|
- Ân hận lắm, nhìn đứa bé mới chỉ 4 tuổi cứ thế bị lũ cuốn đi trước mắt mà mình chỉ biết đứng nhìn. Hai đêm liền chẳng thể chợp mắt, ám ảnh vô cùng. Vừa nói, chị Hoàng Thị Gịt (33 tuổi) vừa nắm chặt đôi bàn tay nhăn nheo, gõ lên đùi trong vô thức. Chị nói chị hối hận vì mình không cứu thêm được người khi lũ đến. Sáng sớm 9/9, trong lúc đi kiểm tra quanh nhà sau khi thấy trời mưa nhiều ngày, chị Gịt nghe một tiếng nổ lớn, phát hiện từ trên cao, cơn lũ chảy xiết đang tràn về. Lúc này cả làng vẫn chìm trong giấc ngủ. Hoảng loạn, chị chỉ biết vừa chạy vừa hô “Cả làng ơi dậy đi, lũ về rồi”. 9 người trong nhà, gồm 5 người lớn và 4 trẻ em hối hả chạy lên phía trên đồi cao. Chỉ sau hai phút, chị Gịt ngoái đầu lại, bàng hoàng khi thấy cả làng bị chôn vùi trong đất. Thấy có dấu hiệu im lặng, 5 người lớn quyết định quay lại tìm kiếm hy vọng của sự sống. Dù chân tay đã rụng rời khi thấy sự tàn phá ác liệt của thiên nhiên, nhưng vợ chồng Gịt vẫn chọn “liều mình”.
|
Trong lúc người chồng đang chạy xuống cứu một bé gái bị vùi trong đống đất, chị cũng phát hiện một bé trai chừng 6 tuổi đang bám trên phần nóc nhà đua ra ngoài. Nhưng lúc này đất sâu, nếu bước chân vào, Gịt chẳng khác nào tự vùi mình trong bùn. Ngay lúc đó, thấy có tấm gỗ dài, chị nhanh trí dùng làm cầu nối, lao vào túm lấy đứa trẻ đang chấp chới. “Chân không đứng vững nữa, tay thì run lên bần bật, tôi bối rối không biết làm thế nào tiếp theo, phải cầu cứu bác đứng cạnh, chứ quả thực, không đi nổi”, chị Gịt kể. Dù sợ là vậy, nhưng Gịt vẫn quyết tâm quay lại nơi đang “âm ỉ sạt lở” thêm một lần nữa. Chị tiếp tục nhìn thấy phía dưới một bé trai khác, chừng 4 tuổi, đang cố gắng bò lên mái tôn nhà. Nhưng lần này, may mắn đã không mỉm cười. Quả đồi chứa đầy nước thêm một lần nữa dội xuống dữ dội. Gịt gắng vòng đường phía dưới để cứu cháu. - Quay ra đây, quay ra đây với bác. Gịt gào thét trong vô vọng. “Nó cũng cố với tay ra, nhưng lũ đến gần quá rồi, không kịp nữa rồi, tôi không cứu được hàng xóm của mình nữa rồi”, chị Gịt vừa kể vừa khóc. |
|
Được mọi người động viên, Gịt không còn tự trách mình. Nhưng nỗi ám ảnh kinh hoàng khi chứng kiến những người làng từng cùng mình làm nương rẫy, cùng ăn, cùng cười mới đó thôi, trôi theo sự giận dữ của lòng núi, vẫn thường trực ùa về trong mỗi giấc ngủ của chị. - Sao chị bảo sợ? Sợ sao vẫn quay lại hai lần? - Lúc đó thì còn nghĩ gì đến sống chết nữa, chỉ nghĩ cứu được thêm ai thì cứu thôi, không có họ thì sống làm sao? Mấy đứa nhỏ đã kịp ngủ tròn giấc đâu? Rồi những người còn sống biết phải làm thế nào? Gịt quả quyết. Thì ra, người ở làng này sống với nhau nghĩa tình như thế.
|
Ở phía dưới làng, cũng có những “hiệp sĩ thôn” như vợ chồng chị Gịt. Những người vẫn chọn quay lại tìm đồng bào khi ranh giới giữa sống và chết chỉ còn trong gang tấc. Sau tiếng nổ, nhà chị Hoàng Thị Miên (32 tuổi) cũng rung lên tựa động đất. Chẳng nghĩ được thêm nhiều, chị gọi cả nhà dậy để chạy. Người phụ nữ hàng ngày yếu đuối, chẳng nặng lời với ai, cũng dùng hết sức bình sinh để gào thét, đánh thức những ngôi nhà vẫn đang im lìm bên cạnh. - Cứu với! Có ai không cứu với! Nghe tiếng kêu cứu, vợ chồng chị Miên chạy đi tìm phía sau. Cú nổ lớn đã thổi tung cả đồ đạc, cả người em trai của họ xuống khe, đất đá đã đè lên đôi chân khiến anh không thể đứng dậy. May mắn, người này đã thoát nạn. - Chị trông con cho em nhé, em xuống hộ các anh này cứu người. Chị Miên đem con sang gửi nhà hàng xóm ở vị trí an toàn, nhanh chóng quay lại phụ chồng. |
Chồng Miên lúc này cõng trên lưng một người phụ nữ khác, Miên ở dưới giữ chân. Phía sau lưng hai người, lũ một lần nữa dội xuống. Đáng tiếc, vì chịu sức va đập quá lớn, cơ thể người phụ nữ yếu ớt đã không thể chống cự và qua đời sau đó. Nhìn cảnh tượng tang thương trước mắt, xót xa cho gia đình và cho chính mảnh đất mình đã gắn bó hơn 20 năm nay, Miên khóc nức nở. Họ hàng nhà chị thiệt hại 12 người, vẫn còn 1 người chưa được tìm thấy. |
Lũ cuốn trôi hết người, nhà cửa, tài sản, ruộng nương của 35 hộ dân Làng Nủ. Nhưng có lẽ, thứ duy nhất mà không thiên tai, địch họa nào có thể chôn vùi, chính là tình làng xóm, là sự gắn kết, yêu thương của những con người nơi đây. Dù là những ngày còn chung sống, hay ngay cả khi đã âm dương cách biệt, họ vẫn dành cho nhau những gì trân quý và ấm áp nhất. Ngày Làng Nủ vẫn yên bình, lúa xanh trải dài thênh thang, ôm lấy những ngôi nhà san sát nhau, một ngày mới bắt đầu bằng tiếng gà gáy, bằng tiếng người ta í ới gọi nhau ra đồng, lên nương làm rẫy. Lũ trẻ “sàn sàn” tuổi cũng chạy quanh làng hối nhau đi tìm con chữ. Những người già tranh thủ ở nhà dọn dẹp phụ con cháu, nấu cơm trưa. Mỗi khi nhà ai có việc, cả làng lại túm tụm sang hộ mà chẳng cần “phải nhờ”. Làm xong, lại ăn uống, vui cười tới tối. Mỗi người một việc, nhưng việc nào cũng làm cùng nhau. |
Tai họa ập đến, nhà nào cũng “có việc”. Những người may mắn không mất người thân, chỉ mất nhà vẫn quay về phụ tìm kiếm người mất tích nhà hàng xóm. Có người vừa kịp chôn cất người thân, làm lễ an táng xong, đầu còn chít khăn tang, vẫn quay lại hỗ trợ lật từng hòn đá, cây tre để dò tìm. “Chưa có nhà nào bỏ cuộc, còn chưa thấy về đủ là còn hộ nhau. Ấm áp lắm, tình cảm lắm”, chị Hoàng Thị Miên xúc động kể. Những ngày sau, người dân cũng cùng bộ đội, dân quân tự vệ xuống dọn dẹp những “di vật” còn sót lại dưới ruộng. Người tay xẻng, người tay cuốc, chân đeo ủng, cặm cụi thu gom. Dường như đã quen với địa hình, nên nhờ có người bản địa mà công tác khắc phục nhanh hơn đáng kể. Họ bảo: “Dọn nhanh, sau không ở nữa nhưng nhìn lại cũng đỡ đau lòng”. Họ lặng lẽ làm, thỉnh thoảng động viên, chứ chẳng nỡ to tiếng, vẫn nhẹ nhàng như cách đã từng đối xử với nhau trước đó.
|