e magazine
26/02/2024 07:00
Thầy thuốc quân hàm xanh

26/02/2024 07:00

Dù xuất ngũ nhưng những kỷ niệm một thời còn công tác tại vùng đất phên dậu Quảng Trị vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của sĩ quan quân y - trung tá Lê Văn Đức.
Thầy thuốc quân hàm xanhY sĩ Lê Văn Đức thăm, khám cho dân bản - Ảnh: NVCC

THẦY THUỐC QUÂN HÀM XANH

Dù xuất ngũ nhưng những kỷ niệm một thời còn công tác tại vùng đất phên dậu Quảng Trị vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của sĩ quan quân y, trung tá Lê Văn Đức.

Thử thách ban đầu

Bên tách trà, trung tá Lê Văn Đức (SN 1967, quê huyện Vĩnh Linh) vừa mới xuất ngũ không lâu, nhớ lại: “Năm 1995 sau khi được đào tạo tiếp về quân y với tấm bằng xuất sắc của Trường Trung học Quân y 1, tôi được phân công về Quảng Trị, cụ thể là đồn biên phòng Sa Trầm (nay là đồn biên phòng Ba Nang) thuộc xã Ba Nang, huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị, phụ trách địa bàn hai xã biên giới là Ba Nang và Tà Long với hầu hết là bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều.

Ngày đó muốn đến đồn, chúng tôi phải đi vòng lên huyện Hướng Hóa, từ Khe Sanh đi bộ gần 20 km với nhiều đèo dốc hiểm trở, cũng thật vất vả, gian nan. Trước đó tôi đã là lính biên phòng khá nhiều năm nhưng khi đến đồn mới Sa Trầm, gian khổ, thiếu thốn đủ bề. Lúc ấy điện chưa có, nước uống phải đi lấy từ dưới khe suối, qua trăm mấy bậc thang trên những con đường đất để phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày, còn chỗ ở thì nhà gỗ, nền đất, chó nó đào bới đêm nếu đi không có đèn pin rất dễ bị ngã… Sức khỏe của tôi vốn dĩ cũng không phải tốt lắm mà điều kiện sống và công tác của bộ đội biên phòng thì cũng rất vất vả, gian lao nên thú thật cũng đã có lúc tôi tôi nằm gác tay lên trán nghĩ rằng liệu mình có theo đuổi binh nghiệp đến cùng hay không?”

- “Vậy điều gì đã giữ chân anh ở lại?”.

Anh cười nhẹ rồi trả lời ngắn gọn: “Chính tình cảm đồng đội và người dân đã giúp tôi đứng vững và phấn đấu không ngừng trong công tác của mình. Trong 35 năm công tác của mình thì tôi đã hai lần bám trụ Ba Nang, mỗi lần 7 năm, tổng cộng là 14 năm”.

Thầy thuốc quân hàm xanh

Y sĩ Lê Văn Đức đang khám cho một người dân - Ảnh: NVCC

Vừa lên Ba Nang ít lâu, nhận thấy đời sống của bà con dân tộc Vân Kiều nơi đây còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là bệnh tật thường đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân, trong khi hủ tục vẫn còn trói buộc dân tộc Vân Kiều, y sĩ Đức đã mạnh dạn có ý kiến xin đồn cho phép dùng thuốc cấp cho bộ đội còn dư để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Sau khi hội ý, ban chỉ huy đồn đã nhất trí cao với đề xuất này. Vậy là quân y đồn bắt tay thực hiện… Quyết tâm của anh là phải làm cho dân tin, dân nghe theo quân y, xa rời mê tín, muốn vậy phải thuyết phục họ bằng việc làm, kết quả cụ thể.

“Bà con rất vui mừng vì được bộ đội chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị. Cũng cần nói thêm rằng, không chỉ bà con có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe mà thông qua công việc này mình được dịp ôn luyện kiến thức, củng cố nghề nghiệp, có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, nhất là với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi biên giới”, anh nói.

Thầy thuốc quân hàm xanhY sĩ Lê Văn Đức luôn quan tâm đến sức khỏe à con dân bản - Ảnh: NVCC

Về sau, anh đã xin phép đồn tận dụng lán trại làm trạm xá quân dân y phối hợp, làm thành khuôn viên hẳn hoi, xanh, sạch, đẹp, có cả vườn thuốc nam để vừa kết hợp Tây y và Đông y trong khám, chữa bệnh cho mọi người.

Và đó nhiều năm trở thành một địa chỉ tin cậy của bộ đội biên phòng và người dân địa phương.

Y sĩ Đức bộc bạch: “Là quân y giúp dân, ngoài trách nhiệm người lính biên cương và tay nghề còn phải có tấm lòng nữa anh ạ! Bà con đời sống còn khó khăn, lại phải đi nương đi rẫy. Bởi vậy muốn thiết thực phục vụ bà con thì sáng phải dậy sớm, túc trực ở trạm xá, ai cần gì thì mình giúp, cấp thuốc cho bà con, chiều muộn cũng phải có mặt để bà con sau một ngày làm việc cần khám, chữa bệnh gì lại đến với mình. Ngay câu chuyện về mặt giờ giấc, tôi cũng hay tâm sự, chia sẻ với các đồng nghiệp trong lực lương biên phòng. Mình không gần dân, hiểu dân thì làm sao phục vụ tốt nhu cầu chính đáng của bà con. Chính công tác khám, chữa bệnh cho dân làm tốt càng góp phần gắn kết tình cảm quân dân”.

Những ca bệnh đáng nhớ ở Quảng Trị

Năm 1998, biết tin cán bộ của đồn là đồng chí Phùng Thế Thương đang đi công tác bị sốt rét quật ngã ở Ba Tầng thuộc huyện Hướng Hóa, y sĩ Đức cùng 4 cán bộ, chiến sĩ của đồn Sa Trầm cầm theo túi thuốc, đèn pin và võng (để cáng bệnh nhân) lập tức lên đường, tất nhiên là đi bộ.

Từ đồn Sa Trầm muốn đến Ba Tầng thì phải vòng qua bản A Sóc của nước bạn Lào rồi mới vòng về lại. Đến nơi đã 10 giờ đêm. Y sĩ Đức bắt tay vào cấp cứu và điều trị trong 3 ngày liền. Bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm và sức khỏe dần hồi phục.

Đó là cứu chữa đồng đội còn với dân thì cũng quá nhiều chuyện đáng nói.

Những lần chúng tôi đến Ba Nang đã nghe bộ đội biên phòng và người dân kể nhiều chuyện về y sĩ Đức. Có cậu bé tên là Hồ Văn Viên, hơn 10 tuổi, trèo cây không may bị ngã, cành cây đâm vào bộ hạ, lòi tinh hoàn ra ngoài. Biết chuyện, y sĩ Đức có mặt kịp thời nhưng bản thân anh cũng lúng túng vì lúc ấy không có chỉ khâu. Nhanh trí, anh nhờ người nâng bẹn cháu bé rồi dùng chỉ may áo quần đã sát trùng bằng cồn khâu lại và vẫn để cho tinh hoàn có thể di động trong bìu dái, tránh nguy hiểm. Tiếp đó dùng thuốc kháng sinh điều trị. Cháu bé tai qua nạn khỏi nhưng cả nhà và cả bản đinh ninh cháu bé mai này lập gia đình chắc không thể có con.

Rồi Viên lấy vợ và… sinh con bình thường, khỏe mạnh. Nhớ ơn bộ đội biên phòng, cậu đặt tên con là Đức, gọi tên bố theo phong tục đồng bào Vân Kiều của địa phương là Pả Đức. Mỗi lần gặp lại y sĩ Đức, Viên mừng ra mặt, cứ nằng nặc đòi mời anh về nhà cho bằng được.

Thầy thuốc quân hàm xanhNhiều ca bệnh khó đã được y sĩ Lê Văn Đức xử lý, điều trị hiệu quả - Ảnh: NVCC

Một lần khác, có cháu bé bị tiêu chảy cấp, mất nước trầm trọng, được bố đưa đến khám. Sau khi khám bệnh, y sĩ Đức nhận thấy da tay cháu vì bị mất nước kéo dài đã nhăn nheo lại, đàn hồi rất kém, nếu chậm điều trị ắt sẽ nguy hiểm tính mạng. Anh quyết định cho cháu ở lại trạm quân y của đồn điều trị, trước tiên cho uống orizon để bù nước.

Mặc dù đã hướng dẫn cho bố mẹ rồi nhưng sợ họ làm không đúng chỉ dẫn nên anh tự mình cho cháu uống theo chỉ định. Thấy cháu bé như vậy, có người ái ngại khuyên hay là nên cho cháu ra ngoài đồn, chứ nếu có mệnh hệ gì xảy ra thì cũng không hay.

Khi nhắc chuyện này, y sĩ Đức hồi tưởng: “Lúc đó vì lương tâm nghề nghiệp, tôi vẫn quyết định cho ở lại vì biết nếu mình cho về chắc gia đình sẽ không đưa đi viện vì đường sá xa xôi, cách trở, bà con lại không có tiền chi phí đi lại, ăn ở thì cháu bé sẽ không qua khỏi. Rốt cuộc, cháu bé đã được cứu sống”.

Tết năm ấy, bố cháu bé đem một con gà và mười lon nếp đến biếu y sĩ Đức và anh em biên phòng, nói đồn phải nhận. Anh nói mộc mạc: “Mình gởi bộ đội ăn Tết cho vui, muốn mua thêm chai rượu tặng anh em biên phòng mà mình không có tiền”.

Anh Đức về đồn Sa Trầm ít lâu thì được đi học 6 tháng về sản khoa ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị để tham gia công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa bàn đồn biên phòng phụ trách.

Vui chuyện, tôi gạn hỏi: “Thế thầy thuốc còn làm nhiệm vụ đỡ đẻ nữa phải không?”. Y sĩ Đức trả lời: “Đỡ đẻ vùng cao đối với bộ đội biên phòng nào phải là chuyện lạ anh à! Nhưng ca tôi sắp kể ra đây thì không hề đơn giản với địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn. Đó là khi khám cho một sản phụ có thai ngôi ngang sa tay (đại loại thai nằm ngang thay vì nằm dọc), mặc dù có học chuyên khoa sản nhưng gặp ca này cũng có phần run tay. Tôi thấy sản phụ đang gặp nguy hiểm nên động viên hết mức chị ấy và gia đình đồng ý đưa đi bệnh viện tuyến tỉnh xử lý kịp thời, cắt cổ tử cung cứu được người mẹ”.

Thượng tá Lê Hồng Sơn - Chính trị viên đồn biên phòng Ba Nang cho hay, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, y sĩ Đức là cán bộ dù đã phát thiệp cưới con trai vẫn quyết định thu hồi để hoãn cưới, đặt tình riêng xuống dưới nhiệm vụ chung được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng biểu dương.

Thầy thuốc không biên giới

Quân y bộ đội biên phòng không chỉ khám, chữa bệnh, tư vấn cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng biên Quảng Trị mà còn giúp nước bạn Lào về mặt y tế.

Bà Y Rên ở huyện Sa Muồi, tỉnh Saravan (Lào) thì bị bệnh lao phổi nặng, gia đình khó khăn cũng không đi bệnh viện điều trị. Y sĩ Đức thấy vậy động viên bà cứ chịu khó chạy chữa. Anh về bệnh viện lao phổi của tỉnh tham khảo phác đồ điều trị rồi lên tự mình kiên trì điều trị mấy tháng trời cho bà. Rốt cuộc bà đã hết bệnh. Khi lên công tác đồn Sa Trầm lần hai, y sĩ Đức gặp bà thấy khỏe mạnh, mập mạp. Bà cứ níu tay anh mà nói lời cảm ơn tự tận đáy lòng, ai thấy cũng xúc động.

Thầy thuốc quân hàm xanhY sĩ Lê Văn Đức chăm sóc trẻ sơ sinh - Ảnh: NVCC

Còn bà Y Hoàng (tức mẹ của Hoàng) ở bản A Sóc của nước bạn Lào bị viêm loét dạ dày lâu ngày, bệnh viện cũng chẩn đoán như vậy nhưng vì bà không có tiền bà cũng không có tiền để chữa trị nên bệnh tình càng ngày càng nặng. Hơn nữa bà con khi đau bệnh này lại kiêng khem ăn uống nên cơ thể càng có nguy cơ suy nhược. Khi thăm khám, y sĩ Đức động viên bà cứ để quân y biên phòng chữa trị. Anh về bệnh viện đa khoa tỉnh hỏi thêm các đồng nghiệp về phác đồ điều trị với mong muốn giúp bà lành bệnh. Sau hai tháng kiên trì truyền dịch và dùng thuốc kháng sinh, bà Y Hoàng đã hoàn toàn bình phục.

Y sĩ Đức kể lại: “Khi bà lành bệnh, người nhà bà dắt về một con bê, nói tặng bác Đức, bà nói phải nhận món quà này vì đó là tấm lòng dân bản Lào biết ơn bộ đội Việt Nam đã chữa hết bệnh cho Y Hoàng”.

Những điều còn lại

Khi chúng tôi lên đồn Ba Nang mới đây, nhiều người nhắc đến y sĩ Đức. Y sĩ Lê Đức Thắng, người kế nhiệm y sĩ Lê Văn Đức ở đồn biên phòng Ba Nang, tâm sự: “Anh Đức tận tụy với công việc, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho bộ độ, anh còn hết lòng với dân bản, luôn quan tâm khám, chữa bệnh cho họ nên ai cũng quý cũng thương”.

Còn thượng tá Bùi Văn Hưng - đồn trưởng đồn biên phòng Ba Nang thì ghi nhận: “Trong suốt quá trình công tác, y sĩ Lê Văn Đức là một quân nhân luôn tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ thầy thuốc quân y cũng như dân vận, được đồng đội và bà con dân bản yêu mến, tin tưởng. Anh đã nhận được nhiều giấy khen khen, bằng khen của lực lượng biên phòng, cả khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Y tế... Chúng tôi tự hào về những cán bộ, chiến sĩ như thế!”.

Thầy thuốc quân hàm xanhCán bộ đồn biên phòng Sa Trầm (nay là đồn biên phòng Ba Nang) đón Đại tướng Đoàn Khuê - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 1997. Y sĩ Đức đứng hàng sau cùng, thứ hai, bên phải - Ảnh: NVCC

Già làng Hồ Văn Dân vừa cầm tay tôi vừa xuýt xoa: “Bộ đội biên phòng Ba Nang tốt lắm, luôn quan tâm, giúp đỡ bà con. Dân bản cũng nhớ y sĩ Đức lắm vì bà con hễ ai đau ốm, tai nạn là có bộ đội Đức giúp đỡ nên cả bản ai cũng thương, cũng quý”.

Anh Hồ Văn Hiệp khi mới nhắc đến y sĩ Đức đã reo lên: “Anh Đức y sĩ thì ai mà không quý, bao nhiêu năm ở đây, anh khám, chữa bệnh, giúp cho bà con dân bản rất nhiều. Anh ra quân bà con ai cũng nhớ”.

Còn cựu trung tá Lê Văn Đức bên chén trà, giọng chậm rãi: “Tôi ra quân rồi nhưng nhớ đồn, nhớ bà con dân bản nên hay ghé lên thăm. Nhờ tình đồng đội, nhờ tình cảm bà con dân bản mà mình đeo bám địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, vui buồn cùng dân bản, chăm lo sức khỏe cho bà con. Bà con nói quý mình nhưng chính bản thân tôi cũng biết ơn bà con. Không có họ, tôi không có những năm tháng quân ngũ rất đáng nhớ và đáng quý, không có một cuộc sống như hôm nay”.

Thầy thuốc quân hàm xanh

Anh Lê Văn Đức (thứ ba, từ trái) trong buổi họp lớp - Ảnh: NVCC

Lúc sắp chia tay, tôi hỏi anh câu cuối: “Tôi thấy anh rất chịu khó tìm hiểu y thuật của bà con dân tộc Vân Kiều. Điều gì khiến anh quan tâm đến vậy?”. Anh đáp ngay với vẻ hoan hỉ: “Y thuật bí truyền của bà con dân tộc thiểu số vùng cao là vốn quý thực sự anh à, chẳng hạn như các bài thuốc chữa rắn cắn, chữa chấn thương gân, cơ, xương, khớp… Có những điều mình không thể cắt nghĩa thật rõ ràng, cụ thể nhưng quả thật là rất hiệu nghiệm, tôi đã nhiều lần tận mắt chứng kiến. Chỉ có điều, mình được đào tạo theo y học hiện đại nên cũng phải cân nhắc khi vận dụng y thuật vùng cao, nhưng theo tôi cần có sự tìm hiểu đầy đủ hơn để tiếp thu và vận dụng cho tốt những vốn quý được đúc rút qua nhiều đời của đồng bào vùng cao trong chữa bệnh. Riêng tôi, vẫn theo đuổi ý tưởng này”.

Tôi cám ơn và tạm biệt anh. Nhìn người thầy thuốc biên phòng đi trên đường của một vùng núi, tôi càng hiểu hơn khi thấy họ như những ngọn đuốc thắp sáng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

* Video: Phóng sự về đồn biên phòng Ba Nang - nơi y sĩ Lê Văn Đức từng công tác (Nguồn:

PHẠM XUÂN DŨNG

Đồ họa: Minh Hồng

Xem phiên bản di động