ta thường truy tìm nguyên nhân và chủ thể gây ra tai nạn nhưng chúng ta chưa phân định một cách rõ ràng trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ thường ngày. Việc gắn trách nhiệm về bảo đảm ATVSLĐ chủ yếu là của doanh nghiệp tuy giúp NSDLĐ thực thi vai trò của mình trong việc tạo ra môi trường lao động an toàn nhưng không để điều đó lấn át trách nhiệm của NLĐ và vai trò của công đoàn.
Trong mỗi chủ thể, cần phân định cụ thể trách nhiệm cho các ban, ngành, bộ phận, cần phân công cụ thể công việc đến từng cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ. Phân định một cách chung chung không những không hiệu quả trong nhận diện nguy cơ, đánh giá rủi ro, phòng ngừa gây TNLĐ và BNN mà còn kéo theo những hệ lụy về “văn hóa đổ lỗi” trong xử lý TNLĐ. Nếu công đoàn các cấp được hiểu là chỉ tham gia, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện công tác ATVSLĐ thì vai trò của chủ thể này chưa được phát huy đúng với sứ mệnh bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Một quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng dựa trên các quy phạm pháp luật về công tác ATVSLĐ là rất cần thiết. Hành lang pháp lý cho công đoàn các cấp trong công tác ATVSLĐ phải được mở rộng. Nhìn vào Điều 10, Quyền, trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong công tác ATVSLĐ (Luật ATVSLĐ năm 2015), chúng ta thấy, vai trò của công đoàn chỉ là “tham gia”, “phối hợp”, “kiến nghị”, “tuyên truyền”. Những thuật ngữ này nói lên tính chất của phân định trách nhiệm chưa tạo ra hành lang pháp lý một cách rạch ròi cho tổ chức Công đoàn. Điều đó tạo ra những khó khăn trong thực thi công tác ATVSLĐ của công đoàn các cấp, không phát huy được vai trò của công đoàn; mặt khác, còn tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp, NLĐ thiếu hiểu biết phủ nhận vai trò của công đoàn.
Phân định trách nhiệm, tạo ra hành lang pháp lý cho từng chủ thể cũng là một cách hình thành tư tưởng về văn hóa an toàn. Công tác đó có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc đánh giá nguy cơ của môi trường lao động, hạn chế những rủi ro tiềm ẩn để phòng tránh BNN - một hình thức TNLĐ “thầm kín” mà cả NLĐ lẫn doanh nghiệp chưa chú trọng.
Huấn luyện kỹ năng về ATVSLĐ cho các an toàn, vệ sinh viên do Công đoàn Công ty Điện lực Bắc Giang tổ chức. Ảnh: VĂN VĨNH. |
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, việc ứng dụng công nghệ trong công tác giám sát ATVSLĐ, hỗ trợ, cảnh báo NLĐ về các tình huống rủi ro cần được đẩy mạnh. Những ứng dụng như: Transpoco (giám sát sức khỏe của lái xe), ứng dụng cảnh báo các tác nhân hóa học cho NLĐ của Hội đồng Quốc tế về an ninh xã hội và dự đoán nguy cơ nghề nghiệp trong công nghiệp hóa học (AISS Chimie - Association internationale de la sécurité sociale pour la prévention des risques professionnels dans l'industrie chimique), ứng dụng tương tác với các câu hỏi dành cho NLĐ trước khi vào công xưởng,…mà một số nước châu Âu áp dụng trong thực tế cho thấy hiệu quả rõ rệt trong giảm thiểu TNLĐ và BNN. Nhưng ai sẽ triển khai, giám sát và đánh giá các chủ trương này? Lại một lần nữa chúng cần nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của công đoàn các cấp.
Công đoàn Việt Nam đã thể hiện rõ hơn vai trò đại diện cho người lao động Hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã làm cho cuộc sống của công nhân lao động (CNLĐ) trên cả nước vốn khó khăn lại ... |
Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 10c/NQ-BCH về công tác ATVSLĐ của tổ chức Công đoàn Ngày 30/6, Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 10c/NQ- BCH, Chỉ thị 04/CT ... |
Giải pháp cải thiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại các mỏ đá Khai thác, chế biến đá (KTCBĐ) ở Việt Nam phát triển tương đối mạnh. Đến cuối 2019, gần 2.400 giấy phép khai thác đá (KTĐ) ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 30/10/2024 08:06
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 đã cho thấy sự quan tâm của chuyên môn và công đoàn các cấp trong ngành về ATVSLĐ.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 18:31
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi - hình thức tuyên truyền thiết thực của Công đoàn
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 không chỉ là sân chơi dành cho người làm công tác ATVSLĐ trong ngành mà còn là hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, hấp dẫn cho người sử dụng lao động và người lao động.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 10:44
"Cuộc thi trực tuyến giúp tôi nhận ra nơi làm việc là ngôi nhà thứ hai"
Anh Nguyễn Minh Phương - CĐCS Công ty TNHH Phân tích thời gian thực (RTA) chia sẻ cảm nhận về cuộc thi trực tuyến "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ".
Người lao động - 17/10/2024 14:00
Đánh giá cao cuộc thi tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động
Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương đánh giá cao cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” năm 2024 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Người lao động - 16/10/2024 18:42
Siết chặt quản lý quan trắc môi trường tại cơ sở lao động
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. Theo đó, đề xuất quy định quản lý hoạt động quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động.
Người lao động - 10/10/2024 13:43
Công nhân Công ty CP Phân lân Ninh Bình tử vong khi sửa máy: Cần nâng cao ý thức an toàn lao động
Mới đây, công nhân Đào Sỹ T. của Công ty CP Phân lân Ninh Bình đã gặp tai nạn nghiêm trọng khi sửa chữa máy nghiền xích. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, anh T. không qua khỏi.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng