Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm
Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

- Chạy đi, chạy đi, lũ lại về rồi kìa!

- “Tất cả chú ý, nhanh chóng di chuyển lên khu vực an toàn, dừng tìm kiếm. Tôi nhắc lại, dừng tìm kiếm, di chuyển lên đồi và kiểm tra quân số”, Trung tá Nguyễn Ngọc Ba - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 ra mệnh lệnh.

Phía trên khu vực nhà văn hóa thôn Làng Nủ, tiếng loa phát thanh, tiếng kẻng cảnh báo phát ra từ bình ga nhặt được dưới vũng bùn, hối hả thúc giục.

Lần thứ ba lũ quét đổ về khu vực sinh sống dưới chân núi Con Voi. Lúc này các tổ cán bộ, chiến sĩ đang làm việc giữa lòng suối. Nỗi ám ảnh kinh hoàng về trận sạt lở rạng sáng 9/9 chợt hiện về. Rất may, không có chuyện đáng tiếc xảy ra.

“Nhưng đó cũng là lời cảnh báo về những đồi núi no nước, sẵn sàng sạt lở, đổ ầm xuống bất cứ lúc nào. Không ai được phép lơ là, chủ quan”, Trung tá Nguyễn Ngọc Ba nhấn mạnh.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Tại khu vực tìm kiếm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vẫn bước đi giữa vùng bùn sâu, lội qua khe suối nước chảy xiết như vẫn “âm ỉ” muốn cuốn trôi tất cả.

- Ở đây có mùi lạ và máu, nghi có người, các đồng chí vào vị trí.

- Rõ!

Dứt lời, nhóm 5 chiến sĩ thuộc Trung đội 4 (Đại đội 6) nhanh chóng đứng thành vòng tròn quanh nơi đã được đánh dấu. 2 người đầu tiên nhấc lên một chiếc cọc bê tông đã vỡ, quá nửa chỉ còn trơ lại lõi thép. Sau đó lần lượt những thanh gỗ dát mái nhà, cây cối được di chuyển sang bên cạnh. Nạn nhân được tìm thấy là một cụ bà, cuộn tròn trong chiếc chăn.

Đó là người đầu tiên mà Binh nhất Trần Minh Thảo (21 tuổi) và Hạ sĩ Đàm Văn Sơn (20 tuổi) trực tiếp nâng trên tay và đưa vào khu vực tập kết, nhận diện, an táng. Dù vội, nhưng mấy cậu lính trẻ vừa làm vừa dặn nhau: “Nhẹ thôi nhé, đừng làm bà đau”. Đứng thẫn thờ một góc, tay ôm chặt cột, Minh Thảo dường như chưa hết bàng hoàng, phần vì sợ, phần nhiều vì thương.

Vừa tròn 20 tuổi, Thảo sở hữu vóc dáng cao, làn da đã sạm đen vì nắng. Nhưng cậu thanh niên chưa từng nhìn thấy cảnh tượng tương tự trước đây. Khi được hỏi có sợ không, chàng chiến sĩ quê Phú Thọ quả quyết: “Hoảng nhưng cũng không còn tâm trí để sợ. Trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao tìm thấy người dân càng sớm càng tốt”.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Trái ngược với Thảo, Sơn nhỏ con, ít tuổi nhưng có phần gan dạ hơn. Cậu ta xung phong đứng đầu trong đội hình kéo dây thừng, đưa một thi thể khác từ phía bên kia bờ suối về. Trong các nhiệm vụ khác, Sơn cũng hay “giành phần” đi trước. Ngày hành quân vào làng, khi còn cách “điểm đỏ” khoảng 6km, đường sạt lở nặng, tất cả cán bộ, chiến sĩ phải chuyển sang chạy bộ. Mặc sẵn áo phao, trên tay cầm một vật dụng thô sơ phục vụ đào, xới,..., Sơn vẫn chạy hàng đầu. Cả trung đoàn, quần áo ai cũng lấm lem bùn đất, nhưng “vì dân mà đến, mình chậm giây nào thì dân hoang mang giây đó, vào nhanh với dân là sự thôi thúc duy nhất khi đó”, Sơn nhớ lại.

Mạnh mẽ là vậy, nhưng khi tới nơi, cảnh tượng hiện ra trước mắt đã khiến những người lính trẻ bối rối: Dưới cơn mưa tầm tã, một khoảng đất mênh mông ngổn ngang những cỏ cây, xác động vật, cột nhà, xe cộ,... vùi trong bùn lầy và cả những quan tài được xếp sẵn. Một hàng dài những người đầu chít khăn trắng, gào khóc gọi cha mẹ, gọi con,.. Chẳng ai có thể ngờ một trận đại hồng thủy đã xóa sổ cả một ngôi làng xinh đẹp, quanh năm chung sống thuận hòa. Tất cả đã xác định được nhiệm vụ lần này của mình.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

“Điều duy nhất khiến chúng em sợ nhất là chẳng may bước mạnh quá, sẽ đạp phải một người dân của mình bên dưới; sợ cả những ánh mắt đã đỏ hoe, sưng tấy vì khóc ròng nhưng vẫn đặt hy vọng vào mình của người dân. Nên chỉ biết dặn nhau, mỗi bước đi, mỗi viên đá mà mình nâng lên, hãy cố gắng thật nhẹ nhàng để tránh cho dân. Vì trước đó, họ đã chịu rất nhiều đau đớn rồi”, Thảo và Sơn rưng rưng.

Là một trong những chỉ huy trực tiếp của lực lượng tìm kiếm về Làng Nủ, Trung tá Nguyễn Ngọc Ba liên tục di chuyển qua các khu vực, sốt ruột đứng ngồi không yên, tay luôn trực sẵn bộ đàm. Nếu chỉ lướt qua sẽ thấy anh khá nghiêm khắc với lính của mình. Một thao tác sai sẽ ngay lập tức bị vị “thuyền trưởng” Trung đoàn 98 nhíu mày nhắc nhở.

Nhưng khi được hỏi về những cấp dưới đang làm nhiệm vụ, thái độ anh Ba khác hẳn: “Toàn những thanh niên mới mười tám, đôi mươi, học xong cấp ba là đi lính, va chạm xã hội còn hạn chế. Ấy vậy mà khi tự tay chôn 14 thi thể trong một buổi chiều, hay bắt gặp những thi thể biến dạng, phân hủy trong bùn đất, thậm chí chỉ còn một bộ phận, vẫn phải kiên cường, làm nhiệm vụ bằng lòng quyết tâm cao nhất. Có lẽ các đồng chí ấy đã hiểu về màu áo mình đang mặc, về những mệnh lệnh từ trái tim trong cuộc “đối đầu” đầy cam go với thiên tai lần này”.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Bên cạnh lực lượng trực tiếp tham gia tìm kiếm, Trung đoàn 98 cũng thiết lập thêm 3 vọng canh gác, trực tiếp quan sát 24/24 về nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở để kịp thời báo động, sơ tán người dân.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Cùng Đại đội với Thảo và Sơn, còn có Binh nhất Vương Văn Khải và Binh nhất Nguyễn Đức Quyến, cũng đều vừa tròn 20. Tuy không cùng quê nhưng cả hai lại phối hợp khá ăn ý, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm. Lần thực hiện đưa thi thể bé trai 7 tuổi đang nổi nơi gần lòng cống, cả hai đã xung phong cùng lên gầu máy cẩu để tiếp cận nạn nhân.

- Không ổn rồi Khải ơi, vẫn còn cách 20cm nữa mới với tới chân. Có tấm gỗ, tôi sẽ đứng ra đó, nhưng cần có chỗ bám chắc.

- Nắm chặt tay tôi vào, phía trong này tôi lo, ngoắc chân vào chân tôi. Tin tôi

Cả hai thành công trục vớt thi thể. Quyến sau đó bế hình hài bé nhỏ trên tay. Sơn vòng chân sang làm “đai bảo vệ”, đưa cả ba vào bờ. Nghĩ về một cậu bé chắc còn chưa kịp tròn giấc đã bị cuốn đi trong gang tấc, Quyến không kìm được lòng, đôi bàn tay rắn rỏi với chằng chịt những vết chai sần bỗng run lên bần bật. Thấy vậy, Khải khẽ đặt bàn tay của mình phía dưới, cùng Quyến đỡ người, khẽ vỗ nhẹ như để động viên đồng đội của mình.

Sau khi được làm công tác khử khuẩn, cả hai lại cùng nhau quay về tiếp tục làm nhiệm vụ. Dưới cái nắng gay gắt, có hai bóng người kề vai sát cánh, mang theo chung một lý tưởng: cứu giúp người dân qua cơn hoạn nạn. Hai chiến sĩ trẻ vẫn kịp quả quyết trước khi rời đi: “Không có đồng đội thì không thể hoàn thành nhiệm vụ được, nên những gì chúng em làm được đều là công lao của tất cả toàn đội”.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Nói về tình đồng chí, trong lần thực hiện nhiệm vụ này, có một lực lượng hoạt động “ngầm”, chăm sóc vấn đề ăn, ở và sức khỏe cho đồng đội. Bước ra từ khu vực nấu ăn bằng bếp củi với khuôn mặt lấm lem, đẫm mồ hôi, Thiếu tá Đào Xuân Trình - Phó Chủ nhiệm Ban Hậu cần - Kỹ thuật vừa phủi bụi trên tay áo, vừa rằng: “Phải bếp củi mới đủ sức làm chín được nồi to, nấu cho cả trăm cán bộ, chiến sĩ mà, dùng bếp ga thì cơm không chín đều được”.

Phía góc bếp, khoảng 5 chiến sĩ đang hối hả chuẩn bị bữa ăn cho đồng đội, dưới cái nắng hơn 30 độ C, không gian chật hẹp, ai cũng mướt mát mồ hôi, nhưng chẳng lúc nào ngơi tay. Khẩu hiệu “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” đã thành “phong cách chung” của bộ đội trong mọi lần làm nhiệm vụ, nên phải “nhanh tay để đồng đội đi làm về còn có cái ăn đấy ạ”, một chiến sĩ nhanh nhảu.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

3 giờ sáng, khi các đồng đội vẫn đang ngủ, bộ phận hậu cần đã gọi nhau dậy nấu cơm. Dù còn “ngái ngủ”, nhưng vẫn gắng đi thật nhẹ nhàng, sợ làm bạn mình tỉnh giấc. Những ngày đầu đến làng, xe không đi được, nhóm 3-5 chiến sĩ lại cùng nhau “gánh bữa sáng” phân phát cho các tổ đang lưu trú ở xa. Đồ đựng chỉ đơn giản là những xoong nồi to đã nấu xong, hay túi nilon, miễn sao đảm bảo kịp giờ trước khi 5h30 đội tìm kiếm xuất phát.

Trong từng tốp chiến sĩ làm tìm kiếm, luôn có một y tá lặng lẽ theo sau, trên vai đeo túi thuốc đã sờn vải, cũng phai màu vì bụi đất. Có 8 hướng làm việc, ở hai hướng lớn, mỗi hướng có 1 y sĩ, 6 hướng nhỏ còn lại, mỗi hướng của 1 y tá, nhiệm vụ là quan sát, hỗ trợ kịp thời các đồng chí phía dưới khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, sơ cứu tại chỗ và đưa về vị trí hợp lý để xử trí.

“Thực tế, trong điều kiện làm việc thời tiết thất thường, nhiều giờ ngâm mình dưới bùn, nước, môi trường ô nhiễm, độc hại, việc các cán bộ, chiến sĩ bị viêm da, nước ăn chân,... là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch, bệnh sau khi tiếp xúc các tử thi là nhiệm vụ cần đặc biệt chú trọng”, Thiếu tá Trình cho hay.

Anh Trình vừa dứt lời, một chiến sĩ y tá vội rảo bước qua, hình như đang mải đưa thuốc cảm cho đồng đội bị say nắng. Đưa thuốc xong không quên dặn: “Nhớ ăn no rồi hẵng uống nhé, nếu thấy có dấu hiệu gì bất thường, đồng chí báo tôi ngay”.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Cuối ngày, sau khi nghe các trung đội báo cáo quân số đầy đủ, không chiến sĩ nào bị thương, Trung tá Nguyễn Ngọc Ba mới yên tâm ngồi ăn vội suất cơm đã nguội lạnh từ khi nào. Dù rất tự hào về các chiến sĩ của mình nhưng anh Ba vẫn bảo: “Không lo sao được. Là đồng chí, đồng đội, nhưng tôi cũng coi “chúng” như con, như cháu. Vì thế nên càng thương, thì càng phải nghiêm khắc, không nghiêm khắc thì không có cơ hội rút kinh nghiệm, đặc biệt luôn phải đảm bảo an toàn”.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Từ ngày xảy ra chuyện, người dân Làng Nủ đâm sợ mưa. 23 giờ, đêm 15/9, một cơn mưa lớn bất chợt ập đến, kèm theo sấm sét vang trời. Toàn bộ lực lượng quân đội được huy động cảnh giác cao độ, trang bị sẵn pin, áo phao đầu giường, có lệnh là lập tức triển khai sơ tán, bảo vệ nhân dân. Khoảng 1 giờ sáng, mưa to hơn, tất cả cán bộ được lệnh thức trực để kịp thời nắm bắt tình hình.

Lúc này, một người đàn ông lớn tuổi đi đi lại lại, hai tay đan chặt vào nhau đầy lo lắng, đứng sát chiến sĩ đang gác kẻng.

- Sao đêm rồi bác không ngủ đi?

- Sợ mưa lắm, sợ lũ tiếp, tôi đứng đây với các chú cho yên tâm.

Nghe câu trả lời đầy hoảng sợ của người dân, Đại úy Trần Văn Nam - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 98) có chút bối rối. Anh trấn an:

- Bác cứ về ngủ đi, ở đây có chúng cháu gác rồi, nhưng bác nhớ, khi nào có kẻng, có loa là phải chạy đi ngay nhé!

Người đàn ông lúc này mới yên tâm quay trở về. “Ngay khoảnh khắc ấy, tôi bỗng chững một nhịp. Tôi thương người dân nơi này khi ký ức kinh hoàng vẫn chưa thôi ám ảnh họ, nhưng tôi cũng hiểu, họ đang tin tưởng quân đội thế nào”, anh Nam tâm sự.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Bà Hoàng Thị Pèn (65 tuổi), là người dân trong làng kể lại: “Trong mưa, thấy bóng dáng từng đoàn người nối đuôi nhau về. Trên đầu đội mũ cối, bên ngoài choàng một chiếc áo mưa mỏng, tới gần mới biết là các chú bộ đội. Cả làng thấy thế mừng lắm, tốt rồi, bộ đội về rồi, sống rồi. Bộ đội vất vả lắm, từ sáng dậy sớm, ăn xong là đi ngay, hơn 11 giờ trưa mới được nghỉ, thương lắm”.

Với những người lính cũng vậy, bản chất “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” vẫn luôn được nuôi dưỡng trong trái tim họ. Người dân vẫn truyền tai nhau câu nói về quân đội mỗi khi có thiên tai, hay gặp hoàn cảnh khó khăn thế này: “Quần họ lấm lem bùn đất, áo họ ướt đẫm mồ hôi, tôi không biết họ là ai, nhưng tôi biết họ vì ai mà đến”.

Nhớ lại ngày nhận nhiệm vụ lên Lào Cai khi đang tham gia phòng, chống ngập úng tại huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), chiến sĩ nào cũng vội vã chuẩn bị. Một nhóm lính trẻ ý kiến: “Để chúng em soạn đồ luôn từ bây giờ, mai đi cho sớm, kẻo lên muộn, lại không giúp gì được cho dân”.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Ở Làng Nủ những ngày này, giữa đau thương, vẫn cứ thế sáng lên tình cảm, sự gắn bó máu thịt giữa quân với dân. Nơi xung yếu, điều kiện sống khó khăn, thiên tai luôn rình rập, vẫn có các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 98 có mặt, sẵn sàng xả thân, dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, vì hơn ai hết, họ hiểu rằng, nhân dân cần họ từng giờ, từng phút.

“Gian khổ, thậm chí là hy sinh, mất mát là điều đã được xác định trước, nhưng có khó khăn thế nào cũng phải đi. Chỉ khi tất cả người dân được an toàn, các cán bộ, chiến sĩ đi đủ về đủ, đó mới là lúc nhiệm vụ được hoàn thành”, Đại úy Nam khẳng định.

Với người dân Làng Nủ, bộ đội giống như một điểm tựa giữa lúc cơ cực. Chẳng vậy mà họ sẵn sàng nhường nhà của mình làm chỗ cho bộ đội ngủ, nối nguồn nước sạch về cho các chiến sĩ dùng.

Bà Hoàng Thị Và (61 tuổi) kể: “Có bộ đội về, nhà tôi đỡ trống trải hơn hẳn, các cháu có đồ gì ăn cũng biếu bà, đi làm vất vả nhưng chẳng bao giờ thấy than. Thấy nhà tôi có cháu bé mới sinh, thì dặn nhau nói khẽ, tránh làm em bé giật mình. Nhiều khi tôi thấy đi làm vất vả, đưa cho quả táo, quả lê, mà không dám nhận, bảo bà để dành ăn quà, thế thì ai mà không thương”.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Kết thúc một ngày dài tìm kiếm, chỉ kịp rửa đôi tay còn lấm lem bùn đất, Đại úy Trần Văn Nam vội cầm điện thoại, chạy lên khu đất cao phía sau để “bắt sóng” gọi về cho vợ con. Dường như chỉ trông chờ cuộc điện thoại từ tiền tuyến, đầu dây bên kia nhanh chóng bắt máy.

- Bố nó đã ăn cơm chưa? Hôm nay có mệt không? Có tìm thêm được đồng bào nào không anh?

- Anh ăn no lắm rồi. Không mệt, chỉ buồn vì hôm nay không có ai được tìm thấy thôi. Hai mẹ con ở nhà có vấn đề gì không?

Phía dưới lán trại, suất cơm của anh vẫn chưa được mở.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

- Anh và đồng đội chú ý an toàn nhé! Mẹ con em vẫn ổn.

Hôm nay cu Bin thấy video có bố Nam, cứ gọi “Bố ơi, bố ơi” nhưng không thấy bố trả lời. Thế là quay ra hỏi mẹ “Mẹ ơi, sao bố không nói, hay là bố ghét Bin rồi”?.

Nói tới đây, Đại úy Nam vội quay đi, lén lau nước mắt. Có lẽ, nỗi nhớ về hậu phương vẫn luôn thường trực trong tim người lính. Mở điện thoại xem lại những tấm hình chụp cùng vợ và con trai, anh Nam trải lòng: Làm bộ đội là không được khóc, nhưng quả thực, tôi chẳng thể kìm lòng, thương vợ con, thương người dân, chẳng biết lấy gì bù đắp”.

Nhìn sang phía góc nhà, Đức Quyến trầm tư nhìn xa xăm, hình như cũng đang có tâm sự. Nhà ở thành phố Yên Bái, ngay sát đường cao tốc, nên ngày ngồi xe từ Phú Thọ lên Lào Cai, Quyến thấy nhà mình. Nước dâng ngập hết tầng một, chỉ còn trơ lại phần sân thượng tầng 2. “Nhà có mỗi mình mẹ, em không thể liên lạc được, càng không thể xuống xe, không làm được gì cho gia đình, lòng nóng như lửa đốt. Nhưng rồi tới đây, nhìn khung cảnh đau thương trước mặt, em vẫn phải gác nỗi lòng mình, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ. Bởi em cũng biết rằng, chắc chắn nơi quê nhà, cũng đã có những đồng chí, đồng đội khác đang cứu giúp gia đình mình”, Quyến tâm sự.

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Thời gian gần đây, số nạn nhân được tìm thấy ngày một ít đi. Thời tiết mưa lớn về đêm càng khiến công tác tìm kiếm thêm khó khăn, ai cũng mang nỗi lòng nặng trĩu. Vẫn còn hơn 10 đồng bào chưa được tìm thấy, thiên nhiên diễn biến thất thường như muốn thử thách dũng trí của con người. 300 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 98 vẫn không ngừng nuôi hy vọng, nỗ lực từng phút, từng giờ.

Như lời Đại tá Bùi Thế Dũng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 (Quân khu 2) khẳng định: “Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, thử thách, nhưng với tinh thần, trách nhiệm vì dân, cán bộ, chiến sĩ luôn cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục triển khai các phương pháp phù hợp hơn. Mục đích cuối cùng là làm thế nào nhanh chóng tìm kiếm nạn nhân còn mất tích, giúp nhân dân ổn định cuộc sống càng sớm càng tốt”.

Bạn đang xem bài viết trong chủ đề: CHUNG TAY KHẮC PHỤC BÃO LŨ

Trân trọng mời bạn đọc xem thêm các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY

Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm

Bài viết: Phương Mai

Ảnh, video: Văn Quân

Thiết kế: Hồng nhung