Làn sóng di cư và những cuộc ly hương đầy nước mắt
Đời sống - 22/02/2024 13:53 TRẦN LƯU
Những đứa trẻ chông chênh trước thềm năm học mới |
Thiếu việc, thiếu đất sản xuất... là nguyên nhân "đẩy" lao động nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra khỏi khu vực truyền thống, khiến nhiều người bấp bênh nơi đô thị.
Rời khỏi đồng bằng
Hơn 3 năm sau ngày khóa cửa, bỏ hoang, bây giờ căn nhà của anh Lê Hoàng Em đã có người về ở. Vẫn những con người đó, chỉ có điều họ đã không có được hạnh phúc như niềm ước vọng của ngày đi - mà thay vào đó, chỉ toàn là đau thương và nước mắt.
Quê anh Hoàng Em ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nơi phần lớn người dân không có đất đai, ruộng vườn canh tác. Cuộc sống của họ chỉ trông chờ vào đi làm thuê, làm mướn, công việc chủ yếu là mần ngó sen, cơ cực mà thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Năm 2020, gia đình 4 thành viên của anh quyết định bỏ lại căn nhà dưới quê rồi dắt díu nhau lên Bình Dương làm công nhân trong một xưởng gỗ. Không lâu sau đó, dịch Covid-19 bùng phát, gia đình anh bị mất việc làm, phải sống nương tựa vào sự hỗ trợ của chính quyền, các nhà hảo tâm.
Anh Lê Hoàng Em. Ảnh: P.V |
Đến khi dịch bệnh lắng xuống thì lại gặp lúc kinh tế khó khăn, suy thoái. Những người công nhân như anh liên tục bị cắt việc, giãn việc. Không thể trụ lại được, trước Tết Nguyên đán, gia đình buộc phải về quê. Vợ anh ra bán bánh kẹo trước cổng một trường học, hai đứa con gái nhỏ ai mướn gì làm nấy, chật vật mưu sinh qua ngày.
Ông Lê Út Em - Trưởng ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, cho biết: Trong tổng số 202 hộ trong ấp, có tới 81 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo. Hầu hết bà con sở tại không có đất đai, ruộng vườn để làm nông, họ chủ yếu đi làm mướn mưu sinh. Ông Lê Út Em thống kê, đến nay đã có 40 hộ gia đình bỏ xứ lên miền Đông làm công nhân.
“Thay vì ở quê không nghề ngỗng, họ bỏ xứ đi cũng là một cách để giảm gánh nặng cho gia đình, cho chính sách ở địa phương, ít nhất là cũng tự nuôi sống bản thân mình được”, ông Út Em nói.
Anh Lê Hoàng Em là một trong số hàng triệu trường hợp thuộc làn sóng di cư ra khỏi Đồng bằng sông Cửu Long. Họ tìm đến TP. HCM và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ với mong ước có cơ hội việc làm để cuộc sống được khá hơn so với ở quê.
Những năm gần đây, hạn mặn xâm nhập, thiếu nước ngọt, ảnh hưởng của các đập nước trên thượng nguồn, rồi biến đổi khí hậu… đang là những yếu tố làm ảnh hưởng sinh kế trầm trọng và thúc đẩy luồng di dân. Ở chiều ngược lại, lực hút từ sự phát triển của TP. HCM và khu vực miền Đông cũng kéo nhiều người dân ra khỏi vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân tạo nên làm sóng di cư ra khỏi Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: P.V |
Người tứ xứ lâu nay vốn coi TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai là nơi "đất lành". Hàng chục năm qua, trong từ điển của người miền Tây có thêm từ "đi Bình Dương", để chỉ những người bỏ quê lên miền Đông tìm việc.
Cha mẹ gãy gánh giữa đường nên từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Nguyên (SN 1992, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) đã phải nương tựa bà nội. Mỗi ngày, ngoài chút ít thời gian ở ao, vuông, Nguyên chỉ biết ra ngồi cà phê, hoặc tụ tập bạn bè nhậu nhẹt.
4 năm trước, chàng trai lên TP. HCM làm tài xế trong một công ty vận chuyển hàng hóa. Rồi anh lập gia đình, có con. Do áp lực tài xế phải liên tục đi xa, một dạo Nguyên đem con về dưới quê chăm sóc. Hai năm sau, vợ chồng Nguyên trở về, nhưng đứa trẻ cứ nhìn cha mẹ dè chừng như… người lạ!
Rất đông lao động nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long đã bỏ quê lên các thành phố lớn làm công nhân. Ảnh: P.V. |
Làm sao để “ly nông bất ly hương”?
Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, trong 10 năm qua đã có hơn 1,3 triệu người dân di cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long.
Phần lớn người di cư trong độ tuổi lao động và có trình độ học vấn cao. Số liệu điều tra năm 2019 cho biết 73% số người di cư thuộc lực lượng lao động, trong đó, độ tuổi 15-19 chiếm 52,8%, độ tuổi 20-29 là 74,6%, độ tuổi 30-39 là 92,1%.
Thông tin cho biết phần lớn số sinh viên từ Đồng bằng sông Cửu Long theo học đại học ở TP. HCM không trở về. Ngoài ra, ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp từ tác trường đại học trong vùng chuyển đến làm việc ở TP. HCM. Các tỉnh đô thị hóa thấp có tỷ lệ di cư thuần cao: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Người từ TP. HCM và các tỉnh miền Đông trở về quê tại chặn tại chốt kiểm dịch (thuộc tỉnh Hậu Giang) trong đợt dịch Covid-19 năm 2021. Ảnh: P.V. |
Thiếu việc làm, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm ở nông thôn miền Tây chính là nguyên nhân đẩy lao động ra khỏi khu vực truyền thống. Nó đang đi ngược lại với cụm từ “ly nông bất ly hương”, mà chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản là người dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp (công nghiệp, du lịch và dịch vụ) mà không phải rời xa quê hương.
Các chuyên gia cho rằng sự dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển của bất kỳ một vùng đất, một quốc gia nào trên thế giới là điều tất yếu nhưng vấn đề lo ngại là tình trạng “di cư bị động”. Đã có bằng chứng cho thấy, việc chuyển đổi kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn miền Tây chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận lao động. Phát triển tiểu khu công nghiệp và ngành nghề truyền thống đặc biệt là ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long nhớ lại, từ năm 2011, khi tham gia đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và các bộ, ngành trung ương khảo sát các chuyên đề giảm nghèo, đời sống công nhân, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long, bản thân ông nhận thấy đã nổi lên những mảng tối của bức tranh này. Ở đó, sự chuyển đổi kinh tế ở các địa phương chưa tạo được nhiều việc làm cho người dân.
Với mỗi người bỏ quê, là mỗi cuộc ly hương đầy nước mắt. Ảnh: P.V. |
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, người miền Tây thực bụng, nghĩ đơn giản, nên mơ ước cũng không xa vời, chỉ cần có cái ăn, cái mặc qua ngày. Nhiều người rời quê với ước mơ sau này về xây lại cái nhà khang trang hơn, có vài công ruộng, miếng vườn nhỏ. Họ chấp nhận sống lay lắt nơi đô thị, trong những phòng trọ chỉ khoảng 10m2. Một thế hệ rồi hai, ba thế hệ người tha hương, giấc mơ mãi không thành. Nhiều người hàng chục năm ngoái lại, khi đất khách chưa là quê mới mà quê hương đã thành cố hương.
Ra đi vì lẽ sống, mưu sinh, đổi đời cũng là một tất yếu, có ý nghĩa tích cực, tuy nhiên cũng nảy sinh những bất cập. Đó là sự chênh lệch về số dân giữa nông thôn với thành thị, giữa thành thị đồng bằng châu thổ với các thành phố lớn, thành phố đang phát triển. Hệ lụy là những vấn đề xã hội nhức nhối. Đó là cảnh nhiều thôn, ấp thiếu vắng bóng người, ruộng nương không ai cày cấy, nhà cửa không người trông nom. Nhiều trẻ em do thiếu vắng tình thương của cha mẹ, không được chăm sóc dạy dỗ chu đáo, không được học hành có nguy cơ sa ngã, vi phạm pháp luật...
“Khi xảy ra thiên tai, hạn mặn, sạt lở, người ta chỉ thống kê bao nhiêu hecta lúa, rau màu, vườn cây, ao nuôi thủy sản thiệt hại, mà quên đi những "di chứng" đang âm ỉ trong mỗi gia đình khi nhiều người từ đó phải bỏ quê đi làm ăn xa. Con cái để lại cho ông bà, sống thiếu tình thương cha mẹ, hoặc phải gồng gánh lên thành phố ở phòng trọ, vào các nhóm giữ trẻ rẻ tiền, chịu tổn thương tâm lý khi gặp phải nạn bạo hành trẻ em”, Tiến sĩ Hiệp nói.
* Hình ảnh người dân miền Tây về quê trong đại dịch Covid-19
Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 nêu ra "ba vòng xoáy đi xuống" của vùng gồm: vòng xoáy lao động, ngân sách và cấu trúc kinh tế vùng. Trong đó, vòng xoáy lao động là tình trạng thiếu việc làm tại chỗ.
Trong năm 2023, nền kinh tế suy thoái dẫn đến hơn nửa triệu người mất việc trên cả nước, và đằng sau đó là những cảnh đời khốn khó của lao động nhập cư như anh Nguyên, anh Hoàng Em...
“Chính vì vậy mà những cuộc "di dân ngược" của lao động ngoại tỉnh về quê cần được xem xét ở trên nhiều bình diện khác nhau. Cần đảm bảo các yêu cầu quản lý dân cư, đến các giải pháp kinh tế, bố trí lại việc làm, cân đối thị trường lao động... Chính sách ưu tiên cho tam nông, ly nông bất ly hương phải được xem là nền tảng quyết định nhằm tạo dựng niềm tin, sự gắn bó với quê hương của người dân. Vấn đề cốt lõi của Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là định vị vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển với mục tiêu đưa vùng này thành nơi đáng sống với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư. Động lực mới cần được bắt đầu chính từ nội lực của vùng, từ nguồn nhân lực bậc cao, từ khoa học và công nghệ và từ doanh nghiệp. Đây sẽ là những mảnh ghép, vá lại "giấc mơ dang dở" của người di cư”, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp kiến nghị.
Vị chuyên gia cũng đề xuất cần xem việc xuất cư và cuộc “di cư ngược” trong đại dịch Covid-19 hay trong làn sóng thải loại lao động vừa qua của người lao động miền Tây như là chỉ dấu để rà soát chính sách, bố trí lại cơ cấu lao động, đảm bảo các yêu cầu phát triển cân đối, tính toán phương kế lâu dài cho một thị trường lao động đang rất bấp bênh và thiếu phối hợp giữa hai khu vực lớn là miền Đông và miền Tây Nam bộ - một nơi công nghiệp phát triển, tốc độ đô thị hóa tăng cao và một nơi còn nặng nông nghiệp và thiếu việc làm. Những cảnh báo như thế này xem ra vẫn chưa muộn!
Doanh nghiệp về tận xã tuyển lao động, hỗ trợ tiền cho tháng đầu đi làm Đó là cách của một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện, nhằm tuyển 1.800 ... |
Khi phim Nhà nước “cháy vé” “Đào, phở và piano” - bộ phim Nhà nước đặt hàng đang trở thành cơn sốt phòng vé. |
Quảng Ninh: Gần 60 công nhân nhập viện nghi bị ngộ độc khí Trong khi đang làm việc, 57 công nhân Công ty TNHH Vega Balls thuộc Khu công nghiệp Đông Mai có biểu hiện buồn nôn, đau ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 02/12/2024 15:17
Những mô hình “kinh doanh hạnh phúc” của người lao động khiếm khuyết
Một số cơ sở kinh doanh trở nên đặc biệt hơn khi các nhân viên đều là người khiếm khuyết. Tuy gặp hạn chế về giao tiếp, ngôn ngữ, nhưng họ có thể phục vụ khách hàng chu đáo, chuyên nghiệp và hòa nhập với cộng đồng.
Đời sống - 26/11/2024 18:02
Công chức, viên chức trước cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Trong bối cảnh cải cách hành chính ngày càng được đẩy mạnh, việc tinh gọn bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội trở thành xu thế tất yếu. Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo và bước đi quyết liệt nhằm giảm thiểu sự cồng kềnh, chồng chéo và kém hiệu quả trong hệ thống.
Kinh tế - Xã hội - 26/11/2024 11:08
Vi chất dinh dưỡng – Nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại chuyến thăm và kiểm tra công tác tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em của huyện Cao Phong (tỉnh Hoà Bình) hồi tháng 6 vừa qua. Thứ trưởng nhấn mạnh: Các vi chất dinh dưỡng nói chung, trong đó có vitamin A rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.