Kết dư quỹ lớn nhưng giải quyết và chi trả chế độ hạn chế
Phóng sự điều tra - 04/11/2022 10:45 HÀ VY - HẢI YẾN
Kết dư Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) lớn
Giai đoạn từ năm 2016 - 2021, cả nước có 14.073 trường hợp được giải quyết, chi trả trợ cấp TNLĐ, BNN, giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần cho 28.135 người (trong đó, chết do TNLĐ, BNN là 4.159 người).
Hiện trường vụ tai nạn lao động sập giàn giáo ngày 12/11/2020 tại Quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: PHÚ LỮ |
Trung bình mỗi năm giải quyết cho hơn 2.300 người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng, giải quyết cho hơn 4.600 người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần. Số người giải quyết hưởng TNLĐ, BNN có xu hướng gia tăng trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, nhưng giảm vào năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Hiện nay, kết dư của Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN lên đến hơn 50.000 tỉ đồng. Trong khi đó, số chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ, BNN và số chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình cho NLĐ bình quân giai đoạn 2016 - 2021 chiếm tỷ trọng nhỏ nhất lần lượt là 0.08% và 0.23% so với tổng số chi các chế độ từ nguồn quỹ TNLĐ, BNN.
Vướng mắc về chính sách, pháp luật
Theo bà Nguyễn Thùy Phương - Trưởng phòng Bảo hiểm xã hội ngắn hạn (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), có những vướng mắc kéo dài trong quá trình giải quyết, chi trả chế độ TNLĐ, BNN. Trước hết là không đồng nhất quy định về đối tượng giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ) tham gia Bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN là người tham gia BHXH bắt buộc làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên. Trường hợp NLĐ giao kết hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ thì NSDLĐ phải đóng Bảo hiểm TNLĐ, BNN theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi Luật BHXH năm 2014 quy định: NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ thì chỉ đóng BHXH bắt buộc đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Việc quy định không đồng nhất này dẫn đến NSDLĐ có giao kết từ hợp đồng lao động thứ 2 trở đi với NLĐ thì không phải đóng BHXH bắt buộc nên họ cũng không đăng kí đóng Bảo hiểm TNLĐ, BNN cho NLĐ. Cơ quan BHXH thiếu công cụ và rất khó để quản lý NLĐ tham gia Bảo hiểm TNLĐ, BNN tại 2 đơn vị trở lên (do chưa có dữ liệu cập nhật liên thông về tình hình sử dụng lao động) mà cơ bản phụ thuộc vào doanh nghiệp tự giác kê khai đăng ký tham gia, đóng Bảo hiểm TNLĐ, BNN cho NLĐ.
Hiện nay, thủ tục xử lý các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, Bảo hiểm TNLĐ, BNN, đặc biệt là doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn, mất tích còn khó khăn, vướng mắc; dẫn đến số tiền nợ BHXH, Bảo hiểm TNLĐ, BNN kéo dài, nợ phá sản, giải thể chưa xử lý được ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là chưa có cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp nợ không có khả năng thu hồi (doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ nước ngoài bỏ trốn, ...); thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp khắc phục nợ do nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH còn có nhiều vướng mắc trong quy trình tố tụng do cơ chế để tổ chức Công đoàn khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng BHXH ra Tòa án chưa rõ ràng. Tổ chức Công đoàn có nhiều cấp, mà muốn khởi kiện được đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng BHXH ra Tòa án cần phải có ủy quyền của NLĐ đến tổ chức Công đoàn của đơn vị, doanh nghiệp.
Công đoàn Công ty Than Uông Bí đến thăm, tặng quà thân nhân NLĐ tử vong do TNLĐ. Ảnh: CTV |
Ý thức chấp hành pháp luật về Bảo hiểm TNLĐ, BNN của NSDLĐ còn chưa nghiêm: Doanh nghiệp chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động, chưa quan tâm đến quyền lợi về Bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với NLĐ. Việc nhiều doanh nghiệp không đăng ký, chậm đăng ký tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN làm ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ. NLĐ chưa hiểu đầy đủ quyền, trách nhiệm của mình trong việc tham gia, đóng Bảo hiểm TNLĐ, BNN ...
Có vụ TNLĐ hàng chục năm trước tồn đọng, chưa được giải quyết và chi trả chế độ
Luật ATVSLĐ còn thiếu khung pháp lý chuẩn mực làm căn cứ xác định một vụ tai nạn là TNLĐ dẫn đến việc tổ chức thực hiện chưa thống nhất, thiếu minh bạch và chưa công bằng.
Theo bà Nguyễn Thùy Phương, việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (sau đây gọi tắt là phương tiện), hiện nay đang được thực hiện theo 2 phương thức gây bất bình đẳng trong thụ hưởng và không nhất quán trong tổ chức thực hiện. Cụ thể:
Đối với người hưởng trợ cấp trước ngày 01/01/2007, cơ quan BHXH thanh toán tiền theo niên hạn và theo giá trị thực (căn cứ hóa đơn, chứng từ mua phương tiện). Do không có quy định về mức trần thanh toán tối đa nên phát sinh bất cập là cùng một phương tiện nhưng mức thanh toán rất khác nhau, có trường hợp mức giá chênh lệch hàng chục lần, dẫn đến bất bình đẳng trong thụ hưởng và nguy cơ trục lợi (như mua hóa đơn có mệnh giá cao để làm căn cứ thanh toán). Mức thanh toán này rất khác biệt so với mức tiền cấp mua phương tiện nêu dưới đây.
Đối với người hưởng trợ cấp từ ngày 01/01/2007 trở đi, việc cấp tiền mua phương tiện được thực hiện theo niên hạn với số tiền được ấn định thống nhất từng loại phương tiện. Phương thức này tạo nên sự công bằng trong thụ hưởng, thuận lợi cho tổ chức thực hiện.
Về thời hạn điều tra TNLĐ: Hiện nay, nhiều trường hợp đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ đối với các vụ việc xảy ra đã rất lâu (có vụ việc xảy ra cách đây nhiều năm, thậm chí 10 năm, cá biệt có trường hợp hơn 30 năm). Căn cứ để xem xét, giải quyết chế độ TNLĐ đối với các trường hợp như vậy là rất mơ hồ, sự việc xảy ra đã quá lâu, những người liên quan đã không còn làm việc tại đơn vị, thậm chí đã chết. Việc lập lại Biên bản điều tra TNLĐ đối với các vụ việc xảy ra đã nhiều năm, giới thiệu NLĐ đi khám giám định y khoa chậm muộn gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong quá trình giải quyết hưởng.
Về hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ: Việc cho phép sử dụng xác nhận của công an hoặc ủy ban nhân dân cấp xã về tai nạn giao thông làm cơ sở thực hiện chế độ TNLĐ nhưng không quy định cụ thể biểu mẫu xác nhận kèm theo dẫn đến sự thiếu thống nhất, không đầy đủ về nội dung xác nhận.
Một số trường hợp bị tai nạn giao thông được coi là TNLĐ trước tháng 7/2016, trong hồ sơ không có Biên bản hiện trường của công an giao thông theo quy định của Luật BHXH năm 2006 đến nay vẫn chưa có cơ sở giải quyết. Chưa có quy định về thủ tục hồ sơ đối với trường hợp NLĐ bị TNLĐ đã thôi việc nhưng chưa được giải quyết chế độ TNLĐ.
Công đoàn Công ty Than Đèo Nai tặng quà cho công nhân tiêu biểu tại khai trường sản xuất nhân dịp Tháng Công nhân. Ảnh: CTV |
Về tổ chức thực hiện: Hiện nay, không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, BNN. Hầu hết các trường hợp bất hợp lý được xem xét lại đều trên cơ sở ý kiến phản hồi từ cơ quan BHXH, NLĐ hoặc cá nhân liên quan. Đoàn điều tra TNLĐ không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý gì khi kết luận điều tra không đúng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kèm theo các chế tài nghiêm khắc (như trách nhiệm bồi thường cho đơn vị, quỹ BHXH trong trường hợp kết luận không đúng …) để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này.
Người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng qua ATM chỉ tập trung ở khu vực đô thị, tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hạ tầng cơ sở phục vụ chưa đáp ứng được nên số người hưởng qua tài khoản cá nhân còn thấp. Hiện tại, chưa có cơ chế kiểm soát tình trạng của chủ thẻ ATM, dẫn đến cơ quan BHXH không có thông tin kịp thời khi người hưởng là chủ thẻ ATM từ trần, khó thu hồi tiền đã chi cho những tháng sau khi người hưởng từ trần.
Kiến nghị giải quyết vướng mắc này, bà Nguyễn Thùy Phương cho rằng, trong lần sửa đổi Luật ATVSLĐ sắp tới, các cơ quan soạn thảo cần đưa quy định về chế độ, chính sách Bảo hiểm TNLĐ, BNN trở lại Luật BHXH để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Từ đó, thống nhất chính sách, chế độ BHXH cũng như quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận chính sách của đối tượng tham gia và thụ hưởng.
Khi nhà trường kỳ thị giới? “Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt là các em nam/ nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nữ/ ... |
Phòng trọ 10m2 và 750 triệu m2 đất bỏ hoang Hoàng, một công nhân ở vùng ven TPHCM đang cùng vợ và hai con nhỏ chen chúc trong phòng trọ hơn 10m2. Gia đình anh ... |
Bộ Xây dựng: Sắp có thêm 454.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động Báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn ... |
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 21/11/2024 16:27
Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
Nữ lao động là trụ cột chính trong gia đình, việc bị nợ lương đã khiến cuộc sống của cô lâm vào cảnh túng quẫn.
Phóng sự điều tra - 15/11/2024 20:50
Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam
Sáng nay (15/11), đại diện Công ty TNHH Outcubator Việt Nam đã tới làm việc với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ (Hà Nội) về vụ tranh chấp lao động xảy ra tại công ty này.
Phóng sự điều tra - 13/11/2024 14:33
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định bác sĩ Lê Khắc Thu có đủ sức khỏe để làm việc. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại.
Phóng sự điều tra - 08/11/2024 14:32
Bị nợ lương thử việc, nam công nhân phải vay lãi ngày chăm con ốm
Kết thúc thời gian thử việc 1 tháng vào ngày 30/8, nhưng hơn 2 tháng sau, anh T. (Thanh Oai, Hà Nội) mới được thanh toán lương sau nhiều lần đòi quyền lợi.
Phóng sự điều tra - 07/11/2024 19:16
Nhân viên tố Công ty Outcubator Việt Nam vi phạm hợp đồng lao động
Một nhân viên kế toán của Công ty TNHH Outcubator Việt Nam (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa làm đơn khiếu nại lãnh đạo Công ty không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng lao động.
Pháp luật lao động - 06/11/2024 09:48
Công ty CP Môi trường xanh Friendly thoái thác trách nhiệm với người lao động
Làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường xanh Friendly thoái thác trách nhiệm trả nợ tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đã làm việc cho Công ty này.
- Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
- Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
- 06 cách giúp công nhân lao động thêm việc thêm tiền
- Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
- Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?