Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

“Nguyện vọng của các thầy là có thêm một hai phòng công vụ nữa, nhất là xây nhà vệ sinh vì giờ cũng không có”.

- Vậy các thầy đi... ở đâu?

“Phải đi nhờ nhà dân. Cũng xa đấy. Từ đây đi mất mấy phút”.

- Đi nhờ như vậy các thầy có ngượng không?

“Có chứ! Nhưng biết sao bây giờ?”

Gần chục năm qua, thầy giáo Nông Văn Phán vẫn chỉ ước có hai thứ: Nhà công vụ và nhà vệ sinh.

Điểm trường Lũng Mần nơi thầy Phán công tác nằm ở xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Điểm trường được bao quanh bởi bạt ngàn mũi đá lởm chởm, khô khốc.

Người Cao Bằng từ lâu truyền tai nhau một câu nói: “Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh, lạnh Đồng Mu, sương mù Lũng Pán”. Cái khổ của xã Đức Hạnh có điểm trường Lũng Mần đã đi vào lời truyền miệng của bà con như thế.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Sống giữa nơi quanh năm khổ khát vì “đói” nước, thực ra các thầy cô cũng có nhà công vụ. Căn nhà lắp ghép, lợp tôn, tường trát thạch cao, chia 3 phòng nhỏ dựng từ năm 2018. 7 giáo viên bàn nhau ở ghép. Còn lại một thầy buộc phải sinh hoạt dưới nhà bếp.

Ở đây, việc có cái nhà vệ sinh cũng là một ước mơ xa xỉ.

“Trước đây cũng làm nhưng do trường thiếu đất, phải làm trên đất của dân. Đến kỳ nghỉ hè, các thầy về quê, người ta cũng phá đi”, thầy giáo quê huyện Trùng Khánh nói.

Chẳng riêng thầy Phán, đâu đó khắp 9 huyện của tỉnh Cao Bằng, mỗi ngày trôi qua là một ngày giáo viên phải chiến đấu chống lại thiên nhiên và điều kiện sống khắc nghiệt trong sự thiếu thốn chỗ ở và mất an toàn tới mức đáng báo động.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Trưa tháng Tư, sau buổi lên lớp, cô giáo Hoàng Hồng Hạnh cùng các đồng nghiệp quét dọn mảnh vỡ của các tấm fibro xi măng vương vãi sau căn nhà gỗ. Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt đỏ au. Các thầy cô vừa làm vừa bàn cách khắc phục hậu quả.

Nhưng hơn cả, các thầy cô đang tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho nơi ở và sự an toàn của chính mình - một nhu cầu cơ bản mà lẽ ra họ không phải lo lắng.

“Sắp tới mình tính thế nào chị nhỉ?”

“Chị định nhờ anh Phấu trưởng xóm hoặc các phụ huynh sửa lại tấm ngói này, hoặc đề xuất trường cho thay tấm mới”, cô Hạnh ngước lên lỗ thủng to bằng cái rổ, nói với đồng nghiệp.

“Bên này cũng phải lắp lại thôi. Đặt đá lên để cho nó không bay mới được… Mình phải sửa lại nhà tắm nữa. Mấy tấm bạt đằng sau nhà bị bật ra hết rồi, mưa sẽ hắt vào…”.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Trường Tiểu học Nặm Pắt nằm chênh vênh trên một ngọn đồi của huyện Bảo Lạc. Cơn mưa lớn kèm theo gió mạnh rạng sáng 21/4 đã hất tung mái ngói phòng hiệu bộ và đầu hồi khu nhà giáo viên.

Tiếng loảng xoảng ngói vỡ và tiếng xạc xào chao đảo của những ngọn cây khiến cô Hạnh thức dậy trong hoảng sợ. Qua tấm phên mỏng ngăn giữa các phòng, 7 giáo viên gọi tên nhau để biết rằng tất cả vẫn ổn.

Căn nhà ghép gỗ kêu cót két, rung lên bần bật. Gió len vào các kẽ hở, thổi phập phồng những tấm bạt phủ bên trong mảng tường. Nhà tắm quây tôn dưới góc sân chẳng mấy chốc cũng bị thổi bay.

“Chúng tôi rất sợ, chỉ biết bảo nhau cố thủ trong phòng. Chỉ sợ cây đổ xuống mái nhà, sợ mái nhà bay mất. Ai cũng chuẩn bị tinh thần chui xuống gầm giường rồi. Mùa mưa bão thường là như vậy”, cô Hạnh chia sẻ sau khi đã gom xong một đống ngói vụn đen kịt bồ hóng.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Cô Hạnh quê ở Bắc Cạn, lên Cao Bằng giảng dạy gần chục năm nay. Khoảng thời gian đủ để thấm nỗi nhọc nhằn không chỉ ở khía cạnh chuyên môn. Thực tại khiến cô quên cả quãng đời “ngây thơ và vẫn hay tưởng tượng” hồi sinh viên.

“Ai chẳng mong cuộc sống giáo viên được tốt; được dạy ở những trường phát triển hay được ở trong những nhà công vụ tốt hơn hả anh?”, cô giáo lớp 4 hướng đôi mắt buồn về phía khác, như lảng tránh một nỗi niềm chất chứa từ lâu.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Điểm trường này là nơi thứ ba cô dừng chân trong hành trình của mình. Học sinh mỗi nơi một khác, còn chỗ ở chẳng hề khá hơn.

Nơi sinh hoạt của cô và đồng nghiệp chừng vài mét vuông, bốn bề ghép gỗ, cột kèo mối mọt. Các phòng đều chung kiểu “thiết kế”. Có một đống tro được vun gọn ghẽ dưới chiếc kiềng 3 chân ngay góc trái cửa bức bàn. Đối diện là xoong, nồi, mắm, muối. Túi hành khô hoặc túi rau đã héo treo trên chiếc đinh cạnh đó... Đi thêm 2 bước chân sẽ tới cái phản vừa đủ một người nằm. Mắc quần áo treo kín phía trên. Các cô ăn, ngủ, soạn bài ở đó.

Nhưng công việc của họ không chỉ có giảng dạy. Ở đây họ còn là thợ sửa chữa. Thỉnh thoảng, họ bỏ tiền mua bạt căng dưới trần nhà và bọc khoảng tường gỗ xung quanh để chống dột, chống lạnh...

“Việc nào dễ thì tự làm, việc khó thì nhờ phụ huynh hay trưởng xóm giúp”, cô Hạnh chia sẻ. “Nếu mà có mưa lớn thì thì vẫn nơm nớp lo sợ, và giấc ngủ thì không yên”.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Nhưng, nỗi bất an và nỗ lực tìm kiếm một giấc ngủ yên bình sau mỗi buổi lên lớp đâu chỉ của riêng cô Hạnh?

Ở nơi thường xuyên giông lốc vào mùa Hè và mây mù bao phủ, trời lạnh thấu xương mỗi mùa Đông, nhà ở của các thầy cô điểm trường Khuổi Hẩu, Trường Tiểu học Mai Long, huyện Nguyên Bình nằm cạnh con đường mòn.

Căn nhà ghép gỗ, nền đất, lợp fibro xi măng thấp lè tè, nằm cạnh cái chuồng trâu của một hộ dân. Nó được đồng bào người Dao ở đây dựng lên, như một sự trả ơn những người đã đem cái chữ đến cho con em của mình.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Căn nhà như một biểu tượng của tình người và sự trắc trở mong manh.

Dù hằng năm, trước mỗi dịp khai trường, căn nhà đều được tu sửa bởi bàn tay thầy cô và các phụ huynh nhưng vẫn có nguy cơ đổ ụp xuống thung lũng bất cứ lúc nào.

Vậy mà, nhiều năm qua, đây là chốn nghỉ ngơi của 6 thầy cô. Chẳng còn lựa chọn nào khác, họ bảo nhau ngăn thành từng căn phòng nhỏ để ở. Ở đây, họ phải tự làm thân với nỗi sợ. Cũng nơi đây, họ phải tự tìm cách để tồn tại.

“Sợ nhất là trận mưa đá cách đây mấy năm. Lúc mưa đá rơi xuống ầm ầm ầm, mọi người bảo nhau chui hết xuống dưới gầm giường”, cô giáo Đặng Thị Hằng chia sẻ về một kỷ niệm đáng quên.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Thầy giáo Lường Văn Tùng tỏ ra bình thản: “Đấy là chuyện chuyện bình thường của các thầy cô tại điểm trường này”.

Thầy giáo quê Bắc Kạn không nhớ nổi đã bao lần phải chui xuống gầm giường tránh mưa, tránh lốc và sẵn sàng cho điều tồi tệ có thể xảy ra.

Nhưng khổ nhất là vào mùa Đông. Trời lạnh, buốt thấu xương. Thầy cô mua bạt quây quanh nhà ngăn gió lạnh, nồm ẩm. Suốt mấy tháng, căn nhà chìm trong lớp sương mù dày đặc. Sương len lỏi vào từng phòng, không nhìn rõ mặt người.

Mỗi buổi sáng, trước giờ lên lớp, thầy Tùng cuộn hết chăn màn cho vào cái túi nilon. Có lần thầy quên, chăn màn ướt sũng. Suốt mấy đêm phải nằm co ro vì lạnh.

Mỗi cuối tuần, thầy Tùng sẽ đi xe máy hơn 100 cây số về quê để giặt giũ quần áo, phơi phóng. “Chẳng ai giặt quần áo ở đây vì có phơi cả tháng cũng không khô”, thầy nói.

“Với chỗ ở hiện tại thì chúng tôi chưa thể an tâm công tác được”, thầy Lường Văn Tùng bộc bạch.

Nhưng, họ vẫn ở đây, không chỉ vì đam mê nghề nghiệp, mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng, dù cho cuộc sống cá nhân phải đánh đổi nhiều thứ. Trong đó có cả những đêm thấp thỏm không yên.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Trong khoảng sân của điểm trường chính, cô giáo Tạ Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Long, huyện Nguyên Bình khái quát nhanh về thực trạng với những con số biết nói: 6 điểm trường, 4 điểm trường chưa có điện, phải mua điện nhà dân, và “không hề có nhà công vụ nào”.

Chỉ vài năm trước, lúc đường sá đi lại còn khó khăn, dốc cao, vực sâu, đi vào điểm trường xa nhất tới 15 cây số, đá lởm chởm những hòn “to như cái đầu người”, cô Huyền chứng kiến những câu chuyện không thể nào quên trong đời nhà giáo.

“Có cô giáo trẻ mới nhận công tác, được người yêu đưa vào, lúc đầu háo hức nhưng đến trường chính thì đã khóc rồi. Thế nhưng các cô phải dạy ở các điểm trường. Đường đi hiểm trở. Người yêu đưa vào không nói năng câu nào. Lên đến điểm trường thì chào tạm biệt người yêu ra về. Một tuần sau cô ấy gặp tôi nói: Người yêu bỏ em rồi, chị ơi! Bỏ vì lý do ở xa quá người yêu không chấp nhận được”, cô Huyền kể lại.

Có cô giáo được người yêu đưa lên điểm trường, ở hẳn một tuần. Không nước, không điện, không nhà công vụ. Cả hai đi ở nhờ nhà trưởng xóm. “Hết một tuần, anh người yêu trở về, rồi cũng bỏ luôn”.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

“Trường hợp khác, người yêu đưa lên điểm Cốc Mìa thì gặp lúc người ta đang xẻ đá, không thể đi được nữa. Anh này trở về, còn cô ấy ngồi khóc, điện cho tôi bảo chị ơi em không đi được nữa. Tôi lên thấy cô ấy đang ngồi khóc tu tu, bảo chị ơi cho em quay lại tại vì người yêu bỏ về rồi. Tôi ôm cô ấy vào lòng, nói thôi tốt nhất là em bỏ người yêu chứ em không được bỏ nghề. Không ai ôm được em cả đời đâu. Tôi động viên rồi đưa cô ấy lên điểm trường. Đó là cái nhà mái tranh, chẳng có gì, nhà công vụ chẳng có…”.

“Thời điểm ấy chúng tôi phải làm công tác tư tưởng rất ác liệt. Có một số trường hợp không chịu được người ta bỏ”, cô Huyền nói.

Ngay cả bây giờ, dù đã xóa được các lớp học tạm nhưng các cô giáo thì vẫn chưa thoát cảnh ở tạm. Có người dựng tạm cái lán mà ở, hoặc ở ngay cuối lớp, có người phải xin ở nhờ nhà dân. Nhiều khi các ông chồng lên thăm, thấy vợ khổ quá, nhăn mặt, cô Huyền phải động viên, làm tư tưởng để họ cảm thông cho vợ tiếp tục bám lớp, bám trường.

“Các thầy cô rất là mong mỏi có nhà công vụ. Mưa to, sấm chớp không bao giờ yên thân cả”, cô Huyền nói thay tâm tư của tập thể giáo viên nhà trường.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Bảo Lâm hiện có 44 trường và 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Toàn huyện có 223 điểm trường.

Ông Hà Văn Hùng - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, nói rằng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục của huyện nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là nhu cầu kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên…

Mặc dù huyện đã rất quan tâm, từng bước đầu tư, nhưng do nguồn lực có hạn nên chưa thể đáp ứng nhu cầu.

“Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện đến giờ phút này thiếu 292 phòng công vụ”, ông Hùng nói chiều 20/4/2024.

Ông Hùng nhấn mạnh những khó khăn: Một là, đa số trường học thiếu quỹ đất xây dựng; hai là, kinh phí xây dựng ở các điểm vùng sâu đội lên rất cao, bởi các điểm trường xa xôi, có nơi ô tô không chở vật liệu vào được, phải thuê người chuyển bộ, hoặc chuyển bằng xe máy…

Các thầy cô công tác tại huyện Bảo Lâm phần lớn là người địa phương khác, ai cũng có nhu cầu về nhà công vụ. Nhưng “có những trường lên đến 50 giáo viên mà phòng công vụ chỉ có 8”.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Không có phòng ở, các thầy cô tìm trọ dưới thị trấn hoặc trung tâm xã. Nhiều cô giáo mầm non dùng tạm một góc lớp để ngả lưng khi trò tan học.

“Năm ngoái, sau khi có kết quả tuyển dụng viên chức, có hai thầy cô đã đến nhận công tác nhưng sau một thời gian ngắn lại xin thôi việc”, ông Hùng nói. “Việc phải công tác xa gia đình, công tác ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu nhà công vụ ảnh hưởng đến tâm lý các thầy cô”.

Ông Hùng rất trăn trở bởi địa bàn không những thiếu nhà công vụ mà còn đang thiếu 136 giáo viên so với tổng chỉ tiêu biên chế được giao.

Điều này khiến vị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bảo Lâm “đau đầu chưa biết xoay xở thế nào”.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Cách đó hơn 100 cây số, ở nơi mà những con đèo đã bớt hiểm trở và những mái đầu học sinh không khô bết cứt trâu vì “đói” nước, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc vừa được vào biên chế của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mai Long (huyện Nguyên Bình).

Cô giáo dạy Toán cấp II nói rằng đấy là một kỳ tích, và rằng cô đã toại nguyện ước mơ đỗ viên chức sau nhiều năm phải dạy hợp đồng ở một ngôi trường thuộc thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn – ngay dưới chân đèo Gió.

Đó là buổi sáng ngày 19/2/2024. Cô Ngọc trở thành viên chức. Cha cô, người từng dành cả cuộc đời “gieo chữ” vùng cao đã mở bữa tiệc nhỏ ăn mừng. Chồng cô, một lao động tự do cũng khấp khởi niềm vui, dù chẳng mấy khi anh bộc lộ cảm xúc. Thậm chí, anh mông lung chẳng rõ viên chức nghĩa là thế nào.

Chỉ biết sau ngày đó, vợ chồng anh và đứa bé sơ sinh được phân một phòng ở ngay phía sau trường.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

“Em dạy học xa nhà, chồng đi làm thuê nay đây ai đó, thành ra lấy nhau 5 năm mới có con”, cô giáo quê huyện Hòa An chia sẻ. “Nhà trường ưu tiên cho chồng em ở đây trông con để em đi dạy học. Khi nào nghỉ Hè chắc cháu cũng cứng cáp, thì chồng con em về quê”.

Hôm cả nhà chuyển vào, mở cửa phòng thấy hôi rình, trống huơ trống hoác, vợ chồng cô Ngọc đi xin một cái bàn học sinh đã hỏng, về kê thành bàn bếp. Họ mua thêm cái giường gỗ giá 3 triệu để cả nhà có chỗ nằm.

Hằng ngày cô đi dạy, chồng ở nhà bế con, cơm nước. Ngày - đêm, ăn - ngủ đều phải mắc màn vì ruồi muỗi bu kín.

“Em cứ nghĩ là vào Nguyên Bình cũng gần thành phố thì không đến mức độ khó khăn. Nhưng không, vào đến đây mới thấy chỗ của các thầy cô quá khó khăn. Mọi người đa số ở lại trường nên phòng ở không đủ. Các thầy cô toàn ở ghép, hầu như phòng nào cũng có hai thầy hoặc hai cô”, cô Ngọc chia sẻ.

“Thất vọng lắm! Nhưng phải cố gắng thôi, tại vì mãi em mới thi được biên chế”, cô nói.

TS Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khái quát cuộc sống của giáo viên vùng sâu, vùng xa trong hai từ: “Thiếu thốn!”.

Mỗi năm, Công đoàn Giáo dục Việt Nam huy động toàn ngành ủng hộ, xây được khoảng 15 nhà công vụ cho giáo viên ở những điểm cực khó khăn trên địa bàn cả nước.

“Và như thế chỉ là muối bỏ bể. Muốn căn cơ phải đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Nó là vấn đề của Chính phủ, của Nhà nước”, thủ lĩnh Công đoàn Giáo dục Việt Nam nói.

TS Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh một thực trạng: “Cuộc sống thiếu thốn, nhà công vụ thiếu thốn chính là một trong những căn nguyên để giáo viên không bám trụ được với nghề”.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Trở lại với Cao Bằng. Khảo sát tổng thể của Liên đoàn Lao động tỉnh này cho biết, địa phương hiện có gần 1.500 thầy cô và nhân viên y tế đang phải ở trong những căn nhà tạm, dựng bằng tre, bằng gỗ và đang xuống cấp trầm trọng. Rất nhiều điểm trường đề nghị xây mới và sửa chữa phòng ở công vụ.

Sự thiếu thốn này được lý giải rằng: Tỉnh nghèo nên nguồn lực còn khó khăn. Và dù địa phương cùng các ngành chức năng đã quan tâm song nhà ở công vụ vẫn chưa thể đáp ứng.

Đó có vẻ như là câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi tại sao có những trường 50 thầy cô lại chỉ 8 phòng công vụ. Và rồi, ước mơ của thầy Nông Văn Phán về việc có thêm phòng công vụ và có nhà vệ sinh để khỏi đi nhờ nhà dân... vẫn chỉ là ước mơ!

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Thầy Triệu Khánh An - Trường Trung học cơ sở Huy Giáp, huyện Bảo Lạc thì may mắn hơn. Sau 10 năm đi thuê trọ, giờ đây thầy đã được ở nhà công vụ của trường.

Đó là khi xã Huy Giáp về đích nông thôn mới. Học sinh không còn được hỗ trợ ăn, ở bán trú nữa, thầy An được tiếp quản chỗ ở mà các em để lại.

Nhưng để ở được, thầy đã phải bỏ ra gần 3 tháng lương để gia cố và làm nhà vệ sinh.

“Nhưng mưa to nó vẫn cứ dột đây này. Đây nữa này...”, thầy An chỉ tay xuống những vũng nước dưới nền nhà vẫn chưa kịp khô sau trận mưa đêm trước.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Nhiều năm qua, vấn đề giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Quốc hội cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để đầu tư phát triển cho giáo dục khu vực này. Chính sách cho người học và giáo viên dẫu được quan tâm nhưng vẫn còn đó nhiều bất cập.

Nhiệm kỳ này, LĐLĐ tỉnh Cao Bằng xây dựng đề án xây nhà công vụ cho giáo viên và viên chức y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng biên giới. Đề án thể hiện quyết tâm của tổ chức Công đoàn tỉnh Cao Bằng trong việc chăm lo cho đoàn viên, trong đó có các giáo viên vùng khó.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Đề án đã được Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng nhất trí chủ trương vào tháng 4/2024. Song, kinh phí đang là một trở ngại.

“Mong muốn của chúng tôi là có các nguồn lực để xây nhà công vụ cho đội ngũ đoàn viên là giáo viên”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cao Bằng Lý Thị Huệ nói.

Lãnh đạo tổ chức Công đoàn tỉnh Cao Bằng đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ; từ nguồn vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh và nguồn xã hội hoá.

Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời”

Một ngày mới bắt đầu, thầy Phán ở huyện Bảo Lâm vẫn thường băng qua những mỏm đá để sang nhà dân đi nhờ vệ sinh. Lâu dần thầy cũng chẳng còn ngượng nữa.

Đôi khi, cô Ngọc ở huyện Nguyên Bình hay tự vấn bản thân về việc đánh đổi phải sống cảnh thiếu thốn lấy một suất biên chế có phải là quyết định đúng đắn?

Thầy Triệu Khánh An ở huyện Bảo Lạc thì vẫn nở nụ cười khi có ai đó hỏi về cuộc sống hiện tại.

“Thật ra nếu mà nói không tủi thân là mình nói dối. Tủi chứ! Nhưng mà mình đã theo nghề rồi thì mình cứ theo thôi”...

Phóng sự của MINH KHÔI

Ảnh, video: Văn Quân, Minh Khôi, Tuyết Hằng, Trần Yến

Thiết kế: Dũng Choai