
“Mái nhà chung” cho người lao động khu vực phi chính thức
![]() LTS: Lao động khu vực phi chính thức được hiểu là những người lao động (NLĐ) có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu ... |
Yên tâm khi được đứng trong hàng ngũ công đoàn
Là một trong những cô giáo tiêu biểu đang công tác tại Lớp mầm non độc lập Hoàng Nhi (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), cô Đỗ Thị Hường vừa được tin tưởng bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn cơ sở các lớp mầm non độc lập phường Hòa Thọ Đông.
Chia sẻ với phóng viên, cô Đỗ Thị Hường cho biết bản thân rất vui mừng khi Nghiệp đoàn được thành lập để chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ các cô giáo mầm non. Nghề giáo viên mầm non rất vất vả, mỗi cô phải chăm sóc, dạy dỗ, quản lý hàng chục trẻ nên rất mất sức, nhất là đối với các cô đã có tuổi.
Trước đây, cô Hường từng làm tại một cơ sở giữ trẻ nhỏ, không có tổ chức Công đoàn nên bị rất nhiều thiệt thòi, mất nhiều quyền lợi thiết yếu, không được đóng Bảo hiểm xã hội theo quy định. Vì vậy, cô Hường hiểu rõ tầm quan trọng của việc thành lập Nghiệp đoàn và những lợi ích khi trở thành đoàn viên Nghiệp đoàn. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa NLĐ và người sử dụng lao động, thì tổ chức Công đoàn sẽ phát huy sức mạnh, giải quyết những xung đột lợi ích giữa các bên.
“Lớp mầm non độc lập Hoàng Nhi, nơi tôi đang công tác hiện có 12 NLĐ, tất cả đều xin gia nhập Nghiệp đoàn. Trước đây khi NLĐ gặp khó khăn, thắc mắc thì không biết kêu ai. Bây giờ đã có Nghiệp đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi, có tổ chức Công đoàn cấp trên giúp đỡ nên chúng tôi cảm thấy rất yên tâm” – cô Đỗ Thị Hường cho biết.
![]() |
Cô giáo Đỗ Thị Hường vui mừng khi được nhận quyết định làm Chủ tịch Nghiệp đoàn cơ sở các lớp mầm non độc lập phường Hòa Thọ Đông. Ảnh: Quốc Dũng |
Vừa là giáo viên mầm non, vừa người mẹ của 2 con nhỏ, nên cô Hường cảm thấy khá áp lực khi được bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn cơ sở các lớp mầm non độc lập phường Hòa Thọ Đông. Dù vậy, cô Hường cũng tin tưởng rằng, có thể thời gian đầu chưa quen, nhưng với sự nỗ lực, học hỏi của bản thân thì sẽ đạt được kết quả tốt, xứng đáng với niềm tin của các đoàn viên cũng như Công đoàn cấp trên. Bên cạnh đó, được làm Chủ tịch Nghiệp đoàn thì sẽ có sự tương tác, hỗ trợ nhiều hơn với các nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập trên toàn địa bàn phường, qua đó đạt kết quả tốt hơn trong công việc.
Còn cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Nghiệp đoàn cơ sở các lớp mầm non độc lập phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) cho rằng, ngay sau khi được thành lập, các Nghiệp đoàn có nhiệm vụ quan trọng là ổn định tổ chức, liên kết các đoàn viên qua các hình thức sinh hoạt. Qua đó, mỗi đoàn viên có mối quan hệ gắn kết với nhau, và hiểu rõ những chức năng, nhiệm vụ của Nghiệp đoàn trong hệ thống Công đoàn Việt Nam. Với những giáo viên mới lần đầu tham gia Ban chấp hành Nghiệp đoàn cơ sở, thì đây là một nhiệm vụ khá nặng nề, mới mẻ, vì vậy cô Hằng mong muốn các cấp lãnh đạo LĐLĐ quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng tiếp tục ủng hộ, hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt của các Nghiệp đoàn.
Lan tỏa mô hình Nghiệp đoàn lớp mầm non độc lập
Theo Chủ tịch LĐLĐ quận Cẩm Lệ Lê Trọng Nguyên, công tác vận động, hướng dẫn, thành lập các nghiệp đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở tại các lớp mầm non độc lập là một nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Quận ủy Cẩm Lệ, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã giao cho LĐLĐ quận Cẩm Lệ trong năm nay. Việc thành lập các Nghiệp đoàn, Công đoàn cơ sở là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động tại các lớp mầm non độc lập.
![]() |
LĐLĐ quận Cẩm Lệ trao quyết định thành lập 6 Nghiệp đoàn và 3 công đoàn cơ sở các lớp mầm non độc lập trên địa bàn quận. Ảnh: Quốc Dũng |
Qua thời gian tìm hiểu, vận động, hướng dẫn, LĐLĐ quận Cẩm Lệ đã quyết định thành lập 6 nghiệp đoàn và 3 công đoàn cơ sở, với 517 đoàn viên, NLĐ tại các lớp mầm non độc lập. Nhân dịp thành lập các nghiệp đoàn, LĐLĐ quận cũng tặng quà hỗ trợ 15 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Điều lệ Công đoàn Việt Nam cho các đoàn viên, giáo viên, NLĐ.
Với nhiều lợi ích thiết thực, ngày càng có nhiều NLĐ đăng ký gia nhập các Nghiệp đoàn lớp mầm non độc lập, mô hình đang tiếp tục được lan tỏa, mở rộng. Từ Nghiệp đoàn đầu tiên ra mắt vào tháng 4/2024 tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), chỉ sau 3 tháng, mô hình đã lần lượt được thành lập tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thu hút hàng nghìn đoàn viên, NLĐ tham gia…
![]() |
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lê Văn Đại khẳng định các nghiệp đoàn sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ ở khu vực phi chính thức. Ảnh: Quốc Dũng |
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng Lê Văn Đại, qua rà soát, toàn thành phố hiện có hơn 300 nghìn lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức. Đây là một con số không nhỏ, còn nhiều NLĐ đang phải chịu thiệt thòi so với quy định mà tổ chức Công đoàn cần tập hợp, quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo và đại diện bảo vệ. Với phương châm “Ở đâu có NLĐ, ở đó có tổ chức Công đoàn Việt Nam”, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã thành lập ra các Nghiệp đoàn dành cho NLĐ ở khu vực phi chính thức, để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho NLĐ.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng Lê Văn Đại cũng khẳng định, đoàn viên các nghiệp đoàn sẽ được hưởng mọi quyền lợi như đoàn viên của một công đoàn cơ sở. Khi vào nghiệp đoàn, NLĐ được đối xử bình đẳng trong chính sách việc làm, điều kiện làm việc, tiền lương; được hỗ trợ tổ chức đối thoại, thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi, cao hơn quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn sẽ tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên khi bị xâm phạm, hỗ trợ đoàn viên khi gặp khó khăn; đồng thời đoàn viên được tham gia những chương trình phúc lợi, các hoạt động công đoàn...
Chủ đề công tác năm 2024 của Công đoàn thành phố Đà Nẵng là: “Tập trung triển khai cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn thành phố và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam”. Trong đó, trọng tâm nhất là công tác thành lập công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên, phấn đấu năm 2024 phát triển được thêm 19.000 đoàn viên; mục tiêu toàn nhiệm kỳ phát triển được 53.000 đoàn viên.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết về mô hình, tấm gương người tốt, việc tốt trong phong trào công nhân, viên chức, lao động TP. Đà Nẵng lần thứ III - năm 2024. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY |
![]() Trong 3 quý năm 2023, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi ... |
![]() Tham luận Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sáng nay (2/12), Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM Trần Đoàn Trung đưa ra ... |
![]() Với họ, nghiệp đoàn đã trở thành ngôi nhà thứ hai, từ nghề truyền thống đến hiện đại, đã tạo được sự gắn kết, sẻ ... |