TP. HCM hỗ trợ gần 175 tỉ đồng cho hơn 1.000 cán bộ bị ảnh hưởng tinh giản biên chế
Kinh tế - Xã hội - 16/12/2024 19:42 TRẦN LƯU
Thôi việc ngay do tinh giản biên chế có được trợ cấp tiền lương? |
Sát nhập 80 phường, dôi dư hơn 1.000 cán bộ
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP. HCM khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ thêm đối với trường hợp nghỉ do tinh giản biên chế; nghỉ do dôi dư sắp xếp đơn vị hành chính; nghỉ công tác trước tuổi do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; nghỉ công tác trước tuổi không thuộc diện tinh giản biên chế trên địa bàn.
Theo đó, đối với trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 5 Nghị định 29/2023 của Chính phủ, được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng BHXH bắt buộc; từ năm 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 29, được trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng BHXH bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định tại khoảng 2 Điều 8 Nghị định 29, được trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 29, được đề xuất trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc.
Các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh: hcmcpv.org.vn |
Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, được trợ cấp thêm 3 tháng phụ cấp hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc.
Người nghỉ hưu trước tuổi do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm các chức vụ, chức danh được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng BHXH bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Người nghỉ hưu trước tuổi (do nguyên nhân bất khả kháng, sức khỏe giảm sút) được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Trường hợp nghỉ việc ngay nhưng không thuộc đối tượng tinh giản biên chế được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc.
Trước đó, lãnh đạo UBND TP. HCM yêu cầu các địa phương đồng loạt tổ chức hội nghị công bố quyết định sắp xếp các phường (sáp nhập) từ ngày 28 đến 30/12/2024. Đến 1/1/2025, các phường mới chính thức đi vào hoạt động.
Cụ thể, TP. HCM sẽ sáp nhập 80 phường (tại các Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận) xuống còn 41 phường (trong đó có 38 phường mới).
Sau sáp nhập, TP. HCM sẽ đối mặt với tình trạng dôi dư nhân sự, gồm 1.022 cán bộ, công chức cấp xã, viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách.
UBND TP. HCM thừa nhận, việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lí, tư tưởng và quyền lợi của một số cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách phải nghỉ việc hoặc điều chuyển. Trong giai đoạn đầu, áp lực từ việc sắp xếp có thể tác động đến hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, việc xử lí nhân sự dôi dư gặp nhiều khó khăn khi đa số cán bộ, công chức đã được chuẩn hóa và đang chịu áp lực lớn từ khối lượng công việc. Việc sáp nhập thêm các đơn vị hành chính cấp xã liền kề càng khiến đội ngũ nhân sự chịu tác động sâu rộng.
Dự kiến, ngân sách TP. HCM cần đảm bảo hằng năm cho các khoản hỗ trợ thêm nêu trên là khoảng 175 tỷ đồng. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 11/12/2024.
Giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính
Về phương án tinh gọn bộ máy khối chính quyền, TP. HCM nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố trên nguyên tắc Trung ương có bộ nào thì TP. HCM có sở tương ứng.
Theo đó, nghiên cứu sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, sắp xếp các cơ quan Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ cao, Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông TP. HCM.
Nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc.
Sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, chuyển Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.
Sáp nhập Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, chuyển nhiệm vụ của 2 sở này về các sở khác có liên quan. Đồng thời, chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.
Nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao, sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Cán bộ nhận lương hưu trên địa bàn TP. HCM. Ảnh: P.V |
Nghiên cứu kết thúc hoạt động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao.
Nghiên cứu kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương.
Sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc; sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP. HCM cho biết, kế hoạch sắp xếp dự kiến các cơ quan Đảng, chính quyền tại địa phương đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu thực hiện theo phương án này, TP. HCM sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP. HCM.
Ngoài ra, thành phố cũng nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TPHCM gồm các Ban Quản lý, đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục, y tế... Nghiên cứu kết thúc hoạt động, sáp nhập đối với một số Ban chỉ đạo cấp thành phố, chỉ giữ lại các Ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Tinh gọn bộ máy: Giữ chân người tài, giải quyết hợp lý nhân sự dôi dư Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khẳng định, cùng với sắp xếp, ... |
Tinh gọn bộ máy – một cuộc cách mạng để đất nước vươn mình Chỉ khoảng nửa năm nữa thôi, vào giữa năm 2025, công cuộc sắp xếp lại cho tinh gọn và hiệu quả hơn bộ máy Đảng, ... |
Vị trí của công đoàn trong cách mạng tinh giản bộ máy Cuộc cách mạng tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan hành chính đang diễn ra tại Việt Nam sẽ ... |