e magazine
31/08/2022 08:13
Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

31/08/2022 08:13

Tôi trở lại thăm cung đường đầy tiềm năng phát triển kinh tế gắn với nhiều huyền thoại kỳ bí, Quốc lộ Nam sông Hậu có tổng chiều dài 147 km, nằm ở bờ phía Nam của sông Hậu.
Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Tôi trở lại thăm cung đường đầy tiềm năng phát triển kinh tế gắn với nhiều huyền thoại kỳ bí, Quốc lộ Nam sông Hậu có tổng chiều dài 147 cây số, nằm ở bờ phía Nam của sông Hậu.

- - - - - - - - - - - - - - -

Cung đường Nam sông Hậu nối tiếp Quốc lộ 91B đi ngược lên An Giang, Kiên Giang qua biên giới Campuchia, bắt đầu từ chân cầu Cần Thơ đi đến cảng Cái Cui (TP. Cần Thơ) rồi băng qua địa phận tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đến tỉnh Bạc Liêu; trong đó, Sóc Trăng được hưởng lợi nhiều nhất, với 117 cây số đi qua các huyện: Kế Sách, Long Phú, Trần Đề và Thị xã Vĩnh Châu.

Công trình này chính thức đi vào hoạt động đã giải phóng áp lực trên tuyến Quốc lộ 1 vốn độc đạo trước đây. Ngày nay, các loại xe tải trọng lớn lưu thông thường xuyên trên cung đường này. Nhiều chiếc cầu “lịch sử” được bắc qua những con kênh rạch và qua những vùng đất đầy huyền thoại như đang được đánh thức, khơi dậy tiềm năng trù phú của những vùng đất bị “ngủ quên” hàng nhiều thế kỷ trước.

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Đứng trên chiếc cầu “lịch sử” Cái Côn thuộc thị trấn An Lạc Thôn (huyện Kế Sách), cửa ngỏ vào địa phận tỉnh Sóc Trăng, ông Ba Thời - một lão nông tri điền nhà cách đó không xa, đầu quấn chiếc khăn rằn để lộ mái tóc trắng phau lất phất trong gió, quay qua tôi, chỉ tay ra vàm sông đầy sóng bạc đầu nhấp nhô xa xa, cười móm mém trông rất sảng khoái, chia sẻ:

“Chú mày biết không, già đã gần 90 tuổi rồi, mà có nằm mơ cũng không dám tưởng tượng sẽ có được cây cầu bắc qua vàm sông này. Đây là tuyến sông độc đạo nối liền đất mũi Cà Mau lên tới tận Sài Gòn lận đó, ngày xưa chủ yếu chở lúa gạo và trái cây lên Sài Gòn. Ai qua vàm sông này cũng phải thành tâm khấn vái, vậy mà có năm, nó nhấn chìm hàng chục chiếc ghe, nghe đâu thiệt mạng mấy trăm người. Bây giờ được đứng ở trên cầu này “thiệt là đã”, có chết già này cũng cam lòng đó chú mày à!”

Ông mãi mê nhìn trời, nhìn vàm sông hướng về vàm sông Lục Sĩ, người dân địa phương thường gọi là cù lao Mây, thuộc huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) rồi lặng người như nhớ lại quãng thời gian đầy bi hài trong cuộc đời. Bỗng ông huých cùi chỏ vào tôi đau nhói, hỏi: “Chú mày có nghe kể về 2 con ngỗng thần ở giữa sông không?”

Không kịp suy nghĩ, tội vội trả lời theo quán tính: Dạ… có!

Vì truyền thuyết này, lúc nhỏ tôi từng được nghe kể nhiều lần. Từ vàm sông này băng qua cù lao Mây để về Trà Ôn, có 2 con ngỗng thần thường xuất hiện vui đùa khi trăng sáng và chưa từng làm hại ai bao giờ. Thời trước giải phóng, lính Mỹ ngụy rình bắn chết 1 con nên con còn lại quyết tâm báo thù, làm cho nhiều lính Mỹ ngụy, kể cả dân thường chết vô số khi bỗng dưng nổi sóng lớn bạc đầu nhấn chìm tàu ghe qua lại. Ai cũng sợ khúc sông này nên thành tâm khấn vái mỗi khi qua sông.

Hình như câu trả lời thật lòng của tôi làm ông cụt hứng. Tần ngần nhìn sông nước khá lâu, ông Ba Thời hỏi tiếp: “Vậy chớ, chú mày có biết truyền thuyết về vàm sông này gắn với đền đài của vương quốc Phù Nam cách nay hơn 2.000 năm hay ngọn núi đá sắp mọc ở Giồng Đá giữa lung sen trong xã Xuân Hòa đó không?”

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Cầu Cái Côn nhìn từ sông Hậu.

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông HậuThấy tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên, ông gật gật đầu đắc chí, rồi kể ngọn ngành từng truyền thuyết một, khiến tôi giật cả mình về những huyền thoại đầy huyền bí gắn với tuyến đường Nam Sông Hậu đi qua.

Theo truyền thuyết, dưới lòng sông cặp sông Hậu tại vàm Cái Côn ngày nay, còn có những bậc thềm tam cấp bằng đá xanh dài hàng chục mét mà những tay thợ lặn chuyên nghiệp vớt đồ chìm bên chợ Trà Ôn kể lại. Thỉnh thoảng, họ vớt được những vật dụng rất lạ mắt hay tìm được những trang sức bằng vàng ròng có hình dáng rất lạ kỳ, thậm chí khó hiểu.

Hay từ vàm sông này trở vào tận Giồng Đá thuộc xã Xuân Hòa, tới rạch Cái Trâm, giáp Tha la ông Tà thuộc Trinh Phú cũng của huyện Kế Sách có những tảng đá liền một khối khổng lồ dưới lòng sông, lòng kênh mà thỉnh thoảng đi xuồng ghe vào mùa nước kém hay bị mắc cạn, mà chính tôi đã nhiều lần là nạn nhân của chuyện "mắc cạn" ghe trên đá.

Ngay phía sau một ngôi chùa nhỏ ở Giồng Đá hiện vẫn còn “đỉnh núi” mới mọc, in dấu của chiếc búa ngọc và Phật thủ là những vật “trấn sơn” đã bị những nhà bác vật người Pháp (người có tri thức sâu rộng) lấy mất rất lâu nên ngọn núi không còn tiếp tục mọc nữa. Nếu nói, nơi đây là "ngọn núi" cũng không đúng, vì vào những năm 90 của thế kỷ 20 vừa qua, chính tôi đã thâm nhập thực tế gần 1 tháng trời và tận mắt chứng kiến nhiều người dân ở Giồng Đá “lượm” được những vật trang sức bằng vàng như hình chóp trên vương miện của vua chúa, hay những khoanh nhang tròn cũng bằng vàng ròng hoặc đôi bông đeo tai nặng tới gần 2 cây vàng.

Còn nếu nói đây là đền đài thì những khối đá khổng lồ ấy dài cả mấy cây số ở đâu ra giữa lung bàu nước ngập này? Bên cạnh đó, còn có những lời “sấm” cho hay, khi nào đôi bờ sông này được nối liền thì khi đó, vùng đất này như con rồng đang ngủ bỗng dưng thức dậy vươn lên sánh với những đô thị phồn hoa khác…

Bởi thế, lão nông tri điền Ba Thời này rất khoái trá, vì lời “sấm” ấy đang trở thành hiện thực và ông lão cũng muốn chính mắt nhìn thấy điều kỳ diệu ấy. Những truyền thuyết hay huyền thoại hoặc lời sấm, hiện tượng dân gian ấy, xin ghi nhận và dành câu trả lời cho những nhà khoa học.

Ông với tay lột chiếc khăn rằn xuống đem quấn cổ, hất đầu ra vàm sông Cái Côn như trách cứ: “Nó nổi tiếng “nóng tính” hay “giận dữ” bất thường lắm, làm hại hông biết bao nhiêu người rồi. Bây giờ mình đã “trị” được nó rồi, không còn chi phải sợ nữa. Có tuyến lộ này rồi, ở đây phát triển lên cho mà thấy.

Nói xong, ông cười ha hả làm rung rinh chòm râu bạc và mấy cọng tóc lòa xòa trong gió chướng se lạnh thổi về. Một anh cán bộ ở thị trấn An Lạc Thôn đứng kề bên tôi, khẳng định: “Thật vậy, từ khi tuyến đường Nam Sông Hậu bắt đầu đi vào hoạt động, người dân ở ven 2 bên tuyến lộ đã xây dựng nhà cửa mới, mua sắm các phương tiện nghe nhìn, đi lại. Nhất là từ khi có Dự án Khu công nghiệp Cái Côn, nhịp độ phát triển kinh tế ở tuyến này tăng tốc thấy rõ. Nay mai, biết đâu nơi này lên thị xã cũng không chừng”.

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Một đoạn đường thuộc tuyến đường Nam sông Hậu.

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Đã nhiều lần đến Cái Côn khi ngồi đò, lúc đi vỏ lãi, thậm chí cả lội bộ hàng chục cây số, tôi đã chứng kiến rất nhiều đổi thay của một vùng quê cây trái trù phú này. Trước đây, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa nhiều hạn chế. Từ khi xây dựng cung đường này, vùng đất nơi đây đã thay da đổi thịt đến không ngờ.

Xuôi theo tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu về cửa biển, cách thị trấn Cái Côn không xa, chiếc cầu bắc qua vàm sông Cái Cao sừng sững như là chứng nhân cho vùng đất cách đây hơn 50 năm trước khi giặc Mỹ cho máy bay bắn phá, thảm sát gần 300 mạng người dân thường vô tội, máu đỏ cả khúc sông ra tới tận vàm, mới được gọi là vàm sông "đỏ sóng". Vẫn còn đó bên vàm sông là “Bia căm thù” hiên ngang nghe như âm vang vọng về hằng đêm.

Bây giờ nơi đây, nhiều căn nhà tường mới toanh còn thơm mùi vôi mới. Chắc hẳn nơi này sẽ rôm rã, rộn ràng niềm vui đổi mới. Vàm sông thanh bình ngày nào, nay vang lên những âm thanh náo nhiệt phát ra từ những đầu đĩa, ti vi hay dàn kaoke làm sôi động cả xóm vắng. Thỉnh thoảng, trên con đường ngoằn ngoèo lại xuất hiện những chiếc xe Honda tay ga đời mới vèo vèo qua lại. Quả thật, những đổi thay ấy đã làm tôi thật sự ngỡ ngàng!

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông HậuBến phà Đại Ngãi nối Quốc lộ 60 với các tỉnh.

Đang chạy xe bon bon trên tuyến đường Nam Sông Hậu trải nhựa phằng lì, bỗng điện thoại di động reo liên hồi. Thì ra, thằng bạn thân đang dạy học ở thị trấn Đại Ngãi (huyện Long Phú) báo tin vui và rủ cho bằng được về chụp hình kỷ niệm với nó tại phà Đại Ngãi nối liền tỉnh Sóc Trăng với tỉnh Trà Vinh và chiếc cầu Đại Ngãi kiên cố, niềm tự hào của làng quê Đại Ngãi trong thời kỳ chống Mỹ gắn với nhiều di tích có ảnh hưởng đến vua Gia Long trong quá trình mở cõi phương Nam.

Xuôi theo tuyến đường, những vườn trái cây trĩu quả của làng quê Kế Sách đang đung đưa trước gió như mời gọi. Bên kia bờ, giữa dòng sông Hậu hiền hòa chở nặng phù sa, cồn Phong Nẫm đang thức dậy những tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn, hứa hẹn nhiều triển vọng mới.

Quốc lộ Nam Sông Hậu trải dài theo tuyến ven sông Hậu, ven biển Đông và xuyên qua các vùng quê với hệ sinh thái đa dạng, phong phú; nối liền các xóm ấp là những chiếc cầu bê tông vững chắc và đầy ngạo nghễ bắc qua kênh rạch chằng chịt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ trên những chiếc cầu này, du khách sẽ được dõi mắt nhìn về những dãy cồn, cù lao xanh, với những vườn cây ăn trái, điểm xuyến cho bức tranh thiên nhiên của vùng đất phù sa chín rồng hiền hòa đầy thơ mộng. Với hơn 5.000 ha cây ăn trái đặc sản, cụm cù lao dọc sông Hậu có khí hậu mát mẻ, trong lành gắn liền với những địa danh, các huyền thoại mê hồn về vua quan nhà Nguyễn.

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Lễ rước trái cây được diễn ra tại huyện Kế Sách

Dự án Khu du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) đang được triển khai. Cồn được phù sa lắng tụ, bồi đắp, thành dãy cù lao hình bầu dục, giống như trái cà na. Đất xứ cồn, từ xưa đã nổi tiếng với trái sapô, xoài, sầu riêng, bưởi, chôm chôm, cam, quít...

Trước đây, du khách có thể đến cồn Mỹ Phước bằng đường bộ hoặc đường thủy xuôi dòng sông Hậu, về phía hạ lưu. Còn bây giờ, Quốc lộ Nam Sông Hậu mở thêm tuyến cho du khách về cồn bằng ô tô hoặc xe gắn máy. Từ nhiều hướng, du khách đều có thể men theo đường Nam Sông Hậu để đến cồn Mỹ Phước.

Giữa mênh mông sông nước, cồn Mỹ Phước xuất hiện với dãy cù lao xanh ngát, ngút ngàn cây trái, cứ nối tiếp nhau trải dài xa tít. Các nhà vườn tham gia làm du lịch thiết kế cảnh quan vườn đặc trưng miền Nam bộ, các chòi nghỉ chân, nơi mua sắm trái cây đặc sản, nơi nghỉ ngơi thưởng thức trái cây đặc sản, nơi du khách trực tiếp trồng các cây ăn trái hoặc tham gia chăm sóc và thu hoạch trái cây.

Vàm sông Đại Ngãi trước kia, vào thời Nguyễn Ánh còn được gọi là Vàm Tấn để trấn giữ cho ông trong quá trình bôn tẩu tránh quân Tây Sơn truy đuổi bên Cù Lao Dung. Bên kia cù lao còn đó các địa danh: Rạch Long ẩn (nơi vua ẩn náu), rạch Tràng tiền (nơi đặt xưởng đúc tiền để sử dụng) mà ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn nhặt được tiền xu.

Vàm sông Đại Ngãi còn ghi lại dấu ấn của đoàn tàu rước các nhà yêu nước cách mạng từ nhà tù Côn Đảo trở về vào lúc Cách mạng Tháng Tám thành công, trong đó có rất nhiều lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta mà tiêu biểu là Chủ tịch Tôn Đức Thắng người trực tiếp lái tàu về đây neo đậu. Đại Ngãi vốn đã trù phú, nay có thêm Quốc lộ 60 và Quốc lộ Nam Sông Hậu sẽ còn phát triển hơn nữa, trở thành thị tứ đầu mối của miền Tây về các mặt hàng nông sản tỏa đi các nơi như Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau hay qua tận Campuchia.

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Không xa đó lắm, Trung tâm Điện lực Long Phú đang được xây dựng như tiếp sức hơn cho xứ sở phồn thịnh này vươn lên bằng chiếc cầu Đại Ngãi được quy hoạch xây dựng ngạo nghễ giữa trời mây.

Chú Sáu Kiên đã ngoài thất thập cổ lai hy, đi bộ tập dưỡng sinh giữa cầu hít thở khí hậu trong lành, thấy tôi hết ngạc nhiên quan sát bên này, nhìn bên kia, ông lại gần làm quen nhưng không dấu vẻ tự hào: “Vùng quê này đã đổi thay nhiều lắm. Hồi trước, muốn qua được con sông này là cả vấn đề, kể cả sau này cũng phải lụy đò, còn bây giờ cứ… vô tư, muốn chạy bộ cũng được, làm biếng thì phóng xe cái vèo là qua liền, nhanh lắm”.

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Cầu Mỹ Thanh 2

Rồi ông kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về cuộc “đổi đời” của người dân nơi đây. Khu chợ được nâng cấp khang trang, trường học mới cất không lâu, trạm xá cũng đầu tư đạt chuẩn quy định...

Hầu hết những con rạch mà tuyến đường Nam Sông Hậu đi qua có chiều ngang rất rộng, vì thế những chiếc cầu bắc qua được người dân trìu mến gọi là “những chiếc cầu lịch sử”. Bởi vì, từ bao đời nay, muốn qua lại những con rạch, con sông này chỉ độc nhất chiếc ghe xuồng qua lại.

Không ai ngờ, nay có thể “hiên ngang” chinh phục con sông trên những chiếc cầu kiên cố như thách đố với sóng gió. Một trong những chiếc cầu “lịch sử” ấy phải kể tới cầu phà Đại Ngãi nối liền Quốc lộ 60 từ Sóc Trăng qua Trà Vinh rồi Bến Tre đến Mỹ Tho (Tiền Giang) mà thằng bạn thân vừa nhắc tới. Khi hoàn chỉnh, Quốc lộ này rút ngắn đoạn đường khoảng 80 cây số, lưu thông hàng hóa dễ dàng với trung tâm thương mại lớn của cả nước là thành phố mang tên Bác.

Vùng đất đầy tiềm năng Long Phú, Trần Đề sẽ chắp cánh vươn xa ra biển Đông và chiếc cầu Mỹ Thanh 2 sẽ là cầu nối giữa 2 vùng nuôi tôm sú trù phú để xuôi về hướng Bạc Liêu của “Dạ cổ hoài lang” và kết nối vào những huyết mạch giao thông khác của cả nước. Cánh đồng năn ngày nào đầy năn, lát nay đã là những vuông tôm với công nghệ nuôi hiện đại.

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

Quốc lộ Nam Sông Hậu kết nối cầu Mỹ Thanh 2 với Khu du lịch Hồ Bể của thị xã Vĩnh Châu có bãi cát mịn thoải dài. Vùng đất này, trước đây cách biệt với dân cư, ít người lui tới, chỉ có cư dân vùng biển khai thác nghề gắn bó mưu sinh. Đứng giữa cầu Mỹ Thanh 2 có thể phóng tầm mắt nhìn về cửa biển, tận hưởng cảnh quan thiên nhiên, ngắm dòng Mỹ Thanh chảy vào làng mạc mang phù sa đỏ ngầu, bồi đắp các cánh đồng.

Nếu đứng ở xóm lưới Mỏ Ó, nhìn sang khu vực Xâm Pha vẫn thấy một ngôi cổ miếu (tương truyền là miếu thờ công chúa Mỹ Thanh, theo vua Gia Long, khi mất được chôn tại đây) và một xóm lưới khá sung túc với nghề đóng đáy, đi ghe cào, đẩy xiệp. Ở khu vực các giồng phía trong, tập trung đông đảo người Khmer, Hoa rất giỏi về nghề làm rẫy với sản phẩm chủ lực là hành tím, các loại hoa màu.

Khu du lịch Hồ Bể là vũng nhỏ thụt vào phía trong đất liền, nằm gần cửa Mỹ Thanh. Vũng này được tạo thành chủ yếu nhờ cát bồi và những đụn cát này thường thay đổi theo mùa gió và sóng biển. Vào mùa nồm Nam, những vành đai cát vươn ra phía biển và có xu hướng đóng lại khi càng ra phía ngoài. Điều này được giải thích là do nguồn nước từ sông Hậu, đổ xuống mang theo phù sa bồi đắp và sóng biển chạy dọc từ hướng bãi Trà Sết lên tạo thành.

Đến mùa chướng (khoảng cuối tháng 9 - đầu tháng 10 Âm lịch), sóng lớn đập vào chủ yếu là từ hướng Bắc xuống, cộng với nước triều cường lại lấy đi (đập bể, làm vỡ ra) những vành hồ bên ngoài vừa được tạo lập trước đó trong mùa nồm Nam. Mặt vũng lại mở rộng như trước. Có lẽ, đây chính là điều làm nên địa danh “Hồ Bể”.

Một truyền thuyết khác, khi đoàn tùy tùng của vua Gia Long trú ngụ nơi này, quân lính đào một cái hồ để công chú Mỹ Thanh tắm, một cái hồ để quân lính sử dụng. Nhưng khi nước thủy triều lên, sóng lớn đã vỗ bể bờ bao nên được gọi là hồ bể; còn cái hồ kia do cát tràn vào nhiều nên được gọi là hồ lạng. Hiện nay, bãi biển Hồ Bể vẫn còn rất hoang sơ. Vào những ngày xuân rộn ràng hay những ngày hè oi bức, nam thanh nữ tú từ các nơi, chọn nơi này tắm biển hoặc làm điểm dã ngoại...

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông HậuPhát triển điện gió.

Xa xa về phía Nam của cung đường Nam sông Hậu là những cánh đồng điện gió đã và đang hình thành trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu và TP Bạc Liêu tạo nên nguồn năng lương sạch cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, góp phần phục vụ và cung cấp nguồn điện sản xuất, sinh hoạt và cả xuất khẩu trong tương lai.

Hàng bao thế kỷ qua, những vùng đất đầy tiềm năng gắn với nhiều huyền thoại trên cung đường Nam sông Hậu như một con rồng ngủ quên lâu ngày, bỗng trở mình, vươn ra biển lớn làm nên một cuộc đổi đời ngoạn mục mà bao thế hệ người dân nơi đây đã từng mơ ước, kể cả những niềm tin phấn khởi vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và sự quyết tâm đổi mới của quê hương, xứ sở huyền bí này.

Những tiềm năng phát triển trên cung đường Nam sông Hậu

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Ảnh: T.L - L.P - P.V

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Xem phiên bản di động