Cô giáo khuyết tật, lấy tri thức làm… “đôi chân”
Hoạt động Công đoàn - 26/12/2024 15:09 Công Duẩn
Những “giọt nước mắt hạnh phúc” của cô giáo đang điều trị ung thư |
Lấy sự cố gắng để bù đắp khuyết tật
Theo lãnh đạo Trường THPT Bắc Mê, người khuyết tật không phải là gánh nặng của xã hội, mà họ vẫn có thể tạo ra những giá trị sống ý nghĩa. Đây là thông điệp được truyền tải từ nhiều cá nhân khuyết tật đang nỗ lực vượt lên chính mình, học tập, làm việc và truyền cảm hứng cho những người đồng cảnh ngộ tự tin, tự chủ trong cuộc sống. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung là một điển hình tiêu biểu cho tinh thần đó.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung. Ảnh: ĐVCC |
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung, sinh năm 1980 tại thôn Pác Mìa, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, là một giáo viên khuyết tật với nghị lực phi thường, khiến nhiều người cảm phục.
Cô là con đầu trong gia đình cán bộ lâm trường, với tuổi thơ vốn hứa hẹn bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi 3 tuổi, một cơn sốt cao đã để lại di chứng liệt hoàn toàn hai chân. Dù vậy, nhờ sự kiên trì và tình yêu thương của cha mẹ, sau hai năm điều trị, cô bắt đầu hồi phục và tập đi những bước chập chững.
Dù không thể đi lại như người bình thường, cô Dung vẫn không từ bỏ. Năm 7 tuổi, thấy bạn bè đến trường, cô háo hức đòi đi học. Mỗi ngày, bố mẹ thay nhau cõng cô đến trường, và cô đã hoàn thành tiểu học với thành tích học sinh giỏi.
Nhớ lại thời cấp hai, cô Dung chia sẻ: “Các bạn trong lớp thay nhau cõng mình đi học. Những ngày nắng ráo, mình tự đi đến trường dù rất khó khăn. Với mình, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, dù phải vật lộn cả tiếng đồng hồ để đến lớp."
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung và học trò của mình. Ảnh: ĐVCC |
Sau khi tốt nghiệp THCS, cô Phương Dung năn nỉ bố mẹ cho phép mình vào học tại trường chuyên của tỉnh. Những ngày tháng xa nhà ban đầu rất khó khăn, khi cô phải tự lập trong mọi công việc. Tuy nhiên, được thầy cô và bạn bè động viên, cùng với nền tảng tự lập mà bố mẹ đã dạy từ nhỏ, cô không bao giờ ỷ lại vào khiếm khuyết của bản thân để người khác phải lo lắng cho mình. Cô luôn nỗ lực hết sức, làm tất cả những gì có thể, để thầy cô, bạn bè và gia đình không phải bận tâm về mình, đồng thời rèn luyện bản thân.
Ý thức được sự thiệt thòi và hoàn cảnh gia đình, cô xác định rằng chỉ có học tập thật giỏi mới có thể thay đổi số phận và không phụ lòng cha mẹ. Bỏ qua mọi mặc cảm, cô luôn tự nhủ không được tự ti và phải chứng minh cho mọi người thấy mình không phải là người vô dụng. Trong suốt 12 năm học, cô luôn đạt thành tích học sinh khá, giỏi và là tấm gương vượt khó được bạn bè, thầy cô ngưỡng mộ.
Lấy tri thức làm… “đôi chân”
Tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Phương Dung thi đỗ vào Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Với tấm bằng khá trong tay, cô làm hồ sơ xin việc và được nhận vào giảng dạy tại Trường THPT Bắc Mê từ năm 2004 – nơi đã nuôi dưỡng ước mơ của cô về "Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".
Tại trường, nhờ sự quan tâm, động viên của Công đoàn và sức mạnh của trí tuệ, nghị lực cùng tâm đức nghề giáo, cô đã truyền đạt đến học trò không chỉ kiến thức mà còn là đam mê học tập và nghị lực vượt lên trong cuộc sống. Nét chữ của cô mềm mại, giọng giảng văn say sưa, cuốn hút, cùng nụ cười luôn nở trên môi và ánh mắt ấm áp khiến học trò nào cũng chăm chú lắng nghe mỗi bài giảng của cô.
Cô Nguyễn Thị Phương Dung trong một tiết học. Ảnh: ĐVCC |
Không biết từ bao giờ, đôi chân tật nguyền của cô Phương Dung đã không còn là điều mà học trò, đồng nghiệp hay những người xung quanh quan tâm. Thay vào đó, tất cả đều bị thu hút bởi sự tự tin, lòng kiên trì và niềm đam mê mãnh liệt với nghề giáo của cô.
Xây dựng được uy tín trong Hội đồng sư phạm, trước phụ huynh và học sinh không phải là điều dễ dàng đối với bất kỳ nhà giáo nào. Nhưng cô Phương Dung đã làm được điều đó, dù cô không bao giờ có thể đứng thẳng và cao như những người xung quanh. Chính sự đối lập giữa cơ thể tàn tật và tầm vóc trí tuệ, bản lĩnh sống kiên cường của cô đã tạo nên một hình mẫu đáng ngưỡng mộ.
Không dừng lại ở đó, năm 2011, cô quyết tâm xin học tiếp để nâng cao chuyên môn. Cô thi đỗ vào Khoa Ngữ Văn, chuyên ngành Văn học nước ngoài, hệ Thạc sĩ chính quy tại Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Sau ba năm miệt mài học tập, cô đã cầm trên tay tấm bằng Thạc sĩ và tiếp tục giảng dạy tại Trường THPT Bắc Mê. Cô luôn được tín nhiệm dạy các lớp chọn, lớp cuối cấp và ôn thi THPT Quốc gia trong nhiều năm liên tiếp.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang vì thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua chào mừng 40 năm thành lập huyện Bắc Mê. Ảnh: ĐVCC |
Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Phương Dung còn được tín nhiệm giữ chức vụ Tổ trưởng chuyên môn. Cô liên tục đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh và nhiều năm liền được công nhận là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô cũng vinh dự nhận Giấy khen, Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh đoàn Hà Giang và nhiều danh hiệu khác.
Chia sẻ về cô, cô Trần Thị Thu Đào – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THPT Bắc Mê, cho biết: “Nỗ lực vượt qua bất hạnh để vươn lên trong học tập, công tác và cuộc sống của cô Phương Dung thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, đồng nghiệp và mọi người noi theo. Cô đã làm rạng danh truyền thống hiếu học của gia đình và quê hương. Chúng tôi hy vọng cô sẽ tiếp tục ươm mầm cho những thế hệ học trò, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của huyện Bắc Mê và tỉnh Hà Giang."
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: vongtaycongdoan.ldcd@gmail.com |
Cô giáo Hà Ánh Phượng: Tấm gương nỗ lực vượt khó và tinh thần đổi mới trong giáo dục Cô giáo Hà Ánh Phượng giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) không chỉ là niềm tự ... |
Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai Cô giáo Vũ Thị Tú - Trường Mầm non Kiều Mai (phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một giáo viên yêu nghề, ... |
Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh Căn bệnh trầm cảm sau sinh đã biến tôi từ con người năng động, lạc quan trở thành người sống khép kín, đầy sợ hãi. ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 26/12/2024 16:07
Đón xem lễ trao giải "Vòng tay Công đoàn" và sáng tạo phòng, chống ma túy
Lễ trao giải cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV và “Sáng tạo các sản phẩm truyền thông về phòng, chống ma túy” sẽ diễn ra chiều mai 27/12, tại Hà Nội.
- Nhiệm vụ cấp bách của Công đoàn trong thực hiện tinh gọn bộ máy
- Techfest VinhPhuc 2024: Sân chơi khởi nghiệp với 80 gian hàng đa lĩnh vực
- Cách Masan thúc đẩy phát triển bền vững xuyên suốt hoạt động doanh nghiệp
- Đón xem lễ trao giải "Vòng tay Công đoàn" và sáng tạo phòng, chống ma túy
- Cô giáo khuyết tật, lấy tri thức làm… “đôi chân”