e magazine
27/09/2022 09:35
Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

27/09/2022 09:35

Trên cung đường Nam Sông Hậu (đi qua địa phận TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu) đầy huyền thoại, có một cây cầu lớn nhất trên cung đường bắc qua một dòng sông cùng mang tên nàng công chúa Mỹ Thanh (thuộc địa bàn tỉnh Sóc Trăng) là con gái của chúa Nguyễn Ánh trong những ngày bôn tẩu và sau này chính là vua Gia Long của triều Nguyễn.
Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

Trên cung đường Nam Sông Hậu (đi qua địa phận TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu) đầy huyền thoại, có một cây cầu lớn nhất trên cung đường bắc qua một dòng sông cùng mang tên nàng công chúa Mỹ Thanh (thuộc địa bàn tỉnh Sóc Trăng) là con gái của chúa Nguyễn Ánh trong những ngày bôn tẩu và sau này chính là vua Gia Long của triều Nguyễn.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

Tương truyền, công chúa Mỹ Thanh bị bệnh mất, được an táng bên bờ sông, ngay cửa biển nên người dân địa phương đã lấy tên nàng đặt cho dòng sông và cửa biển ấy: Sông Mỹ Thanh và cửa biển Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông.

Sau này khi bắc cây cầu mới nối liền huyện Trần Đề với thị xã Vĩnh Châu trên cung đường Nam Sông Hậu, chính quyền địa phương cũng đặt tên là cầu Mỹ Thanh 2, vì cầu Mỹ Thanh 1 được xây dựng trước đó nằm phía trong đất liền cũng bắc qua sông Mỹ Thanh.

Không xa cầu Mỹ Thanh 2 và ngôi miếu thờ công chúa Mỹ Thanh là khu du lịch Hồ Bể, tên gọi này cũng gắn liền với những huyền thoại về nàng công chúa trong những ngày cùng chúa Nguyễn Ánh tá túc vùng đất này.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

Ngôi mộ của công chúa Mỹ Thanh từ phía trước.

Theo các huyền sử về chúa Nguyễn Ánh kể rằng, trên đường bôn tẩu khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, chúa Nguyễn Ánh chạy dọc theo tuyến biển qua miệt Ba Thắc, ra Côn Đảo, xuống tận Cà Mau rồi đến các hòn, các đảo của biển Tây Nam tới tận Hà Tiên, Phú Quốc... đã có lần ghé lại ở vùng đất này và đóng quân ở khu vực Cồn Nóc, Xâm Pha (thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu hiện nay). Ngày trước, ở đây còn di tích một nền đồn lũy bằng đất nằm chắn giữ cửa biển, có giếng nước ngọt để sinh hoạt và có cả Hồ Bể để tắm gần đó.

Vào những năm 90 của thế kỷ XX, một người dân nơi đây trong khi đào giếng lấy nước tưới rẫy trồng hành, trồng dây thuốc cá đã lượm được cả một “vương miện” mà họ cho rằng là của công chúa Mỹ Thanh. Khi quân Tây Sơn truy đuổi đến đây, chúa Nguyễn Ánh buộc lòng phải tiếp tục bôn tẩu, ngôi mộ của công chúa Mỹ Thanh được giao cho những người có uy tín tại địa phương coi sóc quanh năm hương khói.

Cám cảnh vị công chúa yểu mệnh trên con đường tẩu quốc cùng cha, người dân địa phương đã thành kính lấy tên của công chúa đặt tên cho cửa sông đổ ra Biển Đông và khúc sông Cổ Cò đoạn chảy qua đây để ra biển, đó là sông Mỹ Thanh và cửa biển Mỹ Thanh.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

Ngôi mộ nằm trơ trọi trên mãnh đất nhỏ ở địa bàn xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu), khi qua cầu Mỹ Thanh 2 chừng khoảng 1 cây số.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúaNgày nay, nếu đứng ở xóm lưới Mỏ Ó, phía bên huyện Trần Đề hay đứng trên cầu Mỹ Thanh 2 nhìn sang khu vực Xâm Pha vẫn thấy một ngôi cổ miếu (tương truyền là miếu thờ công chúa Mỹ Thanh - người dân địa phương còn gọi là miếu Hoàng Cô) và một xóm lưới khá sung túc với nghề đóng đáy, đi ghe cào, đi xiệp ven biển.

Ở khu vực giồng cát phía trong, từ lâu tập trung đông đảo người Hoa rất giỏi về nghề làm rẫy với sản phẩm chủ lực là hành tím, các loại hoa màu cung cấp cho thị xã Vĩnh Châu, thành phố Sóc Trăng và các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ..., cũng là nơi nổi tiếng xuất khẩu với sản phẩm hành, tỏi phi cho các nước Đông Nam Á.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúaCầu Mỹ Thanh nhìn ra cửa biển.

Gần cửa biển Mỹ Thanh và ngôi cổ miếu Hoàng Cô là khu du lịch Hồ Bể mới được khai thác không lâu. Đó thực ra là một vũng (hồ) nhỏ lùi vào phía trong đất liền nằm gần cửa Mỹ Thanh. Vũng này được tạo thành chủ yếu là cát vàng bồi và những đụn cát cứ thay đổi thường xuyên theo mùa gió và sóng biển. Vào mùa gió nồm Nam bị che khuất bởi cánh rừng nguyên sinh, những đụn cát trên bờ, những vành đai cát vươn ra phía biển và có xu hướng đóng lại khi càng ra phía ngoài.

Điều này được giải thích là do nguồn nước từ sông Hậu đổ xuống mang theo phù sa bồi đắp và sóng biển chạy dọc từ hướng bãi biển Trà Sết lên tạo thành. Đến mùa gió chướng, lúc này sóng biển lớn đập trực tiếp vào bờ, chủ yếu là từ hướng Bắc, Đông Bắc xuống, cộng với nước triều cường dâng lên nhanh, lại lấy đi (đập bể, làm vỡ ra) những vành hồ bên ngoài vừa được tạo lập trước đó trong mùa nồm Nam, mặt vũng lại mở rộng như trước; thế là cái hồ vừa tạo thành không lâu lại bị bể đi. Có lẽ đây chính là điều đã làm nên địa danh “Hồ Bể”.

Cách Hồ Bể không xa, phía ngoài biển còn có một cồn cát nhỏ, khi thủy triều rút xuống, lộ ra bãi cát vàng trong veo, người dân địa phương thường gọi là cồn Tiên. Tương truyền, trong những đêm trăng thanh, gió mát, các nàng tiên nữ hay xuống tắm, ca hát, vui đùa trên cồn này. Khi nước thủy triều dâng, cồn Tiên “biến mất” cùng sóng biển.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúaCảng cá Trần Đề tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Trước đây, khi đi công tác ở vùng này, tôi đã mấy lần ra cồn Tiên để "tắm tiên", bắt cá cùng vài người dân địa phương. Khi nước biển nổi bọt, đây là kinh nghiệm của người dân miệt biển, phải “ba chân bốn cẳng” chạy vào bờ, nếu chậm chân sẽ không vào bờ được, thậm chí có thể bị sóng cuốn ra xa, bị nhấn chìm...

Ngay khi cơn bão số 5 lịch sử tháng 11 năm 1997 đổ bộ vào, tôi cũng có mặt trên vùng đất này và tận mắt chứng kiến nó “hoành hành”, cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngư dân. Cũng may, nhờ có khu rừng nguyên sinh và đê biển chắn sóng nên nó không tràn sâu vào bờ như các nơi khác nhưng cũng phải mất đến 5 năm sau vùng đất này mới rửa hết mặn và hoa màu mới trở lại màu xanh vốn có.

Cồn Tiên và Hồ Bể bị sóng cuốn phăng tất cả, cả hàng dừa sừng sững ven biển vài chục tuổi cũng theo con sóng đầu tiên của bão số 5 cuốn trôi, nhấn chìm trước mắt chúng tôi. Đây là cơn bão lịch sử sau cơn bão năm Thìn đổ bộ vào Gò Công hồi đầu thế kỷ XX mà người dân Nam bộ còn hay nhắc đến "năm Thìn bão lụt Gò Công"...

Trong những năm trước đây, khi muốn ra được Hồ Bể phải vượt qua những “nổng cát” lớn mới ra được bãi biển. Phía trong những giồng cát ở khu vực này, người Hoa, người Khmer trồng cây thuốc cá là chủ yếu.

Dọc theo cung đường Nam Sông Hậu hay con đường nhỏ ra Hồ Bể, chúng tôi vẫn còn thấy thấp thoáng những đám dây thuốc cá với màu lá xanh um.

Chú Lý Phết - một lão nông tri điền người Khmer cố cựu nơi này cho biết: “Vài năm trước đây, nhu cầu sử dụng rễ dây thuốc cá rất cao nên lợi nhuận khá hấp dẫn so với các loại hoa màu khác. Nhất là những lúc nghịch mùa, khan hiếm, giá có lúc tăng lên cao, tiền lời sẽ gấp đôi”.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

Những tiềm năng phát triển kinh tế trên cung đường Nam Sông Hậu.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúaBên này cầu Mỹ Thanh 2 là vùng đất "cánh đồng năn" nổi tiếng của huyện Long Phú trước kia, bây giờ là huyện Trần Đề. Nơi đây, ngày trước chỉ toàn cỏ năn, cỏ lát mọc tới đầu người, không canh tác được gì. Có chăng, người dân chỉ ra để móc củ lát, củ năn về ăn, dư chút thì bàn để kiếm thêm thu nhập.

Sau này, chính quyền cải tạo vùng cánh đồng năn thành vùng nuôi tôm sú khá nổi tiếng với những tỷ phú miệt đồng nhờ con tôm sú. Vì vậy, việc tiêu thụ dây thuốc cá có nhu cầu rất lớn. Đã xuất hiện không ít trang trại nuôi tôm sú chuyên nghiệp, hiện đại và khép kín được ra đời, làm nên ăn ra.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

Các hộ nông dân thu hoạch tôm.

Các hộ nuôi nhỏ lẻ mất dần vị thế, cạnh tranh không lại, bỏ dần ao vuông do hiệu quả kinh tế kém so với các trang trại hiện đại mới. Do đó, kể từ khi phong trào nuôi tôm sú đại trà giảm xuống và các loại thuốc công nghiệp dùng cho nuôi tôm xuất hiện ngày càng nhiều đã làm cho dây thuốc cá bị giảm giá. Tuy vậy, bà con vẫn tiếp tục trồng vì dây thuốc cá dễ chăm sóc, không bị sâu bệnh, vốn đầu tư ít nên người trồng rất an tâm.

Sóc Trăng có bờ biển dài trên 72 cây số trải qua các huyện: Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu.

Dọc theo đê biển vùng này là những cánh rừng bần, đước, mắm, chà là hình thành một vành đai phòng hộ ven biển cho những xóm làng bên trong mỗi khi có triều cường, bão hay biển động. Tuy nhiên, vì nằm trực diện hướng ra cửa biển Mỹ Thanh nên đến mùa gió chướng về, sóng biển từ cửa Mỹ Thanh đập trực diện vào đây nên đất lở hằng năm khá nhiều, có nhiều đoạn đê bị sạt lở phải gia cố thường xuyên.

Nhiều vị cao niên từng sinh sống tại vùng Xâm Pha đã giải thích về nguồn gốc tên gọi Xâm Pha: Đó là kiểu phát âm của từ chữ “Sóng phá” mà ra, Hồ Bể bị bể hằng năm cũng từ ý nghĩa như vậy. Âu cũng là một cách giải thích cho một địa danh ở địa phương, còn chính xác tên gọi như thế nào thì đành phải nhờ các nhà khoa học vào cuộc hay đành phải “hạ hồi phân giải” vậy.

Đứng trên cầu Mỹ Thanh 2 trong mùa gió chướng thổi về, từng luồng gió biển lành lạnh thổi lồng lộng như đánh bạt đi nhiệt độ oi nồng buổi trưa của thời tiết miền Tây "nắng cháy da người".

Có một dòng sông mang tên nàng công chúaChuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo.

Phóng tầm mắt hướng về cửa biển ánh màu xanh thẳm, chúng tôi cứ suýt xoa trước vẻ đẹp kỳ thú của biển trời bao la. Thỉnh thoảng bắt gặp chiếc tàu cao tốc từ cảng Trần Đề ra Côn Đảo chạy băng qua. Con sóng xé toạt mặt biển trắng xóa, lao về nơi từng được ví là "địa ngục giữa trần gian" với bao giai thoại về lòng quả cảm của những chiến sĩ trung kiên trong cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc oai hùng của lịch sử đất nước. Ôi, Việt Nam mến yêu, nơi đâu trên đất nước này cũng yêu kiều, diễm lệ và kiêu hùng.

Cầu Mỹ Thanh 2, một công trình trọng điểm và bề thế nhất trên cung đường Nam Sông Hậu cách cửa biển Mỹ Thanh không đầy 2 cây số, không những làm được chuyện nối liền đôi bờ của địa phận Vĩnh Châu với Trần Đề mà còn giúp cho khách bộ hành lặng ngắm những nét đẹp mộng mơ của biển trời Mỹ Thanh, của Biển Đông ngút ngàn sóng bạc đầu óng ánh dưới nắng vàng lấp lánh. Chiếc cầu này có quy mô lớn hơn cầu Mỹ Thanh 1, với chiều dài 611 mét, mặt cầu rộng 12 mét.

Từ đây, cung đường Nam Sông Hậu đi vào địa phận xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu và nối với Đường tỉnh 113 dọc bờ biển Vĩnh Châu về Bạc Liêu và hướng ngược lại đi qua địa phận Hậu Giang, TP. Cần Thơ nối liền Quốc lộ 91B, thẳng lên Long Xuyên, Châu Đốc qua nước bạn Campuchia... Anh bạn đồng nghiệp vốn khá rành rẽ về vùng đất này cho tôi biết chỗ nào là hướng của Hồ Bể, chổ nào là khu vực Xâm Pha, đâu là rừng chà là với món khoái khẩu của người dân nơi đây: Đuông chà là.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúaLực lượng biên phòng và dân quân tuần tra rừng phòng hộ ven biển.

Tôi còn nhớ như in kỷ niệm cái ngày được theo đoàn công tác của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thị sát tuyến đê biển Vĩnh Châu và đê sông Mỹ Thanh. Ông nói, về miệt này bỗng nhiên “thèm” được ăn con đuông chà là chiên nước mắm như hồi còn ở căn cứ. Mà đuông chà là ở lâm trường Mỹ Thanh mới ngon hơn các nơi khác.

Thế rồi trưa hôm đó tới bữa cơm, cũng dọn lên được khoảng chục con chiên nước mắm vàng rươm, béo nguậy; do lúc đó nghịch mùa nên tìm rất khó, không được nhiều con đuông. Mọi người chuẩn bị ăn tới món đặc sản “có một không hai” này, vị bác sĩ riêng nếm thử nhìn ông và lắc đầu.

Chúng tôi biết ông “tiếc hùi hụi” nhưng đành phải nghe lời bác sĩ. Thế là chúng tôi không chừa con nào trong dĩa, kể cả một tô nước mắm nhỉ có những con đuông chà là núc ních, đầy lông lá còn “ngọ ngoạy” trong đó dành riêng cho cánh nhà báo.

Người dân địa phương cho biết, ngày trước khi đám chà là còn được gọi là rừng nguyên sinh cùng với thảm thực vật phong phú khác nhau thì con đuông chà là cũng là “con” xóa đói - giảm nghèo của không ít hộ dân nơi đây. Tôi chợt thoáng nghĩ, cây chà là đầy gai góc, muốn chặt được một ngọn chà là có con đuông thật không dễ chút nào, tôi từng bị gai của nó đâm vào khi đi theo người dân chặt đọt chà là về lấy đuông, đau nhức đến thấy “chín ông trời xay bột”…

Hình ảnh đôi vợ chồng người nông dân Khmer lam lũ vác bó đọt cây chà là xuống chợ Vĩnh Châu để bán mà tôi vô tình gặp trên đường cát nổi mù mịt vài năm trước, không biết còn theo “nghiệp” ấy nữa không? Nếu có thì giờ đây chắc là anh chị “di chuyển” sẽ nhanh hơn trên con đường trải nhựa láng bóng, thông thoáng này, chứ không phải cuốc bộ khoảng 2 tiếng đồng hồ như trước.

Bây giờ, những đám rừng chà là đã bắt đầu biến mất dần, nhường chỗ cho những vuông tôm hiện đại cùng với bao dự án phát triển kinh tế khác như sánh đôi với cung đường Nam Sông Hậu thông thống và với cây cầu Mỹ Thanh bề thế, vững trải vắt ngang cửa biển rộng mênh mông.

Có lẽ mai này, con đuông chà là sẽ cùng chung với số phận của con cá cháy - một sản vật “kỳ trân vị thủy” có một không hai của cư dân vùng ven sông Hậu, chỉ còn trong ký ức mỗi khi nhắc đến.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

Những mô hình nuôi tôm và hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúaNgười dân bên đôi bờ Mỹ Thanh còn cho biết, những ngày cuối tuần hoặc lễ, Tết, có không ít người dân TP. Sóc Trăng, Mỹ Xuyên, Long Phú, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Long Xuyên... đổ về đây theo từng nhóm, mướn tàu đi câu cá ở cửa biển hay tắm biển Hồ Bể.

Khi chúng tôi đề cập chuyện tổ chức “du lịch câu cá”, anh Lâm Sơn - chủ một quán nước ở Khu du lịch Hồ Bể cho biết: “Bà con nơi đây cũng đã “tính” chuyện này lâu rồi. Nhưng một phần hạn chế đồng vốn, một phần chưa có kinh nghiệm làm chuyện này nên sợ bị lỗ. Nghe nói ở Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… thực hiện mô hình du lịch câu cá “ngon ăn” lắm, người ta “làm” được nhưng dân mình là dân “hai lúa”, sợ khó ăn".

Rời Mỹ Thanh, chúng tôi mon men tới Khu du lịch Hồ Bể - một địa danh mà vài năm nay trở thành nơi quen thuộc của người dân Sóc Trăng đến vui chơi, giải trí vào những ngày lễ, Tết, ngày cuối tuần, nhất là giới trẻ. Hồ Bể toạ lạc tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải cách chân cầu Mỹ Thanh 2 khoảng 2 cây số. Bãi biển Hồ Bể là sản phẩm độc đáo mà thiên nhiên đã “hào phóng” ban tặng cho bờ biển Vĩnh Châu.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúaBãi biển Hồ Bể thu hút đông du khách vào dịp cuối tuần.

Với bãi cát vàng khá sạch sẻ chạy dài trên 4 cây số, tuy còn khá hoang sơ nhưng ẩn chứa nét đẹp của một khu vui chơi vùng ven biển. Anh Thạch Tôn - chủ một quán nhậu bình dân trên con đường dẫn ra Hồ Bể cho biết: “Từ khi con đường Nam Sông Hậu hoàn thành thì những ngày cuối tuần người dân ở các nơi kéo về khá đông. Có người đến tắm, có người tổ chức nhậu nhẹt, ca hát, có người còn vác theo cần câu để câu cá ngát…”.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh Sơn nói thêm: Cá ngát ở bìa rừng giáp biển khá nhiều, cá không lớn lắm, chừng bắp tay thôi nhưng chắc thịt, nấu với trái bần thì say “quắc cần câu”. Rồi anh đột ngột hỏi chúng tôi: "Mấy anh có ăn cá thòi lòi nấu canh chua chưa, ngon “bá cháy bù chét”. Chúng tôi nhìn nhau như “hội ý”. Lại thêm một món lạ, cá thòi lòi kho tiêu hay nướng muối ớt thì ăn đã nhiều nhưng với món canh chua thì chưa. Anh chủ quán xăng xái bóc điện thoại alô liền: "Có thòi lòi tươi không mậy? Đem lại tao một mớ đi, đủ nấu canh chua, kho tiêu cho 3 đến 4 người ăn thôi. Chừng hơn một ký được rồi".

Anh quay qua tôi giải thích: Thằng cháu nó là “chuyên gia” câu thòi lòi, mối của quán tôi đó, mấy anh yên tâm giá cả “bình dân” thôi. Trong khi chờ đợi, chúng tôi rảo một vòng ra Hồ Bể vừa để ngắm cảnh thiên nhiên vừa cảm nhận thêm sinh khí tuy mới manh nha nhưng sẽ sớm hứa hẹn nơi đây sẽ là khu vui chơi không kém phần hấp dẫn

Buổi trưa trời khá nóng bức nhưng dưới mái nhà lợp bằng lá dừa nước đã làm dịu đi không khí oi nồng. Chúng tôi quây quần bên nồi canh chua với nào là cá ngát, thòi lòi - mà cá nhiều hơn rau, chủ yếu là bắp chuối, đang bốc lên mùi thơm lừng lựng, nức cả mũi. Canh chua cá thòi lòi cũng hấp dẫn không kém bất kỳ loài cá nào.

Gắp một miếng thịt cá thòi lòi chắc nịch từ tô canh chua bốc khói, chấm vô chén muối dầm ớt hiểm mà “mồ hôi lưỡi” đã đổ lúc nào không hay. Thử một miếng đầu cùng với hớp rượu đế, chúng tôi gật gù: Quá bắt, món này nhâm nhi hoài không biết ngán! Và càng ngạc nhiên hơn: một bữa cơm - rượu “hoành tráng” như vậy mà vị chi chỉ có hơn sáu mươi ngàn đồng. Anh chủ quán, cười bình dị: Quán nhà quê bình dân mà!

Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

Cảnh quan Khu du lịch Hồ Bể tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

Có một dòng sông mang tên nàng công chúa

Vậy đó, vùng đất mới Mỹ Thanh - tạm gọi như thế, đã hội tụ đủ các yếu tố cho cuộc làm ăn kinh tế mới, một nền “công nghiệp không khói” với thiên thời - địa lợi - nhân hoà.

Xa xa về cuối cung đường Nam Sông Hậu là vùng làm nghề muối truyền thống nổi tiếng từ xưa; gần đó là khu vực điện gió của Vĩnh Châu đang được xây dựng cùng với điện gió Bạc Liêu làm nên khu vực năng lượng sạch không nhỏ, hòa cùng lưới điện quốc gia thắp sáng cho tương lai.

Gió chiều lành lạnh thổi thốc vào người trên bãi biển Hồ Bể hoang sơ nhưng trong lòng tôi cảm thấy như có luồng không khí ấm áp của làn gió Xuân đang len lén thổi về.

Hy vọng trong nay mai, Mỹ Thanh - một vùng đất đầy huyền thoại gắn với tên nàng công chúa yểu mệnh như một con rồng ngủ quên lâu ngày, bỗng trở mình, vươn ra biển lớn làm nên một cuộc đổi đời ngoạn mục mà bao thế hệ người dân nơi đây đã từng mơ ước.

Có một dòng sông mang tên nàng công chúaTừ cánh đồng ngày nào giờ là khu nuôi tôm chuyên nghiệp.

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Ảnh: L.P - T.L

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Xem phiên bản di động