Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Huế. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn đã ghi nhận những cảm xúc, niềm vui và mong ước của cán bộ Công đoàn và công nhân đang sinh sống, làm việc tại thành phố Huế.
|
Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội (bên phải) trao Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội cho lãnh đạo thành phố Huế về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương |
Mong có nhiều thiết chế văn hóa công nhân
Bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp thành phố Huế, chia sẻ: "Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ là bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn là dấu mốc lịch sử, khẳng định sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp của nhân dân địa phương. Tôi tự hào khi Huế, với bề dày lịch sử và văn hóa, sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa."
Bà Lê Thị Thu Nam kỳ vọng chính quyền sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho người lao động. Công đoàn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công nhân, tạo ra môi trường làm việc an toàn và công bằng. Bà Nam cũng mong Nhà nước và doanh nghiệp chú trọng nâng cao kỹ năng nghề cho công nhân, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn trong các ngành công nghiệp phát triển tại Huế.
|
Chị Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp thành phố Huế trong một lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Lao động và Công đoàn. Ảnh: Đình Toàn |
"Chúng ta cần xây dựng thêm nhiều thiết chế văn hóa để công nhân tại các Khu Kinh tế, Khu công nghiệp được hưởng phúc lợi đầy đủ, cải thiện đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần," bà Nam nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thu Nam tin rằng với sự đồng lòng, thành phố Huế sẽ không ngừng phát triển, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, đặc biệt là công nhân lao động.
"Hy vọng rằng việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến Huế, mở rộng sản xuất và tạo ra nhiều việc làm mới, cải thiện thu nhập cho lao động. Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, bởi môi trường làm việc tốt không chỉ tăng năng suất lao động mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động," Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp thành phố Huế chia sẻ thêm.
|
Chương trình nghệ thuật công bố Quyết định thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương đêm 29/12/ |
Vun đắp tình yêu thương và trách nhiệm với Thành phố Huế
Bà Lê Thị Thủy - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT A Lưới, Thành phố Huế, chia sẻ: "Là một công dân và là Chủ tịch Công đoàn, tôi vô cùng tự hào khi mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã thành hiện thực. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra tâm thế mới cho cả tỉnh, đặc biệt là với những giáo viên, nhân viên và học sinh Trường THPT A Lưới, một huyện miền núi còn nhiều khó khăn".
Bà Thủy bày tỏ niềm tin rằng, với sự khát khao và trách nhiệm, thầy cô và học sinh sẽ phát huy năng lực trong công tác giảng dạy và học tập, lan tỏa những giá trị đạo đức và lối sống tốt đẹp.
|
Bà Lê Thị Thủy, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT A Lưới, TP. Huế. Ảnh: T.L.N.V |
"Chúng tôi mong muốn giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về trách nhiệm với bản thân, gia đình và quê hương A Lưới, đồng thời vun đắp tình yêu thương và trách nhiệm đối với Thành phố Huế thân yêu."
Chủ tịch Công đoàn Trường THPT A Lưới cũng hy vọng, với sự phát triển của thành phố Huế, ngành Giáo dục huyện A Lưới, trong đó có Trường THPT A Lưới, sẽ tiếp cận các mô hình giáo dục tiên tiến như: trường học xanh, trường học hạnh phúc, trường học thông minh và phát triển giáo dục bền vững, chuẩn hóa và hội nhập quốc tế.
"Điều này sẽ giúp mở rộng cơ hội học tập, đặc biệt cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, đảm bảo công bằng trong giáo dục và tạo ra một nền tảng vững chắc cho tương lai của các em," bà Thủy nói thêm.
|
Cô và trò Trường THPT A Lưới trong một buổi học tại trường. Ảnh: CĐCS Trường THPT A Lưới |
Cơ hội tăng thêm phúc lợi cho công nhân
Ông Lê Quý Hoàng - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH MSV cho biết: "Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tôi tin rằng trong tương lai, sẽ có nhiều dự án và nhà máy được đầu tư vào Huế. Hiện tại, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Đây là cơ hội cho công nhân lựa chọn các doanh nghiệp có chế độ lương và phúc lợi xã hội tốt hơn. Điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về mức lương và các phúc lợi đi kèm".
|
Ông Lê Quý Hoàng động viên công nhân trong ca làm việc ở Công ty MVS. Ảnh: NVCC |
Với vai trò Chủ tịch CĐCS, ông Hoàng nói rằng sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp về các định hướng phát triển và kế hoạch trong tương lai, đồng thời xây dựng các chế độ phúc lợi hợp lý để thu hút nhân lực.
"Còn với tư cách là một người con của Huế, tôi tin rằng thành phố cần bảo tồn những giá trị văn hóa, di sản và bản sắc riêng biệt của vùng đất cố đô, từ cốt cách con người đến cảnh quan môi trường", ông Hoàng bày tỏ.
Kỳ vọng tạo thêm việc làm cho thanh niên vùng cao
Anh Nguyễn Văn Ngành, công nhân Điện lực A Lưới, TP. Huế, chia sẻ: "Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025 là một sự kiện trọng đại, không chỉ với người dân thành phố mà còn với tôi, một công nhân điện lực ở vùng miền núi".
Anh mong rằng chính quyền thành phố sẽ có kế hoạch phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. "Hy vọng thành phố phát triển sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân A Lưới", anh nói.
|
Anh Nguyễn Văn Ngành làm nhiệm vụ phát quang an toàn hành lang lưới điện tại huyện A Lưới. Ảnh: NVCC |
Là người dân tộc Cơ Tu, anh cũng mong thành phố sẽ có những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa và lễ hội truyền thống sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu và tự hào về cội nguồn, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Anh còn đề xuất các chương trình đào tạo nghệ nhân trẻ để truyền dạy nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ và các loại hình nghệ thuật dân gian. "Điều này không chỉ bảo tồn văn hóa mà còn tạo cơ hội việc làm cho thanh niên," anh cho biết.
Ngoài ra, anh cũng mong muốn có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc phát triển các sản phẩm đặc trưng của dân tộc Cơ Tu và A Lưới, như nông sản sạch, từ đó xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm này.
Về giáo dục, anh hy vọng sẽ có nhiều chương trình học phù hợp với nhu cầu và đặc thù văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với các chính sách học bổng cho học sinh người Cơ Tu và các dân tộc khác. "Điều này sẽ giúp nâng cao trình độ học vấn và mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ ở A Lưới," anh nhấn mạnh.
Mong muốn có nhiều nhà ở xã hội cho công nhân
|
Chị Lê Thị Mộng (phải), công nhân Công ty HBI Huế. Ảnh: T.L.N.V |
Chị Lê Thị Mộng, công nhân Công ty HBI Huế, Tổ trưởng Tổ Công đoàn, chia sẻ: "Tôi cảm thấy tự hào và vui mừng. Thành phố đang bước vào một giai đoạn mới, hiện đại hơn, và cuộc sống người dân sẽ được cải thiện rõ rệt. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm sẽ được nâng cấp, đồng nghĩa với thu nhập của người dân sẽ tăng cao và cơ hội việc làm cho người lao động sẽ dồi dào hơn".
Chị Mộng hy vọng Chính phủ sẽ xem xét việc tăng lương vùng để cải thiện đời sống công nhân. Bên cạnh đó, chị cũng đề xuất cần đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người lao động, đồng thời tăng cường đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
"Việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thu nhập thấp cũng là điều cần thiết, để họ có nơi ổn định sinh sống, tiếp tục làm việc và cống hiến," chị nói thêm.
Tối 29/12/2024, tại Quảng trường Ngọ Môn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, cùng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố. Theo đó, thành phố Huế sẽ trực thuộc Trung ương với diện tích tự nhiên 4.947,11 km2 của tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 133 cấp xã, trong đó có hai quận Thuận Hóa và Phú Xuân được tách ra từ TP. Huế. Dân số toàn thành phố hiện đạt 1.236.393 người. Sau khi giao nhiệm vụ quan trọng cho Thành phố Huế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng Huế sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương đáng sống, xanh, hiện đại, thông minh và hạnh phúc.” |