Cảnh báo “bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 1: Được “tặng” thẻ tín dụng, công nhân bỗng thành “con nợ”
Phóng sự điều tra - 06/08/2024 16:59 MINH KHÔI
Lời tòa soạn: Xuất phát từ lá đơn kêu cứu của một nữ công nhân, để triển khai loạt bài, Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức một cuộc khảo sát 500 công nhân lao động ở các khu công nghiệp lớn cả nước. Kết quả cho biết 60% có 02 thẻ ngân hàng trở lên; 49% có một thẻ trở lên không thường xuyên sử dụng. Đặc biệt, 53,5% công nhân không biết thẻ không/hoặc ít sử dụng vẫn bị trừ phí hoặc phát sinh dư nợ. Thực tế, nhiều công nhân lao động đã trở thành “con nợ” của ngân hàng với số tiền ít thì vài trăm nghìn, thậm chí lên tới gần chục triệu đồng – bằng cả tháng lương mà “thủ phạm” là những chiếc thẻ ngân hàng bỏ quên không sử dụng. Trân trọng giới thiệu loạt bài viết Cảnh báo “bẫy nợ” thẻ ngân hàng do Tạp chí Lao động và Công đoàn thực hiện. |
Mở thẻ tín dụng kiểu “bia kèm lạc”
Chị V.T. H.X. (quê Hải Dương) vừa có đơn gửi Tạp chí Lao động và Công đoàn trình bày về sự việc làm chị “mất ăn, mất ngủ, sút cân” trong thời gian qua.
Trong đơn, người phụ nữ cho biết trước đây làm công nhân một công ty may có chi nhánh tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Tháng 9/2015, Công ty này liên kết với một ngân hàng TMCP mở thẻ ATM cho công nhân để chuyển lương hằng tháng. Công nhân được yêu cầu photocopy chứng minh nhân dân nộp về văn phòng công ty để làm thủ tục.
Đơn của người lao động gửi Tạp chí Lao động và Công đoàn |
“Sau đó, phía ngân hàng về giao thẻ cho mọi người và có tặng thêm cho mỗi công nhân một thẻ tín dụng. Bên ngân hàng không thu phí, và nói không mất phí gì, chỉ yêu cầu công nhân ký nhận thẻ”, chị X. viết trong đơn.
Chị X. nhớ lại: “Họ bảo là tặng kèm. Hồi đó ai lấy thẻ này được tặng 20 nghìn đồng hoặc 1 chai dầu ăn”.
“Tôi và nhiều công nhân đã nhận 2 thẻ nhưng sau đó tôi vứt bỏ luôn thẻ tín dụng, chỉ sử dụng thẻ phát lương”, chị tiếp tục trình bày.
Chị X. cho biết, sau đó vài tháng, do cả khu vực chỉ có một cây ATM của ngân hàng mở thẻ, trong khi công nhân đông, phải xếp hàng, nên rất bất tiện. Có người còn khó khăn trong việc đổi mã pin kích hoạt thẻ ATM. Chính vì vậy, công ty nơi chị làm đã liên kết mở tài khoản cho công nhân tại một ngân hàng khác.
Sau đợt đó, nhiều công nhân yêu cầu hủy thẻ, khóa thẻ ATM của ngân hàng. Hầu hết không quan tâm đến thẻ tín dụng mà họ được “tặng”.
Năm 2019, chị X. nghỉ việc ở công ty. Chị tuyệt nhiên không nhớ đến việc đã từng có một thẻ tín dụng bởi sau khi nhận, chị đã vứt bỏ vì không có nhu cầu sử dụng.
Bỗng thành “con nợ”
Chị X. cho biết: “Đến ngày 15/5/2024, ngân hàng đã gửi tin nhắn vào số điện thoại của tôi, thông báo về việc tôi có khoản nợ vay quá hạn lên tới hơn 7 triệu đồng tại ngân hàng, đề nghị tôi thanh toán. Tôi rất bất ngờ và hoang mang”.
Chị gọi tới tổng đài của ngân hàng này trình bày thắc mắc thì được giải thích rằng do chị “kích hoạt thẻ tín dụng nên phát sinh phí thường niên”.
Tin nhắn thông báo chị X. có khoản vay quá hạn tại ngân hàng - Ảnh chụp màn hình |
Nữ công nhân phản đối vì cho rằng mình không kích hoạt thẻ, mà “chỉ ký duy nhất vào tờ xác nhận nhận thẻ”. Chị sau đó lên chi nhánh ngân hàng này để làm việc.
Phía ngân hàng đưa ra bằng chứng về việc chị đã ký vào giấy “đề nghị mở tài khoản và phát hành thẻ ghi nợ/ thẻ tín dụng quốc tế (dành cho khách hàng trả lương)”, ngày 4/9/2015 (bản photocopy).
Chị X. cho biết: “Đó là chữ ký của tôi, nhưng tôi chỉ nghĩ rằng ký xác nhận nhận thẻ, chứ không hề biết sau đó xảy ra hệ lụy thế này. Bởi nhân viên ngân hàng tư vấn nói rằng nếu không dùng cũng không mất phí... Họ tư vấn không rõ ràng”.
Nhưng khi đọc kỹ văn bản trên, chị X. khẳng định những dòng chữ viết tay điền thông tin cá nhân và thông tin người liên hệ (chồng, đồng nghiệp) không phải chữ của chị. Nữ công nhân đặt nghi vấn có thể những thông tin này được điền sau khi chị ký giấy.
Dù không sử dụng thẻ nhưng chị X. bị phát sinh nợ hơn 7,5 triệu đồng |
Nhưng chị X. cho biết, điều khiến chị bức xúc là trong suốt 9 năm qua, chị không sử dụng thẻ để vay mượn khoản nào, cũng không nhận được bất cứ tin nhắn hay cuộc điện thoại nào từ phía ngân hàng thông báo về khoản nợ. Cho đến ngày 15/5/2024, chị mới nhận được một tin nhắn thoại về việc này.
“Đồng thời, tôi đã hủy dịch vụ thẻ, khóa thẻ thì tại sao lại tính phí thường niên cho tôi?”, chị X. thắc mắc.
Chị nói rằng sự việc không những ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và tinh thần mà còn ảnh hưởng đến điểm tín dụng của tôi trong hệ thống ngân hàng nhà nước; ảnh hướng đến danh dự, “bị mọi người chê cười là đi vay nợ...”.
“Ngay từ đầu, nếu được thông báo rằng nếu nhận thẻ, chúng tôi phải chịu phí phát hành (150.000 đồng) và phí thường niên thì chúng tôi sẽ từ chối nhận ngay, vì thu nhập mỗi ngày công của chúng tôi khi ấy (2015) chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày”, chị X. bức xúc.
Không thể mua trả góp vì dính nợ xấu
Một trường hợp khác là chị P.T.M. - đồng nghiệp của chị X. và cũng được “tặng” thêm thẻ tín dụng khi mở thẻ ATM vào năm 2015, cho biết: “Đợt vừa rồi khi đi mua điện thoại trả góp tôi không được duyệt hồ sơ. Đến khi kiểm tra thì phát hiện tài khoản phát sinh nợ từ năm 2016 đến nay”.
Bảng diễn giải giao dịch ghi nợ mà phía ngân hàng cung cấp, cho biết: Từ 16/9/2016 chị M. bị thu phí dịch vụ thẻ khách hàng 150.000 đồng; từ tháng 11/2016 trở đi, mỗi tháng bị ghi nợ (phạt) quá hạn 50.000 đồng; ngoài ra, phí duy trì hoạt động thẻ ban đầu hơn 7.000 đồng, có chiều hướng tăng dần theo từng tháng…
“Tính cả gốc lẫn lãi tôi bị nợ gần 8 triệu đồng”, chị M. nói. “Thời điểm tôi làm thẻ, họ (nhân viên ngân hàng – PV) nói rằng nếu không có nhu cầu dùng thì cứ cầm lấy. Tôi nghĩ không dùng thì chẳng sao. Nhiều người họ còn chẳng bóc ra xem bên trong là cái gì”.
“Tôi mong ngân hàng giải quyết. Tôi không dùng thẻ, không vay nợ mà tự dưng có khoản nợ trên trời rơi xuống thế này tôi lo lắm chứ!”, chị nói.
Cả chị X. và chị M. hiện đã nghỉ việc tại công ty cũ.
Để làm rõ vụ việc, chị X.nhiều lần gọi điện thoại cho ông Q.T.H. (SĐT 0986.893.xxx) – chuyên viên khách hàng cá nhân – người đã tư vấn và “tặng” thẻ tín dụng quốc tế cho chị cách đây gần chục năm, nhưng không nhận được phản hồi.
Trong khi đó, chị X. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0934.487.xxx. Người đàn ông giới thiệu tên Đ. – bên thu hồi nợ của ngân hàng. Trong cuộc gọi, người này giải thích: “Chị là công dân đủ 18 tuổi, và khi chị đã cầm thẻ rồi là mặc định chị đã nhận thẻ ấy rồi. Còn chị dùng hay chị vứt đi là quyền cá nhân của chị... Bây giờ chị chỉ còn cách xử lý để tránh nợ xấu”.
Chị X. cho biết năm 2016 chị đã hủy thẻ, tại sao vẫn phát sinh nợ. Người đàn ông này nói rằng dù đã hủy thẻ nhưng chị không thanh toán phí thường niên của thẻ, đương nhiên sẽ ghi nợ trên hệ thống, và nhân lãi số tiền ấy.
“May mắn cho chị là chị hủy thẻ năm 2016 đấy. Chị mà để đến năm 2024 mới hủy thẻ thì số tiền nó không phải là 7-8 triệu này đâu, nó là mấy chục triệu”, người này cho biết.
Trả lời câu hỏi tại sao thời điểm khóa thẻ, chị X. không nhận được thông báo của ngân hàng về việc trả các khoản phí liên quan, người đàn ông cho biết đó là trách nhiệm của chi nhánh – nơi tiếp nhận việc hủy thẻ của chị X.
Hiện cả chị X. và chị M. đều chưa chấp nhận nộp khoản tiền này. Họ viết đơn đề nghị phía ngân hàng hỗ trợ xóa hoặc giảm khoản nợ để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống.
Bài 2: Không dùng thẻ cũng sẽ mất tiền...
Theo những quy định hiện hành, nếu không sử dụng thẻ ngân hàng, khách hàng vẫn có thể tốn phí hàng trăm nghìn đồng mỗi năm tùy từng trường hợp và tùy loại thẻ, thậm chí khách hàng có thể kèm phí phạt thanh toán dư nợ nếu chưa trả hết nợ. Và nếu sở hữu nhiều thẻ ngân hàng, công nhân, người lao động có thể tốn phí tiền triệu hằng năm, cùng với những rắc rối không đáng có khác.
Bài 1: Chiêu dụ dỗ “moi tiền” ứng viên thu âm lồng tiếng online Không ít người lao động trong quá trình tìm kiếm việc làm online đã bị lừa đảo. Để dụ ứng viên thu âm lồng tiếng ... |
Bài 2: Mất 240 triệu khi sập bẫy lừa đảo ứng tuyển thu âm lồng tiếng online Tưởng rằng sẽ trở thành nhân viên thu âm lồng tiếng online với thu nhập ổn định trang trải cuộc sống, một người phụ nữ ... |
Cảnh báo lừa đảo tuyển dụng trực tuyến để bóc lột lao động Tin lời hứa "việc nhẹ lương cao", nhiều nạn nhân được đưa vào làm việc tại các ổ nhóm lừa đảo trực tuyến, bị thu ... |
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 31/12/2024 19:30
Trung tâm chờ chỉ đạo từ Sở Y tế, Sở thì chờ báo cáo của Trung tâm
Bác sĩ Lê Khắc Thu - Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, đang rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi sau thời gian điều trị bệnh, ông chưa được bố trí công việc trở lại.
Phóng sự điều tra - 23/12/2024 17:50
Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc chưa xử lý đơn xin đi làm trở lại của bác sĩ Lê Khắc Thu
Dù bác sĩ Lê Khắc Thu đã gửi đơn trình báo về việc đi làm trở lại hơn 2 tuần qua, tới nay lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn chưa phản hồi, bố trí công việc cụ thể.
Phóng sự điều tra - 29/11/2024 18:47
Vụ Phòng khám Timec nợ lương: Người lao động kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi
Nhiều lần người lao động yêu cầu được ký hợp đồng lao động, nhưng công ty vẫn phớt lờ. Nghiêm trọng hơn, công ty còn nợ lương người lao động kéo dài nhiều tháng khiến cuộc sống của họ vô cùng khốn đốn…
Phóng sự điều tra - 21/11/2024 16:27
Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
Nữ lao động là trụ cột chính trong gia đình, việc bị nợ lương đã khiến cuộc sống của cô lâm vào cảnh túng quẫn.
Phóng sự điều tra - 15/11/2024 20:50
Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam
Sáng nay (15/11), đại diện Công ty TNHH Outcubator Việt Nam đã tới làm việc với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ (Hà Nội) về vụ tranh chấp lao động xảy ra tại công ty này.
Phóng sự điều tra - 13/11/2024 14:33
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định bác sĩ Lê Khắc Thu có đủ sức khỏe để làm việc. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại.