Sẽ ra mắt nhiều sản phẩm truyền thông mới của Công đoàn về phòng, chống
tác hại thuốc lá
Nhiều sản phẩm truyền thông mới của Công đoàn về phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ ra mắt trong năm nay, đó là khẳng định của đại diện lãnh đạo Tạp chí Lao động và Công đoàn tại cuộc toạ đàm về chủ đề này diễn ra trong sáng nay (20/8).
|
||
Cuộc Tọa đàm “Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc trong các cấp Công đoàn” do Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn phối hợp Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức. Chủ trì Toạ đàm có các đồng chí: Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn và nhà báo Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn. Cuộc Toạ đàm nhằm đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm về công tác triển khai tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá trong các cấp công đoàn, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Kinh nghiệm về “lộ trình” 5 ngày cai thuốc lá của ngành Y tế Cai nghiện thuốc lá là một mục tiêu khó khăn trong xây dựng môi trường không khói thuốc nhưng không phải không làm được. Câu chuyện của Công đoàn Y tế Việt Nam là một ví dụ. Chia sẻ kinh nghiệm tại toạ đàm, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, sự độc hại của thuốc lá đã rõ nhưng để từ bỏ nó không dễ dàng, ngay cả với các cán bộ, nhân viên y tế - những người làm công việc tư vấn, chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh. Để hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế cai thuốc lá, Công đoàn Y tế Việt Nam đã phối hợp Bộ Y tế và các cơ sở trong ngành xây dựng “chiến lược, lộ trình” cai thuốc, trong đó tư vấn đầy đủ, chuyển đổi nhận thức và hỗ trợ của chất thay thế như nicotin sạch (có trong kẹo cao su, viên ngậm…) đối với cả tập thể và cá nhân. Đối với tập thể, muốn xây dựng môi trường không khói thuốc thì yếu tố rất quan trọng là nhận thức của người hút thuốc và có sự hỗ trợ của tập thể. Người đứng đầu tập thể đó cần cam kết về xây dựng môi trường không khói thuốc thông qua việc bố trí khu vực riêng cho người hút thuốc, có sự cam kết của người hút thuốc nhiều nhất, ngay cả lãnh đạo cao nhất của đơn vị. "Nhiều Công đoàn bệnh viện phối hợp chuyên môn tổ chức nhiều câu lạc bộ rèn luyện thể chất, các hình thức tập luyện thể dục, thể thao, câu lạc bộ yoga, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ vào cuối giờ làm việc (đơn cử như tổ chức giải chạy online) tạo tinh thần sảng khoái. Bên cạnh đó, người cai thuốc sẽ tăng cân sau khi ngừng hút nên cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng qua bữa ăn hằng ngày. Chúng tôi đã xây dựng cẩm nang chuyên dùng cho cán bộ y tế trong các loại môi trường làm việc khác nhau", đồng chí Phạm Thanh Bình nói. |
|
|
Cũng theo đồng chí Phạm Thanh Bình, với cá nhân, đầu tiên phải có quyết tâm, chọn được ngày bỏ thuốc và có “lộ trình” cai nghiện cụ thể. Ví dụ, 5 ngày trước khi bỏ thuốc phải liệt kê các quyết định bỏ thuốc có đúng không, ai sẽ là người chia sẻ, hỗ trợ mình, làm thế nào sử dụng ý nghĩa số tiền tiết kiệm khi bỏ thuốc. 3 ngày trước khi bỏ thuốc thì nghiên cứu vì sao bỏ thuốc, thời gian hút thuốc trước đây sẽ dùng vào việc gì. 2 ngày trước bỏ thuốc có thể suy nghĩ cách để vượt qua cơn thèm thuốc. 1 ngày trước khi bỏ thuốc thì dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo để làm thay đổi môi trường sống, khi có mùi khói thuốc trở lại thì nhận ra ngay. Vào ngày bỏ thuốc cần có sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, tổ chức, tiến hành công khai và nhờ người giám sát. "Chúng tôi hỗ trợ các cán bộ, nhân viên y tế “cai nghiện” thuốc lá, làm sao để họ thấy trách nhiệm của mình đối với môi trường làm việc, môi trường sống và văn hoá đơn vị. Vì Công đoàn Y tế Việt Nam đã phối hợp chuyên môn đưa “xanh – sạch – đẹp” và không khói thuốc lá vào tiêu chí chấm điểm, giúp cơ sở y tế nâng cao thương hiệu khi phải thực hiện cơ chế “tự chủ”. Cách cán bộ, nhân viên y tế tuân thủ quy định về bảo đảm môi trường an toàn cho đồng nghiệp và người bệnh chính là họ tự nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh của bệnh viện, gián tiếp “nâng cao thu nhập cho mình", PGS.TS Phạm Thanh Bình nói và cho biết Công đoàn Y tế Việt Nam cũng phối hợp Bộ Y tế triển khai các cuộc thi rất hiệu quả, đưa vào ký cam kết giữa công đoàn với lãnh đạo các đơn vị. Qua đó, tỷ lệ giảm hút thuốc cao. |
|
|
Trong khi đó đồng chí Đặng Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: “Muốn cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục tự nguyện bỏ thuốc là thì cần coi trọng hình thức tuyên truyền giáo dục”. Theo đồng chí Đặng Hoàng Anh, thầy cô còn là tấm gương của học trò nên việc tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá trong các nhà trường còn tạo ra “hiệu ứng kép”. Công đoàn Giáo dục Việt Nam không chỉ tuyên truyền định kỳ, tuyên truyền theo đợt mà còn thường xuyên để đoàn viên, người lao động “tự nguyện” bỏ thuốc. Vì không thiếu trường hợp đã cai rồi tái nghiện nhiều lần. Bên cạnh hình thức truyền thống, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị đổi mới phương thức tuyên truyền, trong đó có tổ chức cuộc thi online, livestream hỏi đáp về phòng, chống tác hại thuốc lá trên fanpage Công đoàn. Công đoàn Giáo dục phối hợp chuyên môn xây dựng quy chế nội bộ cấm hút thuốc trong phòng làm việc, giờ làm việc, khuôn viên nhà trường, không riêng gì giờ giảng dạy. Đồng thời có hình thức khen thưởng hành vi cai thuốc, giảm hút thuốc hay xử phạt người tái nghiện, vi phạm cam kết. Bộ phận y tế học đường hoặc tư vấn học đường thường xuyên được tập huấn, cập nhật kiến thức cùng chuyên môn và công đoàn nắm bắt tình trạng bệnh lý, tâm lý của học sinh để tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá. Kết quả, đã có rất nhiều mô hình sáng tạo của Công đoàn mang lại hiệu quả thiết thực như Công đoàn Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Công đoàn Đại học Huế… |
|
|
Sẽ ra mắt nhiều sản phẩm truyền thông hấp dẫn, thiết thực về phòng, chống tác hại thuốc lá Phát biểu tại Toạ đàm, đồng chí Vũ Mạnh Tiêm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn cho biết, ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể và giải pháp cụ thể tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030: giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng, đặc biệt là ưu tiên ngăn ngừa thanh thiếu niên. Đây là một chỉ tiêu khó khăn. Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 của Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, thể hiện qua các con số. Từ năm 2014 đến nay, với sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, các cấp công đoàn tổ chức hàng trăm hội nghị tập huấn thực thi Luật cho hàng chục nghìn CNVCLĐ; sản xuất, treo 70.210 biển cấm hút thuốc và sản xuất 11.300 pano lắp đặt tại công đoàn cơ sở; phát hành 501.000 tờ gấp và 41.890 sổ tay tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá…. Riêng trong năm 2021 - 2022 các cấp công đoàn đã tổ chức 21.609 cuộc tuyên truyền cho hơn 1,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động (NLĐ), 37.524 CNVCLĐ bỏ hút thuốc, 74.966 CNVCLĐ tham gia. Nhiều chương trình, hội thi do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn cơ sở đã góp phần thay đổi cả về nhận thức và hành động của mỗi đoàn viên, NLĐ trong việc góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, bảo vệ sức khoẻ NLĐ. |
|
||
100% các LĐLĐ tỉnh, thành phố và công đoàn ngành đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá. 87% số công đoàn cơ sở triển khai xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, hơn 5,4 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được tuyên truyền; hơn 637 nghìn đoàn viên, NLĐ bỏ thuốc lá, gần 475 nghìn đoàn viên, NLĐ giảm hút. Nhận thức của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ về tác hại của thuốc lá được nâng cao, đã hình thành nhiều mô hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện không khói thuốc… Đồng chí Nguyễn Thu Hương - đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá mong muốn Công đoàn tiếp tục nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt trong CNVCLĐ. Nhất là đồng hành với ngành Y tế khi trình Chính phủ dự thảo trọng tâm chính sách ưu tiên để ngăn chặn gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ. Tại toạ đàm, nhiều ý kiến tham luận đồng tình rằng, phòng, chống thuốc lá trong CNVCLĐ thời gian tới cần đổi mới theo hướng tác động vào nhận thức, trực quan, gần gũi và chia sẻ để tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa. Đồng chí Nguyễn Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội nhận định, những chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tác hại thuốc lá ở các ngành rất thực tế và bổ ích, cần được lan toả rộng rãi hơn nữa thay vì cách tuyên truyền khô cứng. Cần tiếp tục có đợt truyền thông hiệu quả, sâu rộng, tổ chức đợt truyền thông cao điểm với các sản phẩm truyền thông ngắn gọn, thiết thực, tác động trực tiếp đến người lãnh đạo còn hút thuốc lá để làm chuyển biến nhận thức của số đông người. Bên cạnh đó cần xây dựng tài liệu dễ đọc, dễ hiểu để cán bộ công đoàn và đoàn viên dễ tiếp cận, triển khai ký cam kết mang tính khuyến khích thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đồng chí Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn khẳng định, thời gian tới, Tạp chí sẽ truyền thông tất cả các sáng kiến, mô hình hay của tất cả các đơn vị và Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá theo hướng hỗ trợ làm sao để sản phẩm tốt hơn, hay hơn, truyền thông trực tiếp đến bản thân, gia đình CNVCLĐ. "Tạp chí dự kiến sản xuất chương trình tạm gọi là "Chia sẻ của công nhân" đăng tải trên Fanpage Công đoàn Việt Nam và Tạp chí điện tử Lao động và Công đoàn. Tổ chức trao đổi trực tuyến trên Fanpage Công đoàn Việt Nam và Tạp chí điện tử laodongcongdoan.vn nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về phòng chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, tiếp nhận các ý kiến, câu hỏi, thảo luận tại buổi trao đổi trực tuyến. Các chương trình trao đổi trực tuyến sẽ được làm mới, hấp dẫn với người trẻ, người có uy tín trong xã hội, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá. Đồng thời sẽ triển khai các cuộc thi áp dụng công nghệ số, trong đó có cuộc thi ảnh và thi tranh trên mạng. Qua đó tác động sâu sắc hơn vào ý thức của CNVCLĐ và cộng đồng; tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm, thi bài luận, thi video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội của Công đoàn như fanpage, Tiktok. Qua đó giải thích cho mọi người về ý nghĩa của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá một cách gần gũi, thiết thực. |
Thực hiện: Hà Vy |