Đồng chí Tôn Đức Thắng: Từ người thợ máy đến thủ lĩnh công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn
Công đoàn - 30/03/2024 09:07 TS Lê Trung Kiên - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Ths. Đặng Minh Hiển, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai
Chủ tịch Tôn Đức Thắng- người chiến sĩ cách mạng kiên trung |
Nhân dịp kỷ niệm 44 năm ngày mất đồng chí Tôn Đức Thắng - nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (30/3/1980 - 30/3/2024) Tạp chí Lao động và Công đoàn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết "Đồng chí Tôn Đức Thắng: Từ người thợ máy đến thủ lĩnh công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn", như một nén nhang tưởng nhớ nhà cách mạng - thủ lĩnh phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn thập niên 1920 của thế kỷ trước. |
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đặc biệt là giai đoạn 1926 - 1930 có ý nghĩa quan trọng đối với đồng chí Tôn Đức Thắng, thể hiện vai trò to lớn của đồng chí đối với phong trào công nhân Sài Gòn trong 30 năm đầu thế kỷ XX và phong trào đấu tranh của cách mạng Việt Nam sau này.
Vai trò và công lao lớn nhất của đồng chí Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn chính là đã sáng lập ra tổ chức Công hội nhằm tập hợp, đoàn kết công nhân để từng bước nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, giúp đội ngũ công nhân ngày một trưởng thành và trở thành những người cộng sản chân chính.
“Bác Tôn đã từng sống, hoạt động với tư cách là người công nhân, người đoàn viên và cán bộ công đoàn, là một trong những lãnh tụ đầu tiên của phong trào công nhân, công đoàn Việt Nam. Những cống hiến đó của Bác Tôn đã góp phần vào sự phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, một trong những cơ sở quan trọng hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam và tạo nền tảng, định hướng cho hoạt động công đoàn Việt Nam”1.
Đồng chí Tôn Đức Thắng thuộc lớp người đầu tiên tiếp thu và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân Việt Nam và là người đã tham gia tích cực trong việc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những sự kiện như cuộc bãi công của công nhân Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ năm 1912, sự kiện kéo cờ phản chiến trên Biển Đen, cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8/1925… là những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Tôn Đức Thắng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Tôn Đức Thắng. Ảnh: Tư liệu. |
Ngày 20/4/1919, sau vụ binh biến ở Hắc Hải, đồng chí Tôn Đức Thắng buộc phải rời khỏi Hải quân Pháp, bị trục xuất khỏi nước Pháp và trở lại Sài Gòn. Khi đó ở trong nước, thực dân Pháp đang thực hiện đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai trên toàn lãnh thổ. Các nhà máy mới được xây dựng, các nhà máy cũ thì được cải tạo và mở rộng quy mô hoạt động. Từ đó mà đội ngũ công nhân lao động gia tăng nhanh chóng, nhất là ở Sài Gòn.
Phong trào đấu tranh của công nhân trở nên thường xuyên hơn không còn là một hiện tượng hiếm gặp như trước nữa. Điển hình là tháng 11/1922, 600 thợ nhuộm ở Chợ Lớn (Nam Kỳ) vì bị bớt lương nên đã quyết định bãi công; cuộc phản công của giới chủ liền diễn ra ở khắp nơi. Và cũng ở khắp nơi, giai cấp công nhân bắt đầu giác ngộ về lực lượng và giá trị của mình. Cuộc đấu tranh này gây được tiếng vang lớn.
Đang hoạt động ở Pháp, đồng chí Nguyễn Ái Quốc theo dõi tình hình trong nước và đã có đánh giá cao vai trò và lực lượng của giai cấp công nhân Việt Nam. Người khẳng định: “Đây là lần đầu tiên một phong trào như thế nhóm lên ở thuộc địa. Chúng ta hãy ghi lấy dấu hiệu đó của thời đại và chúng ta đừng quên rằng bổn phận của chúng ta - những người lao động ở chính quốc - không phải chỉ tỏ tình đoàn kết với những anh em cùng giai cấp ở đấy bằng lời nói, mà còn phải giác ngộ họ, giáo dục họ về ý thức tổ chức và về phương pháp tổ chức”2.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng các cuộc đấu tranh của công nhân Sài Gòn lúc đó vẫn nằm trong phạm trù “tự phát”, mang nặng tính kinh tế hơn là tính chính trị. Một vấn đề được đặt ra đối với phong trào công nhân Sài Gòn là cần phải có tổ chức.
Đồng chí Tôn Đức Thắng, người công nhân ưu tú vừa được trở lại hoạt động trong môi trường cách mạng sôi nổi có nhiều thử thách, sẽ đứng gánh vác trọng trách đó.
Từ Pháp trở về Sài Gòn, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có vốn kinh nghiệm quý báu để tuyên truyền, giác ngộ và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động trong nước về con đường cách mạng và cách thức tổ chức đấu tranh. Đó là: Tiếp nhận tư tưởng về mặt tổ chức của giai cấp công nhân qua các hình thức công đoàn ở các nước tư bản, chủ yếu là nghiệp đoàn ở nước Pháp; có thông tin cơ bản về sự tồn tại của nước Nga Xô viết và tình cảm của đồng chí đối với Cách mạng Tháng Mười. Mặc dù tình cảm đối với Cách mạng Tháng Mười mới chỉ có tính chất cảm tính, tự nhiên và bước đầu có quan niệm về tổ chức Đảng trong phong trào công nhân, góp phần giải quyết tình trạng khủng hoảng đường lối và thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng (ngồi bên trái) với các Bộ trưởng tại Việt Bắc (1948). Trong ảnh (hàng đứng, từ trái sang phải): Bồ Xuân Luật, Nguyễn Văn Tạo, Phan Mỹ, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiếu, Bùi Công Trừng và Tạ Quang Bửu. Ảnh tư liệu. |
Không được vào làm trong bất kỳ nhà máy, xí nghiệp nào của Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng vào làm công nhân tại một hãng của người Đức có tên là Koff trên đường Sampanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng).
Vừa kiếm sống, đồng chí vừa tìm cách liên lạc với anh em công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp trong thành phố. Cũng vào thời điểm đó có cuộc bãi công, sau đó là mít tinh, biểu tình của thuỷ thủ trên mấy chiếc tàu neo đậu tại cảng Sài Gòn là Manvinhem, Ménès, Scharnhorst, Afénas, Néidenfels, Brisgaya, Đô đốc Can Têaum và Buenos Aires đòi tăng lương do giá sinh hoạt đắt đỏ.
Ngày 18/8/1920, cuộc bãi công hoàn toàn thắng lợi. Những cuộc đấu tranh đó làm cho công nhân Việt Nam hiểu rõ vai trò quan trọng và sự cần thiết phải có tổ chức trong công nhân mới có thể đem lại quyền lợi thiết thực cho mình.
Đồng chí Tôn Đức Thắng nhận thức rõ yêu cầu đặt ra là tổ chức công nhân như thế nào, hoạt động của nó ra sao trong điều kiện công nhân không có một chút quyền tự do nào, bất cứ một hoạt động yêu nước nào, một hoạt động chống đối nào bị phát hiện cũng đều bị đàn áp, mà đồng chí đã phải trải qua những năm tháng bị thực dân truy nã.
Rõ ràng, tổ chức công nhân phải bí mật, thận trọng, hoạt động của tổ chức phải khôn khéo. Với lòng nhiệt thành yêu nước, tình đồng nghiệp và uy tín cao, đồng chí đã dần dần đoàn kết được anh em công nhân vào Công hội bí mật do mình tổ chức và lãnh đạo.
Những cơ sở đầu tiên của Công hội được thành lập ở Cảng Sài Gòn, Xưởng Ba Son,... Việc đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập Công hội vào năm 1920 là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí nói riêng và đối với phong trào công nhân cả nước nói chung. Đây là Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Điều đáng nói là nó rất phù hợp với hoàn cảnh một nước thuộc địa như Việt Nam.
Công hội do đồng chí thành lập và lãnh đạo lại thật trùng hợp với lý luận về tổ chức Công hội mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đúc kết: Tổ chức công hội để làm gì? Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho công nhân, giúp cho thế giới...
Cách tổ chức Công hội như thế nào? Tổ chức có hai cách, cách nghề nghiệp và cách sản nghiệp. Nghề nghiệp là ai làm nghề gì thì vào hội nghề ấy… Sản nghiệp là bất kỳ nghề gì, hễ làm một chỗ thì vào một hội...
Cách tổ chức bí mật thế nào? Khi hội được công khai, các tiểu tổ cũng phải giữ bí mật. Khi không được công khai, thì phải mượn tiếng hợp tác xã, trường học, hoặc câu lạc bộ (nhà xéc)… để che mắt người ta.
Thực dân Pháp cho xây dựng và hoạt động nhà máy Ba Son là xưởng lớn nhất ở Sài Gòn, có lúc tới hơn 1.000 công nhân làm nhiệm vụ sửa chữa tàu chiến và tàu buôn. Đó là một công binh xưởng đặt dưới sự chỉ huy của Hải quân Pháp, trong đó, Ba Son là một chi nhánh của nhà máy Arsenal de Toulon - là xưởng duy nhất ở Đông Dương được hưởng chế độ làm ngày 8 tiếng, lương cũng cao hơn các xưởng khác và được nghỉ 30 phút vào ngày lĩnh lương đầu tháng.
Mặc dù vậy, thực dân Pháp cũng ràng buộc công nhân bằng những luật lệ nghiêm ngặt như luật chống bãi công. Nhìn chung, vào thời điểm bấy giờ, điều kiện lao động ở Ba Son tốt hơn các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng của Pháp trên đất Việt Nam. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã làm việc miệt mài trong nhà máy này, do đó có điều kiện tham gia lãnh đạo Công hội trong cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (tháng 8/1925).
Năm 1925, thực dân Pháp điều động một đoàn tàu chiến gồm các tàu Michelet, Ferry, Maine sang Trung Quốc để đàn áp các phong trào cách mạng tại đây, nhưng trên đường đi thì tàu Michelet bị hỏng và được đưa vào xưởng Ba Son để sửa chữa. Đồng chí thấy cần thiết phải ngăn chặn kế hoạch sửa chữa hoặc làm trì hoãn ngày nhổ neo của tàu Michelet đi Trung Quốc nên đã có sáng kiến và lý do chính đáng về mặt kinh tế để vận động công nhân Ba Son bãi công nhằm ủng hộ phong trào cách mạng và phong trào công nhân Trung Quốc. Ba Son có chế độ quản lý nghiêm ngặt, thường lệ ngày lĩnh lương thì công nhân được nghỉ sớm 30 phút, nhưng từ khi kỹ sư Courtial từ Pháp mới sang quản lý nhà máy thì lệ ấy bị rút xuống chỉ còn 15 phút. Công hội quyết định vin vào cớ đó để phát động cuộc bãi công3.
Cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son không chỉ nói lên trình độ tự giác, trình độ tổ chức, tinh thần quốc tế vô sản của công nhân Việt Nam, uy tín của tổ chức Công hội và vai trò của đồng chí Tôn Đức Thắng mà còn mở đầu cho một giai đoạn mới, đánh dấu sự chuyển biến của phong trào công nhân từ tự phát đi lên tự giác, từ “giai cấp tự nó” vươn lên trở thành “giai cấp cho nó”.
Đánh giá vai trò của đồng chí Tôn Đức Thắng đối với cuộc bãi công ở Ba Son nói riêng và phong trào công nhân đầu những năm 1920 nói chung, lão thành cách mạng - Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Giai cấp công nhân đã hiện diện trên chính trường, mà lạ thay và đẹp thay không một đảng quốc gia tiểu tư sản hay tư sản nào lôi kéo được, ở Bắc, ở Nam và nhất là Sài Gòn, các cuộc đấu tranh hồi 1924-1925 được ảnh hưởng trực tiếp của những người công nhân Việt Nam đã từng ở Pháp, chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, của phong trào công nhân và công đoàn Pháp, tiêu biểu nhất là anh thợ máy Tôn Đức Thắng - người đã từng tham gia binh biến Biển Đen năm 1919”4.
Cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son có ý nghĩa vượt ra ngoài khuôn khổ lãnh đạo của một tổ chức Công hội mà chức năng chủ yếu chỉ là đấu tranh cho quyền lợi thiết thực hằng ngày của công nhân. Cuộc đấu tranh này thấy rõ tất yếu thực tiễn đòi hỏi cần phải có một tổ chức cách mạng cao hơn cho công nhân lúc bấy giờ. Điều này phù hợp với nhận định của đồng chí Tôn Đức Thắng: “Anh em công nhân hồi ấy mong muốn có một tổ chức đấu tranh rộng rãi, lôi kéo được đông đảo quần chúng đấu tranh cách mạng”5.
Thế nhưng, vào thời điểm đó ở trong nước chưa có tổ chức nào có được một cương lĩnh chính trị rõ ràng và đúng đắn một đường lối cách mạng thực sự chân chính đủ khả năng đưa phong trào giải phóng dân tộc đến thắng lợi cuối cùng. Tuy vậy, từ việc ra đời của Công hội bí mật đến việc Công hội lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son vào tháng 8/1925 đã tạo ra bước ngoặt thứ tư trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng, làm nảy sinh và tăng cường sức mạnh nhờ tổ chức và tư tưởng chính trị theo khuynh hướng cách mạng vô sản.
Từ năm 1922-1925, có các tác phẩm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được gửi về nước bằng nhiều con đường khác nhau như: Le Paria, Bản án chế độ thực dân Pháp..., đồng chí Tôn Đức Thắng cũng như nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ đều bị sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi cái tên Nguyễn Ái Quốc. Theo lời đồng chí Tôn Đức Thắng thì trong thời gian ở Pháp, đồng chí đã từng tìm gặp Nguyễn Ái Quốc mà không gặp được đồng chí ấy6. Chỉ đến khi đồng chí bắt liên lạc được với những thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thì Công hội bí mật mới có những nội dung, phương hướng mới.
Năm 1927, đồng chí Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đến lượt mình, đồng chí đã giác ngộ hội viên Công hội của mình và kết nạp một số người vào Hội Thanh niên. Đây là bước ngoặt thứ năm trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng, vì từ đây đồng chí và Công hội bí mật thật sự hoạt động dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Dưới sự lãnh đạo của Kỳ bộ Nam Kỳ, trong đó có sự đóng góp của đồng chí Tôn Đức Thắng, phong trào công nhân Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ. Trong tổng số 57 cuộc đấu tranh của công nhân cả nước những năm 1926-1928 thì chủ yếu là những cuộc đấu tranh của công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng phụ cận.
Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền Phú Riềng (tháng 8 và tháng 9/1927), Nhà máy nước đá Larue (tháng 2/1928), Nhà máy in Portail Sài Gòn (tháng 5/1928), Đồn điền cao su Cam Tiêm (tháng 9/1928), Hãng dầu Nhà Bè (tháng 11/1928),... Từ đấu tranh cho các mục tiêu kinh tế đã tiến lên các mục tiêu chính trị, phong trào công nhân đã dần trở thành một lực lượng chính trị độc lập trong phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng (áo trắng) trở về thăm quê sau ngày thống nhất đất nước. Ảnh: Tư liệu. |
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), đội tiên phong của giai cấp công nhân nước ta khẳng định hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc và những học trò của Người trong sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Tại Sài Gòn, quá trình kết hợp đó diễn ra thuận lợi vì có sự hoạt động tích cực của Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập.
Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng lãnh đạo đã bắc nhịp cầu đưa chủ nghĩa Mác - Lênin đến với giai cấp công nhân Sài Gòn. Vai trò của Công hội mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người Hội trưởng thật quan trọng trong lịch sử phong trào công nhân Việt Nam vào những năm đầu truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản ở Sài Gòn. Vì vậy, có thể nói, đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ là một chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân, một trong những người sáng lập tổ chức Công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam mà còn là một trong những đảng viên lớp tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam, có công trong cuộc vận động thành lập Đảng.
Tháng 7/1929, thực dân Pháp mở đợt khủng bố bắt bớ hội viên Kỳ bộ tại Sài Gòn và Nam Bộ. Ngày 23/7/1929, đồng chí Tôn Đức Thắng và nhiều cán bộ cách mạng bị bắt. Năm 1930, đồng chí bị đày ra Côn Đảo đến ngày 18/8/1945 thì được giải phóng.
Tại nhà tù, “mọi người coi đồng chí như một người anh lớn. Không cần lý luận dài dòng, chỉ một lời nói của đồng chí là có thể đoàn kết, động viên mọi người, lý luận mácxít ở Đồng chí đã ăn sâu và được thể hiện ra bằng hành động”7. 15 năm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo là quãng thời gian thử thách lớn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng, nhưng đó cũng là quãng đời đầy vinh quang khi đồng chí thực sự biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Tóm lại, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại cho giai cấp công nhân Việt Nam những bài học kinh nghiệm quý báu và có ý nghĩa to lớn. Trước hết, đó là tính tổ chức, tính nguyên tắc; thứ hai là kiên quyết chống những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước và giai cấp công nhân, là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đúng như đồng chí Phạm Văn Đồng đánh giá: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng”.
Chú thích: [1] https://tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/7560/bac-ton-voi-phong-trao-cong-nhan-va-cong-doan-viet-nam.aspx, truy cập ngày 26/3/2024. [2] Hồ Chí Minh (2021), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. 2, tr. 123. [3] Xem: Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam (2007), Tôn Đức Thắng tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 44. [4] Trần Văn Giàu (1997), “Sự phát trển của từ tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám”, trong sách Thành công của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.3, tr. 53. [5] Một số vấn đề lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1974, tr. 228. [6] Xem: Báo Thống nhất, số 155, ngày 19/5/1960. [7] Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết (hồi ký). Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 408. |
Ngôi sao sáng phương Nam Những ngày qua, du khách khắp nơi nô nức xuống phà qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ, đến với Bác Tôn ... |
An Giang: Trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng và vinh danh CNVCLĐ giỏi năm 2023 Ngày 18/8, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh An Giang, UBND tỉnh An Giang phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh long trọng tổ ... |
Chủ tịch Tôn Đức Thắng- người chiến sĩ cách mạng kiên trung Tối 19/8 vừa qua, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang đã long trọng diễn ra Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 23/11/2024 08:51
Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
Hơn 25 năm qua, anh Nhân là một phần không thể thiếu của tập thể Trường THPT Ngô Gia Tự (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).
Diễn đàn Lao động - Công đoàn - 23/11/2024 06:13
Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
Khi biết chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng - tương ứng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 12 năm, rất nhiều người lao động muốn ngừng đóng bảo hiểm thất nghiệp để xin hưởng trợ cấp.
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 18:44
Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
Với hơn một thập kỷ gắn bó với Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ - MICCO, anh Bùi Công Quyền đã trở thành một phần không thể thiếu của đội ngũ lái xe. Nhưng phía sau tay lái ấy là một người đàn ông với những trăn trở, khát vọng vượt xa khỏi công việc hằng ngày.
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 16:11
Công đoàn góp sức xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Long An đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc…
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 08:44
Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
Căn bệnh trầm cảm sau sinh đã biến tôi từ con người năng động, lạc quan trở thành người sống khép kín, đầy sợ hãi. Tình thương ấm áp, bao dung như người mẹ của cô Huỳnh Lan Phương, nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Phan Văn Trị (phường 07, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) đã giúp tôi có một sự sống mới.
Diễn đàn Lao động - Công đoàn - 22/11/2024 06:03
06 cách giúp công nhân lao động thêm việc thêm tiền
Bên cạnh tăng ca hay làm thêm ca đêm, thậm chí tìm thêm các công việc phụ khác thì những cách hay được chia sẻ ngay sau đây có thể sẽ là mách nước tuyệt vời để các bạn công nhân lao động tăng thêm thu nhập.
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định