Sức khỏe nghề nghiệp của lực lượng phòng cháy, chữa cháy
Sức khỏe - 17/01/2022 10:17 TS. BS. Nguyễn Thu Hà - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế
Đào tạo thường xuyên, sử dụng lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ ở các khu công nghiệp là quan trọng. Trong ảnh: Thực tập chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tại Công ty Olympic Pro Việt Nam (Bình Dương). |
1. Yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp ở lực lượng PCCC
Lực lượng PCCC có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC, khám nghiệm hiện trường; điều tra, xử lý các vụ cháy, nổ xảy ra... Họ luôn ứng trực 24/24 sẵn sàng khi có vụ việc xảy ra bất cứ thời gian nào.
Khi tham gia xử lý đám cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH), họ phải tiếp xúc/phơi nhiễm với nhiều yếu tố có hại, yếu tố nguy hiểm làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Thành phần của đám khói (của các vụ cháy) phụ thuộc vào bản chất của vật liệu cháy cũng như điều kiện của quá trình cháy. Trong đó, những đám cháy ngoài trời có lượng oxy cung cấp đầy đủ, thành phần của khói chủ yếu là khí CO2, SO2, tro, nước, oxit nito.
Còn trong những đám cháy trong nhà và phòng kín, vì hàm lượng oxy cung cấp không đủ nên đám cháy không hoàn toàn làm sản sinh ra các loại khí độc như hydro cyanua (HCN), cacbon monoxit (CO), NH3. Ngoài ra một số đám cháy khác còn sản sinh ra khí HCN, photgen cực độc hại với cơ thể con người.
2. Sức khỏe nghề nghiệp (SKNN) của lực lượng PCCC
2.1. “Lính cứu hỏa” - nghề nguy hiểm
Xử lý những đám cháy, tìm phương án cứu người bị nạn là nhiệm vụ, đồng thời là thử thách liên quan trực tiếp tới tính mạng của những người làm công tác PCCC.
Nghiên cứu của Goris Nazari (2020) cho thấy, có 96,4% nhân viên cứu hỏa đã gặp các sự cố nghiêm trọng trong trong sự nghiệp chữa cháy của họ. 351 trường hợp (90%) là “sự cố liên quan đến một hoặc hai người chết" và 314 (81%) là sự cố liên quan đến đa chấn thương nghiêm trọng.
Kết quả ước tính tổng hợp trên 1.725 lính cứu hỏa ở 4 nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ ước tính chung về phơi nhiễm sự cố nghiêm trọng là 93,40%.
Lực lượng PCCC có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng chống cháy, nổ, khám nghiệm hiện trường; điều tra, xử lý các vụ cháy, nổ xảy ra... Trong ảnh: Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra hệ thống trang thiết bị PCCC tại Công ty Cổ phần Tiên Hưng. |
2.2. Một số ảnh hưởng tới SKNN của lực lượng PCCC
Bên cạnh những nguy hiểm trực tiếp từ xử lý đám cháy thì các ảnh hưởng lâu dài đối với lực lượng PCCC cũng rất đáng lo ngại do tiếp xúc với khí thải độc hại của lửa... Một số bệnh, triệu chứng mà lực lượng PCCC thường mắc phải là ung thư, rối loạn cơ xương, các bệnh về đường hô hấp, viêm da,…
Nguy cơ cao mắc bệnh ung thư
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư của nhân viên cứu hỏa cao hơn hẳn những người làm các công việc khác.
Một nghiên cứu của Viện Quốc gia về Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Hoa Kỳ (the National Institute for Occupational Safety and Health - NIOSH) đã khẳng định mối liên quan giữa công việc chữa cháy và bệnh ung thư. Khảo sát trên 20.000 nhân viên cứu hỏa ở 3 thành phố lớn ở Hoa Kỳ trong 60 năm qua dựa theo thời gian phục vụ công tác chữa cháy cho kết quả: có 1.300 người đã chết vì ung thư và 2.600 trường hợp bị bệnh liên quan đến ung thư.
Nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Cincinnati (Mỹ) về tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở 110.000 nhân viên cứu hỏa ở Mỹ và châu Âu, nhóm nghiên cứu nhận thấy khả năng mắc ung thư tinh hoàn ở lính cứu hỏa cao hơn những người làm nghề khác tới 100%, còn nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 28%.
Ngoài ra, nguy cơ bị bệnh máu trắng và u tủy ở lính cứu hỏa cũng cao hơn người bình thường tới 50%. Các chuyên gia cho rằng lính cứu hỏa thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều hóa chất có khả năng gây ung thư, chẳng hạn như benzene, chloroform, xút, styrene và formaldehyde. Những loại hóa chất này có thể thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc da mỗi khi họ thực hiện nhiệm vụ chữa cháy.
Thêm vào đó, những thiết bị bảo hộ cho lính cứu hỏa thường cồng kềnh, nặng và gây cảm giác vướng víu khi mặc, vì thế ngay khi dập xong đám cháy, lính cứu hỏa thường cởi bỏ chúng ngay lập tức mà không biết rằng xung quanh hiện trường vẫn còn nhiều hóa chất, rất dễ bám trực tiếp vào cơ thể người.
Một đánh giá có hệ thống của Hamed Jalilian và cộng sự (2019) bao gồm 50 bài báo đánh giá và 48 bài báo phân tích nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa nghề nghiệp cứu hỏa và tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư nhận thấy nguy cơ ung thư tăng đáng kể ở những người lính cứu hỏa: ung thư ruột kết (gấp 1,14), ung thư trực tràng (gấp 1,09), ung thư tuyến tiền liệt (gấp 1,15), ung thư tinh hoàn (gấp 1,34), ung thư bàng quang (gấp 1,12), ung thư tuyến giáp (gấp 1,22), ung thư màng phổi (gấp 1,60). Ước tính tỷ lệ tử vong ở những lính cứu hỏa là 1,36 (từ 1,18 đến 1,57) và 1,42 (từ 1,05 đến 1,90) đối với ung thư trực tràng và ung thư hạch không Hodgki.
Xử lý những đám cháy, tìm phương án cứu người bị nạn là nhiệm vụ, đồng thời là thử thách liên quan trực tiếp tới tính mạng của những người làm công tác PCCC. Trong ảnh: Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an tỉnh Thanh Hóa thăm hỏi, động viên chiến sĩ bị thương trong lúc cứu người. |
Nghiên cứu của Guanlan Zhao (2020) tính toán từ một nghiên cứu dọc được thực hiện từ năm 2001 đến năm 2011 với tổng số 9,5 triệu nam giới từ 20-64 tuổi đang làm việc ở các lực lượng PCCC chỉ ra tiếp xúc với chất gây ung thư kết hợp với việc không sử dụng thiết bị bảo vệ hô hấp phù hợp khi chữa cháy có thể là nguyên nhân dẫn đến tử vong do ung thư thanh quản và hạ họng ở lính cứu hỏa.
Nguy cơ cao rối loạn cơ xương
Rối loạn cơ xương cũng là một trong những vấn đề phổ biến ở lực lượng PCCC.
Nghiên cứu của Felipe Ras cho thấy hầu hết lính cứu hỏa có các biểu hiện của rối loạn cơ xương (89%); đau thắt lưng là vùng cơ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nghiên cứu từ thống kê lao động ở California chứng minh rằng lính cứu hỏa phải đối mặt với nguy cơ cao rối loạn cơ xương, đặc biệt ở những người từ 55 tuổi trở lên.
Theo đó, lính cứu hỏa có khả năng bị chấn thương tại nơi làm việc gấp 3,5 lần và có khả năng bị rối loạn cơ xương liên quan đến công việc cao gấp 3,8 lần so với NLĐ thuộc khu vực tư nhân. Lính cứu cũng hỏa mất gấp đôi thời gian để trở lại làm việc do rối loạn cơ xương so với NLĐ thuộc khu vực tư nhân. Số ngày nghỉ làm việc trung bình của lính cứu hỏa sau rối loạn cơ xương cao hơn 1,8 lần đối với bất kỳ thương tích nào khác; trong khi tỷ lệ này chỉ là 1,25 ở NLĐ thuộc khu vực tư nhân.
Cả tần suất và mức độ nghiêm trọng của rối loạn cơ xương đều có tỷ lệ cao hơn lính cứu hỏa lớn tuổi so với lính cứu hỏa trẻ tuổi hơn. Lính cứu hỏa lớn tuổi cũng có khả năng bị rối loạn cơ xương cao hơn 10,4 lần so với những người làm việc ở khu vực tư nhân và họ mất nhiều hơn bốn lần để trở lại làm việc.
Các ảnh hưởng khác
Căng thẳng nghề nghiệp ở lực lượng PCCC cũng là vấn đề sức khỏe đáng quan tâm, đặc biệt ở những người đã trải qua những tình huống nguy hiểm nghiêm trọng khi thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng PCCC thường dễ dàng mắc các bệnh viêm nhiễm như viêm viêm da, viêm đường hô hấp,… có thể do tính chất công việc và sự tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất khác nhau khi thực hiện nhiệm vụ.
Các nghiên cứu giám sát sinh học trong 5 năm qua đã góp phần đáng kể vào việc xác định đặc điểm của các tác động sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp của lực lượng PCCC: các dấu hiệu sinh học đặc trưng nhất của hiệu ứng (stress oxy hóa, tổn thương DNA và protein, hormone căng thẳng, viêm và tổn thương mạch máu, phổi và gan)…
Có mối liên quan giữa việc tiếp xúc với khí thải và/hoặc nhiệt và sự thay đổi đáng kể giá trị của các dấu ấn sinh học của tình trạng viêm (phân tử kết dính hòa tan, yếu tố hoại tử khối u, interleukin và số lượng bạch cầu), tổn thương mạch máu và tổn thương mô (pentraxin-3, nội mô mạch máu yếu tố tăng trưởng và troponin tim T) trong lực lượng PCCC.
Căng thẳng nghề nghiệp ở lực lượng PCCC cũng là vấn đề sức khỏe đáng quan tâm, đặc biệt ở những người đã trải qua những tình huống nguy hiểm nghiêm trọng khi thực hiện nhiệm vụ. Trong ảnh: Phút nghỉ ngơi của lực lượng PCCC ở vụ cháy chung cư Carina Plaza (TP. Hồ Chí Minh). |
3. Dự phòng cháy, nổ tại các KCN
Nguy cơ cháy, nổ tại các KCN là rất cao. Khi xảy ra đám cháy thường lan rất nhanh (đặc biệt ở những KCN có vật liệu sản xuất dễ bắt lửa), ngọn lửa bùng phát mạnh và gây thiệt hại nhiều về người cũng như tài sản; bởi vậy việc dự phòng cháy, nổ tại các KCN là rất quan trọng.
Nhìn chung, các KCN, KCX đã cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật về PCCC; tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, thiếu sót. Hầu hết các KCN chưa xây dựng phương án PCCC cho toàn khu, chưa thành lập được đội PCCC chuyên ngành theo quy định; lực lượng kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định về PCCC chưa thường xuyên; khoảng cách an toàn PCCC giữa các cơ sở, cũng như giao thông, nguồn nước thường không bảo đảm…
Vì vậy đào tạo thường xuyên, sử dụng lực lượng PCCC tại chỗ ở các KCN là vô cùng quan trọng. Các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo chăm sóc sức khỏe đầy đủ và phù hợp cho lực lượng PCCC là thiết thực trong đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy - Chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH), chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 1.723 vụ cháy làm chết 72 người, bị thương 104 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính 332,91 tỷ đồng và 3,588,56 ha rừng; xảy ra 18 vụ nổ, làm 10 người chết và 10 người bị thương. |
An toàn phòng chống cháy, nổ để đảm bảo sản xuất Xác định rõ bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống cháy, nổ (PCCN) là nhiệm vụ tiên quyết để phát triển, thời gian ... |
Kiểm soát rủi ro cháy, nổ tại các khu công nghiệp trong giai đoạn hồi phục sản xuất Những vụ tai nạn tại nơi làm việc do cháy, nổ thường để lại nhiều hậu quả ở các mức độ khác nhau, trong đó ... |
Xử phạt vi phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy Công ty tôi có trang bị về nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, ... |
Tin cùng chuyên mục
Sức khỏe - 04/08/2024 07:10
Vì sao nuôi con bằng sữa mẹ vẫn là lựa chọn tốt nhất?
Trong bối cảnh thị trường sữa công thức ngày càng mở rộng với những quảng cáo đầy hấp dẫn, nhiều bà mẹ đang đối mặt với sự hoài nghi về lợi ích của sữa mẹ. Tuy nhiên, hàng triệu nghiên cứu và khuyến nghị từ các tổ chức y tế quốc tế vẫn khẳng định sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh.
Sức khỏe - 14/06/2024 16:20
Hiến máu như thắp ngọn đèn trong lòng, mang ấm áp cho cả người cho và người nhận
14/6 là Ngày Quốc tế Người hiến máu. Ngày này giống như một lễ hội của tình nhân ái, nơi những người hùng thầm lặng – những người hiến máu tình nguyện – được tôn vinh và tri ân.
Kinh tế - Xã hội - 03/06/2024 10:32
Ngày Xe đạp Thế giới 3-6: Đạp xe vì bản thân chúng ta và Trái đất
Hãy tưởng tượng một ngày mà tất cả các con đường quanh nơi bạn sống không còn bóng ô tô, xe máy, tất cả thay bằng những chiếc xe đạp đủ màu sắc.
Sức khỏe - 23/05/2024 19:47
Pearl Global Việt Nam và "Bữa cơm Công đoàn - Cảm ơn người lao động"
Hôm nay (23/5/2024), gần 1.300 công nhân lao động của Công ty Pearl Global Việt Nam đã được cùng lãnh đạo nhà máy, cán bộ công đoàn thưởng thức "Bữa cơm Công đoàn" an toàn, đầm ấm trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024.
Người lao động - 27/03/2024 14:50
Công đoàn giám sát chất lượng bữa ăn ca cho người lao động
Tại Công ty SCAVI Huế, công đoàn và chuyên môn cùng giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm, đảm bảo bữa ăn ca an toàn, bổ dưỡng.
Sức khỏe - 26/02/2024 15:29
Dấn thân vì người bệnh
Kíp bác sỹ đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vượt 15 hải lý trong điều kiện thời tiết rất xấu ra đảo Cồn Cỏ để thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu người bệnh viêm ruột thừa vào ngày 13/1/2021 gồm TS.BS Phan Khánh Việt, bác sỹ gây mê Trần Thanh Hoài và Nguyễn Chí Thanh.
- Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
- Mang những phúc lợi thiết thực cho đoàn viên, người lao động
- Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
- Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
- Cơ hội hiếm có từ dự án Top 1 khu Đông TP HCM khi căn hộ dưới 3 tỷ đồng dần biến mất