Ảnh hưởng của rung động đến người lao động
Sức khỏe - 30/01/2022 14:42 TS. NGUYỄN ĐẮC DIỆN, Trường Đại học Công đoàn
Khám sức khỏe định kì hằng năm, làm các xét nghiệm chuyên khoa cho người lao động có tiếp xúc với rung động để phát hiện sớm các bệnh do rung. Trong ảnh: Khám và tư vấn sức khỏe cho công nhân Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An. Nguồn: quangkhoi.org. |
Bài viết dưới đây trình bày khái niệm về rung động, các nguồn gây ra rung động trong sản xuất, tác hại của rung động đến NLĐ, các tiêu chuẩn đánh giá rung động và các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của rung động.
1. Rung động và nguồn gây rung động trong sản xuất
Rung động là những dao động cơ học phát sinh từ máy móc, động cơ, dụng cụ lao động truyền qua các kết cấu cứng của thiết bị, nhà xưởng, nền đất đến người lao động và môi trường xung quanh. Nhiều ngành sản xuất có sử dụng các thiết bị tạo ra rung động như các máy đầm rung, máy chèn đá, máy khoan đá, máy tán rivê, máy đầm bê tông, máy lèn đá cho đường sắt, máy cưa, máy tán, ô tô máy kéo, máy cày, máy gặt…
Rung động của máy có thể có ích và được tạo ra một cách có chủ ý như trong máy sàng rung, phễu nạp liệu, băng tải, máy đánh bóng, máy đầm đất… Máy khoan có tần số dao động từ 25 đến 50 Hz, biên độ dao động từ 5 đến 9 mm; máy tán rivê có tần số từ 30 đến 60 Hz, biên độ từ 0,5 đến 2,8 mm; máy đầm rung có tần số từ 10 đến 15 Hz, biên độ từ 15 đến 30 mm; máy hàn, đúc kim loại có tần số từ 20 đến 40 Hz, biên độ dao động từ 4 đến 6 mm; tủ sấy tầng sôi có tần số từ 0,8 đến 2 Hz, biên độ dao động từ 0,01 đến 0,02 mm...
Rung động có thể có hại và không mong muốn, tự phát gây ra do mất cân bằng, không đồng trục, các mối lắp ghép bị lỏng, cộng hưởng dao động, trục bị cong, thiết bị không phù hợp, va đập ở khe hở do dung sai chế tạo... Mất cân bằng là sự phân bố khối lượng không đồng đều trên bộ phận quay, khối tâm của vật rắn nằm ngoài trục quay, lực li tâm gây ra rung động. Khoảng cách giữa khối tâm và trục quay càng lớn, khối lượng vật quay càng lớn thì sự mất cân bằng càng lớn. Tốc độ quay càng nhanh thì lực li tâm càng lớn, sự rung động sẽ càng mạnh. Không đồng trục là hiện tượng hai trục quay của hai bộ phận lệch nhau khi giãn nở nhiệt hoặc khi lắp đặt, hiện tượng này gây ra rung động và ứng suất làm hỏng khớp nối trục và ổ đỡ. Ma sát cơ học giữa bộ truyền động của máy với ổ trượt, vòng lăn của ổ bi, roto tiếp xúc với vỏ máy… sau một thời gian làm việc sẽ bị ăn mòn, bị rơ, gây va đập tạo ra rung động.
Sự không phù hợp của thiết bị thể hiện ở chỗ thiết bị quá cỡ so với yêu cầu làm hệ thống giảm chấn hoạt động không hiệu quả hoặc thiết bị có kích thước nhỏ hơn yêu cầu sẽ bị quá tải, cả hai đều gây ra rung động. Rung động gây ra hư hỏng cho máy, làm giảm độ chính xác của thiết bị, giảm độ bền, giảm tuổi thọ, giảm năng suất của máy móc.
Cầm chắc chắn dụng cụ có động cơ để giảm rung. Nguồn: vnniosh.vn |
Bịt tai chống ồn và bảo vệ cổ tay giảm rung chấn. Nguồn: vnniosh.vn |
2. Ảnh hưởng của rung động đến người lao động
Con người có tần số dao động riêng cỡ 30 Hz và sẽ bị dao động cưỡng bức dưới tác động của ngoại lực do dao động của máy móc, thiết bị qua các bộ phận của máy, bệ máy, sàn nhà truyền tới. Cơ thể người sẽ có những biến đổi về tâm sinh lí, cảm giác mệt mỏi, giảm sức khỏe, giảm tuổi thọ hoặc mắc BNN về rung động. Ảnh hưởng của rung động tới cơ thể người phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc, vị trí tác động, tần số rung, biên độ rung, vận tốc rung, gia tốc rung, hướng tác động… của rung động.
Rung động toàn thân (chấn động chung) làm cho toàn bộ cơ thể người dao động khi ở tư thế ngồi hoặc đứng trên thiết bị, bệ máy, sàn đặt máy để vận hành thiết bị lớn như xe tải, xe lu, máy kéo, máy xúc, cần trục, máy liên hợp khai thác mỏ, công nghiệp xi măng, trong đó rung động truyền từ máy qua sàn nhà, ghế ngồi đến người. Rung động đi vào cơ thể qua bàn chân khi NLĐ đang đứng, qua mông, tựa lưng, tựa gáy khi NLĐ làm việc ở tư thế ngồi và qua lưng nếu ở tư thế nằm ngửa.
Nếu tần số rung động dưới 3 Hz thì các cơ quan nội tạng không xê dịch tương đối với thân người, cả cơ thể như một khối thống nhất, không gây ra bệnh rung động. Nếu tần số rung động từ 3 đến 5 Hz thì tác động đến cơ quan tiền đình gây rối loạn thần kinh giao cảm, đó là hiện tượng say sóng, say tàu xe. Nếu tần số rung động từ 5 đến 11 Hz thì gây ra các rối loạn toàn thân, khiến cơ thể có cảm giác khó chịu, hiện tượng này xảy ra đối với công nhân lái xe gạt, máy kéo…
Nếu tần số rung động từ 11 đến 45 Hz thì con người cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, khó chịu, ngứa, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, gây tổn thương cột sống, cơ quan tiêu hóa, hệ tim mạch, rối loạn thần kinh, tuần hoàn, tiết niệu, sinh dục, thị giác… Nếu tần số rung động trên 45 Hz thì gây các bệnh mạn tính, chấn thương vỏ não, tổn thương cơ bắp, tác động đến thành mạch, ngăn cản sự lưu thông máu, phá hủy sự tuần hoàn của mạch máu.
Rung động toàn thân khiến NLĐ dễ bực dọc, giảm hiệu suất làm việc, mất khả năng tập trung, không thể vận hành máy móc cần các thao tác chính xác, khó khăn trong đọc thông tin trên thiết bị hiển thị.
Rung cục bộ (chấn động cục bộ) ảnh hưởng đến một vài bộ phận của cơ thể người như bàn tay, ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, vai… khi sử dụng dụng cụ cầm tay như búa khoan, búa tán ri vê, búa dũi ba via vật đúc, máy mài, máy cưa, máy cắt… với tần số rung động từ 30 đến 400 Hz. Rung cục bộ gây va chạm giữa các khớp xương, các đầu khớp bị mòn, viêm khớp xương, đau vai, xơ cứng khuỷu tay, bả vai. Các rung động có tần số dưới 40 Hz gây tổn hại cơ bắp, mạch máu, gây chứng teo cơ, canxi hóa cơ tay, rối loạn mạch máu ở bàn tay, thay đổi trương lực mạch máu, gây co cứng hoặc tê liệt mạch máu ngoại vi. Các rung động có tần số trên 40 Hz đến 250 Hz gây bệnh nghề nghiệp Raynauld, là bệnh rối loạn mạch máu ở các ngón tay, được bác sĩ người Pháp Maurice Raynauld mô tả từ thế kỉ XIX.
Tác động của rung động lên bàn tay, cánh tay phụ thuộc vào cách cầm máy, thời gian tác động và nhiệt độ môi trường. Rung động là một yếu tố có hại trong môi trường sản xuất, bệnh do rung cục bộ là một BNN. Đối với lao động nữ, rung động còn tác động đến cơ quan sinh dục như lệch tử cung, sa âm đạo…
Các thiết bị tạo ra rung động như các máy đầm rung, máy chèn đá, máy khoan đá, máy đầm bê tông, máy lèn đá cho đường sắt, máy đục, cắt bê tông... Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương Mại MTK (TP. Hồ Chí Minh) đục phá nền bê tông bằng xe cuốc, búa thủy lực hiện đại. Nguồn: hosocongty.vn |
3. Các biện pháp xử lí rung động, ngăn ngừa BNN do rung động
Nguyên nhân gây rung cho các máy là tác động của lực quán tính của các bộ phận quay mất cân bằng hoặc bộ phận chuyển động tịnh tiến đổi chiều chuyển động lên các ổ đỡ, khung và bệ máy. Chống rung cho vật chịu tác động của lực kích động nằm trong bản thân máy gọi là chống rung chủ động, còn chống rung cho vật chịu tác động của nguồn rung nằm bên ngoài máy truyền tới máy gọi là chống rung thụ động.
Để triệt tiêu một phần hoặc toàn bộ chuyển động rung, người ta phân tán năng lượng rung vào môi trường đàn hồi hoặc môi trường cản. Các biện pháp giảm rung gồm cân bằng máy, gắn vào máy bộ tắt rung động lực, tiêu tán năng lượng trong môi trường cản, giảm xóc bằng lò xo, lắp thêm thiết bị giảm rung bằng ống thủy lực, long đen vênh, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp (găng tay chống rung, đệm giày chống rung, thắt lưng và bao chống rung, đệm ghế chống rung).
Những người sử dụng dụng cụ rung động nên giữ ấm hai tay và cơ thể, không hút thuốc lá. Định kì bảo dưỡng máy, thiết bị, dụng cụ và phương tiện làm việc, khắc phục kịp thời hư hỏng gây rung động và va chạm.
Việc tiếp xúc với rung động trong thời gian ngắn đan xen với thời gian nghỉ ngơi hoặc làm việc không tiếp xúc với rung động sẽ ít gây nên hội chứng HAVS (hội chứng rung động bàn tay - cánh tay) hơn so với việc tiếp xúc liên tục với rung động trong thời gian dài. Tổ chức huấn luyện, đào tạo cho công nhân kĩ thuật sử dụng các thiết bị cầm tay gây rung như cầm chắc chắn dụng cụ có động cơ để giảm rung, nâng cao hiểu biết về tác hại của rung động và biện pháp phòng ngừa.
Thực hiện chế độ nghỉ giải lao giữa ca, ngâm tay trong nước ấm (khoảng 35°C) sau mỗi ca lao động. Khám sức khỏe định kì hằng năm, làm các xét nghiệm chuyên khoa (xương khớp, thần kinh, tuần hoàn) cho NLĐ có tiếp xúc với rung động để phát hiện sớm các bệnh do rung, áp dụng chế độ điều trị phục hồi chức năng. Xây dựng các tiêu chuẩn rung động và thời gian phục vụ của người công nhân trong từng lĩnh vực cụ thể.
Tập huấn về Chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên, người lao động Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong) do Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Nguồn: ldld.bacninh.gov.vn |
Kết luận
Việc giảm và khử rung động có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo hộ lao động, xếp hàng thứ 4 trong 12 vấn đề về con người và môi trường của các tổ chức y học quốc tế. Việc bảo vệ NLĐ khỏi tác động có hại của rung động giúp giảm thiểu chi phí y tế trong điều trị BNN, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, có ý nghĩa cả về kinh tế và xã hội. Các biện pháp giảm thiểu tác hại của rung động gồm kĩ thuật, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, đào tạo huấn luyện, tổ chức sản xuất, khám sức khỏe và điều dưỡng phục hồi chức năng.
Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư số 27/2016/TT-BYT ngày 30/06/2016 của Bộ Y tế quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về rung - Giá trị cho phép tại nơi làm việc.
2. Vũ Văn Thú, Triệu Quốc Lộc, Nguyễn Thị Xuân Hương, Giáo trình Tiếng ồn, rung động trong sản xuất và kỹ thuật xử lý, Nxb Lao động 2011.
3. Tim South, Managing noise and vibration at work, Elsevier 2004.
Ứng dụng Baysian Belief Networks phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi an toàn Tại Việt Nam, vấn đề an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ngành Xây dựng đang gặp những thách thức lớn bởi số tai nạn ... |
Chính sách mới về chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành Quyết định về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh ... |
Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động Người làm công tác ATVSLĐ là không thể thiếu trong bộ máy vận hành của doanh nghiệp. |
Tin cùng chuyên mục
Sức khỏe - 04/08/2024 07:10
Vì sao nuôi con bằng sữa mẹ vẫn là lựa chọn tốt nhất?
Trong bối cảnh thị trường sữa công thức ngày càng mở rộng với những quảng cáo đầy hấp dẫn, nhiều bà mẹ đang đối mặt với sự hoài nghi về lợi ích của sữa mẹ. Tuy nhiên, hàng triệu nghiên cứu và khuyến nghị từ các tổ chức y tế quốc tế vẫn khẳng định sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh.
Sức khỏe - 14/06/2024 16:20
Hiến máu như thắp ngọn đèn trong lòng, mang ấm áp cho cả người cho và người nhận
14/6 là Ngày Quốc tế Người hiến máu. Ngày này giống như một lễ hội của tình nhân ái, nơi những người hùng thầm lặng – những người hiến máu tình nguyện – được tôn vinh và tri ân.
Kinh tế - Xã hội - 03/06/2024 10:32
Ngày Xe đạp Thế giới 3-6: Đạp xe vì bản thân chúng ta và Trái đất
Hãy tưởng tượng một ngày mà tất cả các con đường quanh nơi bạn sống không còn bóng ô tô, xe máy, tất cả thay bằng những chiếc xe đạp đủ màu sắc.
Sức khỏe - 23/05/2024 19:47
Pearl Global Việt Nam và "Bữa cơm Công đoàn - Cảm ơn người lao động"
Hôm nay (23/5/2024), gần 1.300 công nhân lao động của Công ty Pearl Global Việt Nam đã được cùng lãnh đạo nhà máy, cán bộ công đoàn thưởng thức "Bữa cơm Công đoàn" an toàn, đầm ấm trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024.
Người lao động - 27/03/2024 14:50
Công đoàn giám sát chất lượng bữa ăn ca cho người lao động
Tại Công ty SCAVI Huế, công đoàn và chuyên môn cùng giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm, đảm bảo bữa ăn ca an toàn, bổ dưỡng.
Sức khỏe - 26/02/2024 15:29
Dấn thân vì người bệnh
Kíp bác sỹ đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vượt 15 hải lý trong điều kiện thời tiết rất xấu ra đảo Cồn Cỏ để thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu người bệnh viêm ruột thừa vào ngày 13/1/2021 gồm TS.BS Phan Khánh Việt, bác sỹ gây mê Trần Thanh Hoài và Nguyễn Chí Thanh.
- Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
- Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
- 06 cách giúp công nhân lao động thêm việc thêm tiền
- Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
- Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?