Một lần tham dự hội thảo tại Hà Nội, anh Quang Dũng - Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) Hà Nam bỗng gặp tình huống trớ trêu, cả 2 chiếc lốp xe lăn bị hết hơi. Với NKT, chiếc xe lăn là «đôi chân», mà chân không đi được, đồng nghĩa là vô vàn bất tiện trong sinh hoạt không thể khắc phục.
Khi ấy có bạn gợi ý cho anh Dũng gọi điện cho Duy Tuấn – một bạn P.A đã cực quen với cộng đồng NKT tại Hà Nội, anh Dũng bấm máy và chỉ vài tiếng sau cặp lốp mới tinh được Tuấn mang đến tận phòng hội thảo cho anh. Không những thế, Tuấn còn nhiệt tình vác chiếc xe lăn không lấy làm gì nhẹ nhõm của anh Dũng đến cửa hàng chuyên dụng để thay lốp luôn, bởi không phải chỗ nào cũng có thể xử lý những “siêu xe bốn bánh, mui trần của người khuyết tật”. Khi mang xe trở về, Tuấn dừng lại mua cho anh Dũng xuất cơm nóng hổi và giúp cho anh được vệ sinh cá nhân. Trên trang Facebook của mình, đêm ấy, anh Dũng viết “Cám ơn em, chàng P.A tốt bụng, nếu không có em, anh chỉ còn nước khóc rồi chờ người nhà lên đưa về...”.
Nguyễn Thùy Chi – cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn chia sẻ và trao đổi với Đạo diễn NSND Trần Văn Thủy một cách năng nổ - với sự hỗ trợ của P.A trong những hoạt động nghệ thuật không giới hạn. Ảnh: Nhật Nam
Không chỉ có câu chuyện của anh Dũng, bao NKT nhờ có P.A mà họ được “bước ra” hòa đồng với xã hội, được đi học, đi làm. Trường hợp anh Dũng còn có thể lăn được xe nên chỉ cần hỗ trợ thiết yếu nhất, còn Hiệp (Đà Nẵng) chỉ sử dụng được bộ não còn chân tay co rúm thì dù có muốn tham dự bao chương trình hướng về NKT mà không có P.A hỗ trợ, Hiệp cũng đành chịu.
Ngọc Hân đã làm P.A được gần 7 năm, ít ai nghĩ cô gái bé nhỏ người Hà Nội này lại thể có thể làm được cái nghề P.A khá nhiều vất vả. Hân kể: “Em đến với nghề P.A này bắt đầu từ một câu chuyện tình cờ, khi đó em về quê thăm bà, lúc trở về Hà Nội đã hết xe, đứng ở đầu phố huyện thưa người, thực sự em bối rối không biết làm thế nào. Đúng lúc ấy, có một chị đi xe ba bánh ngang qua dừng lại và hỏi em có đi nhờ không. Một thời gian sau em đến chơi cám ơn và thật bất ngờ khi chị không thể đi chợ được vì đường vào chợ quá xấu, em đẩy xe cho chị ấy và nghĩ giá như những NKT có người hỗ trợ cuộc sống của họ sẽ bớt khó khăn biết nhường nào và họ sẽ còn giúp ích được cho xã hội nhiều hơn nữa, vậy là em đăng ký lớp học P.A của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội”.
Một ngày làm việc của Hân hay Tuấn trung bình kéo dài khoảng 7 đến 8 tiếng, có khi nhiều hơn cho 3 hay 4 NKT cần trợ giúp. Ngoài sức khỏe, lòng nhiệt tình, sự đồng cảm, họ có những nguyên tắc làm việc rất bài bản như luôn trao đổi về thời gian hỗ trợ, công việc cụ thể và hơn cả là nguyên tắc “Làm cùng, không làm hộ, không can thiệp vào sự nỗ lực cố gắng của NKT”.
Khi Hân hỗ trợ Thảo – một NKT, viết bài kiểm tra năng lực, Hân có thể giúp Thảo tìm lấy mọi cuốn sách cần tra cứu trong thư viện và cả trên mạng internet - vốn là thế mạnh của Hân nhưng cô không can thiệp dành lấy cây bút trong bàn tay co quắp của Thảo. Thay vào đó, Hân để Thảo tự viết những dòng xô lệch nguệch ngoạch, ướt đẫm mồ hôi trên tờ tự giới thiệu về mình, điều đó khiến cả Hân và Thảo đều sung sướng khi được nhà tuyển dụng đánh giá rất cao.
“Em học được sự kiên trì, cách nhìn sự việc đầy nhân hậu và cả cách sống tích cực từ các chị là NKT mà em đã được trợ giúp”, Hân luôn tự hào nói vậy.
NKT nặng khi có nhân viên P.A hỗ trợ hoàn toàn có khả năng tham dự các sự kiện và bày tỏ quan điểm riêng của mình - Ảnh: Nhật Nam |
Tuấn nhớ lại hồi hỗ trợ cho anh Ng.V. N., anh em hợp nhau từ khoản thích xem bóng đá đến la cà phố phường “trà chanh, chém gió”. Mối quan hệ lâu ngày và việc hỗ trợ cả những nhu cầu cơ bản tế nhị dần dà khiến họ trở nên thân mật, có những vấn đề cá nhân phát sinh. Tuấn khi đó đã phải rất bình tĩnh và áp dụng các kỹ năng cơ bản được đào tạo để thấu hiểu vấn đề, lựa chọn cách ứng xử sao cho thật phù hợp mà vẫn giữ được tình cảm giữa P.A và người cần trợ giúp.
Không như Tuấn, đã có lần K.H bị chính NKT được trợ giúp rêu rao trên mạng xã hội rằng “K.H đã lạm dụng tình dục NKT...” cho đến khi cộng đồng vào cuộc xác minh, thì nỗi oan của K.H mới được giải.
Còn Hân, vì không ít lần bạn bè thấy Hân “cặp kè” với người chị NKT xì xèo “Hết việc để làm hay sao mà chọn việc bưng bô, đẩy xe cho NKT?! Chắc nó tham tiền hay có vấn đề về giới tính”.
Nhờ có nhân viên P.A, mọi NKT đều có thể tham gia vào đời sống một cách bình đẳng - Ảnh: Nhật Nam |
Những khi ấy cả Tuấn và Hân đều rất buồn nhưng họ phải kiên nhẫn giải thích và tạo điều kiện hơn cho bạn bè và cả gia đình của mình được tiếp xúc với những NKT mà họ đang hỗ trợ để thấy rằng NKT cũng có nhu cầu như người bình thường; họ có năng lực và trí tuệ nhưng vì khó khăn do dạng tật nên cần phải giúp đỡ để có cơ hội thể hiện chính mình. Thử hỏi nếu không có người hỗ trợ thì Stephen Hawking hay Nick VuJicic sẽ khó khăn để cống hiến cho nhân loại biết nhường nào?
“Hồi bà ngoại em ốm, cả nhà em không ai biết cách chăm bà ra sao, khi đó mỗi mình em chăm được, nên cả nhà hiểu công việc em làm cần cho xã hội đến thế nào, giờ em được bà cưng nhất”, Hân cười, nói thêm bản thân em cũng học được cách nói chuyện dí dỏm từ các chị khuyết tật đó.
Nghị sỹ TammyDuckworth - người phụ nữ khuyết tật đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ trong một chuyến công du nước ngoài, đi theo bà là những nhân viên P.A đặc biệt. |
Bà Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội cho biết, từ năm 2013 được sự hỗ trợ của quỹ Nippon (Nhật Bản), đơn vị chi trả 100% kinh phí cho nhân viên P.A để hỗ trợ NKT nặng khi họ có nhu cầu. Đến năm 2016 khi ngân sách hỗ trợ đã giảm nên Trung tâm chỉ còn hỗ trợ được đến 2/3 kinh phí và đến 2019 khi nguồn kinh phí đã hết thì NKT phải tự trả 100% kinh phí nếu muốn P.A hỗ trợ.
Mức kinh phí một giờ làm việc cho nhân viên P.A là 27 nghìn đồng nên cho dù các bạn P.A rất có tâm với nghề cũng không thể trụ được lâu dài khi mức lao động phổ thông tối thiểu đã là 50 nghìn đồng/ giờ.
“Một NKT nặng có thể làm việc được thì cũng khó vượt qua mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng cùng với trợ cấp khuyết tật của họ, thì thực sự không mấy ai có khả năng để liên tục thuê nhân viên P.A, thành thử nghề P.A là nghề rất bấp bênh cho dù nhu cầu của xã hội thì cực lớn”, bà Hà nói.
Cũng theo bà Nguyễn Hồng Hà: “Hiện nay một số trường như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Công đoàn, Đại học Sư phạm, Học viện Thanh niếu niên… chỉ có giảng dạy về nghề công tác xã hội là kết nối, tư vấn cho cộng đồng dễ bị tổn thương mà bỏ ngỏ việc đào tạo nhân viên P.A nên đội ngũ P.A trên toàn quốc rất khan hiếm. Tuy Luật NKT Việt Nam có quy định về quyền sống độc lập nhưng mức trợ cấp còn rất thấp nên NKT không thể thuê nhân viên P.A và P.A chưa được coi là nghề có trả lương ngân sách nên cung cũng chẳng thể đủ cho cầu”.
Em Huỳnh Thanh Thảo (giữa) - nạn nhân chất độc da cam - người sáng lập “Thư viện cô Ba Củ Chi” chia sẻ “Ba của em chính là P.A tuyệt vời nhất”.
Mới đây, Liên hiệp hội NKT Việt Nam phối hợp với Trung tâm Sống độc lập Hà Nội tổ chức Hội thảo “Xác định những hành động ưu tiên dựa trên kế hoạch tổng thể ASEAN về lồng ghép các quyền của NKT”. Hội thảo với đông đảo các đại diện lãnh đạo các hội, trung tâm của NKT các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng,... tham dự đã xác định một trong những hành động ưu tiên hàng đầu là gỡ bỏ rào cản về môi trường, nhưng cũng có đại biểu còn băn khoăn, cho dù mọi rào cản đều được gỡ bỏ nhưng không ít NKT là đối tượng khuyết tật nặng vẫn không thể hòa nhập với xã hội khi họ không có nhân viên P.A.
Ở Việt Nam, theo số liệu điều tra dân số năm 2018 thì có hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người là NKT. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có NKT. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số và theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì “Chúng ta có thể tránh NKT, nhưng không ai cưỡng lại tuổi già và khi tuổi già mới hiểu khiếm khuyết là giai đoạn của mỗi đời người”.
Với nhu cầu hết sức rõ ràng và bức thiết ấy, Chỉ thị 39 CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác NKT” nhấn mạnh việc trợ giúp NKT, cùng với đó là việc tăng mức trợ cấp, thúc đẩy sự tiếp cận về mọi mặt cho NKT. Những điều kiện tiên quyết đó đã tính đến nhu cầu của NKT nặng, người già..., trong đó có nghề P.A cần được phát triển để không còn ai bị bỏ lại phía sau.
Bài viết: NHẬT NAM Đồ họa: AN NHIÊN |