Làm thế nào để sống khoẻ và làm việc an toàn trong mùa dịch Covid-19?
Đời sống - 20/03/2020 09:00 PV
Đến ngày 19/3, Việt Nam đã ghi nhận 85 ca nhiễm Covid-19, trong đó 17 ca khỏi bệnh, 68 bệnh nhân đang cách ly điều trị.
Sáng 20/3, Cơ quan thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Tạp chí Lao động và Công đoàn (cuocsongantoan.vn) và Nhịp sống kinh doanh BizLIVE.vn đồng tổ chức Giao lưu trực tuyến “Sống khỏe và làm việc an toàn trong mùa dịch” nhằm chia sẻ những thông tin hữu ích, cần thiết tới độc giả, và người lao động, giúp họ nâng cao ý thức trách nhiệm phòng chống dịch cho chính mình và cộng đồng.
Giao lưu trực tuyến có sự tham gia của Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, GS.TS Trần Quỵ, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Sao Thái Dương.
10h15: Cố gắng đến hết tháng 5 sẽ hết dịch
Xin GS.TS Trần Quỵ đưa ra một vài đánh giá của mình đối với các biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện nhằm khống chế dịch bệnh?
Tôi đánh giá rất cao các biện pháp của Nhà nước ta. Chúng ta đã làm rất tích cực, tập hợp được nhiều cơ quan tham gia từ y tế, bộ đội, công an, chính quyền, nhân dân… Theo đó, chỉ cần người dân nghiêm túc thực hiện theo thì hiệu quả rất lớn.
Và những gì chúng ta làm được trong giai đoạn đầu cũng đã chứng minh được hiệu quả khi 16 bệnh nhân đều khỏi bệnh, 23 ngày sau chúng ta mới có bệnh nhân mới. Theo quy định, trên 20 ngày không có bệnh nhân mới đã được coi như dịch đã ổn định.
Như thời dịch SARS, sau 45 ngày, Việt Nam có 34 bệnh nhân đều khỏi, không có bệnh nhân nào vào viện sau 20 ngày, lúc đó WHO đã công bố Việt Nam là nước đầu tiên hết dịch.
Quan trọng là hiện nay chúng ta chưa có bệnh nhân nào tử vong. Đó là thành quả hết sức đáng tự hào của Việt Nam, và chúng ta nên phát huy. Việc này thể hiện truyền thống dân tộc, kiên cường, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, bởi nhiệm vụ này chúng ta xác định còn khó hơn đánh giặc.
Trong cuộc chiến này, đặc biệt là giai đoạn 2, bên cạnh sự quyết liệt của Chính phủ, người dân cần làm gì, thưa giáo sư?
Một điều người dân cần làm là đặc biệt tin tưởng và làm theo những hướng dẫn, chỉ thị của Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rồi Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam.
Chúng ta đã có nhiều biện pháp rất chi tiết. Theo kinh nghiệm trong cuộc phòng chống SARS -2003, chúng ta phải thông tin kịp thời, tập huấn cho ngành y tế, có phác đồ điều trị kịp thời, toàn dân hợp tác làm theo hướng dẫn của nhà nước và y tế. Một điều nữa cần ghi nhớ là chúng ta chỉ nghe hướng dẫn từ các báo cáo chính thống, không nghe những thông tin bên ngoài gây nhiễu loạn, hoang mang trong người dân.
Với kinh nghiệm của giáo sư, theo ông, đến khoảng tháng mấy chúng ta sẽ hết dịch?
Cố gắng đến hết tháng 5 sẽ hết dịch, sang tháng 6 nắng rồi, dịch theo đó sẽ giảm đi. Chúng ta cũng đã làm khá tích cực, tuy nhiên, giai đoạn 2 là người dân từ các nước sang mình, rồi người mình từ nước ngoài trở về, theo đó chúng ra cần phải quyết liệt.
Chính phủ, Bộ Y tế đã rất quyết liệt rồi, người dân cần hợp tác khai báo, bị bệnh thì không nên đi máy bay về Việt Nam và phải cách ly kịp thời.
10h10: Ba lưu ý khi di chuyển máy bay, xe khách, đến nơi làm việc
Trong điều kiện phải di chuyển máy bay, xe khách GS. Trần Quỵ có lời khuyên gì?
GS.TS Trần Quỵ: Chúng ta trong giai đoạn hiện nay đang rất bức xúc vì phải di chuyển, không thể ở mãi trong nhà được. Vậy làm thế nào để tránh lây nhiễm? Đầu tiên chúng ta phải kiểm tra sức khỏe mình có bị nhiễm bệnh không, phải khai báo y tế, nếu giấu diếm sẽ nguy hiểm cho mình và người khác.
Thứ hai, nếu lên máy bay phải đeo khẩu trang, không nhất thiết phải là khẩu trang y tế, chỉ cần khẩu trang có chất chống nhiễm khuẩn bằng vải, đeo khẩu trang phải đúng cách.
Thứ ba, đi đến nơi làm việc phải rửa tay sạch sẽ sau đó ngồi lên bàn làm việc cách nhau tối thiểu 2m. Nếu đi công tác đến nơi nơi cư trú khác thì phải chấp hành hướng hướng dẫn của cơ quan y tế ở địa phương đó, không chống đối.
10h00: Nên hình thành tư duy chủ động phòng chống dịch
Xin hỏi bà Nguyễn Thị Hương Liên, bà có lời khuyên cho anh, chị, em công nhân, người lao động để nâng cao hệ miễn dịch khi hoàn cảnh thu nhập của họ không cao?
CTCP Sao Thái Dương có gần 400 cán bộ, công nhân viên nên câu hỏi này rất thiết thực với công ty chúng tôi.
Khi Vũ Hán, Trung Quốc bùng phát dịch, chúng tôi đã thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch. Chẳng hạn, ngay khi xe đưa công nhân vào cổng nhà máy thì sẽ được phun hóa chất sát khuẩn, sau đó, khi công nhân vào phòng thay đồ, họ tiếp tục được yêu cầu rửa tay sát khuẩn.
Theo tôi, trong phòng chống dịch, tư duy rất quan trọng. Mọi người nên hình thành tư duy chủ động phòng dịch. Nếu ngay từ đầu đã có tư duy phòng chống dịch thì khả năng phòng dịch sẽ tốt hơn.
Một trong các biện pháp chủ động phòng dịch là thường xuyên rửa tay, ăn các thực phẩm có khả năng kháng khuẩn và nâng cao sức đề kháng như các loại rau thơm nhiều tinh dầu, chanh, sả,… Rất nhiều các loại rau phòng dịch mà người dân, công nhân có thể trồng trong vườn để dùng.
Bên cạnh đó, nên kết hợp với việc nâng cao thể lực bằng các bài tập thể dục, thể thao hoặc tập theo các video tập khí công được các chuyên gia tải lên mạng để tăng cường hệ miễn dịch.
9h50: Không cần luộc khẩu trang, chỉ cần giặt bằng xà phòng
Thưa bà Nguyễn Thị Hương Liên, theo bà như thế nào được hiểu là khẩu trang vải kháng khuẩn có thể giặt được 10 – 20 lần và tái sử dụng? Hiện nay trên thị trường có các loại khẩu trang vải kháng khuẩn nào đáng tin cậy?
Bà Nguyễn Thị Hương Liên: Về các loại khẩu trang vải kháng khuẩn trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại. Theo tôi được biết, các khẩu trang của Công ty may Chiến Thắng, công ty Dệt kim Đông Xuân may bằng vải diệt khuẩn có tác dụng được 20 lần giặt. Giá cả 10.000 đồng/1 chiếc, đây là mức giá phải chăng. Loại khẩu trang dệt của các công ty này đã được kiểm định nên có thể yên tâm sử dụng, còn các loại khẩu trang vải khác tôi không chắc chắn.
Với các loại khẩu trang vải này có cần giặt bằng nước nóng hay luộc?
GS Trần Quỵ: Theo tôi, không cần luộc khẩu trang, chỉ cần giặt bằng xà phòng. Virus 30 độ là chết, nên đun sôi hoặc giặt bằng nước nóng nó có thể chết nhưng biện pháp chủ yếu là che chắn nên chỉ cần khẩu trang có lớp kháng khuẩn để tránh virus bắn vào mắt, mũi, miệng là được.
9h45: Nhiệt độ cao có thể tiêu diệt virus, nhưng trong nhà nhiệt độ cao không có tác dụng
Nền nhiệt độ cao có tiêu diệt virus hay không? Có nên bật điều hoà cao để tiêu diệt virus không, thưa giáo sư?
GS.TS Trần Quy: Nhiệt độ cao có thể tiêu diệt được virus. Đó là lý do vì sao dịch bệnh thường bùng phát vào mùa lạnh, với nhiệt độ thích hợp nhất để phát triển là từ 4 đến 20 độ. Sang đến mùa hè, từ khoảng tháng 5 trở đi rất ít khi có dịch vì ở nhiệt độ cao virus có thể bị tiêu diệt khi ra môi trường.
Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự phát triển virus nhưng trong nhà mà nhiệt độ cao cũng không có tác dụng vì nó có thể sinh sôi nảy nở trong không khí ẩm. Nếu chúng ta đóng kín cửa để bật điều hòa, virus không thoát ra ngoài được thì càng nguy hiểm. Do đó, chúng ta lưu ý là phải luôn mở cửa thông thoáng, không dùng điều hòa, bên cạnh đó, ăn uống, vệ sinh tốt, điều trị bệnh nền tốt.
Nhiều người sử dụng găng tay y tế, đó có phải là phương án tốt để phòng dịch không, thưa ông?
Trong Y tế, các y tá, bác sĩ thường dùng găng tay khi làm phẫu thuật hay các kỹ thuật khác. Tuy nhiên, WHO nhắc chúng ta rửa tay mới là quan trọng, nếu chúng ta quá chú ý đến găng tay mà quên rửa tay sẽ rất nguy hiểm. Bằng kỹ thuật huỳnh quang, người ta có thể thấy bàn tay rất nhiều vi khuẩn, nhưng sau khi rửa tay sạch, vi khuẩn đã giảm trên 50%.
Vậy nếu dùng găng tay, chúng ta nên thay bao nhiêu lần/ngày, thưa giáo sư?
Ngày 2 lần nhưng nếu phẫu thuật nhiều thì sau mỗi lần thực hiện phẫu thuật phải thay một lần. Quan trọng là chúng ta đừng dựa vào găng tay nhiều quá mà quên mất rửa tay.
9h40: “Thuốc nhỏ mắt hay nước muối chữa khỏi bệnh là vô lý”
Theo bà Nguyễn Thị Hương Liên, ngay cả trong Đông y cũng có rất nhiều bài thuốc hỗ trợ phòng chống Covid-19, bài thuốc miễn dịch như nhân triều tán, hay bài thuốc bạc hà nhúng chanh, tinh dầu xả giúp làm sạch không khí trong văn phòng làm việc hay trong nhà giúp giảm nguy cơ lây bệnh. Theo như tôi được biết, Đông y cũng góp phần trong việc chế tạo thuốc chữa Covid-19 tại Trung Quốc.
Nước muối sinh lý không diệt được virus nhưng nó giúp làm sạch, bản thân nó là vô trùng nên có thể tránh được các virus bám vào niêm mạc miệng, tai, mũi, họng của chúng ta vì hệ vi sinh vật được cân bằng thì các virus lạ cũng không thể thâm nhập vào cơ thể chúng ta.
Về thuốc nhỏ mắt để diệt virus thì hiện nay chưa có trên thị trường.
Bổ sung thêm về thông tin này, GS.TS Trần Quỵ khẳng định, thuốc nhỏ mắt hay nước muối chữa khỏi bệnh là vô lý, nó chỉ có thể diệt khuẩn.
Cái quan trọng là không phải thuốc diệt virus, những bài thuốc Đông y chúng ta dùng để phòng chống thì không sao, cả thế giới chưa tìm được thuốc điều trị Covid-19, vì vậy chúng ta phải lưu ý. Ví dụ như trong dịch SARS, chúng ta dùng nhiều bồ kết cho không khí thoáng, dùng tỏi, súc miệng nước muối thường xuyên để chống nhiễm khuẩn chứ không thể dùng để chữa khỏi virus được.
Bà Liên cho biết thêm, trong Đông y để chứng minh 1 sản phẩm có tác dụng diệt virus thì chưa có. Những bài thuốc Đông y như ngân triều tá, tinh dầu tỏi đã được nhiều nơi trên thế giới chứng minh là có thể tiêu diệt được virus gây bệnh. Tuy nhiên để chứng minh được nó diệt được Covid-19 hay không thì phải nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm.
9h30: Dịch bệnh không chừa một ai, từ trẻ sơ sinh đến người già 70-80 tuổi đều có thể bị nhiễm
Tại sao hiện nay nhiều người cho rằng trẻ sơ sinh, trẻ em ít bị nhiễm bệnh Covid-19, thưa ông, nói vậy có đúng không? Vì sao?
GS.TS Trần Quỵ cho biết, dịch bệnh thì không chừa một ai, tất cả các lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người già 70 – 80 tuổi đều có thể bị nhiễm. Tuy nhiên, thường những ca nặng sẽ tập trung ở người già nhiều hơn, từ 60 tuổi trở lên.
Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi mắc dịch bệnh ở các nước rất cao, mà một phần nguyên nhân quan trọng là do sức đề kháng của nhóm tuổi này đã giảm, sức khỏe yếu dần, nhiều người già mang nhiều bệnh nền. Theo thống kê, một người cao tuổi ở Việt Nam trung bình mang từ 2-3 bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch,… Vì vậy, khi mắc dịch thì những bệnh nền sẽ nặng thêm.
Cũng bởi lý do này mà Mỹ đang áp dụng chính sách những người từ 60 tuổi trở lên phải cách ly tại nhà, còn Việt Nam thì sao, thưa ông?
Tại Việt Nam, các bác sĩ cũng đang khuyến cáo người cao tuổi nên ở trong nhà nhưng không hẳn triệt để, chỉ ở mức khuyến nghị mà thôi. Điều quan trọng lúc này là chúng ta nên thực hiện vệ sinh cá nhân đầy đủ như rửa tay, uống nước, vệ sinh sạch sẽ.
Còn việc virus có thể lây lan qua bề mặt tiếp xúc thì sao, thưa ông?
Virus thường lây qua 2 đường chủ yếu. Thứ nhất là lây qua đường hô hấp, tiết dịch của người bệnh truyền sang cho người khỏe mạnh. Thứ hai là những giọt bắn ra không khí bám lên các bề mặt, tay của người thường sờ vào rồi đưa lên mũi, miệng. Đây cũng là đường lây truyền quan trọng, do đó, các bề mặt chúng ta thường xuyên tiếp xúc như bàn ghế, tay nắm phải được lau chùi, quần áo, giường chiếu phải sạch sẽ…
Thưa ông, nếu người mẹ bị hắt hơi bởi người bị cúm thì có thể bị nhiễm và lây cho con không?
Nếu là cúm thường thì khá khó lây nhiễm và nếu có lây thì triệu chứng cũng nhẹ và nhanh khỏi; còn nếu là corona thì chắc chắn sẽ lây nếu tiếp xúc gần.
GS.TS Trần Quỵ, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Nhỏ mắt và súc miệng nước muối liên tục có tiêu diệt virus không, thưa ông?
Tinh thần là không đúng. Điều này cũng giống như việc không phải chúng ta cứ uống nước nhiều mà chống được dịch. Khi bị bệnh, người bệnh thường sốt cao nên mất nước. Theo đó, chúng ta phải dùng thuốc hạ sốt ngay nếu không mất nước ảnh hưởng đến cơ thể. Mỗi ngày trung bình 1 người phải uống 2 lít nước, nếu bị bệnh thì phải bù nhiều hơn. Theo đó, chúng ta có thể hiểu, không chữa được bệnh nhưng chữa được các triệu chứng của bệnh.
Vệ sinh bằng nước muối sinh lý cũng vậy. Virus sẽ thuận lợi phát triển nếu chúng ta không thực hiện những điều đó, chứ không phải vệ sinh bằng nước muối có thể chống lại virus.
9h10: “Nếu chờ miễn dịch, bệnh nhân có thể tử vong rồi”
Trước một số thông tin người trẻ hệ miễn dịch tốt thì 80% sẽ tự khỏi bệnh, ngược lại, đối với người cao tuổi lại có bệnh nền thì tỷ lệ tử vong do Covid-19 rất cao, GS. Trần Quỵ cho biết, về mặt chuyên môn là đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Miễn dịch chống lại bệnh tật. Như vậy người có miễn dịch tốt thì bệnh sẽ nhẹ đi hoặc không bị bệnh.
Nhưng sai ở chỗ đó là một quá trình dài và phải có vaccine. Miễn dịch đó phải có thời gian. Anh tiếp xúc nhiều, và không bị nữa thì sẽ miễn dịch. Nhưng hiện giờ chưa có vaccine chữa bệnh thì không thể làm thế được. Những người nhiễm bệnh này rồi thường không bị trở lại. Vì vậy mới có chủ trương lấy huyết thanh của người đã khỏi bệnh để điều trị cho người bị bệnh.
Trước mắt cần hiểu Covid-19 là một bệnh cấp tính cần xử lý ngay. Nếu chờ miễn dịch thì bệnh nhân có thể tử vong rồi.
Vì vậy chúng ta cần phải chữa trị ngay và không để bệnh lây lan, không thể chờ miễn dịch. Chủ trương của Việt Nam là rất đúng và chúng ta cần tuân theo chủ trương của Ban phòng chống dịch.
Điều này có thể chứng minh cụ thể qua dịch SARS. Và với Covid-19, đợt 1 có 16 bệnh nhân đều khỏi và sau 23 ngày mới có bệnh nhân mới.
Đợt 2, những nước xung quanh có nhiều người mắc, nhiều ca tử vong. Người nước ngoài hay người Việt tại nước ngoài đã di chuyển nhiều nơi, chúng ta chưa thắt chặt được, vì vậy ghi nhận nhiều ca mắc liên tục.
Những người cao tuổi có bệnh nền (như hen, tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp, viêm phổi) cần chú ý hơn vì khả năng miễn dịch kém, tuổi cao, bệnh nền, dễ bị nhiễm và dễ tử vong.
Công tác chống dịch cần lưu ý đến lứa tuổi: trẻ em, thanh niên, cao tuổi.
Mọi người cần đăng ký bệnh rõ ràng, khu phố, khi có dấu hiệu cần khám và xác định phát hiện sớm.
Để nâng cao hệ miễn dịch và phòng chống bệnh, trước tiên mọi người cần nâng cao hệ miễn dịch bằng cách ăn uống, đặc biệt ăn, uống các thực phẩm nhiều vitamin C; đồng thời năng vận động để nâng cao sức khỏe.
Trước câu hỏi tâm lý có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hay không, nếu lo lắng nhiều có làm hệ miễn dịch yếu đi, bà Nguyễn Thị Hương Liên cho biết, khi chúng ta có tâm thái bình tĩnh thì tâm lý sẽ điều hòa và có khả năng miễn dịch tốt hơn. Ngược lại nếu tâm lý lo lắng thì hệ miễn dịch cũng khó hoạt động tốt.
"Tính chủ động trong phòng chống dịch của chúng ta rất lớn"
9h00: Covid-19 giống và khác SARS như thế nào, đâu là yếu tố để có thể chiến thắng Covid-19?
GS.TS Trần Quỵ cho biết, giữa Covid-19 và SARS có nhiều điểm giống nhau và khác nhau. Điểm giống nhau là 2 dịch bệnh đều do virus corona gây ra. Điểm khác nhau, Covid-19 lây lan nhanh hơn, rộng lớn hơn, nguy hiểm hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn và trở thành đại dịch. Hơn 170 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19, trong khi đó dịch SARS chỉ lây sang 27 nước, và thời gian dập dịch SARS cũng nhanh hơn.
Theo kinh nghiệm của một trưởng ban phòng chống dịch SARS bệnh viện Bạch Mai, chúng ta có 34 bệnh nhân và không bệnh nhân nào tử vong, không lây nhiễm cho bất kỳ bác sỹ, nhân viên y tế, hay cộng đồng. Sau 45 ngày, chúng ta đã dập dịch thành công.
Tại sao chúng ta kiểm soát thành công dịch SARS? Bởi chúng ta đã tuyên truyền bệnh này là bệnh nguy hiểm, nếu người dân không hiểu, họ sẽ chủ quan, coi đây là cúm thường.
Tôi xin đọc một bài thơ của các giáo sư trong thời gian chống dịch SARS nhằm tuyên thuyền về dịch bệnh:“Bệnh gì quái ác/ Mọi người cảnh giác/ Dính vào dễ thác/ Chết phải thiêu xác/ SARS”
Hướng dẫn người dân phát hiện sớm bệnh, để điều trị kịp thời, cách ly triệt để: “Sốt cao triệu chứng ban đầu/ Ho khan cùng với nhức đầu mỏi cơ/ Thở nhanh triệu chứng nghi ngờ/ Khó thở dứt khoát không chờ đợi ai/ Chụp phim cần phải làm ngay/ Cách ly triệt để ra tay trị ngừa”.
Chúng ta làm rõ trách nhiệm của người thầy thuốc, làm công tác tư tưởng cho những cán bộ y tế xông pha chống dịch. Tạo điều kiện cho cán bộ y tế đến làm việc thường xuyên tại bệnh viện, chuẩn bị trước tư tưởng, tích cực hăng hái xung phong làm việc.
Bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để chống dịch. Lấy danh sách cán bộ y tế tình nguyện gồm bác sỹ và điều dưỡng xung phong gọi là có mặt ngay tại bệnh viện. Lấy danh sách học sinh trung cấp Y tế, nếu cần thì triệu tập. Nhưng cuối cùng chúng tôi không phải dùng đến danh sách xung phong đó. Những cán bộ y tế rất đáng biểu dương. Họ rất tích cực và không sợ lây nhiễm.
Mặc dù có 3 bác sỹ và 2 điều dưỡng bệnh nặng và tử vong nhưng họ vẫn xung phong làm việc đến cùng và luôn ở bên cạnh.
Ngoài ra cần đào tạo kiến thức chống dịch một cách cặn kẽ cho cán bộ nhân viên y tế. Khi đưa ra phác đồ điều trị, cần phải tập huấn cho các các bộ khác để thực hiện.
Tính chủ động của chúng ta trong phòng chống dịch là rất lớn.
Tuy cùng gốc virus nhưng so với SARS thì độc lực của Covid-19 lớn hơn. Nếu từng làm tốt việc phòng chống SARS thì sẽ có kinh nghiệm hơn để phòng chống Covid-19. Biện pháp đầu tiên là tuyên truyền, phổ biến các kiến thức. Thứ hai là nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là cần tập huấn cho các y, bác sĩ. Thứ ba, ở thời điểm dịch SARS bùng phát, trong lúc thế giới chưa có phác đồ điều trị thì Việt Nam xác định phải chủ động tìm ra phác đồ điều trị và việc lập phác đồ phải nhanh. Trong dịch SARS, chúng tôi đã chủ động họp đội ngũ y bác sĩ để sớm đưa ra phác đồ điều trị và kết quả đã thành công trong việc khống chế dịch.
Nỗ lực của Việt Nam đã được WHO ghi nhận
Đánh giá về những nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành, địa phương trong kêu gọi toàn dân phòng chống dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Sao Thái Dương cho biết, thời gian vừa qua theo dõi tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, tôi rất cảm động trước các chương trình Việt Nam đang làm, cũng rất cảm động trước các nỗ lực hành động của Chính phủ, sự đồng lòng của các cấp, ngành và toàn dân với quyết tâm dập dịch. Những nỗ lực của Việt Nam đã được WHO ghi nhận.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Đồng sáng lập kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Sao Thái Dương
Thời điểm này, Việt Nam đang làm rất tốt ở cả chính quyền và địa phương, đặc biệt tôi đánh giá cao việc Bộ Y tế gửi tin nhắn hằng ngày đến toàn dân để chủ động phòng chống dịch. Từ tin nhắn đó, người dân có thể nâng cao ý thức, khuấy động tinh thần phòng chống dịch của nhân dân.
Trong thời gian diễn ra giao lưu trực tuyến, chúng tôi tiếp tục nhận được câu hỏi của độc giả gửi đến.
Trần Kim Khánh (TP.HCM): Gần đây có 1 kinh nghiệm truyền đi rất rộng rãi qua các group, vậy dược sĩ/bác sĩ có ý kiến gì?
"Hãy áp dụng trong điều kiện cần thiết mà không thể tới bệnh viện: Người chăm sóc bệnh nhân cần mặc áo mưa và đeo khẩu trang, mắt kính và trùm tóc. Các thứ cần là nước uống, khăn lau, thau nước, chanh, tylenol (hoặc thuốc giảm sốt khác), thuốc ho loại suppression.
Các thứ phụ cho bệnh nhân là trà, mật ong, đường, gừng dành để cho bệnh nhân uống 1 ngày 3 ly trà gừng pha đường hay mật ong – sáng, trưa và chiều. Thức uống như nước trái cây sinh tố, nước bí đao, rau má nếu có được càng tốt cho bệnh nhân uống.
Thức ăn cần thiết là cháo dinh dưỡng, cơm nấu nhão, mềm và thịt gà, thịt heo bằm nhỏ kho với gừng và tỏi, rau nấu mềm để ăn chung với thịt gà, heo …tránh ăn thịt bò, đồ hải sản lúc này.
Sau khi có các thứ cần thiết nêu trên thì bạn cần lưu ý phần cơ thể quan trọng nhất là NÃO – khi lên cơn sốt thì đắp khăn theo thứ tự như sau: (a) Ấm trong 5 phút, (b) khăn nước lã 5 phút, (c) khăn lạnh 20 phút.
Trong thời gian đắp khăn trên đầu thì lấy chanh tươi cắt đôi, xoa vào ngực trước và sau lưng (khu vực PHỔI) và hai bên hông (khu vực GAN, THẬN) giúp cho mát.
Luôn cho bệnh nhân uống nước từng cụm khi ho – uống bất cứ thứ gì như nước lọc, nước trái cây... với mục đích chính yếu là đừng để thiếu nước trong cơ thể lúc sốt.
Từ ngày 1 tới ngày thứ 4 luôn cho bệnh nhân uống 1 ngày 3 bữa trà gừng. Ăn uống đầu đủ, đừng nhịn bữa – uống thuốc giảm sốt như Tylenol chung với bữa ăn, đừng uống lúc đang đói – lúc uống thuốc nhớ kèm theo ly nước đầy".
Theo GS.TS Trần Quỵ, tất cả các biện pháp đó chỉ là biện pháp bảo vệ sức khỏe nói chung, nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể chứ không phải biện pháp diệt Covid-19. Còn nếu bị bệnh thì phải theo chỉ định của bác sĩ. Virus hiện nay chưa có thuốc chữa, tất cả các biện pháp hiện nay chỉ là điều trị triệu chứng. Ví dụ nếu sốt, để hạ sốt có thể sử dụng thuốc hạ sốt đồng thời uống nhiều nước, dùng khăn ướt đắp,…
Bà Nguyễn Thị Hương Liên: Mọi người phải hiểu rõ nguyên nhân sốt chẳng hạn do cúm mùa, viêm họng hay do Covid-19. Nếu không có tiếp xúc với những người có lịch sử dịch tễ bị nhiễm bệnh thì có thể sử dụng các phương pháp hạ sốt bình thường.
Còn nếu đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh và có nguy cơ thành F1, F2 và có dấu hiệu sốt thì cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương để được hướng dẫn hoặc được trợ giúp y tế cần thiết để điều trị kịp thời và giúp ngăn lây nhiễm bệnh sang người khác.
Việt Nam từng có trường hợp bé 3 tháng bị nhiễm virus nhưng mẹ bé lại không bị nhiễm. Vậy xin ông cho biết quy trình chăm sóc người bệnh ra sao để không bị lây virus?
GS. TS Trần Quỵ: Thực tế, virus có thể tấn công bất kỳ lứa tuổi nào, từ lứa tuổi sơ sinh đến người già. Đối với trường hợp bạn nói, người mẹ may mắn không bị nhiễm là do có hệ miễn dịch tốt, sức khỏe tốt. Miễn dịch tốt đó đồng thời cũng được truyền qua sữa mẹ, giúp bé nhanh chóng hồi phục.
Tuy nhiên, như đã nói, để không bị nhiễm bệnh thì mỗi người chúng ta cần thực hiện các biện pháp đã được khuyến cáo như nâng cao sức khỏe, ăn uống đầy đủ, vệ sinh thật tốt,…
Chủ tịch UBND TP HN đưa khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà nếu không có việc gì quá quan trọng, ông có quan điểm thế nào?
Không chỉ riêng Hà Nội mà Việt Nam nói chung khuyến cáo là không nên ra ngoài, tôi nghĩ là hợp lý, điều quan trọng nhất là phải nghe tin đúng, Chủ Tịch UBND TP. Hà Nội tuyên bố như thế là để người dân chú ý hơn chứ không phải do hoang mang quá mới tuyên bố như vậy.
Sử dụng thuốc diệt khuẩn thường xuyên có ảnh hưởng gì không?
Bà Nguyễn Thị Hương Liên: Sử dụng nước diệt khuẩn thường xuyên thì đầu tiên để ý xem đó là nước diệt khuẩn loại gì, như trong phòng thí nghiệm chúng tôi có nước diệt khuẩn cấp độ cao nhất là javel nhưng nó có độc tính nên chỉ áp dụng với xe ô tô, ngoài văn phòng… Trong văn phòng, chúng ta có thể dùng các biện pháp sát khuẩn nhẹ hơn như máy phát tinh dầu, bồ kết… Chúng ta phải phân tích rõ thành phần sát khuẩn đó như thế nào, đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Toạ đàm và giao lưu trực tuyến "Sống khỏe và làm việc an toàn trong mùa dịch” kết thúc lúc 10h30 ngày 20/3. Tạp chí Lao động và Công đoàn (cuocsongantoan.vn) và Nhịp sống kinh doanh BizLIVE.vn cảm ơn sự tham gia của Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, GS.TS Trần Quỵ và Ths, dược sĩ Nguyễn Thị Hương Liên, cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý độc giả.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 20/3 Tính đến 7h ngày 20/3, Covid -19 đã xuất hiện ở 179 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 244.000 ca nhiễm bệnh với hơn ... |
Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn vì dịch Covid-19 Những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn trong 6 tháng đầu năm 2020 đến ... |
Như một lời cám ơn những người căng mình, đối mặt với Covid-19! Những giấc ngủ chập chờn, bữa cơm vội vã trong ngày... Đó là những hy sinh thầm lặng của những y, bác sĩ, chiến sĩ ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 22/12/2024 08:56
"Xây Tết 2025": 2.600 phần quà Tết cho công nhân Ecopark
2.600 phần quà Tết được trao cho công nhân tại công trường Ecopark (huyện Văn Giang, Hưng Yên) trong chương trình "Xây Tết" 2025.
Người lao động - 21/12/2024 15:23
Người lao động có cuộc sống ổn định nhờ làng hoa Sa Đéc
Theo từng giai đoạn lịch sử, làng hoa Sa Đéc có những bước thăng trầm, nhưng luôn tạo công ăn việc làm cho người lao động có cuộc sống ổn định tại quê nhà, giải quyết bài toán khó cho nhiều địa phương “ly nông bất ly hương”…
Đời sống - 19/12/2024 19:37
Doanh nghiệp thưởng “khủng” để giữ chân người lao động
Tình hình thưởng Tết liên tục được cập nhật với những tín hiệu vui dành cho người lao động. Ghi nhận của PV tại địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đời sống - 19/12/2024 18:24
Chủ nhà trọ - cầu nối quan trọng giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe cho công nhân
Những năm gần đây, các khu công nghiệp ngày càng thu hút đông đảo lao động từ khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những vấn đề nhức nhối về điều kiện sống và kiến thức sức khỏe của người lao động.
Người lao động - 19/12/2024 18:21
Giáo viên "4 không" và những bất cập mang tên chính sách
Hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm chăm lo tốt hơn cho giáo viên vùng khó khăn, góp phần thúc đẩy chất lượng đội ngũ giáo viên.
Đời sống - 18/12/2024 08:03
Cán bộ, nhân viên ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế mỏi mòn chờ “lương mới”
Mặc dù Nghị định 73 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang áp dụng từ tháng 7/2024, nhưng đến nay nhiều cán bộ, nhân viên ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa được nhận mức “lương mới” và đang mong ngóng từng ngày.
- Nhiệm vụ cấp bách của Công đoàn trong thực hiện tinh gọn bộ máy
- Techfest VinhPhuc 2024: Sân chơi khởi nghiệp với 80 gian hàng đa lĩnh vực
- Cách Masan thúc đẩy phát triển bền vững xuyên suốt hoạt động doanh nghiệp
- Đón xem lễ trao giải "Vòng tay Công đoàn" và sáng tạo phòng, chống ma túy
- Cô giáo khuyết tật, lấy tri thức làm… “đôi chân”