Dự thảo Luật Nhà giáo: Ưu tiên về tiền lương, chính sách đãi ngộ
Người lao động - 08/10/2024 17:46 Phương Mai
Nghề giáo cần được quan tâm hơn, đề xuất có mức lương xếp cao nhất |
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho hay, đã tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra.
Sau khi được chỉnh lý, dự thảo luật giảm 26 điều (từ 71 điều xuống còn 45 điều) so với dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 trước đó.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng |
Giáo viên được tăng 1 bậc khi xếp lương lần đầu
Liên quan đến tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, Điều 25 dự thảo quy định nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập hưởng lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Nhà giáo bậc mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên tiền lương và phụ cấp cao hơn.
Đặc biệt, nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục quyết định, bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương quy định nêu trên, trừ khi có thỏa thuận khác.
Báo cáo của Chính phủ cho biết chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ vào khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung gần 13.000 tỷ đồng.
Trường hợp, quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương khoảng 22 tỷ đồng/tháng, đồng nghĩa với việc hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỷ đồng.
Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên
Dự thảo luật cũng dự kiến có chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên. Nếu thực hiện chính sách này, ngân sách Nhà nước phải cấp chi trả thêm hơn 9.200 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp . Ảnh: Phạm Thắng |
Trước đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá rất cao và coi đây là nội dung đột phá, đảm bảo sức thu hút để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, dự thảo đang đề xuất giữ lại rất nhiều khoản phụ cấp trong khi đối với nhà giáo, Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương đặt vấn đề phải thu hẹp hoặc hợp nhất một số loại phụ cấp, đặc biệt liên quan đến vùng miền, liên quan đến nghề nghiệp, phụ cấp theo nghề, phụ cấp thu hút.
Tương tự, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhận định đây là đề xuất nhân văn, song vẫn có những vướng mắc có thể phát sinh trên thực tiễn. Thứ nhất, nếu miễn học phí thì chỉ miễn với trường công lập, dân lập không miễn. Nếu cô giáo yêu cầu việc này, trường có thể không tuyển dụng.
Thứ hai, ngay ở trường công lập, ông Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng việc này khá “nhạy cảm”. “Con tôi đi học, mẹ là giáo viên, con bảo mẹ đừng có khai mẹ là giáo viên, bảo con giáo viên được hưởng ưu đãi là các bạn phân biệt đối xử”- ông Định nói. Cùng với đó cho rằng nên quy định theo hướng những nhà giáo có khó khăn, nhà nước có chính sách hỗ trợ; không nên ghi vào luật thành đặc quyền, đặc lợi.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá nguồn hỗ trợ của Nhà nước đối với chính sách này tương đối lớn. Tuy nhiên, lưu ý việc đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng là quan trọng nhất.
Cấm công khai thông tin sai phạm của nhà giáo khi chưa được công bố
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Nhà giáo là việc Bộ GD&ĐT cũng đề xuất quy định nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có một số hành vi liên quan đến nhà giáo.
Theo đó, có 6 nhóm hành vi được Bộ GD&ĐT đề xuất nghiêm cấm. Trong đó, đề xuất việc nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.
Tại phiên làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, có ý kiến cho rằng quy định an toàn về mặt thông tin của nhà giáo cũng cần được đề cập. Ví dụ như không công khai thông tin về việc không làm nghề giáo để tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm nghề khác.
Dự thảo Luật cần cụ thể về bồi dưỡng đạo đức giáo viên
Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban công tác đại biểu cho rằng, Bộ GD&ĐT cần thể hiện cụ thể hơn nội dung về đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Công tác đại biểu. Ảnh: Media Quốc hội |
Theo Điều 10 của dự thảo Luật Nhà giáo, đạo đức nhà giáo là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi trong mối quan hệ của nhà giáo với học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh và cộng đồng. Việc này thể hiện qua các quy tắc ứng xử của nhà giáo, do Bộ GD&ĐT ban hành.
Tuy nhiên, dự thảo Luật mới tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên hoặc nhà quản lý (Điều 30). Bà Hải kỳ vọng Bộ GD&ĐT thể hiện cụ thể hơn nội dung về đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức, hành vi cho giáo viên, tạo sự đột phá so với hiện nay.
Kết thúc phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo tại kỳ họp thứ 8, khai mạc hôm 21/10. Dự kiến Luật được thông qua tại kỳ họp giữa năm 2025.
Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GD&ĐT đề xuất năm 2022. Có 5 nhóm chính sách được đưa ra, gồm: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và Quản lý nhà nước về nhà giáo. Ở dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo bổ sung một số quy định về cách đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá năng lực nhà giáo, quyết định tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, thăng chức, tăng lương, khen thưởng. Dự luật cũng bổ sung chính sách miễn học phí cho con giáo viên, bố trí chỗ ở tập thể hoặc cho nhà giáo thuê nhà công vụ khi dạy học ở vùng nông thôn. Theo dự thảo Luật Nhà giáo đang lấy ý kiến, các hành vi bị nghiêm cấm liên qua n đến nhà giáo như sau: 1. Nghiêm cấm nhà giáo có các hành vi sau: a) Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân; b) Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; c) Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học; d) Xuyên tạc nội dung giáo dục; lợi dụng hoạt động giảng dạy, giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đ) Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật; e) Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cho người khác sử dụng giấy phép hành nghề dạy học dưới mọi hình thức; g) Tự ý bỏ việc, tham gia đình công trái pháp luật; h) Vi phạm đạo đức nhà giáo và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật. 2. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có các hành vi sau: a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo; b) Cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; c) Phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng dạy học; d) Phân biệt đối xử giữa những nhà giáo dưới mọi hình thức; đ) Trả lương không đúng theo hợp đồng; thực hiện không đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; e) Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo và trong trường hợp các sai phạm chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học. |
Lương giáo viên sau cải cách: Thầy cô “nặng” tâm tư Nghị quyết 27/NQ-TW khẳng định mức lương mới của cán bộ, công chức sẽ không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Thế nhưng, nhiều thầy ... |
Bảng lương giáo viên từ ngày 1/7/2024 Dự kiến Bảng lương giáo viên từ ngày 1/7/2024 theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng như sau: |
Nghề giáo cần được quan tâm hơn, đề xuất có mức lương xếp cao nhất Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 09/11/2024 16:41
Phòng trọ tối thiểu 5m2/người: Công nhân vừa mừng vừa lo
Được ở trong phòng trọ rộng rãi, thoáng mát là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với công nhân lao động sẽ đi kèm với nỗi lo chi phí thuê trọ tăng cao, vì “tiền nào của nấy”…
Người lao động - 06/11/2024 19:48
Lao động nhập cư và làn sóng “bỏ phố về quê”
Nhiều năm gần đây, người lao động nhập cư ở nhiều thành phố, đô thị lớn dần có xu hướng quay trở về quê hương làm việc. Có nhiều yếu tố tác động đến quyết định này, trong số đó là quan điểm “muốn về gần nhà” và sự thay đổi trong chính sách thu hút nhân lực của các địa phương.
Người lao động - 06/11/2024 13:43
Hàng trăm công nhân tham gia Giải chạy tiếp sức Ekiden lần thứ 2
Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc vừa tổ chức Giải chạy tiếp sức Ekiden lần thứ 2, thu hút sự tham gia của vận động viên tại 17 doanh nghiệp.
Đời sống - 04/11/2024 18:36
Sống xa cha mẹ, con công nhân dễ sống khép kín, thiếu tự tin
Có đến 30,2% trẻ em từ độ tuổi 0 đến dưới 16 là con của công nhân đang phải sống xa cha mẹ. Điều này khiến trẻ đối mặt với nguy cơ thiếu thốn tình cảm và giảm khả năng phát triển toàn diện.
Đời sống - 03/11/2024 12:02
Vay lãi suất thấp, công nhân bị loại vì… thu nhập cao!
“Tôi nghĩ thu nhập càng cao thì càng dễ vay vốn, vì có đủ khả năng trả nợ, đằng này hồ sơ của tôi lại bị loại”, một nam công nhân chia sẻ khi nói về những quy định mới thuộc Thông tư 33 của Ngân hàng Nhà nước.
Người lao động - 01/11/2024 20:11
Dồn tiền bán đất ở quê hơn 1 năm vẫn chưa mua được chung cư Hà Nội
Nhiều năm tích góp, thậm chí bán đất ở quê để nuôi hy vọng mua nhà ở Hà Nội, nhưng người lao động vẫn chật vật vì số tiền gom được không “kịp” theo tốc độ tăng của giá nhà.
- Sở hữu căn hộ cao cấp Hanoi Melody Residences với giải pháp lãi suất 0%
- Những cống hiến thầm lặng của cô nhân viên y tế học đường
- Phải báo cáo tình hình thưởng Tết năm 2025 trước ngày 15/12
- Thu hút thợ hồ, hớt tóc vào tổ chức Công đoàn
- Công đoàn Vietcombank hướng đến “Trọng đức, gần gũi, biết cảm thông và sẻ chia”