e magazine
08/08/2023 07:24
Bảo đảm hoạt động công đoàn về công tác cán bộ và góp ý sửa đổi Luật Công đoàn

08/08/2023 07:24

Công tác cán bộ là công việc quan trọng của Đảng và các đoàn thể. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, mà còn chú trọng đến xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn thể nói chung và rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn nói riêng.

Bảo đảm hoạt động Công đoàn về CÔNG TÁC cán bộ và góp ý sửa đổi Luật Công đoàn

Công tác cán bộ là công việc quan trọng của Đảng và các đoàn thể. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, mà còn chú trọng đến xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn thể nói chung và rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn nói riêng.

Bảo đảm hoạt động Công đoàn về cán bộ và góp ý sửa đổi Luật Công đoàn

Người từng dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cán bộ công đoàn vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động (NLĐ); vừa vận động đoàn viên và NLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Có thể nói, cán bộ công đoàn nói chung có vai trò quan trọng trong xây dựng quan hệ lao động và sự ổn định, phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kết quả phong trào công nhân và hoạt động công đoàn luôn gắn liền với năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ công đoàn ở cơ sở.

Trong những năm qua, Luật Công đoàn năm 2012 ra đời đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước, phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn của tổ chức Công đoàn trong xã hội. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là vấn đề bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho cán bộ công đoàn hoạt động. Bài viết dưới đây tập trung làm rõ yêu cầu đặt ra đối với việc bảo đảm hoạt động công đoàn về cán bộ và đề xuất một số kiến nghị sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Căn cứ pháp lý bảo đảm hoạt động công đoàn về cán bộ

Theo quy định hiện hành, cán bộ công đoàn gồm có cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách. Ngày 03/02/2020, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Quyết định số 174/QĐ-TLĐ về việc ban hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII). Trong đó, Điều 4 và Điều 5 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định rõ về cán bộ công đoàn và nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ công đoàn.

Cụ thể, theo Điều 4 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, cán bộ công đoàn là người đảm nhiệm các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại đại hội hoặc hội nghị công đoàn; được cấp có thẩm quyền chỉ định, công nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Cán bộ công đoàn gồm có cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách. Trong đó, cán bộ công đoàn chuyên trách là người được cấp có thẩm quyền chỉ định, tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bầu ra để đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức Công đoàn. Trong khi, cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, do đoàn viên tín nhiệm bầu và được cấp có thẩm quyền của Công đoàn công nhận hoặc chỉ định vào các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên.

Theo quy định tại điều 23 của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 ngày 20/6/2012, nội dung bảo đảm hoạt động công đoàn về cán bộ được quy định như sau: Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ, công chức để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật; Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng công đoàn cơ sở và số lượng lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ công đoàn quyết định bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách.

Điều 25 Luật Công đoàn quy định về bảo đảm cho cán bộ công đoàn như sau: “Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà NLĐ là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ. Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trường hợp NLĐ là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì Công đoàn đại diện khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn; đồng thời hỗ trợ tìm việc làm mới và trợ cấp trong thời gian gián đoạn việc làm theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam.”

Bảo đảm hoạt động Công đoàn về cán bộ và góp ý sửa đổi Luật Công đoàn

Đại diện LĐLĐ TP Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: PHẠM THU NGÂN

Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TLĐ ngày 11/01/2019 về công tác cán bộ công đoàn trong tình hình mới. Cụ thể hóa Nghị quyết, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Chương trình số 1563/CTr-TLĐ ngày 09/10/2019 về xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Luật Công đoàn năm 2012 cũng quy định cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách được trả lương, phụ cấp theo quy định. Cụ thể hóa quy định trên, ngày 20/9/2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3226/QĐ-TLĐ về việc ban hành Quy định chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn. Quy định này nêu rõ phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Như vậy, các Nghị quyết của Đảng, Luật Công đoàn và các văn bản hướng dẫn có liên quan đã tạo căn cứ pháp lý quan trọng, làm tiền đề bảo đảm hoạt động công đoàn về cán bộ. Theo đó, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng, công đoàn mở rộng hoạt động sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Bảo đảm hoạt động Công đoàn về cán bộ và góp ý sửa đổi Luật Công đoàn

Chị Nguyễn Thị Thắng - công nhân (quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) xúc động khi được về quê dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhờ sự hỗ trợ của Công đoàn. Ảnh: QUỲNH TRANG

Thực tiễn bảo đảm hoạt động của công đoàn về cán bộ và những vấn đề đặt ra

Nghiên cứu các quy định hiện hành về bảo đảm hoạt động công đoàn về cán bộ cho thấy: Các quy định hiện hành còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có lúc, có nơi còn bất cập; công tác đào tạo, quản lý, sử dụng cán bộ công đoàn chưa thực sự hiệu quả; nhiều nơi còn thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công đoàn. Hơn nữa, “một bộ phận cán bộ công đoàn chậm đổi mới tư duy, năng lực hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu của hoạt động công đoàn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (1).

Bối cảnh hiện nay - thời kỳ đẩy mạnh kinh tế thị trường đặt ra yêu cầu cho cán bộ công đoàn phải “vừa hồng vừa chuyên”, không chỉ là cầu nối mà còn là người đại diện thực chất trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là hiện nay các cán bộ công đoàn (đặc biệt là ở các doanh nghiệp) đang hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Việc phụ thuộc vào người sử dụng lao động làm cho cán bộ công đoàn cấp cơ sở chưa thể thực hiện tốt nhất vai trò đại diện, bảo vệ, mà chỉ thực hiện được vai trò cầu nối giữa người sử dụng lao động và NLĐ, chưa dám đấu tranh mạnh mẽ, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế là do hầu hết đội ngũ cán bộ công đoàn, đặc biệt ở cấp cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, thay đổi vị trí công tác; cán bộ công đoàn cơ sở còn bị chi phối, phụ thuộc vào người sử dụng lao động, dẫn đến tâm lý e ngại, chưa thực sự mạnh mẽ trong việc đối thoại để bảo vệ khi NLĐ có yêu cầu. Về chủ quan là ngay từ đầu việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự làm cán bộ công đoàn cơ sở; công tác tuyên truyền giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này; sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cơ sở; chính sách, cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa hiệu quả... đây đang là những điểm yếu, tác động tiêu cực đến năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Một số cán bộ công đoàn cơ sở chưa tự tin, chưa nghiên cứu sâu nghiệp vụ công đoàn, thiếu bản lĩnh để trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động, chưa nắm kỹ phương pháp, kỹ năng trong việc tuyên truyền vận động công nhân, viên chức, lao động…

Bảo đảm hoạt động Công đoàn về cán bộ và góp ý sửa đổi Luật Công đoàn

Đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An động viên, trao quà cho công nhân lao động trở về từ miền Nam tại Sân bay Vinh. Ảnh: QUỲNH TRANG

một số kiến nghị sửa đổi quy định bảo đảm hoạt động công đoàn về cán bộ trong luật công đoàn năm 2012 và điều lệ công đoàn

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra nhanh chóng, tác động sâu rộng đến việc làm, đời sống của đoàn viên, NLĐ, phương thức tập hợp NLĐ; thị trường lao động và quan hệ lao động sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới, có mặt phức tạp hơn. Việc ký kết tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA..., các công ước quốc tế về lao động tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đã và đang tác động sâu sắc đến mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn, cũng đặt ra nhiều thách thức với tổ chức Công đoàn. Bên cạnh đó thế lực thù địch không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân thông qua các thủ đoạn lôi kéo, kích động NLĐ không gia nhập Công đoàn, mâu thuẫn với người sử dụng lao động, với công đoàn cơ sở, gây mất ổn định sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp...

Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu cấp bách phải tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và đổi mới mạnh mẽ, thực chất hoạt động của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là đổi mới hoạt động công đoàn về cán bộ. Đây cũng chính chỉ đạo của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam tại Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ chính trị về Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Để tiếp tục khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn - tổ chức đại diện, bảo vệ NLĐ, Công đoàn Việt Nam nói chung và các cán bộ công đoàn nói riêng cần nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và phương pháp hoạt động, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, cần quan tâm một số đinh hướng và giải pháp sau:

Một là, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng thông qua đường lối, chủ trương, văn bản chỉ đạo, qua nhân sự cán bộ công đoàn cụ thể.

Hai là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết NLĐ. Người đứng đầu tổ chức Công đoàn phải có uy tín cao, am hiểu sâu sắc và có kinh nghiệm thực tiễn về công tác vận động quần chúng, nhất là vận động công nhân, NLĐ và chủ doanh nghiệp. Nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân; thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao biên chế cho Công đoàn hợp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế.

Ba là, tăng cường hơn nữa công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, xây dựng chính sách để thu hút cán bộ công đoàn giỏi, có năng lực làm công tác công đoàn nhằm không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công đoàn, góp phần xây dựng, bổ sung hoàn thiện nội dung hoạt động công đoàn các ngành, các cấp ngày càng phong phú, thiết thực, phù hợp với chức năng công đoàn, góp phần đa dạng phương pháp hoạt động công đoàn mang lại hiệu quả cao.

Bốn là, đối với cán bộ công đoàn, cần đa dạng hơn nữa phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo đó, chính cán bộ công đoàn cần phát huy sáng tạo, đa dạng hóa phương thức truyền thông, quảng bá, trong đó tập trung sử dụng hiệu quả mạng xã hội và các nhân vật công chứng; xây dựng hệ thống tài liệu phong phú, linh hoạt, chú trọng xây dựng và phát hành một số sản phẩm tuyên truyền trên internet và mạng xã hội; tổ chức các nhóm nòng cốt của Công đoàn tham gia các diễn đàn mạng để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ. Hình thành phương thức tập hợp đoàn viên trên mạng xã hội, nhằm thu hút công nhân, định hướng họ vào các hoạt động có ích, gia tăng niềm tin vào tổ chức Công đoàn.

Năm là, rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 nhằm bảo đảm hoạt động công đoàn về cán bộ: Theo đó, cần quy định cụ thể hơn về chế độ bảo đảm cho cán bộ công đoàn về lương, phụ cấp, chế độ học tập, bồi dưỡng (đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức pháp luật), khen thưởng, kỷ luật và các điều kiện bảo đảm khác.

Sáu là, nghiên cứu sửa đổi Điều lệ Công đoàn nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Công đoàn (sửa đổi), trong đó tập trung nghiên cứu làm rõ khái niệm về cán bộ công đoàn; cán bộ công đoàn chuyên trách; cán bộ công đoàn không chuyên trách; nghiên cứu bổ sung quy định về bãi nhiệm, miễn nhiệm, bất tín nhiệm đối với cán bộ công đoàn không còn đủ uy tín đối với đoàn viên công đoàn trong những trường hợp cần thiết (Điều lệ hiện hành chưa quy định).

Bảy là, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chế độ phụ cấp trách nhiệm tạo động lực đối với chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban thường vụ (đối với nơi có ban thường vụ) công đoàn cơ sở (nơi không có cán bộ công đoàn chuyên trách). Bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có từ 2.000 đoàn viên trở lên. Nghiên cứu, đề xuất chế độ lương và các khoản phụ cấp đối với cán bộ công đoàn chuyên trách tương xứng với trách nhiệm và đóng góp vào sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp.

Cần nghiên cứu đề xuất xây dựng chế độ kế toán, quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn tại công đoàn cơ sở theo hướng tinh gọn về nội dung, mục chi, dễ quản lý để đảm bảo vừa thu đủ, chi đúng, kịp thời, hiệu quả và không để vấn đề kế toán, tài chính là một gánh nặng cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Tất nhiên cần tăng cường kiểm tra, giám sát để giúp cán bộ công đoàn cơ sở sử dụng tài chính công đoàn đúng mục đích.

Tám là, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, nắm bắt kịp thời mọi hoạt động của cán bộ công đoàn cơ sở, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn, giúp cán bộ công đoàn cơ sở phát huy điểm mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Mối quan hệ giữa công đoàn cấp trên với cán bộ CĐCS phải là mối quan hệ hỗ trợ, cộng tác, cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khen thưởng, đồng thời đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời cán bộ công đoàn cơ sở có nhiều đóng góp xây dựng công đoàn cơ sở, có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, nhất là việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới;

2. Luật Công đoàn năm 2012;

3. Nghị định Số: 43/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật công đoàn;

4. Báo cáo tổng kết Luật Công đoàn năm 2012.

Bài: TS. Nguyễn Thị Dung - Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Hành chính - Nhà nước, Viện Nghiên cứu lập pháp

Xem phiên bản di động