Nơi cưu mang những người lang thang, cơ nhỡ
Chùa Quan Âm Linh Ứng qua nhiều lần “thay tên đổi họ” nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là chùa Phật Học 2, nằm cách trung tâm TP. Sóc Trăng hơn 5 cây số, theo tuyến đường Phạm Hùng hướng về huyện Long Phú nối với tuyến đường Nam Sông Hậu đầy huyền thoại. Đây là ngôi chùa có khuôn viên lớn bậc nhất tỉnh Sóc Trăng hiện nay. Trong khuôn viên rộng lớn ấy trồng rất nhiều cây xanh, tạo nên không khí dịu mát và đầy huyễn hoặc.
Khung cảnh chùa Quan Âm Linh Ứng ở Sóc Trăng. Ảnh: HLP |
Trước đây, Phòng thuốc Tuệ Tĩnh Đường của chùa Phật Học được hình thành từ năm 2003, tọa lạc tại chùa Phật Học trên đường Trần Hưng Đạo, Phường 3, thành phố Sóc Trăng. Trải qua mười mấy năm duy trì “hành thiện” theo phương châm “tốt đời đẹp đạo”, nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của bà con nghèo khắp nơi trong và ngoài tỉnh.
Tiếng lành lan xa, bệnh nhân tới nương tựa mỗi ngày một đông, các phòng lưu bệnh chật ních không đủ sức chứa, thầy thuốc làm việc không nghỉ tay. Chùa có hai dãy nhà nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người già neo đơn, trị bệnh, lưu bệnh ngắn và dài hạn.
Việc làm này của chùa Phật Học mang ý nghĩa không chỉ làm tròn nghĩa vụ đẹp đời tốt đạo mà còn góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác xã hội hóa trong ngành du lịch văn hóa tâm linh. Đó là kết quả của những mạnh thường quân, phật tử, những người thân của bệnh nhân và người già được chùa cưu mang… phát tâm cúng dường, tài trợ. Chùa Phật Học 2 giờ đây không chỉ chữa bệnh mà còn là một “bảo tàng” trưng bày các chuyên ngành văn học nghệ thuật như kiến trúc, mỹ thuật điêu khắc và hội họa, văn học dân gian; vừa có vai trò giáo dục đạo đức, văn hóa, lịch sử vừa là nơi truyền thụ các giáo lý Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo.
Thưởng ngoạn chốn bồng lai
Đông đảo du khách thưởng ngoạn. Ảnh: HLP |
Viếng chùa Quan Âm Linh Ứng, sẽ được chiêm ngưỡng những pho tượng, tiểu cảnh thể hiện những câu chuyện nhân quả báo ứng; những câu chuyện cổ tích dân gian, toát lên ý nghĩa nhân sinh như: Sự tích trầu cau, thằng Bờm và Phú ông, Cây tre trăm đốt…; ngưỡng vọng những vị đại anh hùng dân tộc. Hay những câu ca dao, tục ngữ, bức tranh đề thơ minh họa giáo dục về tình yêu thương gia đình, lòng thủy chung son sắt. Bên cạnh là chiếc Thuyền Bát Nhã không đáy được đặt giữa hồ. Ngoài ra, còn có rất nhiều tượng Phật với kích thước to lớn được đặt tại các nơi trong chùa. Cảnh trí nơi đây được xếp đặt để tôn lên nét trang nghiêm nơi cửa Phật.
Cổng tam quan Thường luân, Pháp chuyển, Đại hùng, Đại lực được xây bằng đá nguyên khối; người dân địa phương nói rằng mỗi lần bước qua cổng trong lòng sẽ dậy lên một tình cảm mãnh liệt khi đọc hàng chữ “Mái chùa gợi nhớ quê hương, gợi tình dân tộc, gợi thương nhân loại”. Bước qua cổng phụ là pho tượng Trúc lâm Đệ nhất tổ trong tư thế thiền, nhắc nhở mọi người nguồn gốc điển tích chùa.
Mỗi ngày, chùa đón tiếp hàng chục ngàn lượt du khách trong tỉnh và ngoài tỉnh đến tham quan thưởng lãm. Vì vậy, trong khuôn viên chùa luôn bố trí hàng trăm chiếc võng dưới những tán cây dịu mát.
Thuyền bát nhã trong khuôn viên chùa. Ảnh: HLP |
Nơi có “một cõi đi về…”
Chùa Phật Học 2 là sự tiếp biến của tổng hòa sự sáng tạo và trí tượng vô biên của con người để hôm nay trở thành một thực thể sống động giàu bản sắc trong cộng đồng ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa của Sóc Trăng. Đặc biệt, khi dạo quanh khuôn viên chùa chúng ta bắt gặp rất nhiều cây sala được trồng xung quanh. Cây sala thường còn được gọi là cây vô ưu, tha la… loài hoa linh thiêng ý nghĩa gắn liền với cuộc đời Đức Phật Thích Ca.
Bước lên khu nhà mát, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn trước khi tiếp tục cuộc hành trình khám phá các cảnh đẹp tiếp theo. Du khách có thể ngắm nhìn hồ sen tỏa ngát hương với hình ảnh Khương Tử Nha đang ngồi câu cá, lắng nghe dòng nước chảy tí tách từ các tảng đá, phía trên đặt các chum vừa tôn lên nét trang nghiêm nơi cửa Phật vừa cảm nhận không gian yên ả, thanh tịnh lòng người. Bước xuống cầu thang đi thẳng là hình tượng những cái lu, hình tượng ông Địa ngồi để cầu tài lộc, tiểu cảnh thầy trò Tam Tạng, tượng hình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được khắc từ đá nguyên khối, phía dưới là lời bài hát như lời trong kinh Phật, với triết lý “Gọi suốt trăm năm một cõi đi về” hay “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau"…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với "một cõi đi về". Ảnh: HLP |
Vào những ngày rằm và mùng một hằng tháng, rất đông du khách đến viếng chùa Quan Âm Linh Ứng để xin lộc, cầu nguyện cho gia đình, người thân, cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong những ngày lễ tết, mỗi ngày ước tính có hàng chục ngàn người đến viếng chùa, tạo nên một khung cảnh tấp nập, đông đúc, rộn ràng, báo hiệu nhiều điều vui tươi, phấn khởi.
Anh Trần Văn Sáu - du khách đến từ tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Giờ này dịch bệnh khá yên ổn rồi nên gia đình đến viếng chùa Quan Âm Linh Ứng để cầu mong mọi điều tốt đẹp. Chùa có nhiều cảnh đẹp ngoài sức tưởng tượng của tôi”.
Riêng chị Trần Thị Liễu, ngụ phường Phú Khương, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre, tâm tình: “Viếng chùa Quan Âm Linh Ứng trước là cầu mong gia đình an lành, mọi điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, sau là để lưu lại vài kiểu ảnh. Chùa rộng và có nhiều cảnh đẹp nên thơ”.
Thượng toạ Thích Huệ Nghiêm - Trụ trì chùa Quan Âm Linh Ứng cho biết: "Tục đi lễ chùa, xin lộc, cầu nguyện cho gia đình, người thân, lớn hơn là cầu nguyện cho quốc thái dân an là một trong những biểu hiện tốt đẹp của người Việt. Đi viếng chùa còn là để tìm đến cửa Phật, soi rọi lại mình, phát huy điều lành, điều tốt, tránh xa điều ác, điều xấu”.
Trong không khí ấm áp, vui tươi mặc dù lượng khách đến viếng chùa Quan Âm Linh Ứng rất đông nhưng tình hình an ninh trật tự được nhà chùa phối hợp chính quyền địa phương đảm bảo. Thượng tọa Thích Huệ Nghiêm cho rằng ngôi chùa đã kết nối niềm tin trong công tác xã hội hóa theo chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, góp phần xây dựng nên một đời sống văn hóa tâm linh mới trong cộng đồng, thúc đẩy không chỉ ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng mà của cả Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển.
Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu Tôi trở lại thăm cung đường đầy tiềm năng phát triển kinh tế gắn với nhiều huyền thoại kỳ bí, Quốc lộ Nam sông Hậu ... |
Có một dòng sông mang tên nàng công chúa Trên cung đường Nam Sông Hậu (đi qua địa phận TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu) đầy huyền thoại, có ... |