Đồng bằng sông Cửu Long: Từ trồng lúa bằng mọi giá đến nuôi trồng thông minh
Kinh tế - Xã hội - 03/02/2022 09:49 THANH MAI
GS. TS. Võ Tòng Xuân |
Tại sao nông dân mình không giàu được như người ta?
PV: Ngày càng nhiều ý kiến cho rằng: Nông nghiệp, nhất là vùng ĐBSCL là bệ đỡ của nền kinh tế, GS có nhận xét gì?
GS. TS. Võ Tòng Xuân: Đúng là nông nghiệp ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung đã có bước tiến đáng trân trọng khi đưa Việt Nam từ quốc gia thiếu lương thực nhanh chóng vươn lên đủ ăn và trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Đặc biệt, trong năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực kinh tế cả nước, nhưng nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn góp phần quan trọng trong ngành nông nghiệp cả nước và được xem như là bệ đỡ của nền kinh tế khi góp phần đưa Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo và lọt vào tốp 5 các quốc gia xuất khẩu gạo, trái cây nhiệt đới, cà phê, điều, gia vị, cá tra, tôm, cao su, sắn…
PV: Thưa GS, đã có không ít những cuộc hội nghị, hội thảo tầm quốc gia, quốc tế bàn kế sách phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL, vì sao cần phải “đại phẫu”?
GS. TS. Võ Tòng Xuân: Ngày nào đại bộ phận nông dân ĐBSCL làm ra sản phẩm chỉ để lo trả nợ mà không tích lũy được cho đủ sống, thì ngày đó báo hiệu chúng ta chưa có phác đồ điều trị đúng bệnh. Trên thực tế, tam nông của chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, người dân nông thôn chỉ đạt bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng (theo kết quả Khảo sát mức sống của Tổng cục Thống kê 2020). Nước ta đã sống trong hòa bình thống nhất được hơn 45 năm rồi mà mức sống chỉ như thế thì chừng nào lời nói của Bác Hồ từ năm 1946 “Nông dân ta giàu thì đất nước ta giàu” mới thành hiện thực?
Nhất là chuyện giá cả và việc tiêu thụ nông sản thường xuyên bấp bênh và loay hoay trong nghịch lý: trồng - chặt, trúng mùa - rớt giá, ùn tắc - giải cứu... đã khiến cho đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn chưa thể khá lên như nông dân nhiều nước lân cận. Điển hình là Nhật Bản hoặc Hàn Quốc vốn cũng đã kinh qua chiến tranh ác liệt như Việt Nam, nhưng nền kinh tế của họ đã bắt đầu khôi phục lại chỉ sau 20-25 năm, nông dân họ bắt đầu tích lũy lợi tức.
Có nhiều nguyên nhân khiến nông dân Việt Nam chậm làm giàu, nhưng cơ bản là chúng ta xử lý vấn đề theo kiểu “thoa dầu gió”, nghĩa là nghe đau đâu thì thoa dầu lên chỗ đó... Vì thế vừa tốn dầu mà bệnh vẫn không thể khỏi. Nông dân thường là tự phát, hùa nhau bắt chước khi thấy thương lái tập trung thu gom món hàng gì đấy thì đổ xô nhau nuôi trồng. Đến lúc thấy loại nông sản nào vừa thu hoạch mà thương lái không mua thì chặt, hoặc trông chờ Nhà nước ra tay thương thuyết với những nơi tiêu thụ tiềm năng, không được thì tổ chức, huy động các ban ngành giải cứu, bán tháo bán đổ.
Ngay cả khi lúa rớt giá, Nhà nước cho doanh nghiệp (DN) vay tiền mua lúa giá rẻ để tạm trữ, cho dân có tiền trang trải nợ nần, đến khi gạo có giá cao hơn DN bán đi có lời, nhưng nông dân không được chia lời đó. Rõ ràng cái khó khăn của nông dân ta là không tiêu thụ hàng nông sản của mình một cách ổn định, bền vững lâu dài, nên thu nhập bình quân khó tăng cao, tức là vẫn nghèo. Hội họp, chúng ta bàn nhiều hướng giải quyết rất hay, nhưng sau cuộc họp thì ngành nào làm theo ngành nấy...
Kết quả sau cùng là nông sản vẫn thường xuyên gặp khó. Vì thế, rất cần cuộc “đại phẫu” nhằm thấy rõ toàn cảnh những nguyên nhân dẫn đến cái nghèo của nông dân ta để có thể tổ chức các mũi giáp công liên kết nhau đánh thắng “giặc nghèo”. “Đại phẫu” hiện trạng phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn để trả lời cho được câu hỏi “tại sao nông dân mình không giàu được như người ta”.
GS. TS. Võ Tòng Xuân (phải) trong lần thăm vườn trồng mãng cầu tại huyện Châu Thành (An Giang). Ảnh: TM |
“Vòng kim cô” trồng lúa bằng mọi giá
PV: GS có thể nói rõ thêm “đại phẫu” này như thế nào?
GS. TS. Võ Tòng Xuân: Chúng ta thấy trước tiên, đại bộ phận lao động nông thôn của ĐBSCL đang đứng trong vùng trũng giáo dục, chỉ làm được công việc giản đơn, mà cũng không có việc làm phải di cư đến các tỉnh quanh TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm. Trong khi đó, những người ở lại quê làm nông nghiệp lại nặng tính làm ăn cá thể, tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không liên kết nhau, không nhiệt tâm với Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và hệ lụy là sản xuất cây con nguyên liệu giá thành cao mà chất lượng thấp, đầu ra không ổn định, lệ thuộc thương lái. Khi vắng bóng “cò” và thương lái thì khâu tiêu thụ đầu ra bị đứt gãy. Nhà nông chỉ biết mong chờ nhà nước giải cứu, xuất tiền cho DN mua tạm trữ. Thỉnh thoảng mới thấy một DN liên kết với nhóm nông dân sản xuất nguyên liệu; phần lớn DN chỉ hợp đồng với thương lái thu gom nguyên liệu từ nông dân, chưa tạo được cầu nối thị trường ổn định.
Các cơ quan chức năng phần lớn chỉ dựa theo sự tự phát trồng cây ăn trái của những nông dân nhỏ lẻ, gộp lại thành HTX vài chục ha, chưa xây dựng kịch bản mang tính khoa học, chiến lược phát triển theo từng giai đoạn trước mắt và lâu dài, để tham mưu cho cấp có thẩm quyền khuyến khích những DN có tâm và có kỹ thuật để xây dựng những vùng nguyên liệu rộng lớn về cây ăn trái, lúa chất lượng cao, tôm, cá, gà thả vườn… đầu tư các cơ sở hạ tầng hiện đại, xây dựng thương hiệu cho những nông sản tiêu biểu...
Nhà nước hiện chỉ mới đầu tư cho an ninh lương thực với những cơ sở hạ tầng như hồ đập chặn sông chứa nước ngọt vùng cao, kênh mương lấy nước sông tưới vùng ngọt và vùng phèn, đê ngăn mặn kèm kênh dẫn nước ngọt quí hiếm để cung cấp nông dân trồng lúa từ vùng cao xuống vùng phù sa nước ngọt đến vùng phèn, ra đến vùng mặn ven biển. Chính điều này đã tạo ra “vòng kim cô” khiến cho nông dân gặp khó khăn về thu nhập, vì rất khó chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bán có giá hơn lúa. Cái khó đó của bà con nông dân càng tác hại trong thực tế biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn: mùa khô thiếu nước ngọt, trong khi đó nước mặn ngày một tiến sâu vào đất liền. Còn mùa mưa, bão thì đang ngày càng bất thường, không còn theo quy luật nào cả. Tất cả đã đặt ra cho chúng ta trách nhiệm cần có giải pháp để ứng cứu ĐBSCL.
PV: Theo GS, trong số rất nhiều vấn đề cần làm, chúng ta có thể bắt đầu từ đâu?
GS. TS. Võ Tòng Xuân: Nhà nước đã đổi mới tư duy bằng Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chúng ta cần một chiến lược gồm nhiều “mũi giáp công” để ĐBSCL có thể khắc phục những nhược điểm cố cựu, phát triển bền vững những thế mạnh nông nghiệp đặc thù theo chiến lược “Liên kết vùng toàn diện đặt trên nền tảng số hóa các chuỗi giá trị của từng sản phẩm liên kết với các chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu”. Các bên liên quan trong chuỗi liên kết này gồm có: nông dân tập thể, các ngành khoa học phù hợp, nông nghiệp, công nghiệp, DN chế biến, lưu thông phân phối, và nhà nước các cấp.
Đây là cách thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ một cách bền vững mà mục đích sau cùng là tạo điều kiện cho nông dân làm giàu nhờ sản phẩm có giá trị cao hơn lúa và có đầu ra ổn định, có nhiều việc làm cho dân nông thôn, về lâu dài nông dân có thể thu lợi thêm nhờ bán cácbon cho thị trường quốc tế. Mục tiêu xóa nghèo cho nông thôn và làm giàu cho GDP của ngân sách nhà nước được lồng vào một cách vững chắc.
Chương trình phát triển này sẽ giúp cho ĐBSCL vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tiết kiệm nước ngọt để chi viện về vùng hạ lưu; vừa sản xuất lương thực nhưng vẫn đảm bảo an ninh lãnh thổ, an sinh xã hội, người dân có mức thu nhập cao, hạn chế tình hình tiếp tay buôn lậu vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu.
GS. TS. Võ Tòng Xuân cùng GS. TS Tsuji Kazunari (khoa Nông nghiệp, Đại học Saga, Nhật Bản) tham quan trang trại chuối. Ảnh: TM. |
Phải nhanh chóng dồn điền để nuôi trồng thông minh
PV: Với kinh nghiệm của nhà khoa học được đi và nghiên cứu thực tiễn cách làm nông nghiệp của hàng chục quốc gia trên thế giới, theo GS, cần có chìa khóa gì để biến những đề xuất tâm huyết này trở thành hiện thực?
GS. TS. Võ Tòng Xuân: Trước tiên, chúng ta nên thay đổi tư duy trồng lúa bằng mọi giá, tiến tới nuôi trồng thông minh. Có thể xem đây là khâu đột phá trong tiến trình thay đổi căn cơ nông nghiệp... Cụ thể là quy hoạch vùng chuyên canh theo đặc thù địa lý để phát huy giá trị lợi thế. Điều này không chỉ dễ ứng dụng khoa học kỹ thuật, mà còn dễ dàng sản xuất ra hàng hóa số lượng lớn và đồng loạt... đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Có dịp đi nhiều nơi, tôi rất đau lòng khi thấy người dân ở các địa phương vùng cao, vùng ven biển thiếu nước ngọt, nhưng vẫn phải trồng lúa. Lúa trong ruộng thì chết khát vì thiếu nước, nhưng nông dân khó thể thay đổi vì hai lý do: Không có hệ sinh thái ngành hàng để chuyển đổi và chiếc “vòng kim cô” trồng lúa. Trong khi, nếu chúng ta có quy hoạch, tổ chức cho người dân tận dụng lợi thế địa lý để nuôi trồng cây, con đặc sản, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước như nuôi tôm vùng ven biển... thì vừa không lo thiếu nước ngọt, vừa có nông sản bán được giá cao.
Cụ thể, có thể chia ĐBSCL thành 3 vùng: Đầu nguồn, ven biển và vùng giữa. Trong đó, vùng đầu nguồn đủ nước ngọt, có thể quy hoạch trồng lúa; vùng ven biển thiếu nước ngọt vào mùa khô, có thể quy hoạch đan xen trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô. Vùng giữa, có thể tổ chức lên liếp trồng cây ăn trái, tận dụng những mương giữa liếp trữ nước để cung cấp nước tưới trong mùa khô. Song song đó, nhà nước tạo điều kiện cho DN xúc tiến thương mại, tìm thị trường sau đó căn cứ vào lợi thế địa lý mà đặt hàng cho các tổ hợp tác, HTX tổ chức cho nông dân gieo trồng đúng theo yêu cầu kỹ thuật mà nhà nhập khẩu đặt ra.
Và then chốt ở đây là phải mạnh dạn triển khai việc dồn điền như cách làm ở miền Bắc. Ở ĐBSCL, tiếng là đất rộng, nhưng sau nhiều thế hệ, đất đai trở nên manh mún và mỗi người chủ đất lại rất tự do trong việc sản xuất từ việc chọn giống cho đến kỹ thuật chăm sóc... Hơn thế nữa, phần lớn lại có tư tưởng bảo thủ nên giữ bí quyết cho riêng mình. Vì thế có thể, họ tạo ra sản phẩm “độc, lạ” bán được giá cao vì sự hiếu kỳ nhất thời, chứ không thể mang lại giá trị lâu dài và bền vững.
Riêng về DN, cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, cũng cần phải có sự đột phá mạnh mẽ cả về nhận thức lẫn hành động. Bên cạnh việc tiếp cận hỗ trợ xúc tiến thị trường từ ngân sách nhà nước, các DN cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh dài hơn, tránh nạn làm ăn vá víu như thời gian qua.
Theo đó, chủ động khai thác thị trường sau đó đặt hàng nông dân trồng theo hợp đồng. Trong đó, cần nhận thức, hành xử, xem nông dân là người đồng hành, là bộ phận quan trọng trong thực thể tạo ra sức sống cho thị trường nông sản. Có thể ban đầu sẽ khó vì những “ám ảnh” của cách làm ăn cũ, nhưng nếu không làm, DN sẽ không có vùng nguyên liệu tốt, sẽ không xây dựng được thương hiệu nông sản. Như thế là chúng ta mãi bán nông sản theo kiểu “câm điếc” và nông dân mãi loay hoay trong vòng xoáy khắc nghiệt của nạn “trồng mù, bán mờ”.
PV: Cụ thể là bắt đầu từ đâu và liệu chúng ta có quá khó khăn để triển khai thực hiện không, thưa GS?
GS. TS. Võ Tòng Xuân: Chấm dứt ngay tập quán mạnh ai nấy làm, không theo chuỗi liên kết; sản xuất theo chuỗi giá trị đến đầu ra, là thị trường của một doanh nghiệp; áp dụng nông nghiệp 4.0. Trong đó tập trung thay đổi hành vi trong sản xuất và cuộc sống để giảm khí nhà kính; thực hành nông nghiệp “zerocacbon” bằng cách bớt sử dụng phân hóa học, thay bằng phân hữu cơ vi sinh; đồng thời giảm diện tích lúa, chuyển sang cây ăn trái, rau màu giá trị cao; sản xuất lúa tôm tại các vùng mặn.
Trong đó, tổ chức vùng sản xuất lớn tập trung, liên kết với một khu công nghiệp sơ chế, hoặc chế biến nguyên liệu của HTX nông nghiệp trong vùng. Mỗi vùng có diện tích đủ lớn cho sản xuất khối lượng nguyên liệu ngành hàng (lúa, xoài, sầu riêng,..; tôm, cá…) theo tầm cỡ đầu ra của DN liên kết của chuỗi. Liên kết các vùng cùng ngành hàng trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL với một đầu mối, và đầu mối này sẽ liên kết với đầu mối của quốc gia. Đầu mối quốc gia sẽ liên kết các đầu mối vùng và đầu mối bên cạnh các Đại sự quán hoặc Tổng lãnh sự Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.
Trong đó phải chú ý đến 8 nguyên tắc quan trọng trong biện pháp tổ chức thực hiện phát triển theo chuỗi giá trị liên kết vùng là: 1. Bắt đầu từ (F) Nhà doanh nghiệp là đơn vị chủ trò, được nhà nước giúp đỡ trong đào tạo chuyên môn và đi khám phá hoặc mở thị trường cho các sản phẩm từ nông nghiệp Việt Nam.
Nhà doanh nghiệp luôn kết nối với thị trường trong nước qua mạng thông tin của các Sở Công thương và Sở Nông nghiệp 63 tỉnh, thành, hoặc qua mạng thông tin của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp nối kết với các Thương vụ của tất cả các Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam khắp nơi trên thế giới. 2. (A) giống cây/con mà thị trường của nhà doanh nghiệp F cần. 3. (B) nông dân xã viên hợp tác xã nông nghiệp. 4. (C) tư vấn kỹ thuật do các Viện, Trường: cung cấp giống cây, con, qui trình kỹ thuật hiện đại (zero-cacbon) thích hợp, huấn luyện xã viên HTX nông nghiệp đủ kỹ năng sản xuất nguyên liệu đúng tiêu chuẩn mà khách hàng qui định. 5. (D) dịch vụ sản xuất đến thu hoạch do HTX nông nghiệp cung cấp. 6. (E) chuỗi cung ứng nguyên liệu chính là do nông dân vùng qui hoạch họp lại thành HTX nông nghiệp. 7. (F) doanh nghiệp được nhà nước tạo điều kiện liên kết với nông dân và đất đai sản xuất của họ trong vùng qui hoạch; xây nhà máy công nghiệp chế biến hoặc sơ chế các sản phẩm từ chuỗi cung ứng nguyên liệu của HTX nông nghiệp, kể cả các sản phẩm từ phụ phẩm, kho tồn trữ, xưởng đóng gói bao bì, phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm. 8. (G) chuỗi logistic cung ứng sản phẩm có thương hiệu, phân phối, tiêu thụ toàn quốc và toàn cầu.
Chiến lược đề nghị chỉ mới phác họa hướng đi, chưa đề cập đến những cơ chế, chính sách và các nguồn lực đầu tư. Có thể trở ngại lớn nhất là sự bảo thủ của người nông dân ĐBSCL vẫn không muốn liên kết nhau, không chịu dồn điền để nhà DN thiết kế vùng sản xuất hiện đại theo kỹ thuật chuyên môn. Nông dân luôn muốn giữ gìn những gì ông bà để lại, nhưng như thế cũng là duy trì cái nghèo muôn thuở.
PV: Xin cảm ơn GS. TS. Võ Tòng Xuân.
Vượt hàng trăm km, kịp thời lấy tạng, ghép tim cứu sống bệnh nhân Các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế di chuyển hàng trăm km bằng đường bộ trong đêm từ Huế ra Hà Nội để ... |
Long An: Tập trung chăm lo đời sống cho người lao động và phục hồi sản xuất Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Long An đã có kế hoạch ... |
Thủ tướng đưa khái niệm “8G” để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long Hôm qua ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra khái niệm “8G” để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 13:23
Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
Bạn đã bao giờ tưởng tượng mình sẽ lái một chiếc Ford Ranger chinh phục những địa hình hiểm trở? PVOIL VOC 2024 đã biến điều đó thành hiện thực cho hàng trăm người đam mê off-road tại Việt Nam.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 08:00
Cơ hội hiếm có từ dự án Top 1 khu Đông TP HCM khi căn hộ dưới 3 tỷ đồng dần biến mất
Chính sách bán hàng còn “ghi điểm” khi đưa ra tiến độ thanh toán siêu giãn, giúp khách chỉ phải trả 1 - 1,5%/tháng, tương đương từ 39 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, với số tiền khoảng 3 tỷ đồng trong tay, khách hàng đã có thể sở hữu ngay một căn hộ hạng sang thuộc dự án Top 1 Đại đô thị đáng sống bậc nhất Sài Gòn.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 08:00
Cơ hội cuối nhận ưu đãi 100% lệ phí trước bạ cho xe Toyota trong năm 2024
Nắm bắt nhu cầu mua xe tăng cao vào những tháng cuối năm và hiệu ứng tích cực từ chương trình ưu đãi của các tháng trước, tháng 11 này Toyota Việt Nam tiếp tục triển khai khuyến mại dành cho 5 mẫu xe “hot” giúp khách hàng dễ dàng sở hữu xe Toyota trước thềm năm mới.
- Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
- Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
- 06 cách giúp công nhân lao động thêm việc thêm tiền
- Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
- Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?