Giáo viên "4 không" và những bất cập mang tên chính sách
Người lao động - 19/12/2024 18:21 YẾN NHI
Giáo viên công tác ở vùng cao “3 không”
Thầy giáo Đinh Văn Huấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mai Long (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cho biết nhiều thầy, cô giáo công tác ở vùng cao “3 không - không đường, không điện, không sóng điện thoại”, đặc biệt có những nơi “4 không - không đường, không điện, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt”.
“Buổi tối soạn giáo án phải buộc đèn pin trên đầu, điện thoại “cục gạch” được treo bằng dây cố định ở một nơi nào đó thỉnh thoảng mới có thể được nghe tiếng gọi của người thân trong gia đình. Tại một số điểm trường vùng cao, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra quanh năm, trong đó vào thời điểm mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm) càng trở nên trầm trọng. Nguyên nhân chính là do các trường, điểm trường được xây dựng trên vị trí cao, thuộc vùng khô hạn, không có nước hoặc ở xa nguồn nước nên không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt”, thầy Đinh Văn Huấn chia sẻ.
Thầy giáo Đinh Văn Huấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú PTHCS Mai Long, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Văn Duẩn |
Theo thầy Huấn, một trong những khó khăn đối với cán bộ, giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là thiếu và không có nhà ở công vụ.
“Trong những ngày mưa, gió thầy cô nằm ngủ tại phòng bán trú chỉ lo gió to tốc mái, chẳng ai bảo ai, thầy cô tự chui xuống gầm giường, nơi an toàn nhất trong những căn phòng công vụ tạm bợ làm bằng gỗ, tranh tre, xiêu vẹo, được che chắn tạm bợ bởi những tấm bạt", thầy Huấn nói, cho biết thêm rằng xã Mai Long, nơi thầy đã gắn bó 15 năm, cách TP Cao Bằng trên 120 km, nơi ở của các thầy cô điểm trường trong xã là những căn phòng ghép gỗ, nền đất, lợp fibro xi măng, ẩm thấp được phụ huynh học sinh và giáo viên dựng lên ở tạm nhưng lại thành ở thường xuyên và lâu dài.
Nhà ở công vụ của giáo viên vùng cao của tỉnh Cao Bằng - Ảnh: Văn Quân |
Bà Thái Thị Mai - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Sơn La, cho biết rất nghẹn ngào khi chứng kiến những căn phòng công vụ tạm bợ, tồi tàn, rét mướt và nhiều hiểm nguy.
“Có mặt tại Trường Mầm non Hoa Đào, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, chúng tôi đã chứng kiến được cảnh 3 - 4 giáo viên phải tá túc trong một căn phòng với diện tích khoảng 15m2 nhưng cũng hết sức tạm bợ và còn nhiều giáo viên chưa có chỗ ở phải thuê nhà dân. Điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của các giáo viên. Nhiều giáo viên ở cách xa nhà trường 40-50km nhưng không có phòng để ở đành chắt bóp từ khoản tiền lương ít ỏi để thuê nhà dân, chi phí khoảng 400.000 đến 500.000 đồng/tháng… Đó là chưa kể đến việc giáo viên thuê nhà dân để ở trong điều kiện sinh hoạt chung cùng gia đình khá nhiều bất lợi, nhất là công tác chuẩn bị bài giảng cho mỗi ngày", bà Mai chia sẻ.
Căn nhà công vụ của thầy giáo Triệu Khánh An. Xem chi tiết tại: Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi đỉnh trời |
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, chia sẻ: "Chúng tôi cũng đã đi giám sát, tiếp xúc cử tri ngành Giáo dục, đến nhiều cơ sở giáo dục, đến nhiều nhà công vụ của các thầy các cô đặt cạnh nhà bán trú cho học sinh. Có thể các nhà đầu tư dựng nhà ở cho học sinh dù còn khó khăn nhưng vẫn có phòng ốc, cửa kín, giường ngủ… còn khi sang nhà ở của các thầy cô đúng là hình ảnh đối nghịch. Các thầy các cô không phàn nàn nhưng hình ảnh đó quá đau lòng. Chính sách cho nhà giáo đã tính, đang tính và sắp tính là câu chuyện lâu dài".
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết theo báo cáo của các địa phương, hiện nay trên cả nước đã đầu tư xây dựng khoảng hơn 50.000 căn nhà ở công vụ cho giáo viên tại những khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, số lượng này chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng nhiều nhà công vụ cấp 4 xây từ 10 - 15 năm đã xuống cấp.
Những bất cập mang tên “chính sách”
Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh điều kiện sống và làm việc còn quá nhiều khó khăn thì hiện tại chế độ, chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn vẫn còn nhiều bất cập.
Theo cô Chiêm Thị Bạch Yến - Trường Mầm non xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, quá tải về thời gian làm việc là một trong những vấn đề lớn nhất đối với giáo viên mầm non hiện nay.
Cô Yến nêu, Điều 4 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định về giờ dạy của giáo viên mầm non. Theo đó, giờ dạy trên lớp của giáo viên mầm non được quy định 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần; nhưng trên thực tế thời gian làm việc của giáo viên mầm non dạy bán trú từ 10 đến 11 giờ/ngày.
“Hầu hết giáo viên mầm non phải có mặt trước 6h45 để chuẩn bị đón trẻ và đến chiều 4h30 mới trả trẻ. Sau đó họ phải ở lại để vệ sinh lớp, chuẩn bị cho các hoạt động của ngày hôm sau. Ngoài ra, khi về nhà giáo viên mầm non còn phải giành thời gian để soạn giáo án, làm hồ sơ, đồ dùng đồ chơi, tranh ảnh trang trí môi trường giáo dục theo từng chủ đề... còn thời gian rất ít dành cho bản thân và gia đình”, cô Yến bộc bạch.
Cô Trịnh Thị Sen, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, cho biết dù có các chính sách ưu tiên về lương và phụ cấp cho giáo viên vùng cao nhưng mức thu nhập vẫn không đủ để trang trải cuộc sống.
Theo cô Sen, thu nhập đối với giáo viên hiện còn thấp, chủ yếu là tiền lương nên chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều này khiến cho nhiều giáo viên không thể gắn bó lâu dài với nghề.
“Nhiều giáo viên phải sống xa gia đình và con cái gây khó khăn trong việc ổn định cuộc sống. Năm học 2023-2024, tỉnh Hà Giang có hơn 120 giáo viên xin chuyển công tác về các tỉnh khác. Điều đó làm cho tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh Hà Giang càng trở nên cấp thiết và nan giải hơn”, cô Sen nói.
Cần cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn
Để giải bài toán khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên vùng cao, cô Trịnh Thị Sen cho rằng "an cư lạc nghiệp" có thể coi là giải pháp để giữ chân giáo viên gắn bó với nghề.
"Chúng tôi chỉ mong được Đảng, Nhà nước và các cấp quan tâm hơn nữa đối với những chính sách cho giáo viên vùng cao như: cần có cơ chế giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với những giáo viên công tác lâu năm (15 năm trở lên) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cạnh đó, có phương án đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất như phòng học bộ môn, nhà công vụ dành cho giáo viên, nhà ở bán trú, nội trú cho học sinh…", cô Sen bày tỏ.
Các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy chất lượng giáo viên vùng khó khăn.
Thầy Đinh Văn Huấn cũng đề nghị trong quy hoạch trường, lớp tại các trường, điểm trường cần quan tâm dành quỹ đất, nguồn lực xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho giáo dục tại các địa bàn khó khăn, biên giới để nâng cao chất lượng dạy và học.
Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo công tác tại vùng khó khăn mong muốn sớm có phương án, chính sách luân chuyển cán bộ hợp lý, minh bạch và công bằng để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên khi đủ thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có nguyện vọng được về công tác tại các khu vực thuận lợi hơn.
Cô Chiêm Thị Bạch Yến kiến nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non để thu hút được giáo viên và giúp các cô yên tâm công tác. Đồng thời, đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định, bởi với công việc chăm trẻ và thời gian lao động dài từ 10 đến 11 tiếng/ngày, các cô giáo đã quá 55 tuổi không đủ sức khỏe, tinh mắt và sự nhanh nhạy để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.
Bà Thái Thị Mai đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu, ban hành chính sách tổng thể hỗ trợ làm nhà công vụ cho đội ngũ giáo viên để họ yên tâm công tác, toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp trồng người, vì sự phát triển bình đẳng của con em các dân tộc.
Từ góc độ là cơ quan thẩm tra đối với Dự án Luật Nhà giáo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khẳng định, chính sách cho nhà giáo vùng cao là một trong những trọng tâm của chính sách nhà nước đã được khẳng định trong Luật Nhà giáo sắp tới.
“Điều 6 của Dự án Luật Nhà giáo có 9 khoản thì có riêng 2 khoản dành cho nhà giáo vùng cao. Đặc biệt, vấn đề luân chuyển, điều động, tuyển dụng giáo viên đưa ra trong Luật Nhà giáo lần này nếu được thông qua thì đây sẽ là một sự đột phá trong chính sách đối với nhà giáo, giải quyết được câu chuyện ngành Giáo dục sẽ “nắm” được đội ngũ của mình thay vì thẩm quyền thuộc về ngành nội vụ như hiện nay”, bà Mai Hoa nhấn mạnh.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: T.Yến |
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: "Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới các nhà giáo và các chính sách mỗi ngày một tiến bộ và ưu việt để hỗ trợ và giữ chân các nhà giáo. Đồng thời, thực tiễn cũng cho thấy nhiều địa phương và tổ chức Công đoàn bằng các hoạt động khác nhau rất quan tâm chăm lo chia sẻ về mặt tình cảm và ủng hộ về vật chất giúp các nhà giáo công tác ở vùng khó khăn giảm bớt những khó khăn vốn có”.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy vẫn còn những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc một số chính sách trong quá trình thực hiện không đạt kết quả như mong muốn do những điều kiện khác nhau.
“Do đó, trước mắt chúng ta phải tiếp tục thực hiện tốt những chính sách hiện đang có. Trong đó, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn phải tham gia giám sát cùng với các địa phương. Đồng thời, trong quá trình xây dựng kế hoạch đề án nhà công vụ của các địa phương thì công đoàn phải thực hiện tốt vai trò trong vấn đề phản biện xã hội, tham gia sâu hơn nữa vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Đây vẫn được khẳng định là một trong những biện pháp bảo vệ người lao động từ xa, diện rộng và hiệu quả", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Công đoàn ngành Giáo dục An Giang tích cực chăm lo đời sống đoàn viên Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục An Giang Nguyễn Chí Sơn, hoạt động công đoàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật ... |
Dự thảo Luật Nhà giáo: Ưu tiên về tiền lương, chính sách đãi ngộ Ngày 8/10, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai đối với dự thảo Luật Nhà ... |
Tín hiệu vui sau phóng sự “Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi đỉnh trời” Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Cao Bằng nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện đề án xây mới, sửa nhà công vụ cho đoàn viên ... |
Những giáo viên kiên trì bám bản, “gieo" chữ giữa rừng xanh Điểm trường 179 - Trường Tiểu học Liêng Srônh, huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) cách trường chính gần 60 cây số, nằm khép mình ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 19/12/2024 19:37
Doanh nghiệp thưởng “khủng” để giữ chân người lao động
Tình hình thưởng Tết liên tục được cập nhật với những tín hiệu vui dành cho người lao động. Ghi nhận của PV tại địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đời sống - 19/12/2024 18:24
Chủ nhà trọ - cầu nối quan trọng giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe cho công nhân
Những năm gần đây, các khu công nghiệp ngày càng thu hút đông đảo lao động từ khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những vấn đề nhức nhối về điều kiện sống và kiến thức sức khỏe của người lao động.
- Vượt lên hoàn cảnh khó khăn nhờ vòng tay công đoàn
- Doanh nghiệp thưởng “khủng” để giữ chân người lao động
- Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Chủ nhà trọ - cầu nối quan trọng giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe cho công nhân
- Giáo viên "4 không" và những bất cập mang tên chính sách