Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân
Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân

- “Cố lên, cố lên nào”…

Trong tiếng khóc gào thảm thiết của người mẹ, chị Nguyễn Thị Thảo - điều dưỡng Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng vẫn bình tĩnh thực hiện các thao tác nghiệp vụ, khẩn trương cấp cứu cháu nhỏ sơ sinh đã ngừng thở, tím tái…

21 ngày trước vào khoảng 9 giờ tối, chị Thảo cùng người thân đang trên đường về gần đến nhà tại thôn 6, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng thì thấy một người đàn ông (ông nội cháu) bế một cháu nhỏ. Đằng sau, một người phụ nữ (mẹ của cháu bé) vừa chạy theo vừa khóc thất thanh.

Với linh cảm của người làm mẹ và sự nhạy bén của một điều dưỡng viên, chị Thảo đã ngay lập tức yêu cầu chồng dừng xe và chạy sang đường để kiểm tra tình trạng của em bé.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân
Chị Nguyễn Thị Thảo - điều dưỡng Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và em bé may mắn được chị cứu sống. Ảnh: NVCC

Đỡ cháu bé trên tay người thân, chị Thảo nhanh nhẹn cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng trực tiếp… Tiếp đó, điều dưỡng Thảo cùng gia đình bế cháu bé lên xe taxi, đồng thời liên tục thực hiện các động tác cứu sống trên đường đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên.

Trong một tình huống mà nhiều người có thể đã bỏ cuộc, chị Thảo đã sự kiên nhẫn và bằng kinh nghiệm của mình giúp cứu sống em bé.

“Khi gặp tình huống cháu bé nguy kịch trên đường, tôi không nghĩ gì thêm, chỉ muốn cố gắng hết sức để cứu cháu bé, dù chỉ 1% hi vọng nhưng tôi vẫn cố gắng hết mình. Khi cháu được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên, qua cơn nguy kịch, tôi như ngã quỵ” – chị Thảo cho biết.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, cách đây không lâu điều dưỡng Đặng Thị Hạ, 29 tuổi - nhân viên của Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cùng 3 người bạn du lịch tại Đà Nẵng. Thấy du khách nước ngoài đột nhiên ngã gục tại bàn ăn, điều dưỡng Hạ, ngay lập tức hô: "anh em ơi cấp cứu" - một câu cửa miệng khi làm việc tại A9 và thực hiện các thao tác cấp cứu như phản xạ nghề nghiệp.

Sự tận tâm và lòng nhân ái của chị Thảo, chị Hạ là một minh chứng rõ ràng về của người điều dưỡng. Không chỉ làm việc hết mình tại bệnh viện, họ còn mang tinh thần cứu người vào đời sống hàng ngày.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân

Câu chuyện thoạt nghe như đùa này lại là trải nghiệm khó quên mà chị Âu Như Hoài, Điều dưỡng chăm sóc, Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Y học Cổ truyền TW cùng các đồng nghiệp đã từng làm để được đi... chống “giặc” Covid – 19.

“Là nữ, lại có con nhỏ nên sau 2 lần bốc thăm, tôi mới lọt vào danh sách đi tăng cường chống dịch,...”, chị Hoài tươi cười trò chuyện với chúng tôi bên lề Lễ vinh danh điều dưỡng viên tiêu biểu trong công tác, phòng chống dịch giai đoạn 2020-2023 do Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức.

Cùng với chị Hoài, 134 điều dưỡng viên tiêu biểu hội tụ tại Hà Nội vào một ngày trung tuần tháng 7. Họ nói khóc - cười, cùng nhau ôn lại những ngày tháng không quên trên tuyến đầu chống dịch.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân

… Đó là những tiếng “tít... tít... tít” phát ra từ những chiếc máy monitor, máy thở, đều đều vang lên bất kể ngày đêm. Những bóng áo trắng di chuyển cùng những bước chân vội vã từ các phòng điều trị. Cả những dòng mồ hôi chảy miệt mài trên má. Tất cả tạo nên bầu không khí sẵn sàng và gấp gáp của Trung tâm Điều trị Covid-19. Vừa chạy đua với việc cứu sống bệnh nhân, các điều dưỡng viên còn phải chứng kiến những nỗi đau chia lìa của các gia đình bệnh nhân.

70% lực lượng chống dịch là điều dưỡng viên - họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, dấn thân vào nơi nguy hiểm, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động như: Sàng lọc người bệnh, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và đặc biệt là chỗ dựa về tinh thần cho người bệnh COVID-19…

“Tất cả những cảm xúc đó, chúng tôi đều phải gói ghém lại để giữ vững tinh thần làm việc, chiến đấu với dịch bệnh để cứu sống bệnh nhân. Chúng tôi có thể xúc động nhưng không cho phép bản thân lơ là, gục ngã. Áp lực công việc thường ngày của một người y/bác sĩ đã "rèn" cho chúng tôi bản lĩnh và sự cứng rắn đương đầu với khó khăn”, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Diệu Linh, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An cho biết.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân

“Từ sáng sớm, các điều dưỡng đã tất bật với công việc, đem đồ ăn sáng, đo mạch, nhiệt độ, huyết áp cho bệnh nhân, rồi tổng hợp kết quả báo lại cho bác sĩ. Chúng tôi còn phải phát thuốc, lấy nước, chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho từng người bệnh. Sau khi đi thăm từng phòng, các bác sĩ sẽ bổ sung các chỉ định cần thiết. Nếu bệnh nhân cần siêu âm, chụp chiếu, máy móc sẽ được kéo đến tận giường bệnh để thực hiện”, điều dưỡng Hoàng Thị Ánh Tuyết (Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam) nhớ lại thời gian làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid - 19 số 1 ở TP. Hồ Chí Minh.

Chị Tuyết và những đồng nghiệp của mình chưa từng có giấc ngủ trọn vẹn quá 3 - 4 tiếng. Giấc ngủ luôn chập chờn, các chị tranh thủ chợp mắt bất cứ khi nào rảnh, dù đó có là góc cầu thang bệnh viện. Việc ăn uống ở bệnh viện dã chiến cũng không theo giờ giấc cố định, vì khi vào ca, chăm sóc bệnh nhân từ sáng đến trưa, bữa trưa thường là bù cho bữa sáng.

"Công việc vất vả, bệnh viện có bốn tầng mà không có thang máy, nên phải leo cầu thang bộ. Đang khám bệnh mà có ca nặng, chúng tôi phải khiêng bệnh nhân từ tầng 4 xuống tầng 1 để cấp cứu. Điều khó khăn nhất là mặc đồ bảo hộ, rất nóng, chỉ vài phút sau khi mặc, cơ thể đã ướt đẫm mồ hôi”, chị Ánh Tuyết tâm sự.

Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn đó, ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, lực lượng điều dưỡng còn có tình yêu thương, sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm cao cả, xuất phát từ tinh thần hết lòng chăm sóc người bệnh - "lương y như từ mẫu", từ mệnh lệnh của trái tim, từ truyền thống ngọn đèn Nightingale – Ngọn đèn bất tử về ngành điều dưỡng.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tại Hội nghị tôn vinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan xúc động nói: "Tôi tự hào lực lượng điều dưỡng Việt Nam đã thể hiện sự chuyên nghiệp, kiên trì và trách nhiệm trong công việc. Trong suy nghĩ và tâm tưởng của mỗi người dân Việt Nam thì điều dưỡng và tất cả những người tham gia phòng chống đại dịch giai đoạn 2020-2023 đều xứng đáng được vinh danh và ghi nhận".

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân

Theo Niên giám thống kê y tế năm 2023, cả nước có 150 ngàn điều dưỡng và hộ sinh, chiếm 37,5% nhân lực ngành y tế.

Điều dưỡng là người đầu tiên phát hiện các trường hợp cấp cứu và cung cấp chăm sóc sức khỏe toàn diện. Họ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhiều nhất, trực tiếp nhất, và liên tục nhất so với các ngành nghề khác. Sinh thời, Bác Hồ từng viết: “Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm vì sự khang kiện của giống nòi.”.

Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng - Dinh dưỡng – kiểm soát nhiễm khuẩn Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: công tác điều dưỡng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhận định rằng dịch vụ điều dưỡng là một trong những trụ cột của hệ thống y tế. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với nhiều thách thức: khối lượng công việc lớn, giờ làm việc kéo dài, và áp lực cao.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân

Một nghiên cứu cho thấy 88% thời gian bệnh nhân ICU được tiếp xúc với điều dưỡng. Mỗi ngày, điều dưỡng thực hiện hơn 100 đầu công việc, và trong sự nghiệp, mỗi người từng chăm sóc cho 8 vạn bệnh nhân, trực thức khoảng 2800 đêm. Quan điểm “Không có bác sĩ thì không có bệnh nhân - không có điều dưỡng thì không có bệnh viện” phần nào thể hiện rõ vai trò không thể thiếu của họ.

Song, không ít lần điều dưỡng viên phải chịu những ánh nhìn thiếu thiện cảm, những lời nói không công bằng từ chính đồng nghiệp và những người mà họ tận tâm phục vụ.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân
Trong sự nghiệp, mỗi điều dưỡng từng chăm sóc cho 8 vạn bệnh nhân, trực thức khoảng 2800 đêm. Ảnh: Hội ĐDVN cung cấp.

Trong quá trình 20 năm làm việc, chị Nguyễn Thị Chung, trưởng phòng điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần “tủi thân” khi bị bệnh nhân và đồng nghiệp đánh giá: "Nghề điều dưỡng chỉ là nghề phục vụ” hay “điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sỹ"…

“Thời chúng tôi vào nghề cách nay 52 năm, nhiều người nói rằng "điều dưỡng là cánh tay phải, là cánh tay nối dài của bác sĩ", Thạc sĩ Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam cũng chia sẻ.

Theo ông Mục, quan niệm lấy bác sĩ làm trung tâm, bác sĩ là thầy - điều dưỡng là thợ, bác sĩ là người ra y lệnh - điều dưỡng là người thực hiện, lấy bác sĩ làm chuẩn để tính biên chế điều dưỡng hộ sinh... đã cũ và chỉ còn đúng một phần.

Đại dịch COVID-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về sự đóng góp của điều dưỡng, hộ sinh với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Còn trong công việc hằng ngày, từng bước - các điều dưỡng viên đã nỗ lực phấn đấu, chứng minh rằng điều dưỡng viên có trái tim, tầm nhìn, kiến thức và sự cống hiến không kém ai. Họ đã có những tiến bộ đáng tự hào.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân
Chiếc máy phun khử khuẩn của điều dưỡng Lê Văn Tấn, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai giúp giảm thiểu được 2/3 thời gian làm việc của nhân viên. Ảnh: NVCC

Đó là sáng kiến nảy mầm trong gian khó, như ý tưởng về một chiếc máy phun khử khuẩn của điều dưỡng Lê Văn Tấn, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Trong cuộc chiến “chống giặc” COVID – 19, ngoài công tác khám, điều trị thì công tác phun khử khuẩn phải thực hiện liên tục, thường xuyên. Cách khử khuẩn thông thường của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai là dùng bình chạy bằng năng lượng dầu diezel, gây tiếng ồn và thải ra một lượng khí thải khá lớn, gây ô nhiễm môi trường.

Hơn nữa, bình phun chứa tầm hai chục lít, to nặng cồng kềnh, tổng trọng lượng nhân công phải mang vác trên vai khi tác nghiệp nặng đến gần 30 cân, vận hành rất vất vả.

Tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại bệnh viện - chiếc xe tiêm cũ, can nhựa cùng chiếc ắc-quy nhỏ 12V, kèm một vài phụ kiện khác với kinh phí trích từ số tiền lương của mình, sau 2 tuần anh Tấn đã chế tạo thành công chiếc máy khử khuẩn khắc phục được các hạn chế như: Không phun khói thải khí độc gây ô nhiễm môi trường. Máy được di chuyển bằng xe đẩy nên công nhân không phải mang vác nặng như trước đây.

"Với chiếc máy này, một nhân lực giảm thiểu được 2/3 thời gian làm việc, giảm hàng chục lần chi phí so các máy khử khuẩn đang sử dụng tại nhiều bệnh viện ở Lào Cai. Xe đẩy còn bảo đảm các yếu tố an toàn, dùng điện ắc-quy 12V, thời gian sử dụng lên đến 20 giờ liên tục", anh Tấn chia sẻ.

Đặc biệt hơn, đến thời điểm hiện tại, sau khi hết dịch, chiếc máy còn được áp dụng để phun khử khuẩn chất thải lây nhiễm, phun thuốc diệt muỗi gián và côn trùng phòng bệnh theo mùa hằng năm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân
Điều dưỡng Phùng Thanh Phong chia sẻ kiến thức cho đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Hay như tấm gương điều dưỡng Phùng Thanh Phong, từ một cử nhân điều dưỡng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đã trở thành tiến sĩ với những đóng góp to lớn trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Anh Phong nhấn mạnh rằng nghề điều dưỡng cần cả kiến thức chuyên môn lẫn tâm đức. "Để nâng cao trình độ, tôi đã theo học thạc sĩ và tiến sĩ, tham gia các khóa học quốc tế về chăm sóc bệnh nhân và kiểm soát nhiễm khuẩn", anh Phong cho biết.

Anh Phong không chỉ hợp tác để thống nhất và truyền đạt quy trình chăm sóc bệnh nhân mà còn đào tạo cho những điều dưỡng viên mới. Ngoài ra, Anh cũng luôn chia sẻ/truyền đạt kiến thức cho đồng nghiệp và người nhà bệnh nhân.

Những người thầm lặng trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân

“21 năm làm điều dưỡng, trong đó 14 năm chăm sóc bệnh nhân, mong muốn của tôi là cần có chính sách thu hút và hỗ trợ cho ngành điều dưỡng, tạo điều kiện để điều dưỡng viên có thể chăm sóc bệnh nhân tốt hơn và trau dồi chuyên môn; cũng như khuyến khích sinh viên học ngành điều dưỡng bằng việc hỗ trợ học phí cho họ”, anh Phong đề xuất.

Trong câu chuyện, chị Nguyễn Thị Chung nhiều lần nhắc đến sự giỏi giang và tận tâm trong việc giúp bệnh nhân hồi phục của Điều dưỡng viên hồi sức tích cực. Chị Chung chia sẻ rằng, tại đơn vị của mình, các điều dưỡng viên đều nỗ lực học tập, nâng cao trình độ. Mỗi năm Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có từ 6 đến 7 đề tài nghiên cứu khoa học do điều dưỡng viên thực hiện.

“Điều dưỡng viên có trái tim, tầm nhìn và sự cống hiến không kém ai. Mong rằng, xã hội sẽ nhìn nhận đúng vai trò của nghề điều dưỡng để tạo điều kiện cho bệnh nhân có trải nghiệm điều trị thoải mái nhất”, chị Chung bày tỏ mong muốn.

WHO khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách y tế cần tăng cường đầu tư cho điều dưỡng, hộ sinh trong cả ba lĩnh vực là: giáo dục, việc làm và trao quyền cho điều dưỡng tham gia vào hoạch định chính sách y tế. Đầu tư cho điều dưỡng là đầu tư cho sức khỏe, đầu tư cho người bệnh, đầu tư cho tương lai của chúng ta.

Bài viết: Thảo Vân - Trần Yến

Thiết kế: An Nhiên