Công đoàn thúc đẩy thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có KCN
Phúc lợi đoàn viên - 31/08/2023 06:15 MINH ANH
Tuyển dụng giáo viên mầm non, nhân viên nuôi dưỡng, nhân viên văn thư |
PV: Rất cảm ơn đồng chí đã tham gia phỏng vấn. Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về thực trạng trường mầm non cho con em công nhân tại các KCN hiện nay?
Đồng chí Đỗ Hồng Vân - Trưởng ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam: Do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, lực lượng lao động nhập cư về các KCN, khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) ngày càng nhiều đã làm gia tăng áp lực đối với các tỉnh, thành về công tác an sinh xã hội, đặc biệt là việc đảm bảo trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của con, em người lao động (NLĐ) trong đó có cấp học mầm non.
Mặc dù cơ sở vật chất tiếp tục được các cấp chính quyền và địa phương quan tâm đầu tư hằng năm, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non được các tỉnh, thành có đông KCN, KCX, KKT đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhưng trên thực tế, hiện nay số lượng các trường mầm non, mẫu giáo, nơi chăm sóc nuôi dạy trẻ hiện tại trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh số lượng các cháu trong độ tuổi có nhu cầu đến trường.
Việc đăng ký nơi gửi trẻ, mầm non, mẫu giáo đối với công nhân lao động (CNLĐ) ở các trường công lập khó khăn do phần lớn công nhân làm việc tại các KCN, KCX là lao động di cư không có hộ khẩu, không có tạm trú dài hạn tại địa phương nơi đến.
Một thực tế nữa, theo các khảo sát của chúng tôi, với mức thu nhập vẫn còn thấp, rất nhiều CNLĐ phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục, nơi điều kiện và không gian hạn chế, người trông trẻ ít được đào tạo bài bản dẫn đến hạn chế về kiến thức và kĩ năng, hậu quả một số trẻ em bị bạo hành. Bên cạnh đó nhiều công nhân sau khi nghỉ thai sản đi làm trở lại không có người trông con, mặc dù rất muốn con ở cùng bố mẹ nhưng đã phải gửi con về quê cho người thân chăm nuôi, làm xa cách tình mẫu tử và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo các khảo sát của Ban Nữ công, với mức thu nhập còn thấp, rất nhiều CNLĐ phải gửi con ở các cơ sở mầm non tư thục, nơi điều kiện và không gian hạn chế, người trông trẻ ít được đào tạo bài bản dẫn đến hạn chế về kiến thức và kĩ năng. Ảnh: Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam |
PV: Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Hồng Vân: Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm tới con CNLĐ, không phân biệt là con CNLĐ trong hay ngoài KCN. Hiện nay, giáo dục mầm non ở các KCN, KCX đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa... Ðiều này thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ trước thực trạng khó khăn của giáo dục mầm non ở các KCN trong thời gian qua.
Tuy nhiên, quá trình chuyển động để chính sách đi vào thực tế tại các địa phương vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì sao những quy định này vào cuộc sống triển khai vẫn chậm, qua theo dõi chúng tôi thấy xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do sự gia tăng nhanh chóng của các khu, cụm công nghiệp, KCX và lực lượng lao động đã tạo nên áp lực về vấn đề nhà ở, y tế và giáo dục. Việc quy hoạch và phát triển mạng lưới trường công lập ở những nơi có khu, cụm công nghiệp, KCX chưa đồng bộ, không đáp ứng đủ nhu cầu của NLĐ.
Thứ hai, việc xây dựng trường mầm non cho con công nhân cũng còn nhiều bất cập như nhiều KCN, KCX không có quỹ đất, chưa có kinh phí để xây dựng. Một số tỉnh đã xây dựng trường, lớp mầm non cho trẻ nhưng hoạt động chưa hiệu quả do khoảng cách giữa nơi ở và nơi gửi trẻ xa, thời gian gửi trẻ và các khoản đóng góp của các trường chưa phù hợp với điều kiện của công nhân.
Thứ ba, các mô hình nhà trẻ mẫu giáo cho con CNLĐ do công đoàn đứng ra xây dựng nhưng chưa có cơ chế quy định về biên chế ở lĩnh vực này cho hệ thống công đoàn như: Trường Mầm non KCN Điện Ngọc - tỉnh Quảng Nam, KCN Bình Hòa, An Giang, điểm trường tại KCN Cái Lân - tỉnh Quảng Ninh…
Thứ tư, việc tạo quỹ đất sạch để kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng trường mầm non còn nhiều khó khăn bất cập về cơ chế chính sách.
Đồng chí Đỗ Hồng Vân - Trưởng ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: laodongcongdoan.vn |
Phóng viên: Được biết, Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động (BLLĐ) về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Công đoàn đã có những biện pháp như thế nào để thúc đẩy dịch vụ giáo dục mầm non ở những địa bàn có đông lao động theo Nghị định này?
Đồng chí Đỗ Hồng Vân: Có thể thấy, kể từ khi Bộ luật Lao động 2019 được ban hành, một số chính sách đặc thù dành riêng liên quan đến cải thiện điều kiện chăm lo, hỗ trợ, giáo dục con công nhân đã được Chính phủ ban hành và triển khai. Điều này là một động lực, một bước đột phá rất lớn về chính sách chăm lo cho con CNLĐ của Nhà nước khi mà trước đó chưa có một ưu tiên cụ thể hướng đến đối tượng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con công nhân làm việc tại các KCN.
Bởi vậy, Công đoàn đề nghị Chính phủ cần có cơ chế giám sát đối với UBND các tỉnh trong việc thực hiện vai trò của UBND tỉnh tại tiết 1, Điều 81 Bộ Luật Lao động về tổ chức nhà trẻ mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu ban hành cơ chế vận hành các trường mầm non thuộc các KCN, KCX (quản lý và biên chế), chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc sớm triển khai thực hiện Đề án Xây dựng thiết chế công đoàn tại các KCN, KCX.
Đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá, tháo gỡ những bất cập (nếu có) khi doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ.
Kinh nghiệm từ các địa phương thực hiện tốt, sáng tạo những quy định, chính sách về chính sách phát triển giáo dục mầm non, chúng tôi rút ra những giải pháp:
Có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền trong việc tạo quỹ đất sạch để các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo tại địa phương.
Vai trò đại diện của tổ chức Công đoàn là không kém phần quan trọng trong thương lượng xây dựng thỏa ước lao động tập thể trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con công nhân.
Đối với doanh nghiệp luôn có sự quan tâm chăm lo cho NLĐ, tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ yên tâm làm việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp
Phóng viên: Ngày 8/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 105 quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non. Nghị định cũng đã thể hiện sự quan tâm rất cụ thể tới từng đối tượng, trong đó có con CNLĐ ở KCN. Thực tế, chính sách chưa được triển khai kịp thời, đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về nguyên nhân này?
Đồng chí Đỗ Hồng Vân: Nội dung chính của Nghị định 105 là tăng cường sự quan tâm và nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức xã hội đối với công tác nhà trẻ, mẫu giáo; làm rõ chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong đầu tư, phát triển mạng lưới trường lớp giáo dục mầm non; bên cạnh là quan tâm toàn diện tới các khu vực, không chỉ ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn mà cả với cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động.
Nhưng do Nghị định vừa mới ban hành thì dịch Covid-19 bùng phát cả nước, các nguồn lực chủ yếu tập trung cho công tác phòng, chống dịch, các trường học phải đóng cửa trong thời gian dài đã dẫn tới việc chậm tiến trình triển khai thực hiện Nghị định.
Trong thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã luôn quan tâm, trăn trở, tìm mọi giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện chính sách nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động như:
Kiến nghị để các KCN hình thành và phát triển sau này đều có quy hoạch dành quỹ đất xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo; bổ sung quỹ đất xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho các KCN đã hình thành.
Chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện Chỉ thị 09/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường lớp mầm non ở các KCN, KCX.
Ban hành công văn số 6364/TLĐ – NC ngày 10/4/2023 gửi các liên đoàn lao động tỉnh, TP đẩy mạnh việc triển khai Kết luận của TTgCP về thực hiện Nghị định 105 -2020/NĐ-CP
Đẩy nhanh xây dựng vận hành các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX trong đó có trường mẫu giáo dành cho con CNLĐ.
Kiến nghị để có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nhà trẻ mẫu giáo từ thiết chế công đoàn, cụ thể như: hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi…và các chính sách hỗ trợ khác.
Chỉ đạo Công đoàn các cấp phối hợp vận động các doanh nghiệp xây dựng các nhà trẻ, mẫu giáo, hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con CNLĐ điển hình như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang....
Trường Mầm non Thái Quang Teakwang Vina (Đồng Nai) là một trong những ngôi trường kiểu mẫu cho con em CNLĐ. Ảnh: CĐCC |
Phóng viên: Sau 2 năm triển khai Nghị định 105, có những kết quả nào đáng chú ý thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Hồng Vân: Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 105, tình hình tư tưởng NLĐ hết sức phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Công đoàn đối với vấn đề nhà trẻ mẫu giáo cho con CNLĐ.
Đến nay đã có 49 tỉnh, thành phố ban hành được Nghị quyết của HĐND. Do điều kiện kinh tế xã hội từng tỉnh khác nhau nên quyết định mức hỗ trợ cũng khác nhau.
Kết quả, theo báo nhanh của các tỉnh, thành phố đến hết tháng 9/2022 đã triển khai hỗ trợ được 67.611 cháu; 1.856 giáo viên và 355 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. Kết quả này vẫn còn thấp (khoảng 20%) so với đối tượng được thụ hưởng, nhưng bước đầu đã mang lại nhiều niềm vui cho CNLĐ khi hàng tháng gia đình sẽ được hỗ trợ thêm tiền chăm sóc con. Số tiền này với công nhân rất có ý nghĩa và đối với giáo viên đây là một nguồn động viên lớn để họ yên tâm gắn bó với công việc của mình. Đối với cơ sở mầm non, khoản tiền hỗ trợ sẽ giúp họ có thêm kinh phí sửa chữa, đổi mới trang thiết bị, đồ chơi để giáo dục, chăm sóc các cháu được tốt hơn.
Các chính sách của Nghị định 105 cũng hết sức nhân văn với NLĐ nhất là trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện còn hạn chế. Trong thời gian tới Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có kiến nghị với Chính phủ như:
Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ có văn bản chỉ đạo đối với ngành giáo dục và UBND các tỉnh, thành nhanh chống triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.
Thứ hai, kiến nghị UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện giải ngân cho các đối tượng đúng theo tinh thần Nghị định đã quy định; tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng giám sát theo quy định.
Thứ ba, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ngành phối hợp chặt với các ngành chuyên môn và LĐLĐ trong rà soát tổng hợp đối tượng thụ hưởng nhằm tránh việc bỏ soát đối tượng.
Thứ tư, đối với các cấp Công đoàn, chủ động phối hợp tốt với các ngành, các cấp trong tuyên truyền phổ biến Nghị định đến với đoàn viên, NLĐ; phối hợp hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của đối tượng thụ hưởng chính sách trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định; tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách góp phần xây dựng chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW của Trung ương.
Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
Công nhân, người lao động làm việc tại DN ngoài KCN được hỗ trợ về nhà ở xã hội Trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan về dự thảo Luật ... |
Bình Dương: Nỗ lực gỡ khó cho giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp Trong những năm qua, Công đoàn Bình Dương đã tích cực tham mưu thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát ... |
Bắc Giang: Ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non ở khu công nghiệp Chính sách ưu tiên phát triển trường mầm non, nhà trẻ trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã tạo điều kiện cho ... |
Tin cùng chuyên mục
Phúc lợi đoàn viên - 20/12/2024 10:59
Công đoàn Quảng Bình: Hơn 55 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên khó khăn năm 2024
Trong năm 2024, các cấp công đoàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều chương trình thiết thực, hỗ trợ hơn 38.000 lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền lên đến hơn 55 tỷ đồng.
Phúc lợi đoàn viên - 17/12/2024 06:16
3,1 triệu đoàn viên, người lao động được tham gia "Bữa cơm Công đoàn"
Hơn 15.000 Công đoàn cơ sở trên cả nước đã phối hợp tổ chức "Bữa cơm Công đoàn" cho hơn 3,1 triệu đoàn viên và người lao động (ĐV, NLĐ) trong năm 2024. Hoạt động này không chỉ cải thiện đời sống vật chất mà còn thắp lên tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa NLĐ, doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn.
Hoạt động Công đoàn - 10/12/2024 16:30
Thừa Thiên Huế: Hơn 18.000 lượt đoàn viên được chăm lo, hỗ trợ năm 2024
Năm 2024, các cấp Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chăm lo, hỗ trợ hơn 18.000 lượt đoàn viên, người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền hơn 11 tỉ đồng; hàng chục ngàn lượt đoàn viên, NLĐ được hưởng lợi từ các chương trình phúc lợi, ưu đãi, giảm giá...
Phúc lợi đoàn viên - 08/12/2024 20:20
Thỏa ước có lợi, người lao động sẵn sàng cống hiến
Việc ký kết và nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhằm mang nhiều quyền lợi hơn cho người lao động, góp phần tạo việc làm bền vững sẽ gắn kết mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp ngày càng hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Phúc lợi đoàn viên - 29/11/2024 14:48
Đoàn viên, người lao động được chăm lo tốt, Công đoàn Ninh Thuận hạnh phúc
Năm 2024, các cấp Công đoàn tỉnh Ninh Thuận thực hiện tốt việc chăm lo cho đoàn viên, người lao động, thể hiện bằng nhiều việc làm, chương trình đã triển khai và phần quà ý nghĩa trao đến tận tay đoàn viên, người lao động. Việc chăm lo thiết thực của Công đoàn tỉnh Ninh Thuận là nguồn động lực rất lớn, làm càng bền chặt “sợi dây” tình cảm của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn.
Công đoàn - 28/11/2024 16:58
Ký kết thỏa thuận phúc lợi, mang lại giá trị thực chất cho đoàn viên
Làm thế nào để triển khai hiệu quả các Thỏa thuận hợp tác phúc lợi? Đây là vấn đề được bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, đặc biệt quan tâm trong buổi ký kết Thỏa thuận hợp tác phúc lợi giữa Công đoàn Y tế Việt Nam với Công ty TNHH Thời trang Anima Việt Nam và Công ty CP Dược phẩm Hoa Linh giai đoạn 2024-2028.