Đồng chí Hoàng Quốc Việt với công tác chăm lo đời sống người lao động
Công đoàn - 30/04/2024 08:10 THS TRIỆU THANH VÕ - THS NGUYỄN THỊ THỦY
Đồng chí Tôn Đức Thắng: Từ người thợ máy đến thủ lĩnh công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn |
Đồng chí Hoàng Quốc Việt từng khẳng định: “Tiền lương là nguồn sống chính của lao động. Tiền lương cũng rất quan trọng, có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm và thiết thực bồi dưỡng quần chúng. Cho nên, lúc nào công đoàn cũng coi trọng công tác tiền lương, tiền thưởng…”1
Với nhận thức như thế, từ năm 1956, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan nhà nước, nghiên cứu, đề xuất các chính sách lao động, tiền lương đem lại những quyền lợi thiết thực cho công nhân và nhân dân lao động.
Các ý kiến đề xuất đó nêu rõ: “Đề nghị Trung ương cho thành lập Ban lương có trách nhiệm quyền hạn rõ ràng, gồm các thành phần như Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Tổng LĐLĐ Việt Nam… do một đồng chí Trung ương trực tiếp phụ trách…”.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc diễn văn khai mạc Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 2, Hà Nội tháng 2/1961. Ảnh: Tư liệu. |
Do đó, trong giai đoạn từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (1960), dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã 3 lần đề nghị với Chính phủ cải tiến chế độ tiền lương cho công nhân, viên chức trên nguyên tắc phân phối lao động.
Đời sống văn hóa vật chất của nhân dân được cải thiện thêm một bước. Số tiền chi cho các sự nghiệp văn hóa, giáo dục, bảo vệ sức khỏe không ngừng tăng lên. Hết năm 1959, tổng số công nhân, viên chức của Nhà nước đã tăng thêm 4 vạn người.
Cuối năm 1956, khi đệ trình ý kiến xây dựng chế độ tiền thưởng với Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam mà đứng đầu là đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất cần thiết trong việc khen thưởng kịp thời những thành tích kế hoạch Nhà nước năm 1956, đẩy mạnh tin tưởng phấn khởi thực hiện kế hoạch 1957”.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 1957, ở 40 cơ sở đã có 10.083 người được thưởng, với tổng số tiền là 51 triệu đồng. Trong quý I và quý II năm 1957, công nhân ngành Đường sắt tiết kiệm được gần 1.000 tấn than nên mỗi người được thưởng từ 15.000 – 20.000 đồng.
Hết tháng 3 năm 1958, có 28 đơn vị thuộc các Bộ: Công nghiệp, Giao thông, Bưu điện, Thủy lợi, Kiến trúc, Văn hóa, Y tế thi hành việc trích quỹ tiền thưởng năm 1957 trong các xí nghiệp quốc doanh và thưởng 20% số tiền trích cho các cá nhân và các đơn vị xuất sắc.
Mỗi chiến sĩ thi đua được thưởng từ 10.000 – 30.000 đồng, mỗi cá nhân xuất sắc được thưởng từ 5.000 – 20.000 đồng, mỗi lao động chuyên cần được thưởng từ 2.500 – 10.000 đồng2.
Từ năm 1961 đến năm 1965 là giai đoạn miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đây là kế hoạch dài hạn đầu tiên với trọng tâm là “xây dựng”. Mục tiêu nhằm bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Chủ nghĩa xã hội, đồng thời nâng cao một bước rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Do đó, công tác tiền lương, tiền thưởng trong thời gian này cũng có nhiều đổi mới.
Tháng 4/1960, Chính phủ cải cách về tiền lương và tăng lương, việc trả lương theo sản phẩm cũng bắt đầu được thí điểm. Sang năm 1961-1962, Nhà nước triển khai rộng rãi chế độ trả lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng khác.
Gồm có thưởng năng suất, thưởng tiết kiệm, thưởng sáng kiến, thưởng hoàn thành kế hoạch, thưởng lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua…
Đến năm 1964, trong cả nước đã có 50% số đơn vị trả lương theo sản phẩm. Chế độ trả lương theo sản phẩm có tác dụng vừa khuyến khích sản xuất, vừa tăng thu nhập cho người công nhân từ đó cải thiện đời sống sinh hoạt.
Trong công tác tiền lương, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, công đoàn phối hợp với cơ quan Nhà nước tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở về công tác tiền lương và công tác tổ chức kiểm tra thực hiện chính sách, xây dựng các định mức lao động, xây dựng đơn giá sản phẩm, xây dựng nội quy trả lương sản phẩm và các loại tiền thưởng; tham gia các hội đồng xét duyệt định mức, xét duyệt khen thưởng sáng kiến…
Những hoạt động của công đoàn trong công tác tiền lương đã giúp cho công nhân, viên chức hiểu biết về tiền lương, từ đó phát hiện ra những bất hợp lý trong thang bậc lương để kiến nghị với công đoàn tham gia điều chỉnh với Nhà nước cho phù hợp.
Trong giai đoạn 1965-1968, thấu hiểu được những khó khăn khi phải lao động, sản xuất trong điều kiện chiến tranh, đồng chí Hoàng Quốc Việt và các đồng chí trong ban lãnh đạo của Tổng Công đoàn Việt Nam đã xuống đến tận cơ sở động viên công nhân, viên chức đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu đồng thời chỉ đạo công đoàn các cấp phải quan tâm giải quyết những khó khăn trong đời sống của người lao động.
Cũng trong thời gian này, công tác lao động và vấn đề tiền lương có nhiều vấn đề phức tạp, nhất là việc chuyển từ trả lương theo sản phẩm sang trả lương theo ngày lao động.
Từ tháng 4/1968, miền Bắc cơ bản chuyển sang sản xuất và công tác trong điều kiện hòa bình, tập trung nỗ lực khắc phục hậu quả do cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra, nhanh chóng giải quyết những vấn đề cấp thiết trong sản xuất và đời sống.
Trải qua 4 năm vừa sản xuất vừa chiến đấu, chuyển sang giai đoạn có hòa bình, đời sống công nhân, viên chức và người lao động vẫn gặp khó khăn nhiều mặt, trong đó có vấn đề tiền lương.
Năm 1968, trong 9 ngành kinh tế quốc dân, lương bình quân của công nhân, viên chức và người lao động đạt 54,26 đồng/tháng; so với năm 1967, tăng 1%, song do các mặt hàng đảm bảo theo chế độ phân phối chỉ đạt 50% nên đồng lương thực tế của công nhân, viên chức và người lao động giảm.
Trăn trở trước thực tế khó khăn đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt và Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam đã xác định: “Mọi người phải phấn đấu không ngừng nâng cao năng suất lao động để từng bước nâng cao mức hưởng thụ về tiền lương…”.
“Thực hiện việc nâng cấp, bậc cho công nhân, viên chức thường xuyên, kịp thời và đúng chính sách, bảo đảm người công nhân trình độ thợ ở bậc nào thì xếp bậc đó và hưởng lương bậc đó”3
Thực hiện chủ trương của Tổng Công đoàn, trong các năm 1969, 1970, 1971, 1972, các cấp công đoàn đã chủ động tham gia với các ngành chuyên môn trong xét bậc lương thường xuyên cho công nhân, viên chức và tuyên truyền cho họ hiểu chính sách lao động thời chiến như chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp chiến tranh…
Tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, sử dụng hợp lý quỹ tiền thưởng và quỹ phúc lợi để khuyến khích sản xuất và cải thiện đời sống của công nhân, viên chức và người lao động…
Đồng chí Hoàng Quốc Việt (thứ ba, từ trái) nói chuyện với các đại biểu tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua toàn quốc lần 3, năm 1962. Ảnh: Tư liệu |
Sang đến những năm 1973, 1974, 1975, đời sống của công nhân, viên chức vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh. Để khắc phục tình trạng đó, năm 1973, Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam mà đồng chí Hoàng Quốc Việt là người đứng đầu đã ra nghị quyết chỉ đạo các cấp công đoàn: “Chú trọng khắc phục hậu quả chiến tranh và chăm lo đời sống cấp thiết của công nhân, viên chức. Phải giúp đỡ các cơ quan Nhà nước thực hiện mau chóng các chế độ, chính sách thời chiến và kịp thời kiểm tra, phát hiện những thiếu sót để thực hiện cho đúng…”4
Thực hiện Nghị quyết đó, các cấp công đoàn đã thực hiện kịp thời, chính xác, hợp lý việc xét nâng bậc lương hằng năm, việc chi trả lương theo sản phẩm được mở rộng, kịp thời kiểm tra và sửa chữa những việc làm chưa đúng.
Năm 1974, do một số chính sách bổ sung, sửa đổi về tiền lương, tiền thưởng… vẫn chưa được thực hiện5, dẫn đến xuất hiện nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhiều công nhân, viên chức và người lao động gửi đến Tổng Công đoàn Việt Nam.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Tổng Công đoàn Hoàng Quốc Việt chỉ đạo cho các cấp công đoàn phải điều tra, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo đó đảm bảo lợi ích của người lao động và để họ yên tâm sản xuất.
Năm 1975, để công nhân, viên chức được hưởng tiền lương xứng đáng với công sức lao động của họ, Tổng Công đoàn Việt Nam mà đồng chí Hoàng Quốc Việt là người đứng đầu đã tích cực tham mưu và cùng với các cơ quan Nhà nước xây dựng và ban hành một số chế độ, chính sách bổ sung về sửa đổi về lao động, tiền lương, tiền thưởng.
Liên hiệp các công đoàn địa phương đã ký kết nghị quyết liên tịch với các cơ quan chuyên môn nên việc thực hiện chế độ, chính sách đối với công nhân, viên chức và người lao động có chuyển biến.
Nghị quyết 245-CP của Hội đồng Chính phủ “Về bố trí, sử dụng lao động hợp lý và chấn chỉnh tổ chức, tinh giản bộ máy” được các cấp công đoàn triển khai. Từ đầu năm, một số Công đoàn và Liên hiệp công đoàn địa phương đã phối hợp với cơ quan quản lý hướng dẫn thi hành chế độ trích lợi nhuận, lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.
Nhiều công đoàn cơ sở đã cùng giám đốc xí nghiệp trích tiền thưởng cho công nhân, viên chức và người lao động trước Tết âm lịch, kịp thời động viên họ thi đua lao động, sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 1975.
Có thể nói, thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước (1954-1975) là thời kỳ vô cùng sôi động và hào hùng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với nhân dân cả nước, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã trải qua một chặng đường đầy gian khổ, thử thách nhưng vô cùng oanh liệt vẻ vang. Sự trưởng thành và lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong giai đoạn này có sự đóng góp hết sức to lớn về sức lực, trí tuệ của đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Nối tiếp tinh thần, tư tưởng của đồng chí Hoàng Quốc Việt, đến nay các cấp công đoàn Việt Nam đang thực hiện sứ mệnh cao cả chăm lo đời sống người lao động ngày càng tốt hơn.
THS TRIỆU THANH VÕ - HỌC VIỆN AN NINH NHÂN DÂN
THS NGUYỄN THỊ THỦY - TRƯỜNG CĐ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP HN
Mời độc giả xem thêm: "Kêu gọi nguồn lực chăm lo đoàn viên thì không có gì ngại" |
[1] . Báo cáo của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam trước Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II.
[2] . Văn Tạo – Đinh Thu Cúc: Giai cấp công nhân miền Bắc Việt Nam 1954-1960, Nxb KHXH, 1974, tr.68
[3] . Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Tổng Công đoàn “Về nhiệm vụ công tác Công đoàn năm 1969, số 04-NQ, Tháng 12-1968, trang 10-12. Lưu trữ TLĐ
[4] . Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam: Nghị quyết “Về công tác công đoàn trước mắt”, ngày 5-1-1973. Lưu trữ TLĐ
[5 . Tổng Công đoàn Việt Nam: Báo cáo tình hình phong trào CNVC và hoạt động công đoàn năm 1974, Số 29/BC-TCĐ, tr.10. Lưu trữ TLĐ
Đảm bảo đời sống người lao động và làm tốt công tác an sinh xã hội Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) là đơn vị sản xuất, kinh doanh, quản lý và khai thác gần 350.000m3/ngày đêm đáp ứng ... |
Chăm lo người lao động không chỉ là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Muốn giải quyết căn cơ các vấn đề của người lao động (NLĐ), chăm lo tốt cho NLĐ cần huy động được sự vào cuộc ... |
Đồng chí Rơ Chăm Long: "Thành lập CĐCS khu vực ngoài nhà nước là nhiệm vụ sống còn" Đồng chí Rơ Chăm Long - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kon Tum nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV Tạp chí Lao động và ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 03/12/2024 17:35
Tình thương của công đoàn là động lực để công nhân ngành điện bám nghề
Anh Lê Tấn Đạt, công nhân Điện lực Tân Châu (thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) là người có gia cảnh khó khăn, lại mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu nhưng vẫn cố gắng, tích cực trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng hành với anh trong những lúc khó khăn ấy, công đoàn luôn bên anh giúp đỡ.
Hoạt động Công đoàn - 03/12/2024 15:00
Công đoàn SEV - niềm tin của người lao động
Tôi tin chắc rằng trong tương lai, Công đoàn công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) sẽ không ngừng lớn mạnh và tiếp tục đồng hành cùng người lao động, là “bờ vai vững chắc” để người lao động dựa vào.
Hoạt động Công đoàn - 02/12/2024 21:02
Trao giải cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”
Ngày 1/12, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với VTV7 Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức gala “Những hạt nắng vàng”, tổng kết và trao giải cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Thị Kim Chi dự và phát biểu tại buổi lễ.
Diễn đàn Lao động - Công đoàn - 02/12/2024 15:06
Điều kiện và quy trình xét chọn công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên để tôn vinh
95 gương mặt sẽ được tuyên dương tại Hội nghị toàn quốc biểu dương công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ I năm 2025.
Hoạt động Công đoàn - 02/12/2024 14:06
Những niềm vui bất ngờ của Công đoàn SEV gửi đến người lao động
Tổ công đoàn Production Team, Công đoàn Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) luôn là cầu nối vững chắc giữa người lao động và Ban lãnh đạo công ty, giữa công ty với chính quyền địa phương.
Hoạt động Công đoàn - 02/12/2024 07:48
Công đoàn Vietinbank - “chiếc nôi” trưởng thành của tôi
Trong những năm vừa qua, Công đoàn cơ sở Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh 11, TP. Hồ Chí Minh đã giúp đỡ được rất nhiều đoàn viên vượt khó vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tôi là một trong những người may mắn được công đoàn dìu dắt, yêu thương để trưởng thành hơn mỗi ngày.
- Tình thương của công đoàn là động lực để công nhân ngành điện bám nghề
- Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc: Thúc đẩy phát triển bền vững và hiệu quả các khu công nghiệp
- Công đoàn SEV - niềm tin của người lao động
- Điểm danh những mẫu xe ngừng bán tại Việt Nam năm 2024
- Camera phân tích giao thông thông minh được trao giải sáng kiến an toàn