Tình hình dịch bệnh chưa thể đoán trước, cán bộ y tế còn đương đầu với nhiều thách thức
Kinh tế - Xã hội - 05/08/2020 09:30 Nhóm PV
Trong thời gian qua, chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên hình ảnh những chiến sĩ áo trắng với bữa cơm trưa vội vàng, giấc ngủ chớp nhoáng, luôn trong tình trạng “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” để dành hết thời gian điều trị, chăm sóc các ca bệnh, hay gần đây chúng ta được nghe một câu chuyện cảm động về một điều dưỡng viên tại Bệnh viện Đà Nẵng đã hoãn đám cưới của mình để lập tức lên đường trở về bệnh viện thực hiện nhiệm vụ trong khoa cách ly.
Vậy, làm thế nào để bảo vệ những “chiến sĩ áo trắng” trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19? Câu hỏi sẽ được đáp trong chương trình tọa đàm “Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19”. Chương trình do Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí điện tử Cuocsongantoan.vn (Cơ quan của Tổng LĐLĐ Việt Nam) phối hợp tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia: TS Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, ThS Phạm Xuân Thành - Phó Trưởng phòng Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Chương trình tọa đàm được phát trực tiếp trên website của Tạp chí điện tử Cuocsongantoan.vn.
Số ca bệnh thấp không có nghĩa là dịch không còn lây lan
Xúc động trước sự cống hiến của đội ngũ y bác sĩ tại Đà Nẵng và cảm thấy buồn khi một số cán bộ y tế của Việt Nam nhiễm Covid-19, TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã chia sẻ mở đầu tọa đàm về những cảm nhận đối với công việc, sự cống hiến của đội ngũ CBNVYT của Việt Nam, đặc biệt tại Đà Nẵng trong giai đoạn này.
Đánh giá về tình hình dịch tại Việt Nam và công tác phòng chống dịch của Việt Nam so với thế giới, TS. Kidong Park cho rằng, hiện nay trên thế giới, ở nhiều quốc gia khác không chỉ Việt Nam, cũng đang phát hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Sau khi thực hiện giãn cách, các quốc gia này đã kiểm soát được lây nhiễm. Hiện nay, các quốc gia cũng đang tăng cường các biện pháp hạn chế lây nhiễm.
Đối với các ca phát hiện tại Đà Nẵng, TS. Kidong Park cho rằng: “Đó là lời nhắc nhở chúng ta lưu ý số ca bệnh thấp và ít không có nghĩa là dịch không còn lây lan. Bởi có những ca nhiễm có thể không có biểu hiện ra bên ngoài. Thứ hai, đại dịch chưa thể chấm dứt ngay nên cần cảnh giác. Và thứ ba, công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn trong các bệnh viện, cơ sở y tế phải thực hiện toàn bộ thời gian chứ không chỉ thời điểm dịch bùng phát”.
“Chúng ta đã biết một số bệnh viện ở Đà Nẵng là điểm nóng của dịch, qua hệ thống giám sát đã phát hiện các ca bệnh nhưng có những ca bệnh chưa phát hiện có thể đang ở trong người nhà bệnh nhân hoặc cán bộ y tế”, ông nói thêm.
Đi đầu trực tiếp giúp cho các cán bộ y tế
PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin có hơn 10 cán bộ y tế mắc Covid-19, Công đoàn ngành Y tế đã hỗ trợ mỗi đoàn viên 2 triệu đồng và huy động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi cán bộ 2 triệu đồng.
Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng đã hỗ trợ bằng quỹ xã hội từ thiện 50 triệu đồng cho các cán bộ bị cách ly tại Bệnh viện C Đà Nẵng, 50 triệu đồng tới Bệnh viện Trung ương Huế - nơi đang điều trị cho 25 ca mắc Covid-19 nặng.
Đồng thời, có văn bản chỉ đạo công đoàn y tế các tỉnh/ thành phố thực hiện 8 nội dung mà cán bộ y tế phải thực hiện trong Chỉ thị 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Y tế, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hỗ trợ, bảo hộ, khen thưởng,… để công đoàn y tế là những người đi đầu trực tiếp giúp cho các cán bộ y tế.
"Mới đây chúng tôi cũng có văn bản gửi tới 16 đơn vị y tế đang có cán bộ tăng cường tại miền Trung, trong đó công đoàn cần quan tâm đến gia đình những cán bộ đi làm nhiệm vụ, đặc biệt thống kê những gia đình có điều kiện khó khăn, vận động các cán bộ y tế ở lại hỗ trợ trực tiếp gánh vác trách nhiệm chung, tăng cường khen thưởng kịp thời đối với các cán bộ này", PGS.TS Phạm Thanh Bình chia sẻ.
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết thêm: "Việc cán bộ y tế phải bị cách ly là điều không ai mong muốn, họ cũng hoang mang, lo lắng lắm chứ. Đáng ra họ sẽ đang là những người cầm súng ra trận nhưng nay họ lại không thể cầm súng, không được cống hiến và còn phải sống xa gia đình. Với vai trò là tổ chức Công đoàn, chúng tôi làm hết sức có thể để chia sẻ với các cán bộ, mong các đồng chí bình tâm. Dù không thể thực hiện khám chữa bệnh, nhưng ngay bên trong khu cách ly, họ vẫn có thể làm việc, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm chỉnh các hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm góp phần đẩy lùi dịch bệnh".
Nhân viên y tế cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, thực hiện mặc đồ bảo hộ
Chia sẻ tại tọa đàm, ThS Phạm Xuân Thành, Phó Trưởng phòng Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết, quy trình phòng chống lây nhiễm cho cán bộ nhân viên y tế đã được triển khai từ rất lâu. Để tránh lây nhiễm, nhân viên y tế cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, thực hiện mặc đồ bảo hộ, để tránh sự xâm lấn cũng như không phát tán mầm bệnh.
ThS Phạm Xuân Thành, Phó Trưởng phòng Cục Quản lý Môi trường Y tế và PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam. |
Chúng ta cần tuân thủ đúng quy định, tất cả các vật phẩm điều trị cần được xử lý riêng, có cảnh báo các chất thải lây nhiễm để trong thùng màu vàng, rác thải của bệnh nhân mắc Covid-19 chỉ được chứa tới 3/4 thùng và buộc kín trước khi đi xử lý, thực hiện phân loại rác tại nguồn, di chuyển rác từ phòng đến khu lưu giữ ở một thời điểm nhất định, ít có bệnh nhân và người nhà qua lại. Việc vận chuyển đến khu lưu trữ cần phải sử dụng phương tiện chuyên biệt, có nắp đậy, tất cả rác thải này phải được xử lý hàng ngày.
Đối với thi hài của người nhiễm, chúng ta cần phải đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình vận chuyển, phải được hỏa táng ngay, càng sớm càng tốt, được khâm liệm trong vòng 24h, người tham gia xử lý phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ, chỉ những người được hướng dẫn đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn mới được tham gia. Ngoài ra, cần xử lý khử khuẩn các vật dụng trong buồng bệnh.
Chúng ta cần lên tiếng bảo vệ những cán bộ y tế đang ở tuyến đầu chống dịch và cũng là lúc để tôn vinh những cống hiến, đóng góp không mệt mỏi, thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là các điều dưỡng viên.
Các điều dưỡng viên chính là những đội quân chủ lực của ngành Y tế Việt Nam
ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam chia sẻ: "Qua hình ảnh đã lan tỏa về công việc phục vụ bệnh nhân, cá nhân tôi và các đồng nghiệp hết sức xúc động, tự hào và ngưỡng mộ bởi những cống hiến của các cán bộ điều dưỡng tại nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm".
Các điều dưỡng viên chính là những đội quân chủ lực của ngành Y tế Việt Nam, họ là thành viên hết sức quan trọng trong ekip y tế của Việt Nam. Trong đại dịch hiện nay, họ là hậu thuẫn cho các hoạt động chuyên môn của bác sĩ.
Các bệnh nhân Covid-19 hiện nay đang được cách ly trong các buồng bệnh mà không có người nhà chăm sóc, các điều dưỡng viên đang là chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ thay thế cho người thân của các bệnh nhân, lấp vào khoảng trống tinh thần cho bệnh nhân.
Chúng tôi rất băn khoăn mặc dù biết trước dịch bệnh này sớm muộn chúng ta cũng sẽ có những cán bộ y tế bị nhiễm bệnh trong quá trình phục vụ. Việc chính các bác sĩ, các điều dưỡng lại trở thành bệnh nhân, đây là trạng thái đảo chiều mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng không muốn.
Các bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất khi họ phải chăm sóc bệnh nhân dài ngày hay thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Sức khoẻ của các bác sĩ, điều dưỡng hiện nay không phải là tài sản riêng của họ mà chính là tài sản của hệ thống y tế, bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất và hệ thống của chúng ta sẽ bị thiếu đi một lực lượng phục vụ.
Đằng sau những đóng góp, hy sinh của các bác sĩ, y tá và điều dưỡng mang lại giá trị cho xã hội và niềm tin cho người bệnh, người dân.
Qua tọa đàm này, chúng tôi muốn nhắn nhủ đến các cán bộ y tế trong tâm dịch phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp bảo vệ an toàn trước hết là an toàn cho mình, sau đó là an toàn cho người bệnh. Đây chính là ý kiến mà ngài Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khuyến cáo.
Cán bộ y tế còn đương đầu với nhiều thách thức
Chia lửa với những khó khăn của Đà Nẵng, giai đoạn này, nhiều địa phương trên cả nước đã gửi những bác sĩ, điều dưỡng giỏi - những người có chuyên môn, chuyên nghiệp đến phối hợp cùng CBNVYT Đà Nẵng. Cả nước đang hướng về Đà Nẵng.
Với tình hình thực tế dịch bệnh như hiện nay, ThS Phạm Đức Mục lưu ý, tình hình dịch bệnh chưa thể đoán trước được, chưa biết còn diễn biến như thế nào, cán bộ y tế còn đương đầu với nhiều thách thức.
Thứ nhất, đợt hai này mới chỉ có hơn 200 người dương tính nhưng đã bắt đầu xuất hiện sự thiếu hụt nguồn nhân lực y tế. Bộ Y tế đã điều những cán bộ giỏi đến Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã kêu gọi những tỉnh thành như Hải Phòng, Bình Định, Bình Thuận… gửi các bác sĩ đến hỗ trợ, chi viện cho Đà Nẵng. Đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, nếu kịch bản có thêm những ca bệnh, sẽ xuất hiện tình huống thiếu hụt nguồn nhân lực y tế.
Vốn hiện nay, Việt Nam đang thiếu hụt cán bộ y tế, số cán bộ y tế thấp hơn một số nước trong khu vực. Để đạt được tỷ lệ cán bộ điều dưỡng trên 10.000 dân như Thái Lan, Việt Nam cần tăng gấp đôi so với hiện nay. Để bằng Malaysia, Việt Nam phải tăng gấp 3 lần và để bằng Nhật Bản, Việt Nam phải tăng gấp 10 lần.
“Vì vậy, một trong những điều cần quan tâm là chuẩn bị một nguồn nhân lực để sẵn sàng chi viện. Nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục gia tăng, chúng ta có thể rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, trong đó quan trọng nhất là các bác sĩ, chuyên gia, điều dưỡng về hồi sức cấp cứu, vì các bệnh nhân đang rất cần lực lượng này”, ThS Phạm Đức Mục cho biết.
“Trong giai đoạn hiện nay, tại các tỉnh thành chưa có dịch, tôi khuyến cáo nên dành thời gian này để đào tạo, chuẩn bị cho nguồn điều dưỡng có năng lực chuyên môn về hồi sức cấp cứu để chăm sóc bệnh nhân”, ông Mục cho biết thêm.
Thứ hai là hiện nay trên thị trường đang có rất nhiều trang thiết bị y tế, thậm chí xuất hiện những cơ sở tái chế khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng. Đó là vấn đề không thể chấp nhận trong giai đoạn hiện nay. Do đó, đề nghị những người chịu trách nhiệm mua sắm, lãnh đạo các cơ sở y tế không để các trang thiết bị tái chế, không đảm bảo chất lượng lọt vào các bệnh viện, cơ sở y tế. Bởi các thiết bị phòng hộ là một trong những lá chắn bảo vệ CBNVYT, các bệnh viện phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, trong đợt hai này, đến nay có 14 cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19 trong tổng số 222 ca mới mắc, chiếm tỷ lệ khoảng 6%. Tỷ lệ này gây cho chúng ta vấn đề rất cần quan tâm, bởi khi một cán bộ y tế bị nhiễm có thể khiến cho các đồng nghiệp của họ trong một khoa, thậm chí một bệnh viện bị cách ly, dẫn đến thiếu cán bộ phục vụ bệnh nhân.
Đồng thời, khi một cán bộ y tế mang nguồn bệnh mà chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân có thể tăng khả năng lây nhiễm cho bệnh nhân. Do đó, sức khỏe của cán bộ y tế là sức khỏe của ngành Y tế. Các cán bộ y tế cần tuân thủ những hướng dẫn của Bộ Y tế về an toàn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, đồng nghiệp và bệnh nhân.
Cần tập trung thực hiện tốt phân luồng cách ly, đặc biệt là thực hiện xét nghiệm
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế. |
Là một trong những người nắm rõ nhất tình hình dịch bệnh hiện nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào giai đoạn 2 của dịch bệnh với nhiều thách thức, phức tạp, diễn biến khó lường. Chỉ trong hơn 1 tuần qua, chúng ta đã phát hiện gần 200 ca mới.
Dù vậy, người dân cần hết sức bình tĩnh, thực hiện nghiêm các chỉ dẫn của cơ quan y tế để chúng ta có được những kịch bản tốt sát thực với diễn biến của từng địa phương.
Với ngành Y tế, chúng ta vừa được Thủ tướng gửi thư động viên, các cán bộ y tế càng phải quyết tâm, cần phải bình tĩnh, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.
Trong 99 ngày không có ca nhiễm, chúng ta đã xây dựng bảng đánh giá tiêu chí làm việc để các cơ sở chữa bệnh cần soi vào đó để thực hiện.
Để kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt phân luồng cách ly, đặc biệt là thực hiện xét nghiệm. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải nâng cao cảnh giác, thấy người bệnh có triệu chứng ho, sốt khó thở cần tổ chức cách ly và xét nghiệm ngay, đây là biện pháp cực kỳ quan trọng để ngăn chặn bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến những người cao tuổi, người có bệnh nền như đang phải chạy thận, tim mạch, tiểu đường,… vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Nhằm đảm bảo các biện pháp giãn cách trong cộng đồng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã ban hành văn bản hướng dẫn dành cho 3 đối tượng.
Khuyến cáo đối tượng bệnh nhân người cao tuổi tránh tiếp xúc
Làm việc Bảo hiểm Việt Nam để cho phép những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính kê khai thuốc 3 tháng để giảm thiểu tần suất đến bệnh viện, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Hệ thống y tế xã phường tích cực theo dõi quan tâm đến các hộ gia đình, hiện Việt Nam đang có 11.500 trạm y tế xã phường với phương châm 4 tại chỗ vào cuộc, nhất là đối tượng người khuyết tật.
Những biện pháp này giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan cho các đối tượng có nguy cơ cao trong dịch bệnh bởi hiện nay dịch đã có trong cộng đồng.
Tất cả những đơn vị lơ là trong công tác chuyên môn sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Bài học như Bệnh viện Bạch Mai vừa bước vào trận thì đã bị phong toả, Đà Nẵng cũng giống như Bạch Mai, vừa xuất hiện dịch trở lại thì đã phải đóng cửa cả 4 bệnh viện. Trong đó, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình chỉ có 1 bệnh nhân nhưng cũng phải đóng cửa cả bệnh viện, như vậy gây khó khăn cho chính lực lượng điều trị bệnh.
Nếu chủ động như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giải cứu hơn 100 bệnh nhân từ Guinea Xích Đạo và vẫn hoạt động bình thường, nhưng nếu chúng ta bị động nguy cơ lây nhiễm là rất cao.
So với Bệnh viện Bạch Mai, toàn bộ các bệnh nhân trong đợt dịch này đều lây lan ra từ Bệnh viện Đà Nẵng. Điều này cho thấy nguy cơ từ ổ dịch này cao hơn rất nhiều so với Bệnh viện Bạch Mai.
Đặc biệt, ở Đà Nẵng, dịch bệnh đã tấn công thẳng vào khu vực bệnh nhân nặng chạy thận nhân tạo, bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân già yếu,… Hiện tại có những bệnh nhân hiện giờ quá nặng, có bệnh nhân chạy thận nhiều năm, suy tim, có bệnh nhân trăm tuổi. Do đó, số lượng ca tử vong sẽ nhiều.
Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết liệt thì tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chúng ta sẽ quyết tâm chiến thắng.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 5/8 Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 5/8, tổng số người nhiễm trên toàn cầu đã lên tới hơn 18,6 triệu, hơn 703 ... |
TP HCM tăng cường các biện pháp phòng dịch Covid-19 đến người dân Nhiều ngày qua TP HCM bắt đầu triển khai những biện pháp để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng. Từ 0h ngày ... |
Tình người trong dịch Covid-19 ở Quảng Nam Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Nam có 34 bệnh nhân dương tính với dịch Covid-19. Trong đó, 4 bệnh nhân đã chuyển Bệnh viện ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định