Bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động: Những khó khăn, hạn chế của tổ chức Công đoàn
Nghiên cứu - 31/05/2022 09:00 ThS. LẠI SƠN TÙNG - Học viện Cảnh sát Nhân dân
Cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Tân Lạc (Hòa Bình) nắm bắt tình hình, điều kiện làm việc của công nhân lao động tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Sung IL Vina. Ảnh: baohoabinh.com.vn |
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, việc thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) ở các doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích cho người lao động là một nhiệm vụ mang tính cấp thiết. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp hiện nay, công đoàn đang gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Những khó khăn, hạn chế
Qua nghiên cứu cho thấy, ở phần lớn các doanh nghiệp hiện nay (nhất là đơn vị ngoài nhà nước), công tác công đoàn đang gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, cụ thể:
Thứ nhất, người sử dụng lao động (NSDLĐ) không hợp tác với tổ chức Công đoàn do họ không nhận thức được rõ vai trò của tổ chức Công đoàn. Mặt khác, người lao động đa phần xuất thân từ nông thôn, chưa qua các trường lớp đào tạo chính quy; trong khi đó, doanh nghiệp lại chưa tạo điều kiện, thời gian để công đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho người lao động hiểu biết về tổ chức Công đoàn; một số cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục chưa thực sự hấp dẫn, chưa phù hợp với từng đối tượng nên NSDLĐ và người lao động chưa thực sự hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, do đó, người lao động không mặn mà để tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn.
Thứ hai, khi thành lập tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn là do doanh nghiệp cơ cấu, sắp xếp và trả lương. Người làm công tác CĐCS thường là cán bộ không chuyên trách, chưa được qua đào tạo, bị chi phối bởi tiền lương mà chủ doanh nghiệp chi trả. Những người này vẫn phải đảm bảo thời gian làm việc như người lao động bình thường, nên không có thời gian, điều kiện nghiên cứu tuyên truyền tới các đoàn viên công đoàn. Do đó, hoạt động công đoàn có lúc mang tính hình thức.
Nếu CĐCS tổ chức, đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho công nhân thì nảy sinh xung đột lợi ích của chính những người làm công đoàn, nên không tạo được sự đồng thuận, tin tưởng từ phía người lao động. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận sản xuất là chính nên ít có thời gian để tuyên truyền những chính sách pháp luật cũng như đảm bảo lợi ích cho người lao động, gây thiệt thòi cho chính những đối tượng này.
Chăm lo tốt về đời sống sẽ tạo động lực để người lao động an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ảnh: baobinhduong.vn |
Thứ ba, ở một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, có những khu công nghiệp 100% CĐCS là các doanh nghiệp ngoài nhà nước, với tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp nhà nước đã khó thì các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực tế còn khó khăn hơn rất nhiều.
Một số doanh nghiệp chủ sử dụng lao động không tạo điều kiện cho hoạt động CĐCS ở chính doanh nghiệp mình nên CĐCS không bảo vệ được đoàn viên, người lao động của mình. Hiện, do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phá sản nên cơ hội việc làm cho người lao động ngày càng gặp khó khăn, nhiều chủ sử dụng lao động vi phạm về quyền lợi của người lao động nhưng họ lại có tính cam chịu, không báo cho công đoàn cấp trên.
Có trường hợp người lao động báo với công đoàn hoặc người có thẩm quyền nhưng sau đó công đoàn hoặc người có thẩm quyền lại thờ ơ với việc báo tin đó nên rất khó xử lý trong việc giải quyết các chế độ cho công nhân lao động một cách thỏa đáng.
Về phía doanh nghiệp, cũng gánh chịu thiệt thòi do không có tổ chức Công đoàn đồng hành, tham gia xây dựng, vận hành hệ thống quản lý, tổ chức, phân phối tiền lương. Trong khi, có tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp sẽ có "người" giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ của người lao động, từ đó sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, công nhân hoặc người lao động bỏ việc, làm việc không hết trách nhiệm, không tôn trọng cam kết, thỏa ước lao động... Từ những hạn chế trên đã xảy ra tình trạng nhiều cuộc đình công, ngừng việc tập thể ở nhiều doanh nghiệp làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của doanh nghiệp.
Một số kiến nghị, đề xuất
Để nâng cao vai trò của công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động ở các doanh nghiệp trong thời gian tới, cần đưa ra một số kiến nghị, đề xuất:
Tổ chức công đoàn các cấp cần kiến nghị với UBND các cấp và các ngành chức năng về vấn đề các doanh nghiệp còn vi phạm chế độ chính sách người lao động, yêu cầu các doanh nghiệp đó thực hiện đúng các chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động. Chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tốt hội nghị người lao động ở các doanh nghiệp để xây dựng thỏa ước lao động tập thể, thông qua thỏa ước lao động tập thể thực hiện việc chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động. Hướng dẫn người lao động ký hợp đồng lao động. Tham gia xây dựng nội quy, quy chế của doanh nghiệp để thực hiện tốt các chức năng công đoàn chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động.
CĐCS cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật về Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động đối với người lao động cũng như đối với người sử dụng lao động để thực hiện tốt chính sách về pháp luật, đảm bảo chức năng của tổ chức Công đoàn chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân viên chức lao động.
Tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn và chính sách pháp luật cho cán bộ công đoàn năm 2021 do Liên đoàn Lao động tỉnh Lai Châu tổ chức. Ảnh: Liên đoàn Lao động tỉnh Lai Châu |
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải chủ động tham gia với Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn; tham gia với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước nghiên cứu, xây dựng những Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động; tổ chức tập huấn một số chuyên đề quan trọng liên quan đến hai đạo luật trên như ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, vai trò, nhiệm vụ của các cấp Công đoàn, nhất là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở…
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách có liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, người lao động; tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống công nhân, viên chức, người lao động, nhất là những người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống tại các khu nhà trọ; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn tại các doanh nghiệp nhằm sớm phát hiện các vi phạm để kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý những vi phạm, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.
Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn tương xứng với vai trò, nhiệm vụ, cụ thể. Cán bộ công đoàn phải có đầy đủ năng lực về chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, hiểu biết pháp luật, có khả năng vận động quần chúng, thuyết phục người sử dụng lao động. Đây được xác định là giải pháp có tính quyết định, tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của công đoàn, hiện thực hóa Bộ luật Lao động và đem lại lợi ích cho người lao động.
Nâng cao vị trí, vị thế cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn Ngày 9/5, Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm ... |
Luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp Sáng 26/5, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty (TCT) Tân Cảng Sài Gòn phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Đồng ... |
LĐLĐ tỉnh Quảng Bình tổ chức các hoạt động hướng về đoàn viên, NLĐ Hai ngày qua, LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đã chức tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn giao ... |
Tin cùng chuyên mục
Công đoàn - 19/09/2024 16:13
Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng
Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động có vai trò quan trọng đối với việc góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Ý nghĩa của hoạt động tuyên truyền, vận động này còn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, tích cực lao động, học tập và công tác, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Nghiên cứu - 09/09/2024 13:38
Nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Nghiên cứu - 21/06/2024 16:35
Tình đoàn kết tạo ra quyền lực cho tổ chức
Nhân Tháng Công nhân 2024, TS. Phạm Thị Thu Lan, nhà nghiên cứu quen biết về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn (công tác tại Viện Công nhân và Công đoàn) có bài viết về tình đoàn kết và niềm tin của NLĐ, điều sẽ tạo ra quyền lực mềm cho tổ chức Công đoàn. Tạp chí LĐ&CĐ xin giới thiệu với bạn đọc phân tích thú vị và rất đáng suy ngẫm này.
Nghiên cứu - 28/05/2024 15:33
Bài 3: Xây dựng chính sách đồng bộ, hiệu quả cho người lao động tiếp cận, thụ hưởng
Hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm ở nước ta đã được chú trọng xây dựng, hoàn thiện nhưng vấn đề tiếp cận, thụ hưởng chính sách của người lao động còn cần được cải thiện hơn nữa.
Nghiên cứu - 28/05/2024 14:54
Bài 2: Cơ sở xây dựng lực lượng lao động năng suất, tiến bộ
Cơ sở để bảo đảm việc làm, thu nhập, chăm lo đời sống, đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) xuất phát từ các tiền đề về tiền lương, phúc lợi về nhà ở, sức khỏe y tế, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, hỗ trợ chăm sóc con em.
Nghiên cứu - 28/05/2024 10:28
Một số đặc điểm về học vấn, chuyên môn của công nhân hiện nay
Với sự nỗ lực, tự học hỏi, rèn luyện, công nhân đã có trình độ học vấn và chuyên môn nghề nghiệp khá cao, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
- Mang những phúc lợi thiết thực cho đoàn viên, người lao động
- Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
- Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
- Cơ hội hiếm có từ dự án Top 1 khu Đông TP HCM khi căn hộ dưới 3 tỷ đồng dần biến mất