Lao động trẻ có xu hướng thích “nhảy việc” và những rào cản
Đời sống - 04/10/2024 16:31 Phương Mai
Đối thoại tại doanh nghiệp là vấn đề then chốt nâng cao phúc lợi cho người lao động |
Xu thế chung của lao động trẻ
Khảo sát của Anphabe (một công ty tư vấn về các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc tại Việt Nam) cho biết, 62% các bạn trẻ gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) ở Việt Nam nhảy việc ngay trong năm làm việc đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn nhảy việc vài lần trong 1 năm ngay khi ra trường.
Một số chuyên gia về lao động cho rằng, sinh viên sau khi ra trường cần khoảng 1 năm để làm quen, tìm hiểu công việc. Năm thứ hai, mới có thể đảm nhận tốt công việc, học hỏi, trải nghiệm và năm thứ ba trở đi mới có thể đóng góp đáng kể. Do vậy, nếu chỉ mới gắn bó ở khoảng thời gian ngắn, người sử dụng lao động cũng chưa có đủ đánh giá để định hướng việc làm và hướng phát triển cho nhân sự trẻ.
Người trẻ có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm từ các nền tảng trực tuyến với mô tả và mức lương cụ thể, hấp dẫn. Ảnh: PM |
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ năm 2020, nhưng đến nay, chỉ sau 4 năm, bạn Trần Thị Hạnh (Vĩnh Phúc) đã có đến 6 lần thay đổi nơi làm việc. Dù đã từng cộng tác với một cơ quan báo chí từ khi còn là sinh viên năm 3, nhưng đến khi ra trường, Hạnh vẫn chọn thử sức ở môi trường khác trẻ trung và nhiều cơ hội phát triển hơn.
“Tuy nhiên tôi đã bị “vỡ mộng” khi công việc quá áp lực và lãnh đạo không tâm lý. Tôi thường xuyên phải làm thêm giờ, nhiều phần việc mà vốn chưa từng được học hay biết qua. Sau đó tôi có chuyển sang một cơ quan khác, rồi thử sức ở lĩnh vực truyền thông, thậm chí về quê làm. Đến hiện tại, tôi đang tiếp tục công việc theo đúng ngành học và đam mê của mình ở Hà Nội, nhưng vẫn thấy khá bấp bênh”, Hạnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, xu hướng không thích “an phận” cũng là một trong những lý do khiến nhiều người trẻ muốn nhảy việc.
Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, chuyên ngành Kiểm toán, Đỗ Thị Ngoan (Phủ Lý, Hà Nam) được nhận vào làm tại một doanh nghiệp “có tiếng” theo đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, sau khi làm việc được 2 năm, Ngoan vẫn quyết định nghỉ việc và thi vào một doanh nghiệp khác.
Theo Đỗ Ngoan, cơ hội việc làm cho chuyên ngành của cô không thiếu, hơn nữa bản thân cũng có nhiều năm kinh nghiệm. Do vậy, nếu tìm được một nơi làm việc đúng với nhu cầu, phù hợp tâm lý, lại có mức thu nhập hấp dẫn hơn, Ngoan sẽ chọn đây là “bến đỗ” cuối cùng để gắn bó.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. |
Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội), có thể đưa ra một số nguyên nhân về hiện tượng nhiều người trẻ thích “nhảy việc” ngày nay:
Thứ nhất, lao động trẻ thường mong muốn tìm kiếm những cơ hội để học hỏi, phát triển bản thân và sự nghiệp. Khi họ cảm thấy công việc hiện tại không còn mang lại cơ hội học hỏi mới, họ có xu hướng chuyển sang công việc khác.
Thứ hai, trong thời đại công nghệ số, nhu cầu công việc thay đổi nhanh chóng. Những ngành nghề mới liên tục xuất hiện, và các kỹ năng cần thiết cũng liên tục thay đổi. Điều này khiến lao động trẻ linh hoạt hơn và dễ dàng chuyển đổi việc làm để thích nghi với sự thay đổi của thị trường.
Thứ ba, thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z hiện nay, thường có kỳ vọng cao về môi trường làm việc. Họ muốn có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, môi trường làm việc tích cực và sự tôn trọng từ phía cấp trên. Nếu công ty không đáp ứng được kỳ vọng này, họ có thể dễ dàng chuyển đổi sang một môi trường làm việc khác phù hợp với bản thân.
Thứ tư, lao động trẻ thường có động lực tìm kiếm các cơ hội tốt hơn về mặt tài chính và phúc lợi. Nếu họ thấy công việc mới có mức lương cao hơn hoặc phúc lợi tốt hơn, họ có xu hướng chuyển đổi.
Thứ năm, so với thế hệ trước, lao động trẻ ít có xu hướng chấp nhận làm lâu dài trong một môi trường công việc không phù hợp. Họ sẵn sàng thay đổi nếu cảm thấy không hài lòng, vì họ có nhiều lựa chọn hơn trên thị trường.
Thứ sáu, nhiều lao động trẻ có xu hướng theo đuổi khởi nghiệp hoặc làm các công việc tự do (freelance) thay vì theo đuổi sự nghiệp trong một tổ chức cố định. Điều này dẫn đến việc họ có thể thay đổi liên tục giữa các công việc khác nhau để khám phá và thử nghiệm.
“Thực tế, việc thay đổi chỗ làm vừa có ưu điểm và hạn chế. Lao động trẻ có thể tích lũy kinh nghiệm đa dạng sau mỗi lần chuyển việc, mở rộng mối quan hệ, tăng khả năng thích nghi và cơ hội thăng tiến, cũng như cải thiện thu nhập. Song, điều này cũng khiến người lao động thiếu sự ổn định, khó khăn trong phát triển chuyên sâu, khó thăng tiến dài hạn và có thể trở nên thiếu uy tín trong mắt nhà tuyển dụng”, ông Thành nhấn mạnh.
Tỷ lệ thiếu việc làm tăng, lao động trẻ cần hiểu rõ chính mình
Theo Tổng cục Thống kê, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 948 nghìn người, tăng 15 nghìn người so với quý trước và tăng 7,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,06%, tăng 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và không đổi so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 6 tháng đầu năm 2024 là 8%, tăng 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%, tăng 0,65 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 6,87%, tăng 0,4 điểm phần trăm.
So với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao và gấp hơn 3 lần do thanh niên là lực lượng trẻ, nhu cầu có việc làm cao hơn, họ bắt buộc tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, thanh niên thường được trang bị các kiến thức tốt với trình độ cao nên họ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc đúng như ý muốn hơn là làm các công việc tạm thời, thu nhập thấp.
Các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm thu hút nhiều người trẻ quan tâm. |
Chị Tạ Ngọc Hân, một người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, cho biết: “Mức lương và môi trường làm việc thường là hai yếu tố được các ứng viên quan tâm nhất. Nhiều bạn trẻ vì “cái tôi” quá lớn, hoặc khả năng không chịu được áp lực khi bị phê bình hay nhận khối lượng công việc lớn hơn đã từng làm, nên cũng dễ dàng bỏ cuộc. Các bạn có lợi thế về sức trẻ, nhanh nhạy với công nghệ và khả năng sáng tạo, nhưng chỉ như vậy thì vẫn chưa đủ”.
Bên cạnh đó, cũng có một số rào cản nếu các bạn trẻ “nhảy việc” nhiều lần. Chẳng hạn, một CV (phiếu thông tin và quá trình làm việc của bản thân) liệt kê quá nhiều nơi làm việc, thời gian gắn bó không dài sẽ khiến nhà tuyển dụng e ngại về mức độ bạn gắn bó với công ty. Bên cạnh đó, kinh nghiệm lâu năm tại một lĩnh vực cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp mong muốn. “Nhiều doanh nghiệp sẽ phải trích ra một khoản chi phí để đào tạo về văn hóa, chuyên môn cho nhân viên mới, vì thế nếu bạn không cho thấy sự cam kết đồng hành, sẽ rất dễ bị loại”, chị Hân nhận định.
Ông Vũ Quang Thành đã đưa ra một số lời khuyên giúp lao động trẻ có thể tận dụng lợi thế và tránh những rủi ro có thể gặp phải khi chuyển việc thường xuyên:
Thứ nhất, xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng: Trước khi chuyển việc, lao động trẻ cần xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình. Các bạn nên suy nghĩ xem liệu công việc mới có phù hợp với mục tiêu dài hạn hay chỉ là một bước đi tạm thời. Bên cạnh đó, người lao động trẻ cũng cần tránh việc thay đổi công việc chỉ vì cảm xúc nhất thời hoặc áp lực ngắn hạn. Lao động trẻ cần cân nhắc cẩn thận về tác động của việc chuyển đổi này đối với sự nghiệp.
Thứ hai, phát triển kỹ năng chuyên môn sâu: Mặc dù tích lũy kinh nghiệm đa dạng là quan trọng, nhưng lao động trẻ cũng nên phát triển kỹ năng chuyên môn sâu trong một lĩnh vực cụ thể. Điều này giúp các bạn trở nên chuyên nghiệp và có lợi thế cạnh tranh khi tìm việc mới. Ngay cả khi chuyển việc, hãy đảm bảo rằng bạn không ngừng học hỏi và phát triển bản thân. Tham gia các khóa học, đọc sách, hoặc tham gia hội thảo để giữ cho kỹ năng của mình luôn mới mẻ và giá trị.
Thứ ba, xây dựng mối quan hệ dài hạn: Lao động trẻ nên xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, quản lý cũ và các đối tác trong suốt quá trình làm việc. Những mối quan hệ này có thể mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai và giúp bạn có một nguồn hỗ trợ khi cần thiết. Dù đã rời khỏi công ty, lao động trẻ nên duy trì sự chuyên nghiệp và có thiện chí với công ty cũ. Điều này giúp giữ vững danh tiếng và có thể có những cơ hội quay lại làm việc hoặc nhận được sự giới thiệu từ cấp trên cũ.
Thứ tư, xem xét kỹ trước khi chuyển việc: Trước khi chuyển sang công việc mới, lao động trẻ nên xem xét không chỉ mức lương mà còn cả môi trường làm việc, văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến và sự ổn định. Một công việc tốt không chỉ là mức lương cao mà còn là sự hài lòng lâu dài. Hãy đảm bảo rằng bạn đã ở lại công ty đủ lâu để học hỏi, đóng góp và hoàn thành trách nhiệm trước khi chuyển việc. Điều này giúp bạn xây dựng hồ sơ công việc tốt và thể hiện sự chuyên nghiệp.
Thứ năm, duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Lao động trẻ nên tránh chuyển việc khi đối mặt với các áp lực công việc. Đôi khi căng thẳng hoặc bất mãn trong công việc có thể chỉ là tạm thời. Lao động trẻ nên cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách giải quyết thay vì ngay lập tức chuyển việc. Việc này giúp tránh những quyết định thiếu cân nhắc. Ngoài công việc, lao động trẻ cũng cần tập trung vào sự phát triển cá nhân, duy trì các sở thích, hoạt động xã hội và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Điều này giúp họ duy trì năng lượng tích cực khi đối diện với thách thức công việc.
Thứ sáu, xây dựng sự ổn định tài chính: Khi chuyển việc nhiều, việc duy trì một nền tảng tài chính vững chắc là rất quan trọng. Lao động trẻ nên có kế hoạch tiết kiệm và đầu tư thông minh để không bị rơi vào tình huống khó khăn tài chính khi mất việc hoặc chờ công việc mới.
Góp ý dự thảo Luật Việc làm: Vì mục tiêu việc làm tốt, thu nhập cao cho người lao động Chiều 19/9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dưới sự chủ trì của đồng ... |
Sinh viên sớm tiếp xúc với thị trường lao động Phiên giao dịch việc làm dưới hình thức Festival tuyển dụng do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại ... |
Ngày hội việc làm quận Tây Hồ: Cơ hội định hướng nghề nghiệp cho người trẻ Sáng 28/9, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội phối hợp cùng UBND quận Tây Hồ tổ chức “Ngày hội giao dịch việc làm và tư vấn nghề ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định