Bài 2: Cơ sở xây dựng lực lượng lao động năng suất, tiến bộ
Nghiên cứu - 28/05/2024 14:54 NHÓM TÁC GIẢ
3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động |
Việc làm và bảo đảm việc làm là cơ sở tạo ra thu nhập ổn định, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cho NLĐ. Bảo đảm việc làm, đời sống và an sinh xã hội cho NLĐ cũng là góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị. Cơ sở để bảo đảm việc làm, thu nhập, chăm lo đời sống, đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của NLĐ xuất phát từ các tiền đề về tiền lương, phúc lợi về nhà ở, sức khỏe y tế, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, hỗ trợ chăm sóc con em. Đặc biệt, chăm lo việc làm, đời sống cho NLĐ còn là cơ sở xây dựng lực lượng lao động năng suất, tiến bộ, phát triển toàn diện của nguồn nhân lực quốc gia. |
1. Vai trò và tình hình tiền lương, thu nhập, chi tiêu của công nhân lao động
Về phương diện kinh tế, tiền lương là một đòn bẩy kinh tế có tác dụng kích thích lợi ích vật chất đối với NLĐ. Tiền lương đóng vai trò chủ đạo, quyết định sự ổn định và phát triển kinh tế của bản thân NLĐ và gia đình. Nếu tiền lương không đủ trang trải, mức sống của NLĐ bị giảm sút, buộc phải kiếm thêm việc làm ngoài cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nguy cơ tiềm ẩn tham ô, tham nhũng. Nếu tiền lương trả cho NLĐ một cách thỏa đáng, sẽ tạo động lực cho người lao động yên tâm công tác, làm việc tận tụy, trách nhiệm với công việc. Về phương diện xã hội, tiền lương thực hiện chức năng cơ bản là đảm bảo tái sản xuất sức lao động cho xã hội. NLĐ tái sản xuất sức lao động thông qua các tư liệu sinh hoạt nhận được từ khoản tiền lương của họ. Để tái sản xuất sức lao động, tiền lương phải đảm bảo tiêu dùng cá nhân NLĐ và gia đình họ. Nếu tiền lương không theo giá trị sức lao động, còn không đủ để khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tay nghề của NLĐ. Để đảm bảo vấn đề chính sách này, Nhà nước đóng vai trò quan trọng, xác định mức lương tối thiểu, đảm bảo nuôi sống gia đình và bản thân NLĐ. Mức lương cơ sở trong cơ quan đơn vị nhà nước, hay mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực doanh nghiệp, là nền tảng cho chính sách tiền lương và việc trả lương của các cơ quan, đơn vị. Vì vậy, tiền lương phải đảm bảo các yếu tố cấu thành để đảm bảo nguồn thu nhập, là nguồn sống chủ yếu, là cơ sở tạo nên tình tình hình đời sống của NLĐ và gia đình họ.
Từ cuối năm 2023, các hoạt động sản xuất dần ổn định đã góp phần cải thiện tiền lương và thu nhập của NLĐ. Theo kết quả Điều tra lao động - việc làm của Tổng cục Thống kê, thu nhập trung bình của người lao quý I/2024 là 7,6 triệu đồng, tăng 301 nghìn đồng so với quý trước và tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng được ghi nhận là mức thu nhập trung bình cao nhất cùng kỳ trong 5 năm trở lại đây. Đặc biệt thu nhập bình quân tháng của NLĐ so với cùng kỳ năm trước có sự tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ.
Thu nhập của NLĐ đã được cải thiện, tuy nhiên đối với đại bộ phận NLĐ mức tăng này vẫn chưa đủ để học đáp ứng các nhu cầu và chi phí sinh hoạt hàng tháng. Nhiều NLĐ vẫn đang phải phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính. Theo khảo sát quý IV năm 2023 của Viện Công nhân và Công đoàn (Viện CNCĐ), thu nhập bình quân tháng của NLĐ làm công ăn lương là 8,874 triệu.
Ngoài ra, tiền lương cơ bản của số đông người lao động được cấu thành từ tiền lương tối thiểu vùng, tiền phụ cấp đào tạo (7%), phụ cấp nặng nhọc, độc hại (5%) và tiền thâm niên làm việc. Tuy nhiên, từ khi triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 01/7/2022, một số DN không còn đưa một hoặc hai khoản phụ trên vào tiền lương cơ bản của NLĐ (đặc biệt là khoản phụ cấp nặng nhọc, độc hại). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích về bảo hiểm xã hội của công nhân lao động.
Bên trong căn nhà trọ của công nhân TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Viện Công nhân và Công đoàn |
Ngoài ra, thu nhập của NLĐ khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn phụ thuộc rất lớn vào tình trạng, số lượng đơn hàng. Trong cơ cấu thu nhập của NLĐ hàng tháng, tiền lương cơ bản chỉ chiếm 72%. Còn lại các khoản thu nhập khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp khác. Tuy nhiên, tỷ trọng thu nhập từ làm thêm giờ không ổn định, thay đổi tùy theo tình trạng sản xuất kinh doanh của đơn vị, DN. Trong trường hợp đơn vị giảm sản xuất (ví dụ DN thiếu đơn hàng giai đoạn 2022-2023), thu nhập của NLĐ sẽ bị sụt giảm đáng kể.
Trong khi đó, chi tiêu bình quân tháng của mỗi hộ gia đình NLĐ trong mẫu khảo sát lên tới 14,059 triệu đồng và có xu hướng cao hơn vào những dịp cuối năm do gia tăng nhu cầu mua sắm. Như vậy, mức thu nhập của cá nhân NLĐ (8,874 triệu đồng), mới chỉ đáp ứng được 63% chi tiêu của gia đình. Một gia đình công nhân lao động muốn chi trả đủ mức chi tiêu cơ bản, cần ít nhất hai người đi làm. Do đó, một bộ phận NLĐ phải làm thêm ngoài cơ quan đơn vị. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để nhận thêm việc làm, đặc biệt lao động nữ có con nhỏ.
Trong cơ cấu chi tiêu trên, ba khoản tiền chiếm tỷ trọng lớn là chi phí mua lương thực thực phẩm, tiền đóng học và tiền trả nợ. Điều này cho thấy một tỷ lệ đáng báo động về sự thiếu hụt nguồn lực tài chính, không có khả năng tích lũy và gánh nặng chi phí trả nợ của công nhân lao động. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2023 với gần 3.000 công nhân, cho thấy do khó khăn về đời sống, có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ. Trước đó, trong bối cảnh dịch Covid-19, một số liệu khảo sát khác của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có đến 54,8% NLĐ phải đi vay tiền. Trong đó, 20,2% vay tín dụng đen. Đối tượng vay phần lớn là lao động nam giới với gần 70% người vay tín dụng đen có độ tuổi dưới 25; 29% trong độ tuổi từ 25-34 tuổi. Những người này đa số có thu nhập rất thấp, trong đó 54,6% người đi vay có thu nhập dưới 5 triệu đồng.
2. Đời sống của người lao động được cải thiện, nhưng còn nhiều khó khăn
Vấn đề nhà ở
Nhà ở là một trong những nhu cầu cơ bản, là mối quan tâm hàng đầu của NLĐ, đặc biệt là những người làm việc ở KCN, KCX. Kết quả khảo sát cho thấy: 48,3% NLĐ đang ở trong các phòng trọ loại nhà cấp 4; chỉ 6,6% NLĐ ở trong các phòng trọ được xây dựng theo các dãy nhà từ 2-3 tầng. Do mức thu nhập còn thấp, nhiều công nhân phải sống trong những căn nhà trọ tạm bợ, chật chội, thiếu điều kiện vệ sinh cơ bản, thiếu an ninh. 55,8% ngôi nhà/ phòng trọ của NLĐ có tổng diện tích dưới 30m2; 10,6% NLĐ ở trong căn phòng dưới 10 m2. Bên cạnh đó, không gian và môi trường sống xung quanh còn nhiều hạn chế. 43,1% NLĐ cho biết xung quanh nơi họ sinh sống không có không gian xanh, nơi sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao. Thiết chế phổ biến nhất mà NLĐ (34,1%) có thể tiếp cận là nhà văn hóa của khu dân cư.
Mong muốn có được nơi ở ổn định, an toàn và gần nơi làm việc, giúp giảm bớt thời gian và chi phí di chuyển là nguyện vọng của đa số công nhân lao động KCN đang phải thuê trọ bên ngoài. 38% NLĐ hi vọng được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ giảm bớt chi phí điện, nước, nhà trọ. Tiếp đó đến nhu cầu NLĐ mong muốn có tiện ích xã hội phục vụ đời sống như khu vui chơi, giải trí, cơ sở y tế, trường học chiếm 29,1%. Những hỗ trợ này không chỉ giúp NLĐ cải thiện điều kiện cuộc sống, điều kiện chăm sóc sức khỏe, chăm sóc giáo dục con cái, mà còn giúp họ yên tâm làm việc, tập trung phát triển nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống và ổn định tương lai.
Trong căn nhà trọ công nhân ở phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Viện Công nhân và Công đoàn |
Nhằm tháo gỡ những hạn chế trên, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030’, năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ. Ngoài ra, nhằm đáp ứng tốt hơn về nhu cầu nhà ở xã hội, khoản 4 Điều 80 Luật nhà ở năm 2023 quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, NLĐ thuê. Chính sách này góp phần bổ sung nguồn lực đầu tư các dự án nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ, từ đó nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn. Đây là những tín hiệu rất tích cực để người lao động có cơ hội mua, thuê mua, sở hữu chỗ ở, để yên tâm “an cư, lạc nghiệp”.
Vấn đề về chăm sóc sức khoẻ y tế
Sức khỏe là một trong những yếu tố quyết định đến khả năng làm việc, năng suất lao động; mở rộng ra là cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập của NLĐ. Thực tế này đòi hỏi việc chăm sóc sức khỏe của NLĐ cần được quan tâm đặc biệt.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn quý IV/2023, 48% NLĐ thường tự mua thuốc về điều trị. Khi bệnh trở nặng mới tìm đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. 46,5% NLĐ cho biết họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Thậm chí, 6,3% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và khám chữa bệnh mà bản thân đang mắc phải. Như vậy, tiền lương, thu nhập tác động rất lớn đến hiệu quả chăm sóc sức khỏe của NLĐ.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải đảm bảo khám sức khỏe định kỳ cho tất cả NLĐ. Ngoài nhu cầu khám sức khỏe định kỳ, 55,6% NLĐ còn mong muốn doanh nghiệp hỗ trợ tầm soát ung thư, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho con cái, và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ngoài giờ hành chính hoặc trong ngày nghỉ. Đây là những nhu cầu hoàn toàn hợp lý của NLĐ. Lý do là bởi dù được hưởng tối thiểu 12 ngày nghỉ phép mỗi năm, nhưng công nhân, viên chức, lao động thường phải tiết kiệm những ngày nghỉ này cho những tình huống khẩn cấp như khi con cái ốm đau, hoặc khi gia đình có việc quan trọng. Hơn nữa, việc đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế thường tốn nhiều thời gian chờ đợi, khiến việc xin nghỉ làm để đi khám trở nên khó khăn do có thể ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất, thu nhập, tiền chuyên cần và các chế độ phúc lợi khác. Việc cân bằng giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và công việc trở thành một thách thức lớn, khiến NLĐ mong mỏi sự hỗ trợ từ phía cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cả chính phủ, chính quyền địa phương.
Khám bệnh miễn phí cho công nhân lao động Hà Nội nhân dịp Tháng Công nhân - Ảnh: Minh Khôi |
Về đời sống văn hóa tinh thần
Trong năm qua, dù các doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, cùng với sự tích cực của công đoàn cơ sở, đời sống văn hóa tinh thần của NLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được quan tâm chăm lo. NLĐ tham gia tích cực hưởng ứng các hoạt động phong trào, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hoặc các hội thi năng khiếu nhân các ngày kỷ niệm của đất nước và của đơn vị, doanh nghiệp. Các hoạt động này thường có vai trò rõ nét của tổ chức công đoàn.
Với NLĐ làm việc trong KCN, KCX thời gian làm việc kéo dài, có thời điểm việc làm không ổn định, nên đời sống văn hoá tinh thần khá thiếu thốn, nghèo nàn. Ngoài thời gian sinh hoạt cơ bản như cơm nước, nuôi dậy con, chăm sóc gia đình, NLĐ hầu như không có hoạt động giải trí nào ngoài việc lên mạng lướt facebook, xem phim. Với mức thu nhập còn thấp, tình hình lạm phát, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng diễn biến phức tạp, tiền lương hàng tháng của CNLĐ chủ yếu dành cho nhu cầu thiết yếu, một tỷ lệ lớn công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu điều kiện được hưởng thụ về văn hoá tinh thần; thiếu cơ hội tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu...
Bên cạnh đó, khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của NLĐ còn hạn chế ở hầu hết các địa bàn đông công nhân lao động. Các doanh nghiệp mới chủ yếu chú trọng đầu tư cho sản xuất, ít quan tâm đến cải thiện điều kiện sức khỏe tinh thần cho công nhân lao động. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao của NLĐ còn ít, chỉ có một số ít doanh nghiệp có sân bóng chuyền, sân cầu lông cho công nhân, hoặc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao nội bộ, tổ chức các trò chơi, sinh hoạt văn nghệ vào các ngày kỷ niệm thành lập doanh nghiệp, ngày lễ, cuối năm...
Tuy nhiên, có một điểm tích cực hiện nay trong đời sống của NLĐ. Do ý thức tốt về chăm lo công việc, tập trung lo cuộc sống mưu sinh, cùng với trách nhiệm gia đình, một số tình trạng tiêu cực trước đây như lạm dụng rượu bia, chơi lô đề, cờ bạc, gây gổ đánh nhau... được ghi nhận rất ít (dưới 3,0% trong mẫu khảo sát). Bên cạnh đó, ý thức việc tự nghiên cứu, học thêm, cải thiện năng lực, trình độ cũng đã được một bộ phận NLĐ chủ động quan tâm (15,5%).
Về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em
Thực tế ở các KCN, hầu hết con em công nhân lao động được gửi đến các nhà trẻ, trường mẫu giáo tư nhân, thậm chí chỉ là các nhóm giữ trẻ tại gia đình. Một số lượng không nhỏ cha mẹ công nhân lao động phải gửi con về quê, nhờ ông bà, người thân chăm sóc. Lý do thứ nhất là thời gian làm việc kéo dài, tiền lương thấp, thu nhập không ổn định, không đủ trang trải chi phí và cha mẹ không có điều kiện chăm sóc. Lý do thứ hai là do khung thời gian làm việc ở DN không thuận lợi cho thời nhận và trả trẻ ở các trường công lập. Thứ ba là tình trạng không có trường công lập gần nơi ở, nơi làm việc, không có hộ khẩu nên không xin học được cho con.
Con em công nhân lao động tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) - Ảnh: Minh Khôi |
Trong khi đó, do chủ trương tăng cường và mở rộng thu hút vốn đầu tư, đặc biệt khu vực nguồn vốn FDI, sự dịch chuyển lao động đến các địa phương tập trung các KCN, KCX dự báo tiếp tục tăng, tạo sức ép rất lớn về nhu cầu hạ tầng cơ bản phục nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí của NLĐ. Nhà ở, nhà trẻ cho NLĐ tại KCN là nhu cầu bức thiết và ngày càng tăng nhưng đang còn nhiều bất cập cả về số lượng và chất lượng nhiều địa phương.
Ở một khía cạnh khác, vai trò, trách nhiệm gia đình trong vấn đề chăm sóc trẻ nhỏ (bao gồm tất cả các công việc từ trông trẻ hàng ngày đến chăm sóc trẻ khi trẻ bị ốm) phần lớn do người mẹ đảm trách. Ở một số hoạt động có thêm sự hỗ trợ của người thân như ông bà, thầy cô giáo, nhưng nhìn chung, trách nhiệm của người phụ nữ vẫn là chính.
Trước tình hình đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm nhất định đến vấn đề nuôi, dạy con NLĐ. Nghị định 105/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 08/09/2020 về chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, NLĐ làm việc tại KCN có chính sách hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng đã phát huy hiệu quả rất tích cực, phần nào hỗ trợ được công nhân lao động. Chính sách này được công nhân lao động rất hưởng ứng, có đến 86,6% NLĐ cảm thấy hài lòng.
3. Chăm lo cho người lao động là cơ sở thúc đẩy tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia
Bên cạnh mục cải thiện cơ hội, điều kiện, chất lượng việc làm, đời sống, việc tăng cường chăm lo, đáp ứng nguyện vọng cơ bản chính đáng của NLĐ cũng chính là giải pháp căn cơ để tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Về bản chất, chế độ lương, thưởng, phúc lợi lao động thỏa đáng chính là một trong những động lực quan trọng nhất, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động. Bởi trên thực tế, luôn có mối quan hệ chặt chẽ, tỷ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng, phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng, toàn tâm trong công việc.
Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năng suất lao động quốc gia của Việt Nam (năm 2022) NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia và 94,5% của Philippines. Do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm. Mặc dù vậy số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP). Trong giai đoạn 2018-2022 mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng bình quân 7,06%/năm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (giữa) tại “Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia” năm 2024 - Ảnh: Hải Nguyễn |
Tại “Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia” năm 2024 vừa qua, từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cho đến ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia đều khẳng định: Để tăng năng suất giai đoạn tới đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để góp phần tăng năng suất từ yếu tố lao động, cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Trong đó, mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ bảo đảm trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho NLĐ và gia đình mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai. Song song với đó, cần tăng cường phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là về nhà ở cho công nhân lao động.
Kể từ năm 2016, với sáng kiến của Công đoàn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã 7 lần trực tiếp đối thoại với công nhân, viên chức, người lao động ở nhiều tỉnh thành, khu vực, loại hình ngành nghề. Rất nhiều tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị và đề xuất liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của công nhân lao động được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết. Nhiều ý kiến, đề xuất của công nhân liên quan đến vấn đề tăng lương tối thiểu, chi phí sinh hoạt giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt tăng, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, vấn đề chất lượng bữa ăn ca, an toàn thực phẩm, giải pháp hỗ trợ nâng cao tay nghề, chính sách tạo điều kiện về chuyển đổi nghề nghiệp, nhu cầu văn hóa, giải trí, nhu cầu vay tín dụng mua nhà ở xã hội, nhu cầu về môi trường làm việc, học tập cho công nhân lao động và chỗ học tập, vui chơi cho con công nhân, mong muốn giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động…
Nhìn chung, quá trình xây dựng, hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực thi các chính sách đảm bảo việc làm, chăm lo hỗ trợ đời sống cho công nhân lao động đang từng bước được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương đối với các nhóm lao động đặc thù như công nhân lao động ở địa bàn các khu công nghiệp, lao động có thu nhập thấp, lao động khu vực không chính thức, lao động thời vụ, lao động là người khuyết tật, lao động nữ, lao động trẻ em và lao động người cao tuổi. Để cải thiện tình hình việc làm và đời sống cho NLĐ, cần có các biện pháp cụ thể và toàn diện từ cả Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Chỉ khi các biện pháp này được triển khai một cách hiệu quả và bền vững, mục tiêu đảm bảo cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc cho NLĐ mới có thể được duy trì và đảm bảo. Đây chính là cơ sở thúc đẩy tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm cho giai đoạn 2021-2025 trước mắt.
Xem tiếp bài 3: Xây dựng chính sách đồng bộ, hiệu quả cho người lao động tiếp cận, thụ hưởng
Nhóm tác giả: Nhạc Phan Linh, Nguyễn Thanh Tùng, Lê Thị Huyền Trang, Ngọ Duy Tân Cường, Lê Ngọc Duy, Tống Thị Huệ, Đỗ Phương Thảo, Phạm Trần Kim Phượng, Lê Thu Hà. |
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
2. Chính phủ, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
3. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng thuật Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024, ngày 27/5/2024.
4. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý I năm 2024.
5. Viện Công nhân và Công đoàn, Báo cáo khảo sát thường niên Tình hình việc làm, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động năm 2023.
Tin cùng chuyên mục
Công đoàn - 19/09/2024 16:13
Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng
Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động có vai trò quan trọng đối với việc góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Ý nghĩa của hoạt động tuyên truyền, vận động này còn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, tích cực lao động, học tập và công tác, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Nghiên cứu - 09/09/2024 13:38
Nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Nghiên cứu - 21/06/2024 16:35
Tình đoàn kết tạo ra quyền lực cho tổ chức
Nhân Tháng Công nhân 2024, TS. Phạm Thị Thu Lan, nhà nghiên cứu quen biết về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn (công tác tại Viện Công nhân và Công đoàn) có bài viết về tình đoàn kết và niềm tin của NLĐ, điều sẽ tạo ra quyền lực mềm cho tổ chức Công đoàn. Tạp chí LĐ&CĐ xin giới thiệu với bạn đọc phân tích thú vị và rất đáng suy ngẫm này.
Nghiên cứu - 28/05/2024 15:33
Bài 3: Xây dựng chính sách đồng bộ, hiệu quả cho người lao động tiếp cận, thụ hưởng
Hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm ở nước ta đã được chú trọng xây dựng, hoàn thiện nhưng vấn đề tiếp cận, thụ hưởng chính sách của người lao động còn cần được cải thiện hơn nữa.
- Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
- Mang những phúc lợi thiết thực cho đoàn viên, người lao động
- Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
- Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
- Cơ hội hiếm có từ dự án Top 1 khu Đông TP HCM khi căn hộ dưới 3 tỷ đồng dần biến mất