Hà Nội: Công nhân Công ty Việt Pacific ngừng việc tập thể
Phóng sự điều tra - 11/05/2022 13:31 Ý YÊN
Cuộc sống khó khăn vì “bão giá”
Sáng 11/5, hàng trăm công nhân lao động của Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific tập trung trước cổng Công ty mà không vào làm việc. Họ đứng, ngồi theo từng nhóm ở hai bên đường Thanh Bình, thuộc phường Mộ Lao, quận Hà Đông.
Các công nhân cho biết, lý do của cuộc ngừng việc tập thể là yêu cầu Công ty tăng lương cơ bản thêm 500 nghìn đồng/tháng; hỗ trợ thêm tiền gửi xe; điều chỉnh thời gian đóng và mở cửa nhà máy; thanh toán tiền phép năm 2021; tăng phụ cấp thâm niên và không được trừ tiền chuyên cần khi công nhân nghỉ phép dưới 3 ngày trong tháng.
Công nhân Công ty Việt Pacific ngừng việc tập thể sáng 11/5/2022 - Ảnh: Ý YÊN |
“Tôi làm ở Công ty được 3 năm, hằng tháng nếu tăng ca, tổng thu nhập sau khi trừ các khoản tôi nhận về khoảng hơn 5 triệu đồng. Cuộc sống rất khó khăn vì mọi thứ đều tăng giá. Hai đứa con tôi trước đây học online thì các khoản tiền có bớt đi. Bây giờ các cháu đi học trực tiếp, chi phí học hành tăng lên, chúng tôi khó đảm bảo đời sống cho con”, một công nhân cho biết.
Một nữ công nhân khác thì chia sẻ rằng phải chấp nhận xa chồng và 2 con để xuống Hà Nội làm việc. Chị nhẩm tính, hằng tháng tiền nhà trọ và điện nước hết khoảng 2 triệu đồng, phải chi tiêu tằn tiện lắm thì mới gửi về cho chồng từ 2 đến 2,5 triệu đồng để nuôi con ăn học.
“Tôi không dám nghĩ đến lúc ốm đau, những khi gia đình có công to việc lớn vì không có tiền”, chị bộc bạch và cho biết thêm, mọi chi phí hiện nay đều đắt đỏ, tăng giá mà lương không tăng trong 3 năm liền.
Hầu hết các công nhân còn bức xúc việc Công ty tính thời gian đi muộn từ lúc 7h25 phút. Công nhân đến sau giờ đó dù chỉ 1 phút đều bị phạt 30 nghìn đồng. Họ yêu cầu Công ty điều chỉnh lại việc tính thời gian sau 7h30 phút. Ngoài ra, hiện nay Công ty không bố trí được chỗ gửi xe, người lao động đều phải gửi bên ngoài, giá từ 150 đến 180 nghìn/xe/tháng. Trong khi đó, Công ty chỉ hỗ trợ 85 nghìn/xe/tháng.
Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific có địa chỉ tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội - Ảnh: Ý YÊN |
Công đoàn cơ sở đã 5 lần thương lượng về việc tăng lương
Ngay trong sáng hôm qua (10/5), đại diện Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, LĐLĐ quận Hà Đông, Phòng LĐ- TB & XH quận Hà Đông và Công an quận Hà Đông, UBND phường Mộ Lao đã có buổi đối thoại với lãnh đạo Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific.
Thay mặt lãnh đạo Công ty, ông Choi – Giám đốc điều hành trả lời từng nội dung kiến nghị của người lao động. Theo đó, Công ty sẽ tăng lương cho công nhân từ tháng 5/2022 với mức tăng 200 nghìn đồng/tháng. Đồng thời hứa chi trả tiền phép năm 2021 cho toàn bộ người lao động. Bên cạnh đó, xem xét việc tăng mức hỗ trợ gửi xe cho người lao động nhưng sẽ trả lời cụ thể sau.
Người lao động tập trung trước cổng Công ty sáng 11/5 - Ảnh: Ý YÊN |
Liên quan đến việc mở, đóng cửa Công ty và tính thời gian đi muộn, Doanh nghiệp này và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty thống nhất theo yêu cầu của người lao động (7h30 phút). Về việc tăng phụ cấp thâm niên hằng năm, doanh nghiệp cho biết còn đang khó khăn nên năm 2022 sẽ không thể tăng, do đó đề nghị điều chỉnh vào năm 2023. Cùng với đó, việc trừ tiền chuyên cần đối với công nhân xin nghỉ phép dưới 3 ngày trong tháng vẫn được Công ty bảo lưu.
Sau cuộc họp với các cơ quan, đơn vị và đại diện người lao động, lãnh đạo Công ty đã mời toàn bộ công nhân tập trung để nghe thông báo chính thức về việc điều chỉnh. Tuy nhiên hầu hết người lao động không đồng ý và tiếp tục ngừng việc.
“Sáng nay (11/5) có hơn 400 công nhân đã vào làm việc, số còn lại tập trung ngừng việc ngoài cổng”, đại diện Công ty nói và cho biết doanh nghiệp có khoảng hơn 1.000 công nhân.
Đồng chí Nguyễn Tràng Huy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific cho biết: “Công nhân mỗi người một hoàn cảnh, có khó khăn. Tại Công ty, thu nhập và các chế độ đều cao hơn luật nhưng hiện nay người lao động đòi hỏi ngoài luật quy định, trong khi doanh nghiệp đang khó khăn do ảnh hưởng của 2 năm đại dịch vừa qua”.
Chủ tịch Công đoàn Công ty nói rằng luôn lắng nghe, bảo vệ quyền lợi người lao động. Trước khi xảy ra ngừng việc, Công đoàn Công ty cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của công nhân, từ đó thương lượng với Ban giám đốc 5 lần trong vòng 2 tháng.
“Tuy nhiên, khó khăn là sau khi thương lượng, Ban giám đốc phải có thời gian báo cáo với bên hãng. Chỉ khi nào có quyết định, đóng dấu thì Công đoàn mới có thể thông báo cho người lao động nhưng người lao động bức xúc, đòi hỏi ngay”, đồng chí Nguyễn Tràng Huy nói.
“Quan điểm của Công ty là hiện nay đã giải quyết những yêu cầu chính đáng của người lao động rồi. Những yêu cầu tiếp theo Công ty không thể giải quyết được. Sau 5 ngày, nếu công nhân không vào làm việc thì doanh nghiệp có thể sa thải”, Chủ tịch Công đoàn Công ty thông tin.
Đồng chí Hoàng Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội cho biết: “Có nhiều nội dung phát sinh trong quá trình công nhân ngừng việc. Phía Công đoàn giữ quan điểm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trên cơ sở đó đã thống nhất một số nội dung sau cuộc họp với lãnh đạo Công ty. Tuy nhiên, công nhân chưa chấp thuận. Việc này cần có sự thống nhất trong doanh nghiệp, Công đoàn sẽ tiếp tục làm công tác tư tưởng cho công nhân”.
Trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, đại diện Công an phường Mộ Lao và Đội An ninh Công an quận Hà Đông cho biết, công nhân lao động Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific ngừng việc tập trung nhưng giữ thái độ ôn hòa, không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Cơ quan công an tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình cho đến khi vụ việc được giải quyết. |
Cần khẩn trương hoàn thiện "hộ chiếu vaccine" Bắt đầu triển khai từ 8/4, tính đến nay, cả nước mới có hơn 10 triệu người có thông tin hoàn chỉnh về "hộ chiếu ... |
Ông Đặng Đình Đoàn, Phó trưởng Công an phường Sông Bằng (TP. Cao Bằng) vừa bị cách chức và cho thôi phục vụ trong lực ... |
Chuyện đời người đi bộ ngàn cây số về quê - Kỳ cuối: Ngôi nhà mơ ước Nhìn ngôi nhà bà Trần Thị Khuyên, mẹ anh Chu Đức Thắng ở xã Hàm Ninh, tôi nhớ lại câu nói có vẻ hơi khó ... |
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 21/11/2024 16:27
Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
Nữ lao động là trụ cột chính trong gia đình, việc bị nợ lương đã khiến cuộc sống của cô lâm vào cảnh túng quẫn.
Phóng sự điều tra - 15/11/2024 20:50
Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam
Sáng nay (15/11), đại diện Công ty TNHH Outcubator Việt Nam đã tới làm việc với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ (Hà Nội) về vụ tranh chấp lao động xảy ra tại công ty này.
Phóng sự điều tra - 13/11/2024 14:33
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định bác sĩ Lê Khắc Thu có đủ sức khỏe để làm việc. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại.
Phóng sự điều tra - 08/11/2024 14:32
Bị nợ lương thử việc, nam công nhân phải vay lãi ngày chăm con ốm
Kết thúc thời gian thử việc 1 tháng vào ngày 30/8, nhưng hơn 2 tháng sau, anh T. (Thanh Oai, Hà Nội) mới được thanh toán lương sau nhiều lần đòi quyền lợi.
Phóng sự điều tra - 07/11/2024 19:16
Nhân viên tố Công ty Outcubator Việt Nam vi phạm hợp đồng lao động
Một nhân viên kế toán của Công ty TNHH Outcubator Việt Nam (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa làm đơn khiếu nại lãnh đạo Công ty không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng lao động.
Pháp luật lao động - 06/11/2024 09:48
Công ty CP Môi trường xanh Friendly thoái thác trách nhiệm với người lao động
Làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường xanh Friendly thoái thác trách nhiệm trả nợ tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đã làm việc cho Công ty này.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng