
Sự việc xảy ra chiều 9/1/2023, tại Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Hà Nội (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Thời điểm đó, nữ công nhân Vũ Thị Ánh (SN 1996) đang cùng các đồng nghiệp xay thịt để làm nhân xúc xích, không may tay phải của chị bị máy xay thịt cuốn vào, cụt mất 1/3 cánh tay. Chị Ánh ngất tại hiện trường, được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.
Nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng, chị Ánh rùng mình: “Lúc ấy, tôi có đeo đôi găng tay mỏng và đưa miếng bì vào máy xay, không may phần tay phải bị hút vào và bị máy nghiền nát, đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh”.
Được biết, chị Ánh bắt đầu công việc từ năm 2019 với mức thu nhập hằng tháng chưa đến 6 triệu đồng.
|
Chị Vũ Thị Ánh bị cụt 1/3 tay phải sau tai nạn lao động tại nơi làm việc. Ảnh: M.A |
Anh Hoàng Văn Trượng – chồng chị Ánh kể: “Tôi đang làm ở nhà thì nhận được tin báo vợ gặp nạn được đưa lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, phải phẫu thuật cắt cánh tay phải. Khi vợ tôi nhập viện, Công ty có hỗ trợ đóng trước viện phí 3 triệu đồng, sau đó, qua một công nhân, Công ty có gửi cho gia đình tôi thêm số tiền 5 triệu đồng để lo nốt viện. Hiện vợ tôi đã được bệnh viện cho về, nhưng sức khỏe và tâm lý cũng chưa ổn định”.
Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp không nhiều đồ đạc, chị Ánh quanh ra quẩn vào, chưa thể tự lo được mọi việc cá nhân.
“Vợ chồng tôi có hai con nhỏ, cháu lớn đang học lớp hai, cháu nhỏ chuẩn bị vào lớp 1, các cháu cần sự chăm sóc của mẹ, nhưng không may vợ lại bị vậy, tôi cũng chỉ biết động viên và chăm sóc cho vợ” - anh Trượng xót xa.
Kể từ ngày chị Ánh bị tai nạn lao động, cháu lớn thay mẹ làm việc nhà, tự đi học. Thu nhập của cả gia đình giờ phụ thuộc vào công việc tự do của anh Trượng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, ông Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Hà Nội cho biết, ông là người trực tiếp đưa chị Ánh đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ông Quang nói Công ty đã hỗ trợ cho gia đình chị Ánh 2 lần với tổng số tiền 8 triệu đồng.
Được biết, chị Ánh là lao động thuê khoán của Công ty, với mức tiền công mỗi ngày đi làm là 198.000 đồng.
|
Hiện trường vụ tai nạn lao động khiến chị Ánh mất 1/3 cánh tay phải. Ảnh: H.A |
Sau khi xảy ra vụ việc, công nhân Công ty kêu gọi ủng hộ mỗi người 1 ngày lương để chia sẻ, động viên chị Ánh và gia đình.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Hà Nội khẳng định sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ các khoản tiền cho chị Ánh theo quy định của pháp luật lao động. Ngoài ra, sẽ tạo công ăn việc làm phù hợp với tình hình sức khỏe của chị Ánh trong thời gian tới.
Ông Quang nói, sau khi sức khỏe của chị Ánh ổn định, Công ty sẽ viết giấy để giới thiệu người lao động đi giám định sức khỏe, sau khi có kết quả Công ty sẽ giải quyết theo đúng quy định.
Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Hà Nội đóng tại thôn Cát Bi, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, chuyên sản xuất các mặt hàng thực phẩm.
Quy trình xử lý tai nạn lao động (TNLĐ) tại doanh nghiệp: Bước 1: Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị TNLĐ Bước 2: Khai báo tai nạn lao động Bước 3: Giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động nặng (hoặc chết người) Bước 4: Thành lập Đoàn điều tra TNLĐ cơ sở và tiến hành điều tra - Không quá 04 ngày: TNLĐ làm bị thương nhẹ người lao động. - Không quá 07 ngày: TNLĐ làm bị thương nặng một người lao động. Bước 5: Thông báo thông tin về tai nạn lao động tới người lao động Bước 6: Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ TNLĐ Bước 7: Thanh toán chi phí phục vụ cho điều tra TNLĐ Bước 8: Chi trả bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ Theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị TNLĐ được trả đủ tiền lương trong thời gian nghỉ điều trị, phục hồi chức năng lao động, được bồi thường tương ứng với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Bước 9: Hướng dẫn, giới thiệu người lao động giám định sức khỏe Theo khoản 6 Điều 38 và Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động, sau khi vết thương tai nạn lao động được điều trị ổn định, người sử dụng lao động giới thiệu để người lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động. Bước 10: Thực hiện biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả TNLĐ Khoản 10 Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do TNLĐ; rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong biên bản điều tra TNLĐ; xử lý người có lỗi. Bước 11: Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe người lao động Khi người lao động trở lại làm việc, người sử dụng lao động phải sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa theo khoản 8 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động. |
![]() Trong quá trình cho đất vào máy làm gạch, một công nhân không may bị rơi vào máy dẫn đến tử vong. Vụ tai nạn ... |
![]() Clip một nữ nhân viên công chứng bị một người đàn ông nhổ nước bọt vào người, chửi bới, thóa mạ và đạp sưng mặt ... |
![]() Trên thế giới, người hỗ trợ cá nhân (personal assistant – P.A) không còn xa lạ đối với cộng đồng người khuyết tật. Song, ở ... |