9 người bị bỏng nặng do văng bắn dung dịch nhôm kẽm
Người lao động - 26/07/2019 20:09 Thu Chinh
Công ty Tôn Nam Kim. Ảnh: Văn Dũng |
Diễn biến vụ TNLĐ
Ngày 13/3/2017, ca 2 làm việc (từ 19 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau) của công nhân chuyền mạ lạnh 1 (Chi nhánh Công ty CP Thép Nam Kim) diễn ra như thường lệ. Vào 19 giờ, nhóm công nhân do anh Nguyễn Thế Thân (Trưởng ca) quản lý tiến hành bảo trì khu tẩy dầu, vớt xỉ chảo mạ, lắp đường ống dẫn tôn từ lò N.O.F (lò đốt không oxy) xuống chảo mạ, nối tôn trong dây chuyền, lắp trục chìm và trục ổn định, dao gió vào chảo mạ.
4 giờ 50 phút ngày 14/3/2017, công nhân trong chuyền bắt đầu lắp vào chảo mạ kẽm bộ trục chìm (làm điểm mốc để tôn chạy xuống), trục ổn định (để giữ tấm tôn không dao động khi chạy lên) và dao gió (thiết bị điều chỉnh độ dày của lớp kẽm mạ). Lúc này, nhiệt độ của chảo kẽm khoảng 6000C.
Đến 5 giờ 40 phút, trong lúc các anh Lê Văn Đua, Hà Văn Xuân, Đinh Thiện Thọ đang lắp ống hơi vào dao gió thì trục chìm trong chảo kẽm phát nổ làm dung dịch nhôm kẽm nóng chảy trong chảo văng bắn ra ngoài, gây thương tích cho 3 công nhân nói trên. 6 công nhân còn lại gồm Võ Văn Phố, Nguyễn Hồng Dũng, Bùi Quốc Việt, Đoàn Văn Sự, Dương Minh Quang, Phạm Tấn Tân, bị thương. Các nạn nhân đã được chuyển đến bệnh viện để cấp cứu và điều trị.
Kết quả giám định thương tật của Hội đồng giám định Y khoa tỉnh Bình Dương kết luận:
Nạn nhân Võ Văn Phố: Bỏng thân mình, tứ chi tổng diện tích 66%, sẹo lồi. Sẹo lồi co rút bàn chân trái, co rút bàn chân phải, cứng khớp hai vai, co rút các ngón tay bên trái, cứng khớp, co rút các ngón tay bên phải và cứng khớp. Tỷ lệ mất sức lao động 93%.
Nạn nhân Nguyễn Hồng Dũng: Bỏng diện rộng rải rác toàn thân, sẹo lành xấu tổng diện tích 60%, mắt phải 10/10, mắt trái sáng tối dương tính, bàn chân phải cụt 3 đốt ngón III, cụt 1 đốt ngón IV. Tỷ lệ mất sức lao động 67%.
Nạn nhân Bùi Quốc Việt: Bỏng độ II 2 tay, 2 chân, tổng diện tích 43%. Tỷ lệ mất sức lao động 54%.
Nạn nhân Đoàn Văn Sự: Sẹo bỏng độ I, II, rải rác thân mình + 2 tay + 2 chân, sẹo xấu tổng diện tích 13%. Tỷ lệ mất sức lao động 24%.
Nạn nhân Dương Minh Quang: Bỏng độ II, III diện tích 10% ở mông, rải rác cánh tay, cẳng tay 2 bên, cổ chân 2 bên. Tỷ lệ mất sức lao động 21%.
Nạn nhân Đinh Thiện Thọ: Bỏng diện tích 0,6% độ II, III ở lưng, mông, rải rác cẳng bàn tay 2 bên rải rác đùi, cẳng chân trái. Hiện đã lành tốt; tỷ lệ mất sức lao động 15%.
Nạn nhân Lê Văn Đua: Bỏng vùng cơ thể chưa xác định, bỏng nhiệt nóng 2% độ II, III rải rác thân mình, cổ, mông, bỏng kết giác mạc.
Nạn nhân Hà Văn Xuân: Bỏng nước kim loại nóng diện rộng khoảng 11% độ II mặt, thân, bàn tay.
Nạn nhân Phạm Tấn Tân: Bỏng vùng cơ thể chưa xác định, mức độ chưa xác định. Bỏng nhiệt nóng 3% độ II mặt, cẳng tay, bàn tay.
Nguyên nhân gây TNLĐ
Ngày 31/2/2017, Phân Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh đã có Kết luận giám định số 1000/C54B về nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do sự cố cháy nổ khí Hydro bên trong lò N.O.F. Từ đó, tạo áp lực nổ thổi văng lớp dung dịch nhôm kẽm nóng chảy bên trong chảo mạ kẽm.
Cơ chế cháy nổ khí Hydro bên trong lò N.O.F diễn ra như sau: Trong quá trình dùng khí Nitơ (N2) đẩy không khí bên trong lò N.O.F ra ngoài đã xảy ra sự cố kỹ thuật khiến cho bên trong lò N.O.F vẫn tồn dư một lượng không khí. Khi đưa khí Hydro (H2) vào, bên trong lò N.O.F hình thành hỗn hợp khí Hydro và không khí đạt đến giới hạn cháy nổ theo phần trăm thể tích (4% - 75%), gặp nhiệt độ cao bên trong lò N.O.F (>5000C), hỗn hợp khí Hydro lập tức cháy cực nhanh trong thể tích kín, gây nổ tạo áp lực lớn thổi văng lớp dung dịch nhôm kẽm nóng chảy bên trong chảo mạ kẽm.
Người có lỗi, hình thức xử lý
Đây là vụ TNLĐ do sự cố kỹ thuật trong quá trình làm việc. Người phải chịu trách nhiệm là Tổng Giám đốc Công ty, phải bồi thường TNLĐ cho các nạn nhân theo quy định tại Điều 144, 145 Bộ luật Lao động và Điều 38 Luật ATVSLĐ.
Biện pháp ngăn ngừa TNLĐ tương tự
Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh Bình Dương đề nghị Công ty CP Thép Nam Kim hoàn thiện quy trình vận hành lò N.O.F. Trong đó, tập trung chú ý khâu nạp khí Hydro và khí Nitơ. Hướng dẫn NLĐ trước khi tổ chức thực hiện. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành và các thông số kỹ thuật tại từng giai đoạn để đảm bảo an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở về ATLĐ đối với NLĐ trong quá trình làm việc.
Ý kiến chuyên gia: Về vụ TNLĐ này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm ATLĐ, Viện Khoa học ATVSLĐ (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhận định: Trong hoạt động sản xuất, việc sử dụng các công nghệ, máy, thiết bị hiện đại hay thủ công đều luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây TNLĐ. Do đó, nhất thiết phải tiến hành nhận diện nguy cơ, đánh giá rủi ro về ATVSLĐ, đặc biệt là các ngành nghề thuộc nhóm 11 ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH. Trong trường hợp TNLĐ này, có thể thấy công tác quản lý về ATVSLĐ của Công ty chưa được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Cụ thể là công tác xây dựng quy trình làm việc an toàn; công tác kiểm tra giám sát thực hiện tuân thủ quy trình làm việc an toàn; công tác huấn luyện ATVSLĐ (05/09 lao động chưa được huấn luyện); công tác nhận diện nguy cơ TNLĐ và xây dựng các giải pháp phòng tránh tai nạn tương ứng các nguy cơ. Bài học rút ra ở đây là: Công ty phải xây dựng các quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn trong từng công việc, từng máy, thiết bị cụ thể; huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ cần đảm bảo chất lượng theo hướng dẫn của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 31/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH; tiến hành nhận diện nguy cơ, đánh giá rủi ro về ATVSLĐ và phổ biến các yêu tố này đến toàn thể lao động theo đúng quy định hiện hành; thông qua việc nhận diện chính xác các nguy cơ TNLĐ, cần xây dựng và triển khai các biện pháp phòng ngừa hiệu quả tương ứng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bổ sung thiết bị giám sát nhằm kiểm soát quá trình hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn. |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 22/11/2024 08:01
Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
Hơn 90% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng. Đây là kết quả cho những nỗ lực đổi mới, đồng lòng trong phong cách phục vụ của cán bộ nhân viên ngành Y.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
Đời sống - 09/11/2024 16:41
Phòng trọ tối thiểu 5m2/người: Công nhân vừa mừng vừa lo
Được ở trong phòng trọ rộng rãi, thoáng mát là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với công nhân lao động sẽ đi kèm với nỗi lo chi phí thuê trọ tăng cao, vì “tiền nào của nấy”…
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định