Tưởng rằng sẽ trở thành nhân viên thu âm lồng tiếng online với thu nhập ổn định trang trải cuộc sống, một người phụ nữ ở Hà Nội không ngờ bị sập bẫy lừa đảo, quay cuồng trong vòng xoáy nợ nần... |
THU ÂM LÀ CÓ tiền |
Gương mặt phờ phạc vì mất ăn, mất ngủ, chị Lê Thị Thủy*, 43 tuổi nói rằng đang trải qua những ngày đen đủi nhất cuộc đời. Sự việc khởi nguồn sau một lần lướt Facebook hồi đầu tháng 5/2023, chị Thủy đọc được thông tin tuyển cộng tác viên thu âm lồng tiếng online trên fanpage Vietnamese recording. Do đang có nhu cầu làm thêm, chị liên hệ và được đề nghị trao đổi qua Zalo với người tự xưng là tư vấn viên. Người này yêu cầu chị Thủy thử giọng rồi lập tài khoản Telegram để tiện trao đổi thông tin. Qua Telegram, chị Thủy tiếp tục được giới thiệu làm việc với “trợ lý viên”. “Anh ta trực tiếp hướng dẫn tôi vào vòng 1 của chiến dịch tuyển dụng việc làm”, chị Thủy kể. |
Trong 1 tuần, chị Lê Thị Thủy bị các đối tượng lừa chuyển tiền gần 240 triệu đồng - Ảnh: Ý YÊN |
Qua tin nhắn, người phụ nữ được gửi lại “Hồ sơ tuyển dụng”, trong đó ghi rõ đơn vị tuyển dụng là Công ty TNHH Truyền thông và Giải trí Star Media.
Rất nhanh chóng, ngày 5/5/2023, chị Thủy được giao nhiệm vụ thu âm 4 đoạn quảng cáo ngắn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị được chuyển khoản 80 nghìn đồng thù lao. “Tôi cảm thấy tin tưởng khi chỉ cần gửi bài thu âm đã được nhận tiền. Tôi đã rất vui mừng vì nghĩ sau này nếu chăm chỉ làm việc thì một ngày cũng được vài trăm nghìn đồng. Điều đó khiến tôi phấn khích, quyết tâm trở thành nhân viên chính thức. Và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ thử giọng”, chị Thủy kể lại. |
Các đối tượng yêu cầu chị Thủy tham gia Telegram để tiện trao đổi - Ảnh: Ý Yên |
nhiệm vụ ngoài chuyên môn |
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thu âm và nhanh chóng nhận khoản thù lao đầu tiên, chị Thủy được “trợ lý viên” mời tham gia nhóm xét duyệt nhân viên chính thức của Công ty. Nhóm này gồm 7 thành viên, ngoài trợ lý viên và 5 người ứng tuyển, còn có thêm một “chuyên viên” xưng tên Trần Quốc Hùng. Người này phổ biển trong nhóm, nói rằng có 2 phương án xét duyệt nhân viên chính thức, hoặc là đến trụ sở công ty phỏng vấn trực tiếp, hoặc xét tuyển online bằng cách vượt qua 4 hoạt động do hệ thống đưa xuống. Sau khi kết thúc 4 hoạt động này, ứng viên chính thức trở thành nhân viên thu âm lồng tiếng cho công ty, được ký hợp đồng 3 năm. |
Nhiệm vụ cho kỳ xét tuyển online không còn liên quan đến “chuyên môn” thu âm lồng tiếng - Ảnh: NVCC |
Chị Thủy nói rằng cả nhóm 5 người đồng ý phương án xét tuyển online vì gọi điện thoại lên hotline đều được xác nhận công ty có tuyển theo hình thức trên. Thế nhưng, nhiệm vụ cho kỳ xét tuyển online này không còn liên quan đến “chuyên môn” thu âm lồng tiếng. Thay vào đó, chị Thủy được giao nhiệm vụ “đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm” cho một đơn vị được giới thiệu là nhà tài trợ - SEASTUDIO. Qua tin nhắn, “chuyên viên” Hùng cho biết, Công ty đang liên kết với đối tác nhà tài trợ SEASTUDIO (kèm theo website nhà tài trợ), cho nên hoạt động chủ yếu là giúp đối tác chạy các mặt hàng. Nếu hoàn thành công việc, các thành viên sẽ nhận được 5-15% hoa hồng giá trị sản phẩm. “Nhưng với điều kiện chúng tôi phải nộp tiền trước - tương ứng giá trị sản phẩm, vào số tài khoản do đối tượng cung cấp”, chị Thủy cho biết.
|
Sập bẫy |
Người phụ nữ có kinh nghiệm buôn bán, va chạm xã hội, tự nhận mình sành sỏi và không dễ bị lừa song chẳng thể ngờ đang chuẩn bị bước vào cái bẫy mà các đối tượng giăng ra rất bài bản. Chuyên viên tên Hùng gửi các sản phẩm mức giá khác nhau cho ứng viên lựa chọn. Chị Thủy chọn sản phẩm giá 2 triệu cho hoạt động đầu tiên. Sau khi chuyển tiền, chị được nhận lại 2,2 triệu cả gốc và “hoa hồng”. Lần thứ hai, chị Thủy được yêu cầu chuyển hơn 11 triệu, sau đó nhận về hơn 13 triệu. Tương tự, ở lần thứ ba, chị chuyển 1,3 triệu và nhận về 1,5 triệu. Nhưng đến lần thứ tư, sau khi chị Thủy chuyển 15 triệu đồng thì không nhận được tiền gốc và “hoa hồng” như trước. * Nạn nhân kể lại vụ việc bị lừa đảo khi ứng tuyển thu âm lồng tiếng online |
Các đối tượng liên tục yêu cầu chị H. chuyển tiền vào tài khoản để lấy lại tiền gốc - Ảnh: NVCC |
Vị “chuyên viên” nhắn tin trấn an rằng hệ thống sẽ tất toán nếu chị hoàn thành 4 hoạt động nữa. Lúc này, chị Thủy được yêu cầu chuyển thêm 32,5 triệu. Chuyển xong, chị lại nhận “lệnh” phải chuyển tiếp 58,4 triệu thì mới tất toán được các khoản. “Tôi lo sợ không lấy lại được tiền nên đi vay mượn để chuyển tiền tiếp. Lúc này 4 bạn trong nhóm cho biết sau khi chuyển 58,4 triệu đều được tất toán nên tôi cũng yên tâm”, chị Thủy kể, đồng thời cho biết nghi vấn 4 người bạn ứng tuyển này đều là “cò mồi”. Tối 5/5, sau khi ngược xuôi vay tiền, chị Thủy gom được 40 triệu, số còn lại chuyên viên Hùng nói sẽ cho mượn để nộp, tất toán xong thì trả. Nhưng mọi chuyện chưa kết thúc, sau khi chuyển khoản, chị Thủy nhận được thông báo khẩn, cho biết hệ thống tất toán thất bại do nội dung chuyển tiền sai cú pháp, tạm thời bị “giam” toàn bộ số tiền đã đóng. Người này yêu cầu chị “sửa lỗi” bằng một nhiệm vụ mới, tức chuyển gần 106 triệu đồng. Lúc này, chị Thủy lo sợ mất toàn bộ tiền gốc nên đã đồng ý làm theo yêu cầu, dù chưa biết lấy đâu ra tiền. Các đối tượng còn doạ rằng hệ thống chỉ cho phép thực hiện trong vòng 15 phút khiến nạn nhân càng thêm lo sợ, tâm trí rối bời, đến nỗi phải “van xin gia hạn thời gian xoay xở tiền”. “Chúng cứ thúc giục liên tục, làm tâm trạng tôi bấn loạn, không kiểm soát được bản thân, cuống cuồng đi vay tiền”, chị Thủy kể. Trưa hôm sau, chị Thủy chuyển 105 triệu 970 nghìn đồng tới tài khoản của chúng. Niềm vui sướng vừa thoáng qua vì tin rằng sẽ sớm được tất toán tiền, thì chị Thủy lại tiếp tục nhận được thông báo nội dung chuyển tiền không đúng cú pháp. Chị Thủy lại được yêu cầu thực hiện chuyển số tiền tương tự để “xác minh số tiền vô chủ bị chuyển nhầm treo trên hệ thống”. Người phụ nữ nói rằng lúc đó “bị u mê” nên đã cố gắng tìm mọi cách lấy lại số tiền đã chuyển vào hệ thống. Nắm bắt được tâm lý nạn nhân, các đối tượng còn hối thúc chị Thủy đi vay mượn, thậm chí vay nóng “tín dụng đen” để chuyển tiền. Chúng vừa dụ dỗ, vừa đe doạ rằng nếu chuyển thêm 105 triệu 970 nghìn đồng thì toàn bộ tiền sẽ được hoàn trả, và ngược lại. “Vừa hoang mang, lo sợ không có tiền trả lại cho bạn bè, người thân mình đã vay trước đó, lại bị các đối tượng thi nhau thuyết phục nên tôi cố gắng lo cho xong để tất toán luôn. Ngày 11/5/2023, tôi tiếp tục chuyển khoản 45 triệu đồng, còn 60 triệu các đối tượng thấy tôi không lo được nữa thì nói là kế toán cho mượn 60 triệu, sau tất toán trả lại cho họ”, chị Thủy trình bày. Sau khi chuyển 45 triệu đồng, chị Thủy liên tục gọi điện, nhắn tin cho các “chuyên viên” song không nhận được hồi âm. Các đối tượng "lật mặt" sau khi chị Thuỷ kiệt quệ tài chính, rơi vào cảnh nợ nần - Ảnh: NVCC Trong thời gian 1 tuần, từ một người có nguyện vọng trở thành nhân viên thu âm lồng tiếng kiếm thêm thu nhập, chị Thủy bị cuốn theo yêu cầu của các đối tượng, mất gần 240 triệu đồng, hầu hết là tiền vay mượn. “Số tiền này rất lớn với tôi. Bây giờ tôi đang rất hoang mang lo lắng, chưa biết cách nào trả cho mọi người. Chiếc xe máy bây giờ cũng đang ở hiệu cầm đồ”, chị Thủy buồn bã chia sẻ. |
Liên tiếp cảnh báo |
Số liệu thống kê từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, đơn vị ghi nhận gần 13 nghìn nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến (tăng 44% so với năm 2021). Bộ Công an cũng liên tục phát đi cảnh báo cho người dân về các phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng. Trong đó, nêu rõ thủ đoạn dụ dỗ cộng tác viên online bỏ tiền thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền, sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Khi nạn nhân thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt, đồng thời nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả nhưng không được hoàn trả. |
“Đề nghị người dân cảnh giác, không tham gia hoạt động nêu trên, khi phát hiện trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết”, thông báo của Bộ Công an nêu rõ. Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết tội phạm mạng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người sử dụng để thực hiện các chiêu lừa đảo. Cơ quan này khuyến cáo người dân cảnh giác trước những tư vấn việc nhẹ lương cao, cân nhắc các điều kiện đảm bảo quyền lợi cho bản thân đối với nhà tuyển dụng, kiểm chứng mọi công việc online trước khi nhận việc.
|
Trở lại vụ việc, hiện chị Thủy đã làm đơn tố giác tội phạm gửi tới các cơ quan chức năng điều tra làm rõ hành vi phạm pháp của các đối tượng lừa đảo. “Qua Tạp chí Lao động và Công đoàn, tôi muốn cảnh tỉnh đối với những người đang có nhu cầu tìm việc làm thêm để tránh bị mắc bẫy lừa đảo trên mạng như tôi”, chị Thủy nói. * Tên nhân vật đã thay đổi Mời độc giả đón đọc bài tiếp: Hình thức phái sinh của lừa đảo tuyển dụng việc làm online |
Ý YÊN Đồ họa: AN NHIÊN |