Công đoàn Thừa Thiên Huế đồng hành cùng người lao động ứng phó với mưa bão
Đời sống - 19/09/2024 06:38 ĐÌNH TOÀN
Đảm bảo an toàn đi lại, làm việc cho công nhân
Ngày 18/9, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên HuếLê Minh Nhân đã ký văn bản gửi các đơn vị, cấp công đoàn trực thuộc chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4.
Theo đó LĐLĐ tỉnh yêu cầu các đơn vị, công đoàn trực thuộc khẩn trương ứng rà soát ứng phó với bão, lụt của cơ quan, đơn vị; thực hiện cắt tỉa cành cây, giằng níu, gia cố mái, cửa của cơ quan đơn vị, trụ sở và các biện pháp ứng phó trước, trong và sau bão lụt; chủ tịch công đoàn cơ sở phối hợp với thủ trưởng các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp triển khai các biện pháp ứng phó với bão lụt, tuyên truyền vận động người lao động không được chủ quan và phải tuyệt đối chấp hành các yêu cầu, nội dung, biện pháp ứng phó với bão lụt của chính quyền sở tại và cấp có thẩm quyền.
Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp BCH Quân sự huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế gia cố, xử lý chống sạt lở kè hói Hàng Tổng đoạn qua xã Quảng Phước sáng 18/9/2024. Ảnh: T.B. |
“Liên đoàn Lao động tỉnh có ban hành công văn gửi các đơn vị, công đoàn cơ sở trực thuộc, yêu cầu triển khai nghiêm túc công tác ứng phó với mưa bão. Đặc biệt là đôn đốc công nhân người lao động tránh chủ quan, lơ là, bám sát thông tin cảnh báo của tỉnh, ban ngành về lũ bão để có sự chủ động phòng, tránh trong sinh hoạt, công việc cũng như an toàn tính mạng, tài sản”, đồng chí Trần Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin thêm.
Tại Công ty TNHH MSV (đóng tại Khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy), anh Lê Quý Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công đoàn công ty cho biết, doanh nghiệp đã kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và đội Phòng chống lụt bão của công ty với hơn 30 thành viên.
Ngư dân Thừa Thiên Huế đảm bảo an toàn cho phương tiện tránh trú mưa bão trong sáng 18/9/2024. Ảnh: Đ.T |
Công đoàn phối hợp với công ty triển khai nhân lực ra quân cắt tỉa cây xanh; vệ sinh các hố ga, đường rãnh thoát nước trên mái nhà và xung quanh đường nội bộ nhà xưởng; chằng chống các cây xanh và mái che…; kiểm tra, bổ sung và tập kết về vị trí sẵn sàng các trang thiết bị, công cụ, dụng cụ, phương tiện phòng chống lụt bão.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Công ty thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu, dễ thiệt hại như nhà xưởng, hệ thống thoát nước, thông gió, cây xanh, cửa kính, vách kính, vách tôn... Hệ thống máy móc, dây chuyền, vật tư kho bãi cũng được sắp xếp, che chắn cẩn thận, tránh tình trạng thấm mưa khi có bão lụt. Đặc biệt là lực lượng đội trực bảo vệ 24/24 nhằm nắm bắt tình hình và cấp báo kịp thời.
Công ty TNHH MSV hiện có hơn 1000 công nhân, người lao động, trong đó nhiều người sống ở vùng xung yếu, thấp trũng. “Ngoài những nhiệm vụ trên, chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật thông tin dự báo mưa bão, sàng lọc để thông tin đến công nhân, người lao động những thông tin phù hợp, thiết thực để giúp họ chủ động phòng tránh mưa bão, đảm bảo an toàn.
Công ty chúng tôi có nhiều công nhân ở những vùng thấp trũng, xung yếu, khi nước dâng cao, ngập đường hay nguy hiểm thì công nhân báo tin để xin phép nghỉ làm để đảm bảo an toàn. Những thông tin về đường ngập nặng hay mất an toàn chúng tôi thường cập nhật để thông báo cho công nhân, người lao động.
Chúng tôi cũng thông tin trên loa đài nội bộ, tại các bữa ăn ca; qua nhóm riêng mạng xã hội chúng tôi thông báo, cảnh báo tình hình mưa bão đến các tổ công đoàn, truyền thông đến công nhân, người lao động để đảm bảo an toàn một cách chủ động, hiệu quả”, anh Hoàng nói thêm.
Lực lượng chủ chốt Phòng chống lụt bão của Công ty TNHH MSV ra quân ngày 18/9 để triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ đang gây mưa lớn tại Huế. Ảnh ĐVCC |
Liên quan công tác ứng phó với mưa bão, anh Nguyễn Xuân Nhật - Chủ tịch Công đoàn Công ty HBI Huế (Khu công nghiệp Phú Bài) cho biết thêm, công ty có gần 5.900 công nhân lao động, trong đó khoảng 10% sống ở những vùng thấp trũng nên việc phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn trong mưa bão luôn là ưu tiên hàng đầu.
Để thực hiện việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4, trong ngày Công đoàn Công ty đã thông tin, cập nhật tình hình mưa bão đến công nhân, người lao động, trong đó đặc biệt lưu ý đến những khu vực có lượng mưa lớn, dễ gây ngập đường, xói lở như một số vùng của Phú Lộc, Hương Thủy.
“Công ty cũng đã chặt cây tỉa cành từ cơn bão Yagi và nay tiếp tục kiểm tra, thực hiện để đảm bảo việc đi lại an toàn cho công nhân, người lao động. Chúng tôi có đội ngũ bảo trì của nhà máy và cũng là lực lượng cơ hữu về công tác vệ sinh môi trường, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, tránh mưa bão cho công ty nên thường xuyên chủ động xử lý việc chằng níu mái tôn nhà xưởng, khơi thông cống rãnh mương thoát nước để tránh ngập ứ, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt đi lại cho mọi người trong công ty”, anh Nhật thông tin.
Công nhân và lực lượng phòng, chống lụt bão của Công ty TNHH MSV dùng dây thép để giằng níu, gia cố nhà xưởng ứng phó với ATNĐ có thể mạnh lên thành bão số 4. Ảnh: ĐVCC |
Người lao động không được chủ quan, lơ là
Theo ghi nhận, sáng 18/9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa lớn. Trong sáng sớm cùng ngày đã xảy ra trận lốc xoáy làm tốc mái nhà của 12 hộ dân tại xã Phú Hồ và Phú Xuân, huyện Phú Vang. Lực lượng phòng, chống thiên tai địa phương và người dân đã nhanh chóng khắc phục, lợp lại mái nhà, gia cố chằng níu để sớm ổn định lại đời sống.
Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 19-21/9 trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200-350mm, có nơi trên 600mm. Đáng chú ý, tại các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Thủy..., nơi mà hằng ngày công nhân, người lao động đi lại rất đông đều có các tuyến đường thấp, dễ ngập lụt.
Ghi nhận tại huyện Quảng Điền, ngay trong sáng 18/9, lực lượng dân quân thường trực xã phối hợp với 20 cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp Ban Chỉ huy Quân sự huyện tổ chức gia cố, xử lý chống sạt lở kè hói Hàng Tổng đoạn trước cống Mai Dương, xã Quảng Phước.
Tại đây, lực lượng đã tổ chức sử dụng rọ lưới gia cố kè bằng đá hộc cùng với phủ bạt với tổng chiều dài gần 50m. Đây là tuyến đường có nhiều người dân, người lao động, học sinh đi lại, đe dọa mất an toàn trong mưa lũ lớn nếu không xử lý kịp thời.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 50 điểm nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, trượt lở, sụt lún đất đá đồi núi. Cơ quan này cũng đã yêu cầu đơn vị, địa phương căn cứ vị trí cảnh báo khẩn trương bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven đồi núi, ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu, địa bàn dễ bị chia cắt.
Các địa phương cắm biển cảnh báo ở các ngầm, tràn, đoạn ngập sâu, nước chảy xiết, đoạn bờ sạt lở; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố.
Người dân xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế lợp lại mái nhà bị lốc xoáy làm hư hỏng sáng 18/9/2024. Ảnh: UBND xã Phú Hồ. |
Sáng 18/9, đồng chí Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, trước tình hình mưa bão số 4, lãnh đạo đơn vị này đã có chỉ đạo đến các công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng đảm bảo an toàn trong sản xuất và đi lại.
“Chúng tôi thường xuyên nắm bắt thông tin và cảnh báo về bão lũ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chúng tôi cũng liên lạc với sở ngành của tỉnh để cập nhật các điểm, tuyến đường ngập lụt nguy hiểm để thông tin đến công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp cũng như công nhân, người lao động.
Đặc thù của công nhân và người lao động ở Thừa Thiên Huế làm việc tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn có nhiều tuyến đường mà mùa mưa lũ dễ bị ngập lụt. Vì vậy chúng tôi luôn nhắc nhở, chỉ đạo công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp lưu ý anh em cần hết sức cảnh giác”, đồng chí Nam nói.
Liên quan đến sự an toàn của lực lượng lao động, thuyền viên của tỉnh, trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, ông Đặng Văn Hòa cho biết, đến 11 giờ 30 trưa 18/9, phương tiện trên biển cuối cùng của tỉnh với 9 lao động đã cập bờ tránh trú mưa bão. Như vậy đến trưa nay toàn bộ khoảng 1.884 phương tiện tàu thuyền với gần 11.000 lao động của tỉnh đã được vào bờ tránh trú áp thấp nhiệt đới, mưa bão.
Xem video: Mưa lớn tại Thừa Thiên Huế do ATNĐ ngày 18/9/2024.
Đà Nẵng mưa lớn, người lao động gặp khó khăn khi đi làm Trước tình hình mưa to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều đoàn viên, người lao động gặp khó khăn khi di chuyển, ... |
Dựng xây lại Làng Nủ Theo thông tin mới nhất, Làng Nủ (Lào Cai) mới sẽ được xây cách làng cũ 3km với diện tích 5ha, dự kiến hoàn thành ... |
Cần quy định rõ công đoàn là ủy quyền đương nhiên bảo vệ người lao động trước tòa Luật Công đoàn cần quy định rõ, công đoàn là đại diện đương nhiên đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
Đời sống - 09/11/2024 16:41
Phòng trọ tối thiểu 5m2/người: Công nhân vừa mừng vừa lo
Được ở trong phòng trọ rộng rãi, thoáng mát là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với công nhân lao động sẽ đi kèm với nỗi lo chi phí thuê trọ tăng cao, vì “tiền nào của nấy”…
Người lao động - 06/11/2024 19:48
Lao động nhập cư và làn sóng “bỏ phố về quê”
Nhiều năm gần đây, người lao động nhập cư ở nhiều thành phố, đô thị lớn dần có xu hướng quay trở về quê hương làm việc. Có nhiều yếu tố tác động đến quyết định này, trong số đó là quan điểm “muốn về gần nhà” và sự thay đổi trong chính sách thu hút nhân lực của các địa phương.
Người lao động - 06/11/2024 13:43
Hàng trăm công nhân tham gia Giải chạy tiếp sức Ekiden lần thứ 2
Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc vừa tổ chức Giải chạy tiếp sức Ekiden lần thứ 2, thu hút sự tham gia của vận động viên tại 17 doanh nghiệp.
Đời sống - 04/11/2024 18:36
Sống xa cha mẹ, con công nhân dễ sống khép kín, thiếu tự tin
Có đến 30,2% trẻ em từ độ tuổi 0 đến dưới 16 là con của công nhân đang phải sống xa cha mẹ. Điều này khiến trẻ đối mặt với nguy cơ thiếu thốn tình cảm và giảm khả năng phát triển toàn diện.
Đời sống - 03/11/2024 12:02
Vay lãi suất thấp, công nhân bị loại vì… thu nhập cao!
“Tôi nghĩ thu nhập càng cao thì càng dễ vay vốn, vì có đủ khả năng trả nợ, đằng này hồ sơ của tôi lại bị loại”, một nam công nhân chia sẻ khi nói về những quy định mới thuộc Thông tư 33 của Ngân hàng Nhà nước.
- Tự thú của một tín đồ mua sắm: "Mua sắm cũng có thể gây nghiện. Thật đấy!"
- Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
- Người lao động có cần thiết phải tìm việc tại các thành phố lớn?
- Vượt lên từ số phận không may mắn, quyết tâm hoạt động thiện nguyện để sống ý nghĩa hơn
- Thở ở Hà Nội